Triển lãm Ghim - Nguyễn Sơn và trò chơi chất liệu

Những bức tranh trong triển lãm Ghim đến từ một hoàn cảnh lạ. Trong sự bức bối khi đang ngồi vẽ, họa sĩ dùng súng bắn ghim bắn vào ván gỗ lia lịa như một sự xả trừ. Một hình con hổ hiện lên, và đó là tác phẩm khởi đầu cho triển lãm Ghim diễn ra từ ngày 1-5 /8/2022 tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm trong triển lãm Ghim - Acrylic trên gỗ nhựa của Nguyễn Ngọc Sơn

Nghệ thuật và những vật liệu không thông thường

Việc sáng tạo các tác phẩm từ những vật liệu không truyền thống trong nghệ thuật tạo hình đã được các nghệ sĩ thế giới phát triển vô cùng đa dạng. Các nghệ sĩ dùng mọi chất liệu trong tự nhiên và thế giới nhân tạo để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật thị giác ở đủ các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt, nghệ thuật địa hình (land art), video art…tạo nên một thế giới các ý tưởng sáng tạo truyền cảm hứng, mà bạn chỉ cần tìm kiếm bằng một vài từ khóa trên các kênh mạng xã hội là có thể chiêm ngưỡng không giới hạn. Có nghệ sỹ tạo nên tác phẩm điêu khắc từ những vật liệu không thể tái chế - một loại rác thải trong đời sống công nghiệp, để mời người xem đặt câu hỏi về văn hóa tiêu dùng ngày nay và mối quan tâm đến môi trường. Có nghệ sĩ lại tạo ra những bức chân dung bằng những đoạn phim, địa mềm, tấm X-quang đã không còn cần nữa - do tốc độ phát triển của công nghệ. Hay có nghệ sĩ dùng muối để làm tác phẩm vì tính chất tinh khiết, mong manh, không thể bảo tồn của nó. Các tác phẩm bằng những vật liệu không truyền thống thường đem đến thêm những xúc cảm từ vật liệu, vật liệu với tính chất của nó thường mang ý nghĩa đại diện cho một khía cạnh nào đó trong đời sống đương đại được đẩy lên cao trào của ý nghĩa nhờ ý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ.

Quay lại với những tác phẩm của Nguyễn Sơn. Mặc dù sự khởi đầu cho ý tưởng từ ghim là ngẫu nhiên, nhưng có thể thấy ghim là vật liệu mà anh tìm thấy như nhiều vật liệu không thông thường khác mà anh đã từng thử nghiệm. Anh sử dụng các chất liệu quen thuộc trong hội họa như sơn dầu, màu nước, phấn màu, acrylic kết hợp với các vật liệu phổ biến trong đời sống để tạo kết cấu bề mặt như: bảng mạch, len, bìa, ghim, nhựa, bột nặn… điều này cũng thống nhất với cách anh tư duy ở ý tưởng: “Sáng tác đến với tôi từ mọi khía cạnh của cuộc sống: từ những tin tức thời sự hay tiếp xúc với những văn hóa, công nghệ. Mỗi tương tác xã hội đều đem đến cho tôi những ý tưởng sáng tạo. Cho dù đó là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, sự tác động môi trường do biến đổi khí hậu và ô nhiễm… thậm chí ý tưởng có thể nảy sinh từ việc quan sát và chăm sóc con cái của tôi.”

Khi công việc kiến trúc không thể đáp ứng được nhu câu tự do trong sáng tạo, Nguyễn Sơn tìm đến nghệ thuật. Với nền tảng là một kiến trúc sư, các tác phẩm của Nguyễn Sơn thể hiện niềm cảm hứng với những cấu trúc và vật liệu của đời sống công nghiệp. Nguyễn Sơn dùng những bảng mạch trong các thiết bị điện tử để tạo thành tác phẩm. Triển lãm Ma trận năm 2020 của anh bao gồm các tác phẩm như sắp đặt, điêu khắc, kết hợp với vẽ tay để làm nên những mô hình đô thị với diện mạo xám ngắt, chen chúc và đầy rủi do.

Ma trận là sự kết hợp giữa hiện đại và dân gian. Các bảng mạch điện tử đại diện cho công nghệ, mang tính khúc triết và cứng nhắc. Kết hợp với toan, sơn, thép uốn đại diện cho vật liệu của nghệ thuật, tò he gợi nhắc đến hình ảnh trò chơi dân gian truyền thống. Ở đây, truyền thống vừa làm mềm diện mạo cứng nhắc của đô thị, vừa đem đến tính chất bản địa cho những vật liệu toàn cầu. Các tác phẩm dựa trên sự tương phản đối lập, mở ra những suy nghĩ về truyền thống và hiện đại.

