Độc đáo lễ cấp sắc Pụt của người Nùng xã Xuân Dương (Bắc Kạn)

Thày Tào, thày Pụt, thày mo cùng với con hương (lúc này đã là Pụt) tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã ủng hộ cho phép các thày làm lễ cấp sắc

 

Xã Xuân Dương (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) có tổng số diện tích là 37km², dân số khoảng hơn 2.000 nhân khẩu. Xã nằm phía đông nam huyện Na Rì, tiếp giáp với các xã Dương Sơn, Liêm Thủy, Đổng Xá huyện Na Rì và xã Thiện Long (tỉnh Lạng Sơn). Người Nùng đã làm ăn sinh sống lâu đời ở mảnh đất này, nơi họ vẫn còn lưu giữ cho mình được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng với những điệu hát Sli (đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) đằm thắm, trong những phiên "Chợ tình Xuân Dương” đặc sắc. Ngoài những điệu hát, những lễ hội trong đời sống thường nhật, thì dân tộc Nùng nơi đây vẫn rất chú trọng lưu giữ, bảo tồn đời sống văn hóa tâm linh. Cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong hoạt động tín ngưỡng tâm linh của các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Thái... ở nhiều tỉnh, thành miền núi phía Bắc nước ta. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm trong lịch sử, trước sự tác động và giao thoa văn hóa với cộng đồng các dân tộc khác. Lễ cấp sắc của cộng đồng dân tộc Nùng ở xã Xuân Dương vẫn giữ được bản sắc riêng. Đây là một thủ tục công nhận người nam giới ở cộng đồng có đủ điều kiện để tham gia thực hành các nghỉ lễ tín ngưỡng theo phong tục. Đối với dân tộc Nùng, lễ cấp sắc là một sinh hoạt không chỉ riêng gia đình tổ chức mà còn là dịp vui chung của cộng đồng.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước ngày càng đi lên; sự biến đổi của xã hội hiện đại cũng khiến nhiều nghi thức trong nghỉ lễ cấp sắc của người Nùng được giản lược cho phù hợp hơn với đời sống hiện tại. Thày tào Lô Xuân Việt (xã Xuân Dương) cho biết: “Trước kia, nghi lễ cấp sắc Pụt của chúng tôi được tiến hành hai ngày hai đêm, nhưng nay đã được giản lược thành một ngày một đêm”. Tuy đã được giản lược về thời gian, nhưng nghi lễ này vẫn được các thế hệ trong công đồng dân tộc Nùng tổ chức thường xuyên và trao truyền cho nhau.

Tấm vải trắng tượng trưng cho sự khó nhọc như lúc người mẹ sinh ra con

 

Công tác chuẩn bị cho lễ cấp sắc của người Nùng xã Xuân Dương

Cũng theo thày tào Việt: “Mặc dù có cắt ngắn về thời gian, nhưng các lễ nghi và lễ vật trong lễ cấp sắc vẫn được giữ nguyên theo cổ truyền". Để tiến hành lễ cấp sắc, gia chủ cần chuẩn bị lễ vật phục vụ cho nghi lễ và lễ vật cho thày Tào, thày Pụt, thày mo mang về sau khi kết thúc nghi lễ. Đồ lễ và vật dụng mà gia chủ chuẩn bị bao gồm: dê 1 con, lợn 1 con, gà 9 con, vòng giải hạn 1 cái, vài đỏ 4m, hương 2 bó to, gạo tẻ 0,5kg, bát nhỏ 12 cái, bát to 2 cái, ly 15 cái, rượu 4 chai, nón 4 cái, bánh dày (pèng mọc) 9 cái, giấy màu các loại 20 tờ, chuẩn bị 6m² vải trắng.

Lễ cấp sắc Pụt cần có sự phối hợp hành lễ của thày Tào và thày Pụt, thày mo. Gia đình người được cấp sắc mời thày Pụt cả và thày Tào cả, thày mo, còn các thày Tào, thày Pụt giúp việc cho thày Tào cả, thày Pụt cả là do thày Tào cả, thày Pụt tự đi mới. Tương tự, người giúp việc cho thày mo do thày mo mời. Công việc chính thày Pụt phải làm là chuẩn bị các đồ mã dùng trong các nghi lễ và tiến hành lễ cấp sắc.

