Bảo tàng Công an nhân dân bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Bảo tàng Công an nhân dân (CAND) là nơi lưu giữ và bảo quản các hiện vật về lịch sử truyền thống chiến đấu, xây dựng và phát triển của CAND Việt Nam, trong đó riêng hệ thống trưng bày bảo tàng đã giới thiệu gần 2.000 hiện vật đến với công chúng trong nước và quốc tế. Nơi đây khắc họa hình ảnh người chiến sĩ công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Bảo tàng CAND được thành lập ngày 1-12-1995, theo Quyết định số 1463-QĐ/BNV trên cơ sở tách phòng Bảo tàng từ Cục Công tác chính trị thành Bảo tàng CAND trực thuộc Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND và quyết định xây dựng Bảo tàng CAND tại số 1 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện nay, Bảo tàng CAND trực thuộc Cục Công tác đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an. Bảo tàng CAND khánh thành và mở cửa phục vụ công chúng trong nước và quốc tế đến tham quan vào năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập lực lượng CAND (19-8-1945 - 19-8-2000). Từ khi đi vào hoạt động, bảo tàng liên tục được tăng cường cơ sở vật chất, củng cố tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một bảo tàng chuyên ngành, từng bước hòa nhập với hệ thống bảo tàng cả nước.

Hiện nay, Bảo tàng CAND được Bộ Công an giao quản lý và sử dụng trên 3.000m2, có hệ thống kho bảo quản hiện vật tương đối hoàn chỉnh với gần 20.000 tài liệu hiện vật, 19 sưu tập hiện vật, trong đó có 9 sưu tập quý hiếm. Các hoạt động của bảo tàng được triển khai đồng bộ trên tất cả các khâu nghiệp vụ đó là: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, trong những năm qua, tất cả các khâu công tác tại Bảo tàng CAND đều được quan tâm và đầu tư. Cụ thể như với công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, trước mỗi đợt sưu tầm đều phải nghiên cứu những thông tin, tư liệu cần thiết có liên quan đến chủ đề, sự kiện, vụ việc cần sưu tầm, kết hợp với nghiên cứu rà soát hiện vật có trong kho cơ sở và trên hệ thống trưng bày để dự kiến hiện vật cần sưu tầm. Từ cuối năm 2011, Bảo tàng CAND đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát và xây dựng Đề án Cuộc vận động “Sưu tầm và Tuyền truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân”. Kết quả từ năm 2012 đến 2016, bảo tàng đã sưu tầm được 5.100 tư liệu, hiện vật có giá trị, ý nghĩa phục vụ kịp thời và làm trưng bày tại Bảo tàng CAND.

Công tác kiểm kê, bảo quản từng bước được chuyên môn hóa, đăng ký kiểm kê bước đầu từ khâu xuất, nhập hiện vật, đến việc viết phiếu thông tin hiện vật được thực hiện bài bản. Đến nay, hoạt động kiểm kê về cơ bản đã hoàn thiện hồ sơ hiện vật để hiện vật nhập kho và tổ chức sắp xếp, kiểm tra định kỳ và bảo quản cho gần 2 vạn đơn vị hiện vật trong kho cơ sở và trên hệ thống trưng bày, đảm bảo an toàn, hạn chế tới mức thấp nhất những hư hại do thời tiết, khí hậu và côn trùng xâm hại. Toàn bộ công tác kiểm kê hiện vật của Bảo tàng CAND đã được kiện toàn căn bản, tất cả các loại sổ đăng ký hiện vật đã được nhập vào máy vi tính để phục vụ quản lý, khai thác, do vậy công tác tìm kiếm, tra cứu thông tin về hiện vật được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.

Công tác trưng bày cũng được lãnh đạo Bảo tàng CAND chú trọng, hệ thống trưng bày thường xuyên được củng cố và bổ sung nhiều hiện vật mới, chỉnh sửa hàng trăm chú thích, đóng mới và hiện đại hàng chục bục bệ trưng bày hiện vật. Tổ chức được nhiều cuộc triển lãm chuyên đề và triển lãm lưu động, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền nhân các dịp kỷ niệm lớn của đất nước và ngành Công an, góp phần không nhỏ trong hoạt động thu hút khách tham quan và quảng bá hình ảnh bảo tàng đến với công chúng. Cùng với hoạt động trưng bày, Bảo tàng CAND thường xuyên phối hợp tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ từ 3 đến 5 ngày về 6 khâu công tác bảo tàng, đồng thời thông tin và phổ biến kinh nghiệm hoạt động của bảo tàng trong nước và quốc tế đến cán bộ làm công tác bảo tàng, nhà truyền thống trong toàn lực lượng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng CAND

