Bản văn hóa ở nơi biên giới

Khi nắng ấm trải vàng khắp miền biên giới ở phía Tây tỉnh Quảng Bình, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh chạy dài như dải lụa giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng để đến thăm những bản văn hóa của đồng bào dân tộc vùng núi cao.

Nhìn từ xa, bản Dộ - Tà Vờng đẹp như bức tranh

 

Bản văn hóa đầu tiên ở huyện

Phải đi qua những con dốc cao, quanh co, chúng tôi mới đến được bản Hà, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) - bản ở vùng đất xa xôi, nơi biên giới rẻo cao, sát với nước bạn Lào. Sau cái bắt tay thật chặt, anh Đinh Minh Tâm, Trưởng bản Hà hồ hởi chia sẻ: Nếu như trước đây, đời sống của người dân bản Hà phụ thuộc vào tập quán du canh du cư, phát đốt cốt trỉa thì nay đã đổi khác. Bà con ngày càng có  ý thức chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình, an cư lạc nghiệp. Nhiều hộ gia đình đã biết xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế từ cây trồng, vật nuôi.

Anh Tâm nhẩm tính, cả bản có hơn 12ha đất trồng lúa, lạc, ngô và 50 ha đất trồng rừng. Để nâng cao sản xuất, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang các loại cây ngắn ngày; xây dựng chuồng trại kiên cố… Bản hiện có 78 hộ với 325 nhân khẩu sinh sống trong những ngôi nhà kiên cố và không có hộ ở nhà tạm, nhà dột nát. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, người dân bản Hà đã chung tay xây dựng bản làng mình ngày một giầu đẹp.

Chỉ tay về phía những ngôi nhà xây dựng cao ráo, chắc chắn, anh Tâm nói như khoe: Bản Hà hôm nay như khoác lên chiếc áo mới bởi các tuyến đường trong bản đã được bê tông hóa, cứng hóa, có điện thắp sáng. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng nâng cao, tính đến cuối năm 2022, ước đạt 37 triệu đồng/ người/ năm. Nhiều hộ đã có của ăn của để, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Theo chân anh Tâm, chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà – nơi ghi dấu những chiến công hào hùng của các cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin A69, Đại đội 9, Lữ đoàn 134, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Thắp nén hương ở  khu di tích lịch sử quốc gia Lèn Hà, anh Tâm cho biết, tháng 9 năm 2018, công trình văn hóa, tâm linh này được đưa vào sử dụng, là nơi để đồng bào, chiến sĩ cả nước đến dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau...

Ông Nguyến Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương, sau thời gian dài nỗ lực và phấn đấu, năm 2019, bản Hà vinh dự là bản đầu tiên ở huyện Tuyên Hóa được công nhận Bản văn hoá. Đến nay, người dân và Ban cán sự bản tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đã giữ vững danh hiệu Bản văn hóa 3 năm liền.

Mâm cơm của người Mày ở bản Dộ - Tà Vờng
 

Nỗ lực xây dựng bản du lịch

Từ bản Hà, chúng tôi đến bản Dộ - Tà Vờng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) ở sát biên giới Việt – Lào, nơi sinh sống của 78 hộ người Mày (thuộc dân tộc Chứt).

Đoạn đường từ trung tâm xã Trọng Hóa vào bản Dộ - Tà Vờng dài hơn 30km uốn lượn ngoằn nghoèo bên những triền đồi dốc núi. Trước đây, bản Tà Vờng ở bên con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ, đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con nên chính quyền, đoàn thể địa phương và bộ đội biên phòng đã vận động người dân di chuyển về xây dựng bản mới trên một ngọn đồi ở bên bản Dộ.

Năm 2020, bản Dộ - Tà Vờng là một trong bốn bản được huyện Minh Hóa chọn triển khai thực hiện mô hình “Bản Nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Trải qua thời gian, nhờ thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, bản Dộ - Tà Vờng đã được đầu tư xây dựng đường giao thông, trạm xá, trường học, Nhà văn hóa, điện đường thắp sáng từ mô hình “Ánh sáng vùng biên” của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai...

Trưởng bản Dộ - Tà Vờng Hồ Khiên chia sẻ thêm:  "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống bà con  đã khá hơn. Bà con có Nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, khi đau ốm thì đến Trạm xá khám bệnh. Con cháu được đến trường học cái chữ. Bản Dộ - Tà Vờng đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ. Hằng năm, bà con trong bản duy trì tổ chức các nghi lễ cúng giang sơn, buộc chỉ cổ tay, lễ dập hố, lễ mừng cơm mới...

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện Minh Hóa giai đoạn 2020 – 2025, UBND Minh Hóa đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó huyện sẽ xây dựng, hình thành điểm du lịch văn hóa tộc người ở bản Dộ - Tà Vờng. Hy vọng với những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất, cùng với sự chân tình, cởi mở của người dân bản địa, trong tương lai không xa, bản Dộ - Tà Vờng sẽ là điểm đến đặc sắc, níu chân du khách khi đến với huyện Minh Hóa.

Từ thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc sống mới đã đến với người dân ở các bản vùng biên giới dọc dãy Trường Sơn ở tỉnh Quảng Bình. Đêm xuống bên mái nhà sàn, dưới ánh đèn điện , đồng bào lại chung vui văn nghệ với những câu hát dân ca, những phím đàn… những nét văn hóa truyền thống phút chốc ngân vang giữa đại ngàn.

Người dân ở bản Hà đã sử dụng máy móc trên đồng ruộng

 

XUÂN THI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;