Hà Tĩnh: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh

Nhà văn hóa thôn Bắc Châu xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh

 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xác định tầm quan trọng như vậy nên tỉnh Hà Tĩnh rất chú trọng xây dựng và phát triển phong trào này. Kết quả đáng phấn khởi là trong năm 2022, phong trào đã có những bước phát triển mới, khả quan, hiệu quả, có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh hiệu quả, bền vững.

Trước hết, Sở VHTTDL – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 25/1/2022 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TU ngày 28/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp; Kế hoạch 301/KH-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2026; Công văn số 1722/UBND-VX ngày 13/4/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 04/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh… Tổ chức hội nghị ký kết các hoạt động phối hợp với 21 sở, ngành, đơn vị liên quan về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tham mưu Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TU ngày 20/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối từ cấp tỉnh, đến cấp huyện và cấp xã; số lượng điểm cầu được kết nối qua 3 cấp là 348 điểm với 15.528 đại biểu. Tích cực tham mưu xây dựng “Đề án phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. 

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương ngày càng được quan tâm, phát triển. Nhiều loại hình câu lạc bộ gia đình được thành lập, đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ngày càng phát triển. Việc bình xét Gia đình văn hóa tại các địa phương được tiến hành công khai, dân chủ, bám sát các tiêu chí. Tính đến nay, toàn tỉnh có 347.962/374.261 Gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 92,9%). Sự phát triển của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa giúp giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, đời sống văn hóa tinh thần của các hộ gia đình ngày càng được nâng cao.

Phong trào xây dựng “Làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” ngày càng được quan tâm, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Việc bình xét danh hiệu này tại các địa phương đã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công bằng, khách quan, có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Nhiều thôn, tổ dân phố sau khi được công nhận danh hiệu Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa đã trở thành điểm sáng, giữ vững danh hiệu nhiều năm liên tục. Đến nay, có 1.894/1.937 thôn, tổ dân phố văn hóa (tỉ lệ 97,8%). Có thể nói, sự phát triển của phong trào xây dựng Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa đã làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng lành mạnh, phong phú, đời sống kinh tế ở các làng, thôn, bản, tổ dân phố ổn định và phát triển, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đặc biệt, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới - Đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai và tập trung hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, từng bước tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực trên các mặt của đời sống xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng hàng trăm công trình, phần việc có ý nghĩa, vận động nhân dân hiến 34.925m2 đất, 27.180 cây xanh các loại, 3.625m tường rào, hơn 985.960 ngày công, chung tay góp sức xây dựng các mô hình, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng các tuyến đường hoa, hàng rào xanh, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 998 khu dân cư kiểu mẫu; trên 9.000 vườn mẫu; có 177/182 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 97,2% số xã), 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9 đơn vị cấp huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, giáo dục, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được xã hội hóa. Về phong trào xây dựng Nông thôn mới, tính đến nay, số xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa là 177/182 (đạt tỷ lệ 97,2%); số xã đạt tiêu chí Văn hóa là 182/182 xã (đạt tỷ lệ 100%). Việc vận động xây dựng đô thị văn minh đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Triển khai Quyết định số 04/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn Đô thị văn minh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh văn bản phân công trách nhiệm cho các ngành thành viên và UBND cấp huyện. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện đã tiến hành chỉ đạo, hướng dẫn các phường, thị trấn triển khai xây dựng Đô thị văn minh. Có thể khẳng định, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới - Đô thị văn minh” đã tạo nên sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, ổn định an ninh trật tự trên các địa bàn dân cư của tỉnh nhà.

Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” đã thực sự tạo ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa của người lao động, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, dân chủ; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động; cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt. Ban chỉ đạo cấp tỉnh tiến hành thẩm tra công nhận lại danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa giai đoạn 2017-2021. Dự kiến đến cuối năm 2022, có khoảng 69,7% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Thực hiện Hướng dẫn số 58/HD-TLĐ ngày 10/5/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Hướng dẫn thực hiện việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trong thời gian tới.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện. Đây là tiêu chí quan trọng trong xét công nhận gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; trở thành một nội dung quan trọng trong xây dựng hương ước, quy ước tại các thôn, làng, tổ dân phố. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 8.662/8.719 đám cưới thực hiện theo đúng quy định (đạt tỷ lệ 99,3%); 8.043/8.623 đám tang thực hiện đúng quy định (đạt tỷ lệ 93,3%); 724 đám tang thực hiện hỏa táng. Từ tháng 3/2022, khi chúng ta mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, các hoạt động lễ hội nhìn chung diễn ra vui tươi, lành mạnh, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc; phần lễ trang trọng đúng quy định, phần hội với nhiều hình thức vui chơi phong phú, đa dạng đã góp phần thu hút được du khách về hành hương. Các Ban quản lý lễ hội đã có sự phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, hạn chế tối đa các hiện tượng như hành khất ăn xin, chèo kéo khách viết tấu sớ, làm lễ; kiểm soát khá tốt các hoạt động kinh doanh văn hoá phẩm, vàng mã… Công tác phòng chống chảy nổ, an ninh trật tự đảm bảo, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp tiếp tục được quan tâm thực hiện, tiêu biểu là tại các di tích: Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, di tích Miếu Ao, chùa Chân Tiên, chùa Đại Hùng,… Việc tổ chức phần hội với các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, vật cổ truyền, chọi gà, đua thuyền, văn nghệ dân gian được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Các hoạt động này vừa tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích, vừa tạo ra sự giao lưu, kết nối cộng đồng đồng thời góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa của quê hương, dân tộc. Công tác tuyên truyền trong lễ hội được tăng cường, việc tổ chức hướng dẫn và đón tiếp du khách cũng được tiến hành chu đáo, kịp thời. Một số di tích đã bố trí hệ thống loa phóng thanh giới thiệu nguồn gốc di tích, lễ hội đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở du khách và nhân dân việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Vì vậy, hầu hết lễ hội được tổ chức tốt, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho du khách, những hạn chế, yếu kém từng xảy ra trong các mùa lễ hội trước dần được khắc phục.

Việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng đạt nhiều kết quả nổi bật. Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân, Nghị quyết “Quy định một số chính sách xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 265/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 201/216 Nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn (đạt 93%), 1.831/1.937 Nhà văn hóa thôn đạt chuẩn (đạt 94,5%), 1.677/1.937 khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt 86,6%). Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Từ cuối năm 2021 đến tháng 9/2022, tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao từ cấp xã đến cấp tỉnh thu hút đông đảo lực lượng vận động viên quần chúng tham gia, tạo được hiệu ứng tích cực trong phong trào luyện tập thể dục thể thao quần chúng. Tại các trung tâm văn hóa, khu thể thao xã, thôn, tổ dân phố các sân thể thao được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đa số phát huy tốt chức năng, thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi tham gia tập luyện. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hầu hết đều có sân chơi thể thao cho cán bộ, nhân viên. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 1.112 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, tỉnh đã hỗ trợ thành lập được 176 câu lạc bộ dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh trên toàn tỉnh; 1.737 câu lạc bộ thể thao, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 38%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt: 27,9%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2022, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có những hạn chế. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào chưa thật đầy đủ và tích cực. Một bộ phận trong đó có không ít là cán bộ, đảng viên chưa chấp hành nghiêm những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Sự biến động về môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, xã hội, nền kinh tế thị trường tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân, phần nào làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống, chất lượng các danh hiệu văn hóa có nguy cơ thiếu bền vững, một số nơi còn chạy theo thành tích trong xét công nhận các danh hiệu. Việc xây dựng cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa chưa được các địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức. Kinh phí phục vụ cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp còn hạn chế. Một số đơn vị, địa phương sớm thỏa mãn với danh hiệu được công nhận, có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu dẫn đến việc không được công nhận lại.

Mặc dù có một số tồn tại nhưng xét đến cùng với những kết quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong năm 2022 đã thực sự tạo hiệu ứng văn hóa tốt trong toàn tỉnh. Điều này không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng họ, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã đề ra.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần khẳng định vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp rất quan trọng, phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên, đưa ra các giải pháp, phương pháp và cách thức phù hợp với tình hình phát triển phong trào và điều kiện của từng địa phương, đơn vị.

Hai là, xây dựng thành công Đề án “Phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025”. Tổ chức kiểm tra hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Phát huy chức năng của Ngôi nhà trí tuệ ở các địa phương nhằm sử dụng tối đa công năng sử dụng của các Nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ và hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Ba là, phối hợp chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với thực hiện Đề án xây dựng Tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xây dựng Đô thị văn minh theo Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn Đô thị văn minh.

Bốn là, tăng cường phối hợp tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phát huy vai trò các thiết chế văn hóa, hệ thống báo đài, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo... giúp cho mỗi đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc mục đích ý nghĩa tác dụng, hiệu quả thiết thực của phong trào, cũng như nhân rộng các mô hình hay, tiêu biểu. Đẩy mạnh gắn việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước khác.

Năm là, cần tập trung hơn nữa trong việc phối hợp đánh giá, nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, dòng họ văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc.

 

NGUYỄN NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;