Yếu tố trang trí trong tranh sơn khắc Việt Nam

Nghệ thuật trang trí ra đời từ rất sớm, là nhu cầu thiết yếu của loài người. Qua mỗi thời kỳ, trang trí được nâng cao theo trình độ khoa học, quan niệm thẩm mỹ và phục vụ trực tiếp cho con người. Nghệ thuật trang trí kiến tạo nên một thế giới đầy cảm xúc, gắn bó chặt chẽ với đời sống, bắt đầu từ những đồ gia dụng thường nhật tới đồ thờ cúng, từ dân giã đến cung đình, từ thô sơ đến chau chuốt, cho đến các tác phẩm hội họa biểu hiện trên không gian phẳng hay không gian đa chiều.

Kỹ thuật sơn khắc trang trí ở dòng tranh Đông Hồ Tranh Vinh hoa của Lương Minh Hòa - Công ty sơn khắc Latoa.vn - Ảnh chụp lại: Mai Hương

1. Khái quát lịch sử tranh sơn khắc

Nghệ thuật tranh sơn khắc ra đời từ rất sớm và bắt nguồn từ nghệ thuật làm tranh sơn mài. Vào những năm 1960-1046 TCN, người Trung Quốc đã biết sử dụng chất liệu sơn mài và trang trí lên các vật dụng như cái bát, đĩa, chén, đến trang hoàng nhà cửa, nơi ở để phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng của con người. Khi xã hội càng phát triển, càng văn minh, đời sống nghệ thuật càng được khai thác và các hình thức nghệ thuật càng phát triển đa dạng, từ đó, nghệ thuật tranh sơn khắc xuất hiện và phát triển trở thành một dòng tranh đặc trưng có tính biểu hiện mới trong kỹ thuật và sáng tạo; đồng thời, phát triển lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Ở nước ta, tranh sơn khắc xuất hiện và phát triển mạnh mẽ được tính từ thời điểm 1945-1995. Các thể loại tranh sơn khắc phát triển không chỉ được sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Có thể thấy, ở thể loại tranh sơn khắc có một cách vẽ khác hẳn với tranh sơn mài. Nếu như tranh sơn mài sử dụng bút vẽ trực tiếp lên bề mặt của tấm vóc thì tranh sơn khắc lại có một lối tạo hình chạm khắc trên bề mặt vóc một cách tinh tế và khéo léo, giàu cảm xúc, đặc biệt là tranh sơn khắc phải dùng đến các yếu tố tạo hình có tính đồ họa trang trí.

2. Những đặc trưng nghệ thuật trong tranh sơn khắc ở Việt Nam

Tranh sơn khắc là thể loại tranh được chạm khắc bởi các yếu tố tạo hình đường nét, hình mảng và tô màu trên tấm vóc có sẵn. Vóc dành cho kỹ thuật khắc và làm sơn phải được chuẩn bị kỹ hơn vóc tranh sơn mài. Bề mặt vóc để khắc phải làm dày sơn hơn, khi lót sơn then cũng phải làm thêm lớp phủ từ 15-20 lớp để đạt độ dày từ 5mm trở lên. Cách vẽ của tranh sơn khắc khác hẳn tranh sơn mài. Tranh sơn khắc là nghệ thuật của đồ họa, quan trọng là nét chạm khắc và những mảng hình tinh tế, giàu cảm xúc, có tính khái quát hóa cao trong hình tượng nghệ thuật. Về nguyên tắc, ngoài việc tranh sơn khắc tả nét, hình, mảng thể hiện trên tấm vóc sơn mài đã được đánh bóng, người ta còn tô màu sắc lên các hình tượng đã được khắc đó. Hình khắc là những nét chìm với độ nông, sâu khác nhau để làm nổi bật hình tượng của bức tranh. Điều quan trọng trong quá trình để tạo ra được một tấm vóc làm tranh sơn khắc là cần phải có chất liệu sơn: sơn ta và sơn then. Trong đó: “Sơn ta (A. Annamese lacquer; P. Laque d’Annam) là chất liệu được làm từ nhựa của cây sơn, trồng nhiều ở vùng núi trung du, nhất là vùng Phú Thọ. Nhựa cây sơn được tạo ra để dùng nhiều trong mỹ nghệ, công nghệ, xuất khẩu và cả trong lĩnh vực của nghệ thuật tạo hình. Sơn then (A. Black lacquer; P. Laque noire) được làm từ sơn sống” (1).

Quá trình vẽ tranh, người họa sĩ đổ sơn cánh gián vào chậu sành, sau đó lấy một thanh sắt non quấy mạnh đều khắp chậu sơn, đây gọi là “đánh sơn” trong vòng 2-3 ngày, sơn sẽ chuyển dần sang màu đen. Sơn then được dùng để làm vóc, để quét nền đen trên vóc tranh, kể cả nền vóc tranh sơn mài và tranh sơn khắc hoặc dùng để quét mặt bàn, mặt ghế, hoặc trang trí đồ mỹ nghệ...

