Người tải câu chuyện phim

Với hầu hết các phim, ngoài yếu tố cốt truyện thì nhân vật chính là yếu tố được nhớ đến nhiều nhất khi bộ phim khép lại. Thậm chí, ở một số bộ phim, khán giả có thể không còn nhớ câu chuyện nhưng nhân vật thì lại mãi ám ảnh nếu nó đặc biệt, khác lạ hay cuốn hút.

Phim Em và Trịnh

Đó cũng là lý do mà một số biên kịch có nghề thường chia sẻ rằng họ dựa vào một nguyên mẫu (có thể là diễn viên hoặc nhân vật có thật mà họ đã từng gặp, từng nghe) rồi từ đó phát triển câu chuyện phim. Với một số nhân vật thì chính tính cách, sự phát triển nội tại đôi khi kéo theo sự thay đổi của cả một cốt truyện khi sự độc đáo, mãnh liệt trong cá tính khiến cục diện xoay chiều, bẻ lái theo chính sự hành xử, thay đổi từ nhân vật.

Trong văn học và điện ảnh, công chúng chắc vẫn nhớ rõ hình tượng của Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Mịch… Cùng với tên gọi là những ấn tượng mà nhân vật đã xây dựng được. Ví dụ, nói đến Chí Phèo là nói tới một kẻ thích gây gổ, rạch mặt ăn vạ, chửi cả thiên hạ. Lâu dần, tính cách đó được xem như nhận diện của một lớp người trong xã hội. 

Nhìn sang văn học và điện ảnh các nước thì Tào Tháo (trong cả văn học và phim ảnh) là đại diện cho lớp người đa nghi, giảo hoạt với câu nói nổi tiếng: Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta. 

Chính vì tính quan trọng đó mà nhân vật được xem như linh hồn của tác phẩm, của bộ phim. Một bộ phim hay, ngoài cốt truyện còn là việc xây dựng được những nhân vật với cá tính độc đáo, riêng có. Ở chiều ngược lại, mỗi bộ phim đều cần tới những diễn viên giỏi để có thể tải hết nội dung, ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm tới khán giả. Mới đây, khi bàn về vấn đề tìm kiếm diễn viên cho các bộ phim, nhiều đạo diễn nêu quan ngại khi lớp diễn viên hiện nay thiếu hụt cả về lượng cũng như về chất. 

Phim Chị Mười Ba

Nếu lấy ví dụ mỗi năm điện ảnh Việt Nam sản xuất khoảng 40 phim thì nguyên việc tìm kiếm dàn diễn viên cho các phim đó cũng là cả một vấn đề không dễ giải quyết. Về phía nữ, điểm qua những bộ phim đã ra mắt thời gian gần đây nổi bật lên các gương mặt như Kaity Nguyễn, Ninh Dương Lan Ngọc, Minh Hằng, Phương Anh Đào, Diễm My 9X… Ngoài sắc vóc, điểm chung giữa họ là có sự ổn định và ít nhiều đột phá qua các dự án. Một số gương mặt mới nổi thời gian qua như Đồng Ánh Quỳnh, Rima Thanh Vy, Trúc Anh… thì vẫn còn khá mới và cần thêm thời gian để họ trau dồi kinh nghiệm cũng như khẳng định khả năng đa dạng và chuyên nghiệp của mình. Về phía các nam diễn viên, ngoài Thái Hòa, Quang Tuấn, Kiều Minh Tuấn, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật… thể hiện sự ổn định và chắc tay qua một loạt phim thì những gương mặt trẻ như Avin Lu, Song Luân, Tuấn Trần, Thuận Nguyễn, Liên Bỉnh Phát, Hiếu Nguyễn… vẫn phập phù, chưa thực sự ổn định qua các phim đã đóng. Việc không có nhiều lực lượng để lựa chọn dẫn tới khi có nhiều dự án phim cùng bấm máy, việc chọn lựa được diễn viên hợp vai là khá vất vả cho các êkip. Ngoài ra, để chắc ăn và cũng không có lựa chọn tốt hơn, một diễn viên có thể xuất hiện ở hai đến ba phim trong cùng một thời điểm, một năm cũng tạo nên sự nhàm chán cho các êkip và cả khán giả. 