 Nguyễn Ngọc Sơn, Vũ khúc thiên nhiên (2019), Ghim - Acrylic trên gỗ nhựa, 161x112 cm

Đến ghim, cũng là một vật liệu lạ trong tạo hình thị giác. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có ai dùng ghim để tạo nên những bức tranh như Nguyễn Sơn. Quá trình tạo nên tác phẩm của anh tưởng chừng như mạnh mẽ và phóng khoáng nhưng cũng không thoát khỏi sự tỉ mỉ của nghệ thuật truyền thống. Có những lúc anh bắn liên hồi vào bảng gỗ, nhưng để căn được cho những chiếc ghim sát khít để tạo hình như ý muốn thì đòi hỏi cả một quá trình luyện tập bắt đầu từ chậm rãi tỉ mỉ: "4 năm là một thời gian dài để thực hiện một kế hoạch, nhưng lại là quá ngắn để theo đuổi và làm chủ một chất liệu mới trong sáng tác mỹ thuật. Loại tranh này đòi hỏi một công phu để đạt được độ chính xác cao… Giờ tôi có thể bắn sát khít từng cái ghim trên bề mặt tranh với một cảm giác của một thiền sư đang miệt mài tu luyện"

Hội họa từ Ghim của Nguyễn Sơn

Khác với các tác phẩm trong Ma trận , lần này triển lãm Ghim cho người xem một không khí "bớt căng thẳng" hơn. Các bức tranh được tạo thành từ ghim và acrylic trên gỗ nhựa trong sự kết hợp của tạo hình bằng súng bắn ghim và màu sắc vẽ tay. Chủ đề trong triển lãm này đa dạng. Từ chân dung đến phong cảnh, bố cục. Bút pháp đi từ miêu tả đến biểu hiện và trừu tượng.

Gây ấn tượng trong triển lãm là các tác phẩm được tạo hình biến dạng, méo mó như những đợt sóng trên mặt hồ. Đó là các tác phẩm như: Nỗi đau, Vũ khúc thiên nhiên, Edinburgh, Lưới thời gian, Đêm Long Biên… với chất liệu từ ghim, các tác phẩm thể hiện một khả năng tạo hình đáng ngạc nhiên của tác giả.

Với Đêm Long Biên trong tự sự của mình Nguyễn Sơn có viết: "Đêm sóng sánh trong mưa lây phây. Đêm xoắn quẩy như đôi tình nhân ép chặt vào nhau. Cầu Long Biên quen thuộc cả 100 năm trong xúc động rung rinh, bỗng hoá thành kỷ niệm". Có lẽ cá tác phẩm như Hồ đêm, Nhà ven sông cũng ra đời trong những cảm xúc bất chợt như thế về những đối tượng quen thuộc của đời sống.

Tuy nhiên, đến các tác phẩm như Nỗi đau, Lưới thời gian, Nỗi nhớ hay Vũ khúc thiên nhiên, người xem đã có thể thấy những nội dung mang nhiều ý nghĩa hơn. Vũ khúc thiên nhiên đem đến hình tượng khá thú vị: những con ếch với cơ thể biến dạng đang nhảy những điệu nhảy của con người. Bằng bút pháp trào phúng, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa ẩn dụ về xã hội loài người.

Tác phẩm Lưới thời gian trong triển lãm Ghim năm 2022 này có tiền đề là bức tranh sơn dầu năm 2015 của tác giả. Tác phẩm mới này được làm với kích thước 121x121cm. Theo như tác giả, nó được làm từ 146410 lần bắn súng, "chưa kể công đoạn dạo đầu là pha màu và nung ghim tạo màu cho lượng ghim gấp 10 lần để chọn màu và lắp đạn vào súng khi thay đổi màu". 

Như vậy để thấy, để tạo ra một tác phẩm bằng ghim không hề đơn giản. Độ khó của một tác phẩm hội họa làm từ ghim còn bị tăng lên nhiều lần khi tạo hình mà phải phụ thuộc vào những yếu tố cố định và bị động từ súng bắn ghim. Sự thử nghiệm với chất liệu cùng sáng tạo trong tạo hình của Nguyễn Sơn đem đến cho nghệ thuật của anh những góc nhìn mới lạ.

Bài & Ảnh: TRẦN THU HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;