Hình tượng chim phượng hoàng trên áo bào của Triều Nguyễn đầu thế kỷ XX

Hình tượng chim phượng hoàng trong bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam được đại diện cho sự vương quyền, đặc biệt, trên phục lễ của hoàng thái hậu, hoàng hậu dưới triều Nguyễn (1802-1945). Ngoài ra, hình tượng chim thấy xuất hiện trên trang trí các di vật cổ, vật dụng, trang trí nội thất ở một số công trình kiến trúc và lưu truyền đến tận ngày nay. Bài viết tập trung nghiên cứu hình tượng chim phượng trên áo phượng bào của các hoàng thái hậu, hoàng hậu triều Nguyễn dưới góc độ mỹ thuật và văn hóa trên nền tảng những tác phẩm có giá trị lịch sử ở một giai đoạn văn hóa truyền thống, thể hiện tính biểu tượng quyền lực điển hình nhất của một thời kỳ phong kiến Việt Nam.

1. Triều Nguyễn và sự ra đời áo phượng bào của các hoàng thái hậu, hoàng hậu triều Nguyễn

Gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn và kinh đô của 13 đời vua triều Nguyễn. Đó là những công trình mang giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, trí tuệ và tâm hồn dân tộc Việt Nam. Nhà Nguyễn (1802-1945), sau khi thống nhất đất nước, vua Nguyễn xưng vương, xây dựng kinh đô ở Phú Xuân. Năm 1804, trước những đòi hỏi, yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng thể chế và phát triển đất nước, triều đình Nguyễn đã ban hành các quy chế nhà nước, trong đó có quy chế về lễ phục cung đình (1). Lễ phục cung đình triều Nguyễn, ngoài khẳng định sự uy quyền của một triều đại, còn biểu hiện những giá trị về tư tưởng thẩm mỹ có yếu tố tạo hình sắc tộc. Thông qua sự sắp đặt những hình mẫu, kiểu thức, mô típ trang trí và mối liên hệ giữa màu sắc, chất liệu, kỹ thuật tạo hình phục lễ được trang trí trong tổng thể bố cục đã cho thấy thời kỳ này không chỉ đề cao tính văn hóa dân tộc mà còn mang giá trị biểu tượng của một triều đại phong kiến quân chủ, lấy Nho giáo làm gốc để cai trị đất nước (2).

Vua chúa nhà Nguyễn lên ngôi, xây dựng kinh thành cai trị ở Phú Xuân. Năm 1804, phải giải quyết được vấn đề xây dựng thể chế và phát triển đất nước, vua, chúa Nguyễn đã đưa ra những quy chế để quản lý nhà nước, trong đó, có các quy tắc về lễ phục cung đình.

Lễ phục cung đình triều Nguyễn, ngoài khẳng định quyền lực của một triều đại, còn đại diện cho tư tưởng thẩm mỹ được thể hiện rất rõ trong các yếu tố tạo hình. Việc đưa ra sự sắp đặt những hình mẫu, kiểu thức, mô típ trang trí trên trang phục và mối liên hệ giữa các yếu tố khác như màu sắc (vàng, ánh kim, đỏ, xanh dương…), chất liệu (vàng, bạc, kim xuyến, vải gấm...) và kỹ thuật tạo hình, trang trí trong tổng thể bố cục là nét đặc trưng, tính riêng biệt trong nghệ thuật trang trí trên lễ phục cung đình triều Nguyễn, chứa đựng giá trị văn hóa lịch sử, tiêu biểu là lễ phục áo phượng bào của triều Nguyễn.