Các thày Tào, thày Pụt, thày mo đang tiến hành lễ cấp sắc

 

Nghi lễ cấp sắc Pụt

Lễ cấp sắc là một thủ tục bắt buộc đối với mọi đối tượng muốn làm nghề cúng bái. Lễ cấp sắc lẩu Pụt là tổng hợp bao gồm nhiều nghi lễ cúng tổ tiên, nghi lễ giải xung, giải hạn... và được thực hiện dưới sự tham gia của các lực lượng thày Tào, thày Pụt, thày mo. Mục đích của việc thực hiện các nghi lễ này là tống tiễn những cái xấu đi, đón cái tốt đẹp đến nhằm làm phong quang thanh thản cửa nhà của người được cấp sắc. Theo quan niệm của người Nùng, những người làm nghề Pụt là làm việc âm, do đó để lấy được lòng tin của cộng đồng, trước tiên họ phải làm thủ tục thụ nghề, mục đích là lấy chứng chỉ của Ngọc Hoàng, nhận binh mã, mũ áo, phẩm hàm để chính thức vào đội ngũ quan chức nhà trời, thực hiện nhiệm vụ thay trời cứu nhân độ thế. Thực hiện lễ cấp sắc là một trong những việc lớn của người Nùng, để lễ cấp sắc được suôn sẻ thì công việc đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Ngày tháng hành lễ được các thày xem xét rất kỹ lưỡng. Một tháng trước đó, người được cấp sắc phải tuân theo nhiều quy tắc và chuẩn bị nhiều đồ lễ, thực phẩm. Không chỉ có người trong gia đình, mà hai bên nội ngoại, con cháu trong dòng họ cũng giúp sức để cùng thực hiện các phần việc trong nghi lễ. Ngoài số lượng thực phẩm, bánh trái, đồ lễ mang đến thì người thân hai bên gia đình còn giúp nhau phục vụ cho nghi lễ được trọn vẹn. Do vậy, ngôi nhà sàn truyền thống nơi diễn ra lễ cấp sắc sẽ luôn tề tựu đông đủ anh em họ hàng gần xa, bà con hàng xóm đến chứng kiến buổi lễ.

Chủ trì lễ cấp sắc lẩu Pụt có 3 thày chính là thày Tào, thày Pụt và thày mo cùng với 3 thày phụ là những người đệ tử của họ. Thày Pụt cả giữ vai trò chủ trì chính trong lễ cấp sắc và cũng là người bảo trợ nghề nghiệp cho đệ tử được cấp sắc hôm đó. Trong lễ cấp sắc này, ngoài thày Pụt dạy nghề cho mình, đệ tử Pụt như đã nói ở trên thì bắt buộc phải mời được thày Tào và thày mo đến để phối hợp làm lễ cấp sắc cho buổi lễ mới được hoàn thiện và được cộng đồng công nhận.

Trước khi bước vào các giai đoạn chính của nghi lễ, các thày dẫn theo đệ tử và người được cấp sắc làm thủ tục khấn mời đến các bậc thần linh và tổ tiên đến dự lễ cấp sắc. Việc thực hành lễ cấp sắc giống như một lễ tốt nghiệp để bắt đầu quá trình hành nghề thày Pụt. Nghi lễ cấp sắc lần đầu tiên cho một đệ tử là minh chứng để cho một người có căn duyên hành nghề thày cúng được chứng nhận đủ khả năng để tiến hành các công việc trong đời sống tâm linh của cộng đồng, do vậy những phương tiện hành trang cấp cho người thụ lễ cũng sẽ được các thày trụ trì chuẩn bị kỹ lưỡng. Lễ cấp sắc của người Nùng được tiến hành một lần trong đời và diễn ra trong một ngày một đêm.

