Huyện Yên Thành (Nghệ An): Xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (Từ năm 2011-2021), Yên Thành là một trong 9 huyện, thành, thị của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn huyện Nông thôn mới.

Tất cả các con đường từ làng ra đồng ở huyện Yên Thành (Nghệ An) được trải bê tông và trồng hoa hai bên đường
 

Điều dễ nhận thấy là bức tranh kinh tế, xã hội của huyện sau khi đạt chuẩn NTM ngày thêm sáng sủa, nhân dân có cuộc sống ấm no, giàu có, xóm thôn nào cũng thay da đổi thịt, tạo nên một diện mạo NTM. Từ 13 xã trọng điểm lúa đến 25 xã miền núi, mùa vụ nào cũng bát ngát màu xanh no ấm của các loại cây trồng giống mới. Đã có 37 xã xây dựng được vùng chuyên canh, luân canh lúa màu, với diện tích mỗi xã từ 150 - 250ha. Có từ 150 - 200 lao động thuần nông/xã được học nghề, được cấp bằng Trung cấp, Sơ cấp, trồng trọt chăn nuôi, chế biến và nuôi trồng thủy hải sản, y tá, thú y thôn bản. Có 15 xã duy trì được làng nghề truyền thống, 15 xã dọc quốc lộ 7A, tỉnh lộ 538, chuyển 60% số lao động thuần nông sang làm thương mại, dịch vụ. 100% số lao động nông nghiệp chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, huyện thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm rơm, với 78 hộ, hơn 500 lao động, bước đầu làm ra 350 tấn sản phẩm, thu hơn 7 tỷ đồng. Năm huyện liên kết với công ty Nhật Bản, xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại thị trấn Yên Thành, với số vốn ban đầu hơn 3 triệu USD, tạo việc làm cho 600 lao động nữ; xây dựng nhà máy trồng chuối xuất khẩu tại xã Viên Thành có quy mô 200 ha đã cho sản phẩm. Nhà máy nước sạch Nhân Thành do một doanh nghiệp, người con của quê hương đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng đã cấp nước sạch cho hơn 2.000 hộ trong xã. Cả 129 cơ sở giáo dục, hơn 400 di tích danh thắng, 39 Trạm y tế và hàng nghìn con đường giao thông, đường từ làng ra đồng được huyện và xã đầu tư công sức, tiền của nâng cấp, duy tu, sửa chữa, mua sắm đầy đủ thuốc, nông cụ, khám chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho hơn 28 vạn dân trên địa bàn.

Là huyện thuần nông, toàn huyện có 165.000 ha lúa, màu, trong đó có 13.000 ha lúa. Thế mạnh của Yên Thành còn có 21.000 ha đồi núi, thấp thuận tiện cho việc trồng thông lấy nhựa, trồng bạch đàn, keo lai làm gỗ ván sàn, dưới chân đồi trồng khoai, sắn, ngô, lạc, nuôi trâu, bò, dê núi, gà thả đồi, khoang vùng trồng cây ăn quả. Huyện chỉ đạo 25 xã nạo vét, tu bổ, trồng cây chống sạt lở, bảo vệ hơn 200 hồ đập, tạo nguồn nước để phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo mô hình VAC. Năm năm xây dựng NTM, 25 xã miền núi đã xây dựng được hơn 100 vạn vườn đồi, vườn nhà, hơn 1.500 trang trại, gia trại, trong đó có hơn 400 hộ trồng từ 30 - 60 ha rừng/hộ, nuôi từ 50 - 60 con bò và dê. Kinh tế đồi rừng đã giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đối với những hộ nghèo, gia đình chính sách, thiếu lao động, huyện chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, Quỹ Tín dụng nhân dân các xã giải ngân, cho vay vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, cử người đến hỗ trợ ngày công làm mùa kịp thời vụ. Ban quản lý các HTX, các trang trại tạo nguồn vốn để tự chủ động sản xuất kinh doanh, làm tốt công tác hậu cần cho đồng ruộng. Bình quân mỗi vụ cung ứng cho bà con nông dân 15.000 tấn phân vô cơ, 300 tấn thóc giống phẩm chất tốt. Ở các xã, mùa vụ nào cũng phát động toàn dân ra đồng làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, thông dòng chảy, sản xuất chế biến phân chuồng, phân xanh, xí nghiệp thủy lợi, huyện lập lịch cung ứng nước đến từng vùng đồng. Đồng ruộng không còn cấy chay, đảm bảo đủ nước tưới và phân bón nên tốt đồng đều.