Áo Bàn lĩnh cổ đứng của hoàng hậu triều Vua Đồng Khánh (1885-1889) - Nguồn: byzu.vn

Áo phượng bào là một trong những loại trang phục mặc trong các ngày lễ/ tiết quan trọng của hoàng thái hậu, hoàng hậu ở triều Nguyễn như các lễ triều hội (đại triều, tiết Nguyên Đán, tiết Đoan Dương, tiết Vạn thọ...) tổ chức ở điện Thái Hòa. Ngày nay, trải qua quá trình phát triển của lịch sử, áo phượng bào vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Riêng với quy chế lễ phục hậu cung, triều Nguyễn quy định: hoàng thái hậu và hoàng hậu đội mũ cửu phượng. Trưởng công chúa (theo quy chế 1808) đội mũ Thất phượng quan. Công chúa (theo quy chế năm 1833) đội mũ thất phượng quan như trưởng công chúa. Cung tần thuộc nhất, nhị, tam giai, tùy theo cấp bậc được dùng các trang sức kim ước phát (bó tóc bằng vàng) bát phượng, thất phượng, ngũ phượng, tam phượng và nhất phượng. Việc hoàng thái hậu, hoàng hậu đội mũ cửu phượng tương tự, việc hoàng đế đội mũ cửu long. Bởi cửu - số 9, được coi là số dương lớn nhất, tượng trưng cho ngôi vị chí tôn, vĩnh cửu (3). Qua đây, nhận thấy hình tượng chim phượng hoàng xuất hiện trên hầu hết lễ phục của hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa như: phượng bào, đoàn phượng nhật bình và một số lễ phục khác; trong đó, thể hiện giá trị đặc sắc lớn nhất là về hình tượng chim phượng hoàng trên những chiếc áo phượng bào, đồng thời là sự đánh dấu mốc ra đời của áo phượng bào cũng như chức năng sử dụng áo phượng bào trong các dị tiết/ lễ lớn của triều Nguyễn. Giá trị lớn thứ hai được nói đến là quá trình biến đổi về mặt tạo hình thẩm mỹ mang đặc điểm tạo hình riêng biệt kết thúc một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam mang biểu tượng chim phượng hoàng và đánh dấu quan trọng trong dòng chảy của nền mỹ thuật cổ Việt Nam.

2. Đặc điểm áo phượng bào của các hoàng thái hậu, hoàng hậu của triều Nguyễn

Phượng bào của hoàng thái hậu được làm bằng sa mát màu vàng chính sắc, thêu chữ Thọ ngũ sắc gia kim, hoa văn sóng nước xen kẽ kết san hô, gương, lót trừu màu hoa xích và sa mát thêu hoa. Thường làm bằng đoạn bát ti bóng màu hoa xích thêu phượng ổ, hoa, sóng nước, xen kẽ kết gương tây. Viền đoạn gấm nền vàng liên đằng, lót sa hoàng quế, nối liền với áo lụa trắng. Bít tất làm bằng lĩnh bóng màu tuyết bạch, lót trừu bóng màu hoa xích, viền cổ bít tất có hai dây thao làm bằng trừu bóng màu hoa xích. Hài làm bằng tơ lông vũ màu vàng chính sắc và thêu phượng xen kẽ kết san hô, trân châu, gương của Tây dương.

Phượng bào của hoàng hậu được làm bằng đoạn bát ti bóng màu vàng chính sắc thêu phượng hoa tròn, sóng nước, lót trừu phượng hoa màu hoa xích. Cổ áo làm bằng lĩnh bóng lai lộ màu tuyết bạch, bát ti màu tuyết bạch được thêu phượng hoa tròn xen vàng, lót dải lụa cao bộ màu tuyết bạch. Đai vàng, thân đai dùng tre thuộc bọc đoạn bát ti bóng màu vàng chính sắc, đều sức vàng, 18 miếng vuông dẹt đều lót mặt gương, khảm hoa vàng trổ rỗng, 2 chiếc móc vàng. Hài làm bằng tơ lông vũ màu đỏ, viền thêu phượng. Bít tất làm bằng lĩnh nam bóng màu tuyết bạch.