Tranh sơn mài khắc là sự kết hợp sáng tạo và độc đáo giữa 2 phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Từ niềm đam mê làm mới văn hóa truyền thống, các họa sĩ đã quy tụ lại thành một xu hướng mới dựa trên kỹ thuật khắc ở các dòng tranh dân gian quen thuộc như tranh Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Nội) hay Đông Hồ (Bắc Ninh)… Hiện nay, kỹ thuật này đã được phát triển và lan rộng các làng tranh như làng tranh Hạ Thái - Thường Tín, Hà Nội… và rất phát triển.

Chất liệu sơn khắc tạo ra bởi những lớp chạm khắc lấy nét đặc trưng và lấy chất liệu sơn của sơn mài để kết hợp với nhau tạo ra cái hiệu quả bất ngờ, bởi vậy, ở mỗi bức tranh đều sẽ có một cái thú vị riêng ở mỗi một lần vẽ khắc, hoặc tô màu là một cách mà bản thân họa sĩ đã khai thác riêng. Ví dụ, mỗi khi vẽ, bản khắc lần này vẽ sẽ khác với bản khác, điều đó đã tạo nên tính độc bản cho mỗi bức tranh sơn khắc.

Như vậy, đôi khi mang nội dung giống nhau nhưng cảm xúc chất liệu và màu sắc lại khác nhau, mỗi họa sĩ có kỹ thuật, cảm xúc riêng để thổi hồn vào tác phẩm của mình. Sau khi lựa chọn tranh, họa sĩ bắt đầu tô lại hình từ bản in lên tấm vóc. Đầu tiên, trên bản đen được vẽ bản thảo bằng đường nét bằng việc lấy bút không có mực vẽ can lên bề mặt vóc, sau đó dùng dao chạm khắc lích nhẹ theo nét đã vẽ lên tấm vóc. Đây là một kỹ thuật truyền thống, thủ công tạo nên cảm giác uyển chuyển, nhẹ nhàng, tinh tế mà người họa sĩ phải lựa góc nghiêng, biết cách đào để vừa giữ lại vẻ đẹp của tranh vừa không để bong các đường nét xung quanh. Mặt vóc rất dễ vỡ nên cần phải lựa chọn cái đường dao để vóc không không bị bong lóc; khi đào khắc bề mặt vóc cần phải làm đều tay…

Tiếp theo, phủ lớp sơn cánh gián đầu tiên và tiếp tục vẽ màu. Quan trọng nhất là lựa chọn màu vẽ để tạo thành các mảng màu có hòa sắc ưng ý theo cảm xúc của người vẽ… Những lớp màu tạo nên các mức độ để xử lý cho mỗi lớp khắc. Công đoạn tiếp theo là dát bạc hay còn gọi là thiếp bạc, đây cũng là công đoạn quan trọng. Mục đích của dát bạc là sau này, khi mài, các lớp bạc ấy được lộ ra và khi được bắt ánh sáng vào sẽ tạo sự lộng lẫy. Sau nữa là mài tranh - đóng vai trò lớn trong việc tạo nên sự thành công của một tác phẩm sơn khắc. Với mặt tranh sơn khắc, sau khi quét sơn then cũng phải mài đi, rồi đánh bóng mới khắc, vì độ bóng và ánh bóng sau khi đánh làm tấm vóc trong hơn, tạo chiều sâu tốt hơn so với mặt sơn then không mài.

Có thể thấy, tranh sơn khắc rất khác so với tranh sơn mài thông thường. Mặc dù cùng sử dụng các chất liệu như nhau, cùng tuân thủ theo những quy tắc, quá trình làm vóc sơn mài, cùng vẽ, khắc trên tấm vóc đó nhưng khác nhau chính ở ngôn ngữ tạo hình, tranh khắc có một cách tạo hình rất riêng, trong đó các yếu tố tạo hình độc đáo bởi yếu tố trang trí như đường nét, hình mảng, màu sắc… đã tạo nên những giá trị thẩm mỹ cho tranh sơn khắc rất khác biệt này.