Công tác tuyên truyền ở Bảo tàng CAND tập trung vào các nội dung như: tổ chức hướng dẫn tham quan bảo tàng, phát hành các ấn phẩm của bảo tàng, viết bài trên báo chí, đài phát thanh, đưa lên trang thông tin điện tử của bảo tàng những tin bài giới thiệu về hiện vật, sưu tập hiện vật trên hệ thống trưng bày và các cuộc triển lãm. Bảo tàng CAND đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá cho hình ảnh của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập trang web về Bảo tàng CAND, tổ chức hướng dẫn tham quan cho công chúng, nên hằng năm bảo tàng đón và giới thiệu cho hàng nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài lực lượng công an đến tham quan.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an Bảo tàng CAND đã chỉnh lý, nâng cấp, bổ sung trưng bày cả về nội dung và hình thức của hệ thống trưng bày để phục vụ công chúng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND. Cụ thể là thực hiện đổi mới hệ thống trưng bày thường xuyên theo xu hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào các khâu công tác nghiệp vụ của bảo tàng như: sưu tầm; kiểm kê, bảo quản; trưng bày và triển lãm; tuyên truyền giáo dục và truyền thông…

Trong xu thế phát triển không ngừng của thời đại, ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu công tác của bảo tàng là yêu cầu bức thiết. Bên cạnh những việc đã làm được, trong thời gian tới, Bảo tàng CAND cần có kế hoạch mở rộng lĩnh vực áp dụng khoa học công nghệ trong trưng bày, số hóa tài liệu hiện vật, kết nối hệ thống mạng máy tính nội bộ (mạng LAN)…

 Bảo tàng CAND cần quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ chuyên trách quản lý hệ thống máy vi tính nội bộ, xử lý kịp thời sự cố, làm tốt công tác bảo mật tài liệu. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn có khả năng ứng dụng, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin vào các khâu công tác của bảo tàng và những phần việc khác.

Để công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật đạt hiệu quả cao, Bảo tàng CAND cần ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu: nhập phiếu kiểm kê khoa học, nhập hồ sơ hiện vật, nhập dữ liệu và hiện vật thuộc các sưu tập hiện vật tiêu biểu như sưu tập hiện vật “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công an nhân dân”, sưu tập hiện vật “Trang phục CAND qua các thời kỳ”, “Những hiện vật về các anh hùng CAND gắn liền với những chiến công trong hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay”… và nhập thông tin của chúng vào phần mềm dữ liệu do Cục Di sản văn hóa cung cấp…

Trong thời gian tới, Bảo tàng CAND cần có sự kết hợp giữa trưng bày truyền thống và các thiết bị nghe nhìn hiện đại nhằm tạo cho phần trưng bày thực sự mới lạ, sinh động và hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và trình độ của khách tham quan trong và ngoài nước, đặc biệt là các thế hệ trẻ, những người đã và đang làm quen việc sử dụng các loại thiết bị này.

Bảo tàng CAND cần đầu tư các trang thiết bị mới để thay thế các máy móc cũ, lạc hậu, hỏng để đảm bảo cho các chương trình đồng bộ. Xây dựng phần mềm cảm ứng và ứng dụng bảo tàng ảo 3D cho trưng bày giúp người xem có thể khám phá bảo tàng ở mọi nơi mọi lúc, thông qua Internet và các thiết bị di động.

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền giáo dục, Bảo tàng CAND cũng cần nghiên cứu đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực này như: máy trợ giảng, microphone không dây và bổ sung những phương tiện hiện đại như: màn hình cảm ứng, đầu DVD, tivi chiếu phim tư liệu, máy chiếu… Cần phát triển theo xu hướng hiện đại của hệ thống các bảo tàng trên thế giới đó là tạo lập một bảo tàng sống, có sự tương tác trải nhiệm đối với khách tham quan.

Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Công an, Bảo tàng CAND đã thực sự trở thành địa chỉ văn hóa CAND, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kiến thức và tình cảm cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; phục vụ kịp thời mọi yêu cầu nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND. Với những đóng góp đó, Bảo tàng CAND đã được Bộ VHTTDL xếp hạng I cấp quốc gia.

Tác giả: Nguyễn Bích Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;