Mũ cửu phượng của hoàng hậu có thân mũ làm bằng lông mã vĩ, trùm búi tóc, sức 9 hình phượng múa rồng bay, khảm 9 chiếc lạp bồn, 1 miếng vân hoa bó tóc, 1 miếng bác sơn, 12 cành hoa bướm, 4 đóa hoa sức trâm, 2 cành hốt phía trước, 1 vòng liên đằng bọc tóc, 4 đóa hoa mai, 2 đoạn hoa liên đằng trang sức chân tóc, 1 miếng khỏa (kiều) phía sau, phô hình phượng vàng nạm một đoạn chỉ, 4 thân trâm bạch kim đều xâu chuỗi thùy anh, 198 hạt trân châu cỡ nhỏ, khảm 235 hạt pha lê các loại. Ngạch cân làm bằng đoạn bát ti màu thiên nhiên thanh lót lĩnh đại tào màu vàng chính sắc sức 4 khuyên vàng, 1 dải thao tơ. Mũ cửu phượng dành cho hoàng thái hậu tương tự mũ của hoàng hậu, song việc xâu ngọc châu, khảm gương được tùy ý (4).

Mũ thất phượng quan với hình dáng cơ bản gần như: cửu phượng quan, làm bằng lông mã vĩ trùm búi tọc sức vàng, 4 khỏa kiều vàng, 1 chiếc sức chân tóc, 7 hình phượng bay, 4 miếng cổ đồ, 2 đóa hoa mai, 4 hoa cúc, 7 hoa mận, 4 trâm hoa, 1 vòng trang sức quanh đỉnh đầu, 1 vòng sức quanh viền mũ, đều đính với 1 miếng tuyến khảo trổ hình phượng, 2 miếng khỏa bản, 1 bộ trâm bạch kim xâu 120 hạt giả châu khảm 230 hạt pha lê (5).

Qua những thông tin tư liệu, có thể thấy, cách may và tạo hình bằng các phụ kiện trang sức vàng, bạc, kim loại quý hiếm rất trau chuốt tỉ mỉ về đường nét, mảng miếng; cách phối màu công phu của người xưa để tạo nên sự hài hòa với cảnh quan và môi truờng xung quanh được biểu hiện trong nghệ thuật trang trí của triều đình Nguyễn. Đồng thời, đối chiếu tư liệu với các hình ảnh xuất hiện hình tượng mũ phượng thể hiện trong các bức ảnh hoàng hậu, công chúa triều Nguyễn thấy đỉnh mũ trùm búi tóc ở mũ cửu phượng trong kỹ thuật của người An Nam có phần khoa trương, song, kiểu dáng tương đối thống nhất. Tuy nhiên, chưa thể xác định được các khái niệm lạp bồn, vân hoa bó tóc…; cụ thể, chỉ những chi tiết trang sức nào có thể thấy đây là khăn cố định búi tóc của hoàng hậu tương tự võng cân của vua quan triều Nguyễn.

3. Ý nghĩa hình tượng chim phượng trên áo phượng bào của hoàng thái hậu, hoàng hậu triều Nguyễn

Trong các di tích văn hóa, nghệ thuật của người Việt, hình tượng chim phượng là một trong những linh vật được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các công trình kiến trúc tâm linh. Cũng như hình tượng rồng, không ai biết nó xuất hiện từ bao giờ. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: hình ảnh chim phượng “le lói xuất hiện từ thời Đinh - Lê” song với hình dáng là vịt trời nhỏ, đi cùng một đôi. Chim có mỏ vịt ngắn, lông đầu bay ra phía sau như tóc trĩ, thân tròn như thân chim bồ câu. Đầu cánh vểnh lên, đuôi cuộn lại. Hình dáng chưa được tỉa tót. Đến thời Lý, chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, hình ảnh chim phượng hoàng có tạo hình cầu kỳ hơn. Đến thời Trần, hình tượng chim phượng hoàng xuất hiện ở công trình Văn Miếu, một công trình Nho giáo và kế tục thời sau, người ta vẫn thấy hình tượng này xuất hiện trong các công trình kiến trúc và trên áo lễ phục cung đình như dưới thời Lê, Nguyễn (6). Nhìn chung, về cấu tạo hình tượng, hình ảnh con chim phượng hoàng của người Việt “đầu chim trĩ, mào là mào của gà trống khuôn theo hình mây có chùm lông dài. Mỏ con chim nhạn, ở dưới có chùm lông giống râu, cổ là cổ rùa. Lông của nó mượt như lụa, óng ánh như lửa”. Đặc điểm chung là con chim phượng hoàng được tạo hình với dáng nghiêng, dưới dạng hoa văn hình tròn, đầu phượng ngẩng cao, chân phượng ngắn, hai cánh dang rộng và luôn được đặt vào vị trí trung tâm của trang phục.