Nét, mảng và màu sắc trong kỹ thuật tạo hình

Trong nghệ thuật tạo hình hội họa, đường, nét cùng song hành; muốn tạo nét phải có đường, đường làm nên nét. Các loại đường nét bao gồm: đường thẳng, đường cong, đường tròn, đường xoáy ốc, đường gấp khúc... Vai trò cơ bản nhất của đường và nét là bao viền ngoài để xác định giới hạn của hình; đường viền bao quanh làm cho tính ngưng tụ của hình và làm rõ hình thể. Vai trò vị trí của đường nét có thể tạo nên chất và nguồn cảm xúc khác nhau. Đường nét có thể làm nên nhịp điệu và mang theo ý nghĩa tương ứng, bởi nó bắt nguồn từ những hình ảnh thân quen của tự nhiên. Trong các thể loại tranh đồ họa, như tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su... đường, nét được kết hợp uyển chuyển, nhịp nhàng với hình và các mảng màu. Họa sĩ Ferdinand Victor Eugène Delacroix (người Pháp) cho rằng: “đường nét không phải chỉ là đường nét đơn thuần; trong nghệ thuật tạo hình, đường nét là những yếu tố cơ bản thường tương hỗ lẫn nhau với ý nghĩa và giá trị tiếng nói ngôn ngữ khác nhau của từng đường nét. Do đó, khi sử dụng người vẽ cần phải hiểu được giá trị và tiếng nói ngôn ngữ mà từng đường nét mang lại để có sự thành công trong tác phẩm của chính mình” (2). Điều đó cho thấy, yếu tố đường nét chạm khắc thủ công là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên sự hoàn hảo trong nghệ thuật tranh sơn khắc. Bên cạnh đường, nét mảng hình đã tạo nên các mảng lớn hay nhỏ, đậm hay nhạt… cũng đã tạo nên các tiết diện, bố cục màu sắc, hoặc độ xa gần, nhịp điệu... góp phần tạo ra tổng thể bố cục và không gian sắc màu cho bức tranh, đặc biệt, trong tranh sơn khắc đã lộ ra những hình thể, đường nét đậm chất biểu trưng trang trí của chất liệu sơn. Các mảng dày thưa, liên kết hay tách rời đều được xây dựng theo ý đồ sáng tạo của họa sĩ.

Như vậy, đường, nét và các hình mảng là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên những mảng hình không thể thiếu trong sáng tạo hình thức thẩm mỹ của tranh sơn khắc. Mỗi họa sĩ có thể chọn cho mình một phong cách hoặc một cách biểu đạt riêng bằng hình, bằng chất cảm hay sự cân bằng tổng thể của các yếu tố giàu chất trang trí đó. Ở đó, sự tồn tại của nét cùng với sự phối hợp với mảng luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong việc xây dựng bố cục, nhất là đối với thể loại tranh sơn khắc. Bởi lẽ, khi họa sĩ sắp xếp một tác phẩm về nét thì không thể bỏ qua ý đồ bố cục về mảng cho dù đó chỉ là một khoảng trống để có thể biểu đạt được giá trị của tác phẩm.

3. Đặc trưng yếu tố trang trí trong tạo hình tranh sơn khắc

Có thể thấy rõ các tác phẩm/ sản phẩm trang trí khi sử dụng phương thức thể hiện mang tính chất khái quát hóa cao trong những tính chất đặc trưng rõ rệt của trang trí như yếu tố thị giác, quy luật, cấu trúc, bố cục, tạo hình, màu sắc. Màu sắc trong tranh sơn khắc mang những nét độc đáo rất riêng đó là sử dụng màu sơn ta hoặc màu dầu bên trong những nét khắc. Màu sắc trong tranh sơn khắc trang trí có âm hưởng truyền thống từ xưa thường đem lại hiệu quả bất ngờ vì chúng có sự tương phản mạnh và có tính ước lệ rất lớn trong cách tạo hình. Yếu tố thị giác cũng sẽ đạt được hiệu quả tốt vì chất liệu sơn mài dễ bắt mắt, màu sắc kết hợp giữa sơn ta, sơn then hoặc dát bạc hoặc có sự pha lẫn cả sơn dầu để có chiều sâu rung cảm mang vẻ sang trọng cao quý. Hơn nữa sơn ta - sơn mài là chất liệu bản địa, được khai thác tại chỗ, nguyên vật liệu quý hiếm, vì vậy sơn khắc Việt Nam mang đặc thù trang trí của tính dân tộc.

Xưa kia, cha ông ta đã phát triển nghệ thuật trang trí trong đình, chùa Việt Nam với hoành phi, câu đối, cửa võng bằng sự khái quát cao tính ước lệ đơn giản hóa, màu sắc bên trong các khối đắp đầy uy nghi, khỏe khoắn. Điều đó cũng đi đến hiệu quả về mặt tâm linh, tín ngưỡng, phù hợp với tinh thần và ước vọng của dân tộc Việt. Tính trang trí hôm nay được phát huy đa dạng hơn, phong phú hơn để tiếp cận với môi trường thẩm mỹ hiện đại.