Lý giải cho việc Yên Thành có tiến độ xây dựng NTM nhanh gọn, vững bền, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên cho biết: “Đó là do chúng tôi làm thật tốt công tác tuyên truyền đến từng đoàn thể, hộ gia đình và nhân dân ở 39 xã, thị trấn, trong đó có 26 xã có đồng bào theo đạo công giáo, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi khơi dậy sức dân, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao. Bà con lương giáo đồng lòng, đồng thuận, xem việc xây dựng NTM nâng cao là do chính mình làm và mình thụ hưởng, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là đòn bẩy. Do vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi năm từ 10-13%. Tổng sản lượng lương thực đạt mỗi năm từ 160.000-165.000 tấn, trong đó có 14 vạn tấn thóc, cao nhất tỉnh. Có nguồn lương thực rau xanh tại chỗ nên bà con nhân dân phát triển chăn nuôi, đưa tổng đàn gia súc lên 240.000 con, gia cầm 1,5 triệu con, trong đó có hơn 30.000 con bò và dê núi. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng mỗi năm từ 20-30%, thu ngân sách mỗi năm từ 300-350 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm đối với nhân dân vùng thị trấn đường quốc lộ 7A, 50 triệu đồng/người/năm với 25 xã miền núi. Hộ giàu và khá thu từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng trở lên hộ/năm, chiếm 80%. Huyện có 110 trường học, 36 xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, y tế, 38/39 xã thị trấn đạt thiết chế văn hóa thông tin. Hơn 86% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 90% số hộ làm được 3 công trình vệ sinh đúng quy cách, trong đó có 60%  số hộ làm được nhà tắm nóng lạnh. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển rộng khắp ở cả 39 xã, thị trấn, với 100% số xóm thành lập câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ bà nội, bà ngoại, cán bộ phòng chống ma túy vào những ngày lễ, Tết, ngày thành lập Đảng 3/2, các ngày kỷ niệm 20/11, 22/12, các đoàn thể và nhân dân tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, thi hát dân ca, ca trù, tạo không khí vui tươi lành mạnh trong nông thôn. Với những thành tích nổi bật đó, tháng 12 năm 2020, huyện Yên Thành được UBND tỉnh Nghệ An và Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện NTM, trong đó xã Sơn Thành đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Phát huy nội lực, khơi dậy ngoại lực, chỉ sau 3 năm xây dựng thành công huyện NTM, Yên Thành tiếp tục đầu tư hàng triệu ngày công lao động, hơn 250 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 60%, làm mới mỗi năm 10km đường nhựa, 46 km đường bê tông nông thôn, đường từ làng ra đồng. Sau khi đồng ruộng được dồn điền đổi thửa, chỉnh trang mặt ruộng, bờ vùng, bờ thửa được nâng cấp, bê tông hóa, bà con nông dân đầu tư mua hơn 1.800 máy nông nghiệp, trong đó có 800 máy cày đa chức năng, máy tuốt lúa, máy gặt đập lúa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giải phóng sức lao động. Huyện và các xã còn đầu tư hoàn thành chương trình “Kiên cố hóa trường học”, “ngói hóa nhà ở cho dân”, nhờ vậy đã có 60% số dân làm nhà cao tầng, nhà mái bằng kiểu Thái Lan. Cả 39 xã, thị trấn xây dựng được trụ sở làm việc, trường học, Trạm y tế cao tầng, trong đó có 80% số xã làm được 3 trường cao tầng cho cả 3 cấp học. Trong thời gian tới, ngoài việc thâm canh gieo trồng mỗi năm 3 vụ, với diện tích hơn 40.000ha lúa, màu để đảm bảo an ninh lương thực, mỗi năm có 3 - 4 vạn tấn gạo nếp làm hàng hóa, huyện đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại, gia trại cải tạo, vườn tạp thành vườn cây ăn quả, nuôi bò, dê, gà dưới tán cây rừng, đưa đàn bò, dê núi hàng hóa lên 30.000 vạn con, cùng với 1 triệu con gà đồi. Phát triển nhanh nghề trồng nấm rơm của vùng chiêm trũng. Nuôi ong lấy mật ở vùng đồi núi, phấn đấu năm 2025 có sản lượng 1.800 nấm rơm, 150 tấn mật hàng hóa. Huyện khôi phục trồng từ 600-1000ha giống nếp hoa vàng, nuôi cá rô, vịt đồng, là đặc sản được khách hàng đặt mua với số lượng lớn. Đối với vùng đất đồi, ven khe suối thì khôi phục trồng khoai lang giống Nhật Bản, ngô nếp, với diện tích 1000-1500 ha để bán bông, bán củ tươi tại ruộng.

Huyện mạnh dạn, kiên quyết thực hiện các giải pháp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ tạo nên những khâu đột phá để xây dựng NTM nâng cao. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi năm đầu tư từ 400-500 tỷ đồng để nâng cấp, hoàn chỉnh tất cả các công trình bị sạt lở, hư hỏng do bão lụt, được xây dựng từ 3 năm đầu xây dựng NTM (từ năm 2011-2014), tất cả các con đường dẫn đến các khu di tích lịch sử văn hóa trong huyện được nâng cấp, trùng tu, trải nhựa. Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Phong và khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành (12/1962), được trùng tu, nâng cấp khang trang, làm nơi giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ và là nơi báo công với Bác của các đoàn thể mỗi khi Xuân về, Tết đến. Huyện phấn đấu đến năm 2026, xóa xong hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu lên 80%, nâng cao đời sống nhân dân, với mức thu nhập bình quân từ 55 triệu đồng lên 60 triệu đồng/ người/năm. Cả 129 cơ sở giáo dục, 39 Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục, không có học sinh bỏ học, thất học. Yên Thành trở thành huyện văn minh, giàu đẹp.

Niềm vui nữa là đến tháng 5/2023, toàn huyện đã có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là tín hiệu vui để Yên Thành tạo đà vươn tới mục tiêu đạt chuẩn Huyện NTM nâng cao vào năm 2026.

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

 

;