Hoàng thái hậu Đoan Huy mặc trang phục phượng bào - Nguồn: daophatngaynay.com/vn/

Sang thời Nguyễn, hình tượng chim phượng không chỉ là hình tượng trang trí dành cho các bà hoàng (hoàng hậu, hoàng thái hậu, hậu phi) mà còn được đưa vào áo lễ phục Nam Giao của vua, mãng bào của các quan đại thần. Điều này đã cho ta thấy một tinh thần mới trong việc sử dụng chim phượng trang trí trên áo lễ phục triều Nguyễn. Hình ảnh đôi chim phượng tung cánh bay miệng ngậm dải lụa bọc cuốn sách một phần đã làm cho bộ lễ phục trở nên sinh động hơn, một phần lại hàm chứa đầy ý nghĩa ẩn tàng bên trong. Hình chim phượng với “đầu đội chân lý và đức hạnh, mắt là mặt trời mặt trăng, lưng cõng bầu trời, đuôi là tinh tú, cánh là gió, lông là cây cỏ, chân là đất” (7). Một phần nào đó nó chính là biểu tượng của trời đất, khi phượng hoàng xuất hiện, trời đất chuyển động, tạo ra sự sinh sôi là quyền năng của người tài, người có trí tuệ (là bậc thánh nhân). Vì thế, trên áo quan đại thần phải có phẩm cấp từ trên nhất phẩm đến tam phẩm mới có hình chim phượng.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng cho rằng: “Hai tay áo là hai con phượng, bởi vì thứ nhất, theo mỹ thuật nhìn vào rất tương xứng với hình tượng rồng rất uy nghiêm ở giữa thân áo; thứ hai, tay áo đại triều rất rộng, dài chấm đất, hai con phượng hoàng xòe cánh trải dài hết cánh tay áo và chầu về hình tượng rồng nhìn áo cân đối hợp lý. Bên cạnh đó, nó còn tạo vẻ vinh hoa cho kẻ nho sĩ thành đạt” (8). Trên các trang phục của hoàng hậu, hình tượng phượng còn có dạng đồ án phượng chầu, hình phượng tròn hay đồ án phượng đơn được trang trí chính giữa áo. Điều đặc biệt khác là phượng dành cho hoàng hậu có năm đuôi, cho các quan và công chúa chỉ có ba đuôi.

Về tạo hình chung, chim phượng triều Nguyễn vẫn giữ kiểu đầu gà, mào to màu đỏ, cổ ngẩng cao đầy kiêu hãnh. Chân phượng dài mảnh, có 4 móng, đang trong tư thế bay lượn trên mây. Cánh phượng uốn cong dáng rộng hai bên, được cách điệu theo hình mảng. Phượng có bờm dài và chùm râu dưới cằm giống như tạo hình của các thời kỳ trước. Nhưng bờm phượng thời Nguyễn, lượn sóng kéo dài ra phía sau chia thành bảy cụm, chùm râu cũng có hình dáng tương tự như bờm phượng chia thành ba cụm, đầu vát nhọn. Thân phượng được thể hiện tròn to, lông vũ tỏa ra. Cách tạo hình chim phượng thời Nguyễn được thể hiện trực tiếp trên áo lễ phục theo lối cách điệu, chi tiết nhưng đường nét mạch lạc rõ ràng. Phượng thời Nguyễn có đặc trưng là ẩn mây, bay cùng mây hay được kết hợp cùng bát bửu, hoa, quả... Tuy nhiên, tùy vào từng đồ án trên lễ phục mà hình dáng phượng có sự biến đổi, nét riêng biệt này của cách tạo hình thời Nguyễn đã thể hiện tính sáng tạo cao trong các yếu tố như:

