Một "hiện thực" mới

Khi thế giới bị chia cắt, ngăn cản, bao vây bởi đại dịch, chiến tranh... con người dường như có thêm thời gian, lựa chọn để sống chậm, lắng sâu hơn vào với không gian, thiên nhiên quanh mình. Thế giới quan khi nhìn nhận về cuộc sống, về các thang giá trị cũng có nhiều thay đổi và điều đó phản ánh vào văn hóa nghệ thuật trong đó có phim ảnh.

Cảnh làm phim Khu rừng của Páo

Hàng loạt cuộc vận động trong các lĩnh vực khác nhau với slogan “Cử chỉ xanh, sống an lành” đang hướng sự chú ý cũng như xây dựng, thiết lập một quan điểm, cách sống mới hòa nhập hơn với thiên nhiên, môi trường. Đã có những cuộc vận động trong văn học, âm nhạc, hội họa… với các sáng tác gần gũi, tìm về với thiên nhiên với những bộ truyện tranh, những bức tranh, ảnh lấy sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên là mấu chốt. Trong điện ảnh, xu hướng chữa lành với các tác phẩm ngày càng tìm về với các giá trị cơ bản, thuận tự nhiên ngày càng được nhân lên trong các tác phẩm, bộ phim mới ra mắt. Trải qua biến cố, con người dường như ngày càng quý trọng hơn cuộc sống, sự gắn kết và nhìn nhận lại các giá trị mà mình theo đuổi. Những giá trị đó ngày một lớn dần và tạo ra những tác phẩm chữa lành hay những tác phẩm tìm về với thiên nhiên, với môi trường sống xung quanh. Điều đó không chỉ xuất hiện ở các bộ phim mới được sản xuất mà ngay cả trong các cuộc thi, đợt vận động sáng tác. Nhìn lại các cuộc thi mới đây càng thấy rõ điều đó. Với chủ đề Việt Nam của tôi, Netflix vừa khép lại với 9 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi sản xuất phim ngắn được tiếp sức bởi sáng kiến “Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo Việt Nam”. Không giống các cuộc thi trước tập trung vào những đề tài có khả năng hút khách, cuộc thi lần này lại khuyến khích nhà làm phim từ các cộng đồng ít được biết đến có thể kể những câu chuyện của Việt Nam thông qua lăng kính của họ. Có thể thấy bước chuyển từ hướng tới số đông, tới đại chúng, yếu tố kinh tế, thương mại sang những cộng đồng yếm thế hơn hay có sự gần gũi với thiên nhiên. Cuộc thi đã có hơn 200 tác phẩm gửi đến, trong số đó, 9 dự án nổi bật được tuyển chọn với mỗi dự án  được trao tặng kinh phí sản xuất trị giá 230 triệu đồng.

Nói về cuộc thi, bà Amy Sawitta Lefevre, Trưởng bộ phận Đối ngoại của Netflix tại khu vực APAC cho biết trong buổi họp báo: “Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong rằng có thể hỗ trợ, chứng kiến tầm nhìn sáng tạo của nhiều nhà làm phim và trải nghiệm nét đẹp của văn hoá di sản cũng như cảnh quan tuyệt vời tại Việt Nam... Tôi rất ấn tượng với những cá nhân đứng sau các tác phẩm này và câu chuyện mà họ tạo nên. Sáng kiến còn mang đến tác động lớn hơn nữa nhờ sự ủng hộ của Bộ VHTTDL, cùng các chuyên gia trong ngành làm phim Việt Nam và các đối tác của chúng tôi tại địa phương”. Có thể nói, cuộc thi đã tạo cơ hội để các bạn trẻ, những nhà làm phim tìm kiếm câu chuyện, đề tài gắn với cảnh quan, câu chuyện tại các địa phương, nơi phim ảnh còn ít tìm đến họ.

Trước đó, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc thi phim ngắn Màn ảnh Xanh với chủ đề “Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”. Vào tháng 1/2022, Ban tổ chức cũng đã công bố 9 dự án tốt nhất nhận hỗ trợ chi phí sản xuất, với mức tối đa là 20 triệu đồng/dự án. Dự án thu hút nhiều kịch bản gửi tới tham dự  và phải qua các vòng tuyển chọn khác nhau trong đó có vòng thuyết trình về dự án với các nhà sản xuất, các nhà làm phim. Chung cuộc đã có 9 bộ phim trong tổng số 21 dự án lọt vào vòng thuyết trình được lựa chọn. 9 tác phẩm vào vòng trong có sự đa dạng về thể loại, nội dung kịch bản xoay quanh góc nhìn khác nhau về chủ đề môi trường và bảo vệ môi trường, được các tác giả tiếp cận một cách sinh động, chân thực.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Trưởng BTC chia sẻ: cuộc thi phim ngắn Màn ảnh Xanh nhằm góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng mong muốn tìm kiếm các tài năng trẻ và các đạo diễn có triển vọng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ…

