Trong bối cảnh hoạt động lý luận phê bình điện ảnh ở Việt Nam chưa mạnh, lại thiếu những công cụ và giáo trình hiện đại, Hướng dẫn viết về phim là cuốn sách kết hợp giữa cẩm nang hướng dẫn viết và sách giáo khoa nghiên cứu điện ảnh. Cuốn sách cũng cập nhật nội dung về công nghệ kỹ thuật số trong nghiên cứu phim, đảm bảo tính thời sự và ứng dụng cao.
Gần đây, khi ngày càng nhiều những tranh luận trái chiều liên quan đến các tác phẩm điện ảnh, người ta càng quan tâm đến công tác phê bình điện ảnh. Ðặc biệt, điện ảnh Việt Nam được đang giá là nền điện ảnh đang phát triển trong khu vực châu Á. Ðiều đó đặt ra những yêu cầu cho lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ta hiện nay, trong việc góp phần đưa nền điện ảnh Việt Nam phát triển, thực sự trở thành ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.
Giống như các bộ môn nghệ thuật, lý luận, phê bình điện ảnh là cầu nối giữa nghệ thuật điện ảnh với công chúng khán giả và xã hội, đồng thời định hướng cho sáng tác, cảm thụ cũng như đánh giá tác phẩm và làm rõ bản chất những vấn đề của điện ảnh. Nhưng thực tế công tác lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ta đang phát triển chưa tương xứng. Ðiện ảnh vốn là bộ môn nghệ thuật dễ tiếp cận khán giả bậc nhất, lại đặt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển khiến mỗi khán giả đều có thể trở thành một nhà phê bình. Những ý kiến trên mạng xã hội đã tác động trực tiếp đến công chúng, bởi vậy dễ dàng tạo “hiệu ứng đám đông” mạnh mẽ. Nhưng khán giả không dễ dàng trở thành một nhà phê bình điện ảnh, bởi ngoài việc đưa ra quan điểm cá nhân, một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh còn có những lập luận dựa trên học thuật để tác động đến việc xây dựng, định hướng tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Nhà lý luận, phê bình điện ảnh là những công chúng tinh hoa, bởi họ có kiến thức chuyên môn sâu, đặc thù của lĩnh vực.
Khi điện ảnh đang thiếu vắng những nhà phê bình giỏi chuyên môn, việc ra đời những cuốn sách hướng dẫn viết về phim ảnh cũng là điều rất cần thiết.
Hướng dẫn viết về phim ra mắt độc giả tháng 10/2024 là sách tái bản có bổ sung, sửa chữa của cuốn Hướng dẫn viết về phim (tác giả Timothy Corrigan, dịch giả Ðặng Nam Thắng, do Nxb Tri thức, Nhã Nam và Dự án Ðiện ảnh quỹ FORD, Trường ÐHKHXH&NV Hà Nội ấn hành năm 2010).
Tác giả Timothy Corrigan là Giáo sư danh dự ngành Ngôn ngữ Anh và Nghiên cứu Ðiện ảnh tại Ðại học Pennsylvania. Trong lĩnh vực nghiên cứu điện ảnh, ông tập trung nghiên cứu điện ảnh quốc tế đương đại và phim tài liệu. Nhiều công trình, tiểu luận về điện ảnh, truyền thông, nghệ thuật của ông đã được xuất bản, tái bản và phổ biến rộng rãi.
Khán giả ở nhiều độ tuổi đã tham dự và trao đổi tại Tọa đàm
Hướng dẫn viết về phim của tác giả Timothy Corrigan là một cẩm nang kiến thức hữu ích, giúp nâng cao khả năng cảm nhận, bình luận, đánh giá về phim. Với cấu trúc chặt chẽ, bài bản, tác phẩm này cung cấp một lộ trình rõ ràng, chi tiết để phát triển kỹ năng viết chuyên môn về điện ảnh. Thông qua việc kết hợp lý thuyết, ví dụ thực tế và bài tập ứng dụng, cuốn sách có thể trở thành công cụ đắc lực giúp người đọc phát triển tư duy sâu sắc và kỹ năng viết tinh tế về phim, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành nghiên cứu và phê bình điện ảnh hiện nay.
Hướng dẫn viết về phim gồm bảy chương. Chương 1 giải thích tầm quan trọng và mục đích của hoạt động viết về điện ảnh. Ðặc biệt tập trung vào việc phát triển kỹ năng phê bình phim, một hoạt động đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa ý kiến cá nhân và đánh giá khách quan. Tác giả cũng đề cập đến thách thức trong việc viết về phim, đặc biệt là việc chuyển hóa từ niềm yêu thích cá nhân sang khả năng diễn đạt và phân tích chuyên nghiệp.
Chương 2 hướng dẫn độc giả cách tiếp cận một bộ phim với tư duy phê bình, trong đó giới thiệu các kỹ thuật đặt câu hỏi hiệu quả, giúp người xem đi sâu vào các khía cạnh kỹ thuật và nghệ thuật của phim.
Chương 3 giới thiệu các thuật ngữ quan trọng liên quan đến phim ảnh, phân tích các thành phần chính của một tác phẩm, bao gồm cốt truyện, nhân vật, bối cảnh và chủ đề, giúp người viết nắm bắt được cấu trúc cơ bản của một bộ phim. Các chương 4, 5 và 6 cung cấp cho người đọc một bộ công cụ toàn diện để phát triển kỹ năng viết về phim. Chương cuối cung cấp cho độc giả một bộ sưu tập các mẫu bản thảo bài viết, đóng vai trò như một nguồn tham khảo và thực hành quý giá.
Bản in lần này được Nhã Nam hiệu đính, dịch bổ sung, với một vài thay đổi đáng kể: Hoàn thiện phần giới thiệu mục tiêu học tập ở đầu mỗi chương; tích hợp và nhấn mạnh các “gợi ý viết” vào mỗi chương, khích lệ sinh viên dừng lại và áp dụng những kiến thức vừa học vào phân tích một bộ phim cụ thể hoặc quen thuộc mà họ đang theo dõi và mở rộng phần nội dung về công nghệ kỹ thuật số. Công nghệ và các phương tiện kỹ thuật số, từ Internet đến đĩa Bluray, đang ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong cách chúng ta xem và nghiên cứu phim. Do đó, phiên bản mới sẽ mở rộng phần thảo luận về ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số không chỉ trong việc xem và hiểu phim, mà còn trong cách chúng ta nghiên cứu và viết về điện ảnh.
Ngoài ra, bản in này còn cập nhật thêm các ví dụ và minh họa từ các bộ phim mới nhất. Dù việc giới thiệu các bộ phim cũ và nước ngoài là quan trọng để mở rộng kiến thức và kích thích sự tò mò của độc giả, nhưng không thể bỏ qua các ví dụ về phim đương đại, giúp người đọc dễ dàng nhận diện và chú ý hơn tới phim.
Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Nhã Nam vừa tổ chức buổi tọa đàm có tựa đề “Chúng ta viết gì khi viết về phim” nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách Hướng dẫn viết về phim của Giáo sư Timothy Corrigan. Sự kiện không chỉ tập trung thảo luận về điện ảnh và phê bình điện ảnh, mà còn gợi mở hướng tiếp cận một tài liệu thiết yếu với sinh viên và giảng viên ngành Ðiện ảnh và với bất kỳ ai muốn nâng cao khả năng thưởng thức và bình luận về nghệ thuật thứ bảy.
NGUYỄN THỊ HẰNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024