Với các hoạt động sáng tạo trong kỹ thuật tranh sơn khắc, yếu tố nghệ thuật trang trí được thiết lập như một môi trường biểu hiện hài hòa giữa hình thức và nội dung. Để thỏa mãn đầy đủ các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, đồng thời góp phần thỏa mãn các nhu cầu khác của xã hội, tranh sơn khắc được hội tụ đầy đủ các yếu tố và chức năng thẩm mỹ trong cách tạo hình.

Về chức năng thẩm mỹ trong tranh sơn khắc, yếu tố trang trí được hợp thành từ các tiêu chí quan trọng trong nghệ thuật trang trí hội họa và trang trí ứng dụng. Hình thành từ kết cấu đặc trưng của mỹ thuật tranh hội họa và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong một bản thể thống nhất của nghệ thuật trang trí là quá trình chuyển biến rất lớn của văn minh loài người trong việc sáng tạo nên tính thống nhất của chu trình giữa mỹ thuật và kỹ thuật. Một tác phẩm/ sản phẩm sơn khắc đẹp về cả hình thức và nội dung, hoặc phù hợp với đời sống được gắn chặt với nhau không tách rời thì luôn đòi hỏi hướng tới sự phát triển rất cao của sự sáng tạo trong tranh sơn khắc.

Đặc biệt tính nghệ thuật trang trí được ứng dụng trong tác phẩm/ sản phẩm sơn khắc là ngôn ngữ tạo hình cụ thể, là một tiếng nói yên lặng không ồn ào, đem lại cho đời sống con người cái đẹp mang giá trị tinh thần, tư tưởng, đồng thời giá trị vật chất cụ thể và góp phần xây dựng lối sống, nếp sống, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc. Bởi thế, tính dân tộc là một đặc tính đặc trưng và dễ nhận thấy trên mỗi tác phẩm tranh hoặc sản phẩm trong trang trí ứng dụng với cách trang trí của nó. Khi phân tích tính chỉnh thể sản phẩm, nó luôn luôn giữ hai mặt, là mỹ thuật và công năng sử dụng. Với bề dày của nền nghệ thuật tranh sơn khắc cổ truyền, được bắt đầu từ kỹ thuật tranh sơn mài thì các tác phẩm luôn toát lên phong cách nghệ thuật dân tộc: từ cách làm đến đường nét, hình mảng, màu sắc, hoặc trong các mô típ trang trí trên các sản phẩm trang trí bởi đều mang dấu ấn thời đại và tinh thần thẩm mỹ của dân tộc. Những tinh hoa chắt lọc được ông cha để lại khá nhiều trong các kỹ thuật tô vẽ trên các sản phẩm trang trí ứng dụng từ trước và đến nay đã được phát triển cao hơn trong kỹ thuật đục khắc.

Trong quá trình sáng tạo đó, các tác giả vừa phác thảo, bố cục trong ý tưởng chủ đề, vừa đi tìm ra cái đẹp, vừa chú trọng đến các mảng màu sáng tối trên nền màu đen của vóc…, tất cả toát lên tính truyền thống trong cách tạo hình độc đáo của thể loại tranh sơn khắc.

4. Kết luận

Tính chất đặc trưng tiêu biểu trong tranh sơn khắc Việt Nam là mang đậm yếu tố trang trí và được hình thành trên cơ sở những nguyên lý chung của hình thức nghệ thuật trang trí truyền thống. Bên trong nó cũng mang những đặc điểm chung của thể loại tranh sơn mài và có nét riêng của kỹ thuật chạm khắc bởi chất liệu sơn ta hoặc sơn công nghiệp. Ở góc độ nghệ thuật tạo hình cho thấy, tranh sơn khắc Việt Nam được kết hợp giữa tính trang trí và tính tả thực. Bài viết phân tích đánh giá kỹ năng tạo hình thông qua thực tế và trong quá trình giảng dạy chuyên ngành Mỹ thuật của tác giả; qua đó, góp phần đưa ra quan niệm và nhận thức về đặc trưng tính trang trí, tạo hình trong tranh sơn khắc.

_________________

1, 2. Châu Hoàng Trọng, Nguyễn Thị Chúc Linh, Tính biểu cảm của đường nét và mảng trong tác phẩm sơn khắc Việt Nam, Trường Đại học Đồng Tháp, Tạp chí Khoa học, số 33, 8-2018.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2005.

2. Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ thuật hiện đại Việt Nam - Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2010.

3. Phạm Thị Chỉnh, Lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, 2005.

4. Trương Hạnh, Tranh khắc gỗ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1997.

5. Đàm Luyện, Giáo trình bố cục, tập II, Nxb Đại học Sư phạm, 2005.

6. Quang Phòng, Trần Tuy, Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1996.

 Ths NGUYỄN NGỌC DŨNG:

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;