Theo một số đạo diễn thì diễn hay khác diễn hấp dẫn, thú vị. Một ngôi sao điện ảnh đúng nghĩa luôn cần sự hấp dẫn trong diễn xuất để lôi cuốn khán giả. Trong nghề diễn cần cả kỹ thuật, trải nghiệm và cảm xúc. Càng diễn kỹ thuật, càng mất phần cảm xúc. Ngược lại, có cảm xúc nhưng thiếu kỹ thuật giống như hôm nay diễn hay, mai lại diễn dở mà cá nhân diễn viên cũng không lý giải nổi tại sao lại như vậy. 

Việc thiếu diễn viên cả về lượng lẫn về chất cũng là thực trạng và tồn tại liên quan đến công tác đào tạo diễn viên hiện nay. Theo đạo diễn Namcito: “Với một nền điện ảnh đang phát triển, mỗi năm có khoảng 40-60 phim, thì số lượng diễn viên hiện không đủ đáp ứng. Số cơ sở đào tạo đếm trên đầu ngón tay, chất lượng không đồng đều. Các cơ sở tư nhân có giáo trình, phương pháp riêng nên chất lượng đầu ra không có tiêu chuẩn nhất định. Vì thế cả nguồn cung và chất lượng diễn viên đều chưa ổn định”.

NSND Lê Khanh trong phim Gái già lắm chiêu

Hiện nay, ngoài cơ sở đào tạo chính thống, các khóa học ngắn hạn được mở rất nhiều. Phổ biến nhất là lớp học diễn xuất ở các sân khấu kịch Idecaf, Minh Nhí, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Quốc Thảo... Sự kiện điện ảnh thường niên Gặp gỡ mùa thu cũng thường mở lớp diễn xuất với sự tham gia của các ngôi sao đến từ Hàn Quốc. Từ năm 2016, diễn viên Kathy Uyên cũng mở các khóa đào tạo diễn viên chuyên sâu thu hút nhiều diễn viên. Mới đây, NSND Lê Khanh ra mắt Học viện Nghệ thuật Điện ảnh CAA (Cinematic Arts Academy) với khóa học từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu.

NSND Lê Khanh chia sẻ: Để trở thành ngôi sao điện ảnh là cả chặng đường dài, không thể một sớm một chiều. Ngoài năng khiếu, cần phải học. Không học thì không đi được đường dài trong điện ảnh. Thực tế cũng chứng minh, nhiều diễn viên vụt sáng sau một dự án nhưng sau đó loay hoay không biết phải tìm sự khác biệt giữa các vai diễn trước và sau như thế nào để khán giả không thấy sự một mầu hay lặp lại. Từ thành công của bản thân, NSND Lê Khanh cho rằng có 2 yếu tố quan trọng trong học hỏi để hướng đến trở thành ngôi sao điện ảnh thực thụ. Đó là tập trung tối đa và không bỏ cuộc. Chị chia sẻ: Để tìm kiếm cảm xúc phải có kỹ năng. Nhiều người có thể ăn may 1-2 lần nhưng lần thứ 3 sẽ tự chán mình. Và muốn thoát ra phải có kỹ thuật thông qua việc học, quan sát cuộc sống, xem phim…

Trong một vài phim ăn khách gần đây, khán giả biết đến một “bà ngoại xì tin” của NSND Ngọc Giàu phim Nhà bà Nữ. Vai “ác nữ có khuôn mặt ngây thơ” của Kaity Nguyễn phim Cô gái từ quá khứ. Chàng Trịnh - Avin Lu hay Dao Ánh, Hoàng Hà phim Em và Trịnh. Thầy bùa Huỳnh - Quang Tuấn phim Thất sơn tâm linh… Đó đều là những vai diễn để lại nhiều ấn tượng với công chúng thông qua diễn xuất nhập tâm của diễn viên. Trên màn ảnh nhỏ, khán giả cũng nhớ đến Mô Gù - Thái Hòa phim Mẹ rơm. Bà Diễm - Ngọc Lan phim Mặt nạ gương. Bà Nga - NSƯT Thanh Quý phim Thương ngày nắng về…