Màu sắc trên trang phục

Màu sắc trang phục dưới triều Nguyễn đều được quy định nghiêm ngặt giống như yếu tố hình, kỹ thuật thể hiện phụ thuộc vào phẩm bậc. Trong một số sử liệu dưới thời Nguyễn cũng cho biết về điều này, như trong cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, quyển 6 có ghi về quy định màu sắc cho lễ phục.

Màu sắc trên áo lễ phục cung đình triều Nguyễn với hình thức chuyển đổi về sắc độ đã biểu hiện sự phong phú và không gian vô cùng tận. Các biểu hiện này đều được thể hiện chung một kiểu thức trang trí xen cài, chồng chéo lên nhau nhưng lại tạo ra tính chất chung trên áo lễ phục cung đình triều Nguyễn (9). Đó là sự khẳng định về giá trị biểu tượng mang tính Nho giáo, bên cạnh đó xen cài tư tưởng cá nhân của những người thợ thêu, thợ dệt, nhuộm với màu sắc thuần Việt mang đậm tính chất dân gian. Đó chính là thói quen thẩm mỹ dân tộc được thể hiện nên từ kinh nghiệm làm nghề. Có thể nói rằng, nếu hình khối và đường nét tạo nên tính động, sự trừu tượng về ngôn ngữ hình thể của một sản phẩm, thì màu sắc lại mang ngôn ngữ cảm xúc, tâm lý, tăng khả năng biến hóa mạnh về thị giác cho bộ lễ phục. Khi hoàng thái hậu, hoàng hậu, phi tần, công chúa khoác lên mình trong một không gian lễ tiết nơi cung đình càng tăng thêm tính giàu sang, sự uy nghiêm và quyền lực của triều đình.

Màu sắc trên áo phượng bào cung đình triều Nguyễn, mang hiệu quả thẩm mỹ cao nhờ các tương quan sắp đặt màu hài hòa trong sự tương phản giữa các loại chất liệu của màu bề mặt vải và phụ kiện trang trí. Màu vàng trên áo được tôn lên nhờ sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu may cũng như sắc vàng của vải gấm với sắc vàng của chỉ thêu, chỉ kim tuyến, chỉ kim loại bằng vàng. Phản ánh sự tài tình của người thợ thêu trong quá trình thực hiện sản phẩm, làm cho bộ lễ phục rất nhiều màu vàng nhưng không bị rối mắt mà là sự chuyển sắc độ trong tông màu đã được thêu, dát vàng trở nên sống động. Bên cạnh là các sắc xanh da trời của hình tượng mây, thủy ba tương phản với màu vàng của áo đã tác động mạnh vào thị giác, tạo ảo ảnh về một không gian bao la, linh thiêng trên áo phượng bào.

Chất liệu thể hiện

Trang phục phượng bào cơ bản là sử dụng vải gấm, vải sa bên trong lót lụa trơn hoặc lụa vân. Tất cả các chất liệu này đều làm tự sợi tự nhiên đó chính là tơ tằm. Cùng với kỹ thuật dệt theo định lượng của sợi nên có độ dày mỏng khác nhau.