Từ những câu chuyện ít được kể

Với cách tiếp cận mới, các cuộc thi đã tạo ra những góc nhìn mới trong phim ảnh. Theo BTC cuộc thi phim ngắn Việt Nam của tôi, 9 dự án được chọn vào chung kết đều là những tác phẩm đặc sắc giới thiệu nét độc đáo đại diện cho các cộng đồng tại Việt Nam, nền văn hoá sống động và phong cảnh hữu tình, trong đó có câu chuyện về những dân tộc ít người cư trú ở các vùng núi cao Việt Nam. Bộ phim Khu rừng của Páo kể về câu chuyện của Páo - một chàng trai người Mông lấy vợ từ năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi, cậu ấy biết yêu lần đầu tiên. Lúc này cậu phải chọn lựa giữa tình yêu và trách nhiệm với gia đình. Phim Miệng đời  lấy cảm hứng từ phong tục, lối sống của người Việt để  kể về câu chuyện của người con trai chuyển giới thành nữ sau khi cha qua đời, đồng thời cô cũng phải tìm cách định hướng những lời bàn tán xung quanh mình. 

Phim Bắp ế khai thác cuộc sống của những con người hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Phim ngắn Dưới lòng đại dương kể về câu chuyện của một cặp vợ chồng trung niên do NSƯT Chiều Xuân và diễn viên Huỳnh Kiến An thủ vai, đến dự đám cưới cô con gái đầu lòng. Qua đó, quá khứ và hiện tại lần lượt trở lại cùng họ.

Nội dung phim Mong manh lấy bối cảnh tại một lễ cưới của người Dao đỏ gần biên giới Việt - Trung. Cô dâu - cũng là con gái của trưởng làng - sẵn sàng đương đầu trong cuộc chiến giành quyền chăn nuôi của ngôi làng cũng như đấu tranh  vì mối tình đầu của mình. Phim Con tàu của Theseus lại là hành trình khám phá bản thân của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hoà Séc. Phim Ăn ốc nói… bò, kể về cuộc hành trình của một cá nhân khiếm thính và cộng đồng của cô khi cô phải tìm cách định hướng mong muốn của cha mẹ mình là phẫu thuật ốc tai… Ngoài ra còn có các phim khác như Đứng giữa lằn ranh, Vẹt con và phim Into the sea.

Poster phim Ăn ốc nói… bò

Trong khi đó, 9 dự án được chọn hỗ trợ kinh phí từ cuộc thi phim ngắn Màn ảnh Xanh mang thông điệp bảo vệ môi trường rõ nét. Dự án phim hoạt hình Costume Me Death xoay quanh một show thời trang của động vật, mà nguyên vật liệu tạo ra những bộ trang phục lộng lẫy đó chính là rác thải. Với góc nhìn “nạn nhân”, tác giả muốn truyền tải đến người xem một hình ảnh tươi sáng, nhiều màu sắc về các loài động vật khi đối mặt với vấn đề ô nhiễm. Dự án phim tài liệu Nghề “Xanh” lấy đề tài môi trường thông qua góc nhìn của nhân vật có công việc mưu sinh gắn bó mật thiết với môi trường, cụ thể là công việc thu mua ve chai, đồng nát. Dự án phim truyện Ờ, thì thôi đ?t ra suy ng?m v? nh?ng h?nh ??ng g?n m?c ?b?o v? m?i tr??ng? ?? ch?y theo xu h??ng m? kh?ng xu?t ph?t t? s? am hi?u g?c r? c?a v?n ??? C?ng v?i ?? l? c?c d? ?n?ặt ra suy ngẫm về những hành động gắn mác “bảo vệ môi trường” để chạy theo xu hướng mà không xuất phát từ sự am hiểu gốc rễ của vấn đề… Cùng với đó là các dự án Vượt thành Axima, Dimo và Plastic world, Journey in blue, TOXIC, Bám rễ  tất tay…

Có thể thấy các cuộc thi kịch bản, thi làm phim ngắn… đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng làm phim và các bạn trẻ. Với tuổi đời còn trẻ, ít kinh phí, chưa có nhiều kinh nghiệm… các cuộc thi  đang mang đến cơ hội để các nhà làm phim trẻ được cọ sát, làm phim và định hình phong cách cá nhân. Với nội dung hướng đến các giá trị mới mẻ như kiến tạo một môi trường xanh hay điện ảnh chữa lành, tìm kiếm các giá trị riêng… phim ảnh đang hướng những nghệ sĩ tương lai quan tâm hơn đến các giá trị dung dị và gần gũi hơn. Các tác phẩm này cũng manh nha xây dựng và hình thành lên một “hiện thực” mới sau đại dịch nơi con người tìm kiếm và thay đổi những giá trị cũ bằng những giá trị mới.

PHI YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;