Kịch bản sân khấu cần đi vào đề tài thời sự

Kịch bản sân khấu hay, hấp dẫn luôn là sự thu hút đối với người sáng tạo. Có câu “có bột mới gột nên hồ”, có kịch bản hay thì mới có cơ sở để từ đó dàn dựng, biểu diễn một tác phẩm ăn khách. Tuy nhiên, lâu nay người làm sân khấu vẫn luôn ca thán vì thiếu vắng kịch bản hay, đặc biệt là những kịch bản đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời.

Vở kịch Bạch đàn liễu của tác giả Xuân Trình

Dựng lại kịch bản cũ vì thiếu kịch bản mới, hấp dẫn

Các lãnh đạo đơn vị nghệ thuật, Hội đồng thẩm định nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vẫn nhận được rất nhiều kịch bản từ các tác giả. Tuy nhiên, một số lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cho rằng, kịch bản nhiều nhưng chưa hay, vấn đề còn cũ mòn, thậm chí thiếu sức sống của xã hội đương thời. Nhiều tác giả dựa trên kinh nghiệm mà sáng tác chứ không lăn lộn từ thực tiễn. Ngược lại, không ít tác giả cũng rất “ấm ức” vì tác phẩm gửi tới đơn vị thường bị trả về với lý do vì vấn đề “nhạy cảm”, vì tác phẩm của họ hay nhưng sợ là khó qua khâu thẩm định... Vòng tròn luẩn quẩn đó chính là một trong những lý do khiến nhiều sân khấu để giữ “an toàn” đã lựa chọn những tác phẩm kinh điển trong nước và ngoài nước để dựng lại, rồi quay về với đề tài lịch sử, dã sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học... Nhà báo Thanh Hiệp khi theo dõi “Trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022" do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức diễn ra tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa qua cũng viết: “Những người trong giới thừa nhận sân khấu hiện nay khan hiếm kịch bản có chất lượng, không có tính đột phá và dự báo, nhất là kịch bản đụng chạm đến những vấn đề nóng. Các sàn diễn tại TP HCM cứ “xào nấu” kịch bản cũ cho tiện hoặc chọn giải pháp dựng kịch hài để tạo độ an toàn cho sàn diễn”; “...hiện nay nhiều nhà hát đã lựa chọn việc dựng lại những tác phẩm cũ, né tránh các vấn đề đương đại. Do yếu tố an toàn nên đa phần các đơn vị nghệ thuật không dám dàn dựng những vở quá gai góc”.

 Một số tác giả hiện thiếu đi sự cập nhật những vấn đề nóng hổi của cuộc sống đương thời nên cho ra mắt những nội dung kịch bản đi từ ý tưởng khá kiên cưỡng của tác giả để rồi bồi đắp cho kịch tính, cho nhân vật có phần phiếm chỉ… cách làm mà những người có kinh nghiệm thực tế cho rằng, đó chỉ là những sản phẩm của những người viết chuyên ở phòng lạnh nghĩ ra. Cần có chất liệu từ cuộc sống để tác phẩm có sức thuyết phục, không thể là những gì chỉ chiêm nghiệm qua sách vở, cảm tính...

Kịch bản phải đi vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời

Một trong những yếu tố khiến vở diễn hấp dẫn khán giả chính là nói được những vấn đề của ngày hôm nay, những vấn đề mà bằng trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ họ đã nhận ra và đưa vào tác phẩm, đồng thời dự báo được những “đáp án” hợp logic, nhân văn, có giá trị định hướng cho khán giả. Những nhà viết kịch đã đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam chính là những con người dám “dấn thân”, thậm chí đi trước thời đại để có những tác phẩm có sức sống cho tới tận ngày hôm nay như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình... dù đương thời, những kịch bản của họ gặp khá nhiều trắc trở. Vậy mà ngày nay, hiện thực cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần “con mắt xanh” của các nhà biên kịch, lại thêm một chế độ duyệt cởi mở (loại trừ những kịch bản có nội dung vi phạm như: kích động chống chế độ; tuyên truyền: bạo lực, lối sống trái với thuần phong mỹ tục…) thì lại đang rất thiếu vắng kịch bản nóng hổi tính thời sự. Các nhà biên kịch cũng hiểu rằng, kịch bản hay phải là kịch bản chạm tới những mâu thuẫn chủ yếu của cuộc sống hiện nay, những điều còn bất cập, gây nhiều bức xúc trong xã hội ở mọi lĩnh vực như các tệ nạn ngày một tinh vi : tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, mua bán bằng cấp... Họ cũng đã viết về những vấn nạn này, nhưng hoặc là viết chưa tới, hoặc là nơi nhận kịch bản “ngại vấn đề nhạy cảm” nên các tác phẩm vẫn chưa được phổ biến, chưa được dàn dựng. Những đại án như vụ Việt Á - vụ án mở ra nhiều vấn đề: sự tha hóa của con người trước đồng tiền, đạo đức nghề y, đạo đức công vụ... vẫn chưa hề được khai thác. Tác giả Hà Đình Cẩn trong một cuộc trò chuyện đã phát biểu: “Sân khấu hay vì là đối thoại trực tiếp của tác giả đối với đời sống, với khán giả về những vấn đề xã hội, vấn đề con người một cách mạnh mẽ. Hiện nay những vở kịch về đương đại còn chưa nhiều, các tác giả vẫn còn mải mê với việc miêu tả lịch sử, hoặc chạy theo những mô tip dã sử mà còn chưa chú trọng tới những tác phẩm về thế hệ đồng hành của chính mình. Phải viết làm sao để khán giả thấy được bóng dáng của mình trong đó, được đối thoại với chính mình thực sự, đó mới là trách nhiệm của người cầm bút hôm nay. Những câu chuyện đang nóng hổi từng ngày, phải biến chúng thành kịch bản sân khấu, đưa lên sàn diễn để công chúng hôm nay tìm hiểu, nghiền ngẫm. Sân khấu hôm nay vẫn còn quá nhiều kịch bản về đề tài lịch sử, dã sử, thiếu đề tài về ngày hôm nay. Các nhà viết kịch Việt Nam viết về các cô công chúa, bà hoàng cách đây mấy trăm năm chứ viết về mẹ mình thì không viết được. Sân khấu hôm nay không đưa lên được vấn đề của ngày hôm nay, những việc gay gắt của đời sống đương thời. Ngày hôm nay nó dồn chứa, tích lũy rất nhiều sự kiện, rất nhiều con người và cũng rất nhiều kịch tính, nhưng thiếu vắng người viết về nó”.

Rất cần những tác phẩm trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề đã và đang đặt ra trong cuộc sống hôm nay một cách mới mẻ, hấp dẫn thì mới thu hút được công chúng đương thời tới với vở diễn. Nếu không có những cú hích mang tính bùng nổ, nếu chỉ nghĩ tới “hệ số an toàn” để trốn tránh bằng những kịch bản cũ, những kịch bản hài hước, đi vào đề tài lịch sử (dù kịch lịch sử cũng là một trong những cách phản ánh xã hội nhưng vẫn là cách lấy xưa nói nay, có những hạn chế nhất định trong việc đi vào những đề tài mũi nhọn của cuộc sống) thì sẽ rất khó để sân khấu vượt lên, trở lại vai trò là mũi nhọn xung kích vào các vấn đề nóng của xã hội.

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;