Gấm là một loại vải được tạo ra từ sợi tơ tằm tự nhiên, có khả năng bắt sáng tốt, đem lại những cảm nhận trực tiếp cho thị giác về độ bóng, độ óng lánh, tính sang trọng, cuốn hút. Gấm không như một số chất liệu vải khác như cotton, lanh, sợi dệt gấm được nhuộm màu trước nên khi ra thành phẩm vải có màu sắc hài hòa, dưới ánh sáng quang phổ của mặt trời có thể tạo ra các sắc độ khác nhau. Trang trí hoa văn trên gấm rất khó đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ của những nghệ nhân có tay nghề cao. Cuốn Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam cũng đã đưa ra những thông tin về sự hình thành và đặc điểm của các loại chất liệu đoạn, the, sa, lụa, gấm. Trong đó tác giả đã nhận định: “Gấm là mặt hàng cao quý nhất, khó làm nhất trong tất cả các mặt hàng tơ lụa… Người thợ dệt gấm phải đạt tới tay nghề rất cao, kỹ thuật điêu luyện, tinh xảo và có đầu óc tuyệt vời” (10). Ngoài chất liệu gấm thì sa, lụa cũng là sự lựa chọn cho một số loại lễ phục của triều Nguyễn. Sa là loại vải có bề mặt bóng, mỏng, có tính thấu quang. Áo may bằng sa có trọng lượng nhẹ, độ ánh mờ, toát lên sự sang trọng.

Lụa hay lụa vân đều là những loại vải được dệt bằng sợi tơ tằm có độ thấm hút cao, thích nghi với điều kiện khí hậu nước Đại Nam. Bề mặt vải, ngoài vẻ đẹp về màu sắc có độ bóng mịn, tôn dáng vẻ người mặc thì với đặc điểm của lụa hay lụa vân là làm từ sợi tự nhiên, cho nên chất liệu sẽ giữ ấm vào mùa đông, vào mùa hè sẽ mát nên thường dùng để may lót cho trang phục của hoàng thái hậu, hoàng hậu, phi tần, công chúa.

Thường phục (áo nhật bình)

Áo nhật bình là triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là thường phục của hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa. Áo nhật bình có nguyên mẫu là dạng áo phi phong thời Minh, là loại áo xẻ cổ, có dạng đối khâm, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật ở trước ngực, dưới ức có dải vải buộc hai vạt áo. Thường phục nhật bình thường đặt định vào năm 1807 thời Vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn. Quy chế năm 1807 quy định từ hoàng hậu đến cung tần tứ giai nhất loạt sử dụng kim ước phát phối với áo nhật bình, đến năm 1846, thời Vua Thiệu Trị, kim ước phát được thay thế bằng một loát thủ sức có tên kim phượng. Cung tần tam giai, tứ giai và ngũ giai còn được phân biệt bởi số lượng trâm cài.

Hoàng hậu, công chúa hay cung tần đều vấn khăn vành, mặc áo nhật bình. Khăn vành, còn được gọi khăn vành dây, là một khổ vải dài hơn chục mét, khổ rộng 30cm, được vấn gấp nếp thành hình chữ Nhân ở giữa trán, sau đó vấn nhiều vòng quanh đầu, có khi lên đến 20, 30 vòng. Loại khăn này vào cuối thời Nguyễn được kết hợp với áo nhật bình, áp dụng làm thường phục của hoàng thái hậu, hoàng hậu và triều phục của mệnh phụ, cung tần, phần lớn có màu xanh lam. Sau này, khăn vành dần được phổ biến trong dân gian, được phụ nữ Việt Nam sử dụng trong cách dịp lễ nghi trang trọng.