Điều khó nhất là làm sao để khán giả tin vào nhân vật và câu chuyện xảy ra trong phim. Niềm tin ở đây phải được xây dựng dựa trên hai yếu tố cốt yếu: nhân vật được xây dựng gần gũi để khán giả đồng cảm và diễn xuất tự nhiên của diễn viên.

Chính vì thế công tác đạo diễn đòi hỏi phải chọn đúng diễn viên hóa thân vào vai diễn đó và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Các dự án điện ảnh thường có lợi thế hơn bởi được đầu tư cả về kinh phí, thời gian, có khi là những đợt casting quy mô lớn, nhiều vòng cả trực tiếp và trực tuyến để chọn ứng viên phù hợp. Người được chọn còn trải qua thời gian dài luyện tập, có khi kéo dài hàng năm. Nhìn vào cách đạo diễn Bùi Thạc Chuyên làm việc với các diễn viên trong Tro tàn rực rỡ, Ngô Thanh Vân với Thanh Sói hay Nguyễn Quang Dũng với dự án đang thực hiện là Đất rừng phương Nam sẽ thấy sự tâm huyết và chỉn chu của họ trong việc tìm, chọn và đào tạo diễn viên trong dự án phim của mình.

Phim Cô gái đến từ quá khứ

Ngoài ra, để mỗi nhân vật thực sự có sức sống, bản thân mỗi diễn viên đều phải tự ý thức trau dồi, rèn luyện và thực sự nhập tâm để biến nhân vật thành chính mình. Trên thế giới, có khái niệm method acting (ám chỉ kỹ thuật diễn xuất đặc biệt), khiến diễn viên hóa thân hoàn toàn vào vai diễn. Diễn viên Avin Lu từng chia sẻ trước khi vào vai trong Em và Trịnh, anh có thời gian 2 tháng sống gần như “tự kỷ” chỉ có mình và âm nhạc. Quá trình khổ luyện cho Thanh Sói, 4 tháng ròng Đồng Ánh Quỳnh phải tập giọng miền Tây. Bên cạnh đó, trong suốt hơn 1 năm, liên tục 8-10 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, cô phải rèn luyện thể lực, diễn xuất và tập các cảnh hành động. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bắt các diễn viên chính cả tháng ròng học nghề của nhân vật trong phim như Quang Tuấn học đốt than, Bảo Ngọc học chạy xuồng máy, học nghề ép chuối bán…

Từ nhân vật có thể nhìn rộng ra để mỗi bộ phim đến và ở lại trong khán giả đều cần có những vai diễn hay bên cạnh một cốt truyện độc đáo, thú vị. Và một vai diễn hay cần đến sự sáng tạo của biên kịch, đạo diễn và cả diễn viên hóa thân vào vai diễn đó. Bởi diễn viên - nhân vật chính là người tải linh hồn, câu chuyện của phim.

NSND Lê Khanh chia sẻ: “Thực tế, điện ảnh của chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn diễn viên đa dạng. Nếu không học, không đào tạo thì tôi nghĩ rằng sẽ khó mà đi được đường dài”. 

Chị nhấn mạnh, hiện nay các bạn trẻ có nhiều lựa chọn, cơ hội và cả mong muốn. Nhưng, điều tiên quyết nhất vẫn là sự trau dồi và không bỏ cuộc. Theo chị, vì điện ảnh mang đến cơ hội hóa thân vào cuộc đời nhiều con người khác nhau nên không thể chỉ chờ đợi bằng sự ăn may. Nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho điện ảnh, chuỗi workshop huấn luyện diễn xuất điện ảnh của NSND Lê Khanh sẽ bắt đầu khoá học đầu tiên vào tháng 5-2023 tại TP.HCM.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;