4. Giá trị hình tượng chim phượng hoàng trên lễ phục cung đình triều Nguyễn

Nhà Nguyễn, ngoài kế thừa những tư tưởng thẩm mỹ thời kỳ trước đó, kết hợp với quan điểm lấy Nho giáo làm tôn chỉ xây dựng đất nước đã tạo nên một không gian nghệ thuật cung đình với ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Trong công trình nghiên cứu điêu khắc, hội họa, trang trí, thủ công mỹ nghệ Huế, nhiều nghiên cứu và tạo hình thời kỳ nhà Nguyễn đã đề cao Nho giáo, nên phần lớn các đề tài và hình ảnh, mô típ trang trí đều mang tính trang nghiêm, quyền quý, nhằm phục vụ cho nhu cầu của vua quan và các tầng lớp thượng lưu. Trong đó hình tượng chim phượng là một trong những hình hoa văn quan trọng nhất, được sử dụng nhiều nhất trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Biểu tượng phượng hoàng có rất nhiều ý nghĩa đẹp, nó vừa tượng trưng cho vẻ đẹp toàn mỹ, cho sự kiêu sa đài các của nữ nhân và còn tượng trưng cho thái bình thịnh trị. Vì thế, hình ảnh chim phượng từng xuất hiện khắp nơi trong các công trình do người Việt tạo tác, như trên áo mũ của các hoàng hậu, công chúa hay trên kiến trúc các đền đài, cung điện...

Hình ảnh những con chim phượng mang vẻ ngoài lộng lẫy, với những điệu múa kiêu sa, hay ngậm thư sách với những dải lụa uyển chuyển, kiêu hãnh vươn đôi cánh rực rỡ tung bay với muôn vàn cách tạo dáng khác nhau, cùng với những ý nghĩa cao quý tốt lành mà nó mang lại. Chính vì thế, cũng không lạ khi hình ảnh chim phượng đã được người xưa yêu thích, ưa chuộng sử dụng trên khắp các vị trí trang trọng nhất như trang phục lễ phục, nhật bình và cho các công trình văn hóa của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử nước nhà.

5. Kết luận

Hình tượng chim phượng hoàng từ lâu gắn bó với văn hóa dân tộc Việt, có ý nghĩa biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy. Hình tượng chim phượng hoàng trên áo phượng bào của hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa triều Nguyễn được biểu hiện về bố cục chặt chẽ trong phom áo, mật độ họa tiết dày đặc, màu sắc phong phú tạo nên vẻ uy nghi lộng lẫy và sự uy quyền. Hình tượng chim phượng hoàng đóng vai trò đại diện cho hình ảnh hoàng thái hậu, hoàng hậu triều Nguyễn đứng đầu thiên hạ. Đó cũng chính là tư tưởng nhất quán của một chế độ phong kiến trung ương tập quyền, phân chia giai cấp. Góp phần trong việc kế thừa và phát huy giá trị nghệ thuật trang trí hình tượng chim phượng hoàng trên áo bào cung đình triều Nguyễn trong các công trình, thực hành tín ngưỡng tâm linh đang được thực hiện ngày nay. Đồng thời, đề cao phát triển làng nghề truyền thống và giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt trong xu hướng thời trang hiện đại.

_______________________

1, 4, 6. Vũ Huyền Trang, Trang trí trên áo lễ phục cung đình triều Nguyễn (1802-1945), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2022, tr.7, 76, 77.

2, Vũ Kim Lộc, Hồi sinh, câu chuyện phục hồi bốn mũ vua triều Nguyễn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2011, tr.13-14.

3, 5. Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.336-337, 340-341.

7. Leopold Michel Cadiere (Nguyễn Thanh Hằng dịch), L’Art Hue (Nghệ thuật Huế), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr.353.

8. Trần Đình Sơn, Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013, tr.87-92.

9. Viện Sử học, Khâm định đại Nam Hội điển sử lệ, tập 6, Nxb Thuận Hóa, 2015, tr.167-169.

10. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1998, tr.162.

Tài liệu tham khảo

1. Tôn Thất Bình, Đời sống cung đình triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.

2. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam (từ thời tiền sử đến nửa đầu phong kiến), Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 2003.

3. Nguyễn Hữu Thông, Mĩ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.

4. Trần Minh Nhựt, Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2023.

Ths PHAN ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;