Để tiến hành lễ cấp sắc Pụt phải trải qua nhiều bước với nội dung là báo cáo với tổ tiên gia chủ, báo các vị thánh, quan chức nhà trời về một việc lớn của gia đình. Thày Pụt mở đường lên trời để đón tổ sư, tổ tiên gia chủ xuống dự lễ, cúng giải xung, giải hạn cho gia chủ. Trong ngày thứ hai là lễ cấp sắc chính thức: do thày Tào, thày Pụt và thày mo cùng phối hợp thực hiện gồm các lễ nhỏ như sau: lễ sinh ra con hương, lễ quá hồng, lễ cấp đồ nghề cho đệ tử, lễ đọc sắc phong, giải hạn, khao quân, tiễn thánh.

Sau những thủ tục báo cáo, các thày lần lượt làm các thủ tục tượng trưng như lễ sinh con hương, đây là thủ tục bắt đầu một giai đoạn quan trọng trong lễ cấp sắc. Tấm vải trắng được các thày chuẩn bị (tượng trưng cho sự khó nhọc như lúc người mẹ sinh ra con) được cắt dần trong tiếng chiêng trống và sự quan sát ủng hộ của những người thân và làng xóm đến xem. Khi tấm vải được cắt đứt, con hương nằm xuống sàn, thày khác lấy chăn phủ lên người con hương như một động tác đón nhận và che chở cho đứa con mới được sinh ra. Sau đó, các thày đi xung quanh con hương đọc lời cúng, con hương tiếp tục được các thày chải đầu, cắt tóc, sau đó lấy kim châm vào đầu như thể dặn dò đứa con sinh ra sáng suốt tỏ tường mọi việc.

Các thày phân chia ra để làm lễ khấn khác nhau như: thỉnh cầu các bậc thần linh cấp phép cho người thụ lễ, cúng khấn tổ tiên gia đình cầu cho mùa vụ thành công, cầu sự phù hộ an lành cho người được cấp sắc. Đây cũng là lúc người được cấp sắc nghe lời giáo huấn với những điều cấm và điều nguyện, sống tốt đời đẹp đạo khi trở thành thày Pụt, thày Tào.

Sau khi thực hiện xong lần lượt các phần việc của lễ cấp sắc, cuối cùng các thày làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã ủng hộ, cho phép các thày làm lễ cấp sắc và ban phát quả cho người được cấp sắc, kể từ đây người được thụ lễ đã được coi như một người hoàn thiện về đạo đức cũng như tâm linh.

Thày tào Lô Xuân Việt

 

Lễ cấp sắc của người Nùng ở Xuân Dương là những nét rất độc đáo và thú vị mang đậm bản sắc văn hóa riêng của người Nùng nơi đây. Lễ cấp sắc giống như một cuộc diễn xướng lớn, vì ở đây tập trung khá nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn như: hát, khí cụ như xóc nhạc của Pụt và chuông, trống, than la, não bạt... của thày Tào, xướng, múa, sân khấu nhập đồng... Cấp sắc Pụt đã phản ảnh được trong nó nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Nùng nói chung và người Nùng xã Xuân Dương nói riêng. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản. Tinh thần tôn sư trọng đạo là nét đẹp khá nổi bật thể hiện trong nghi lễ cấp sắc của người Nùng. Lễ cấp sắc đã cho thấy một mối quan hệ cao hơn cả quan hệ thày trò. Đó là quan hệ vừa là thày, vừa là cha mẹ với học trò, đi cũng là con cái (nghề thày cúng ở người Nùng thường “cha truyền con nối”), điều này rất có ý nghĩa đối với việc giáo dục cho thanh thiếu niên về tinh thần tôn sư trọng đạo với ý nghĩa “không thày đố mày làm nên”. Ngoài ra còn có thể tìm ở đó các giá trị về đạo đức, lối sống gắn với những truyền thống văn hóa lâu đời của người Nùng. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục đã tạo nên sức hấp dẫn của lễ cấp sắc của người Nùng, xã Xuân Dương.

Tuy nhiên, lễ cấp sắc của người Nùng xã Xuân Dương và của cả cộng đồng dân tộc Nùng ở nước ta hiện nay đang đối mặt với sự thờ ơ của giới trẻ với di sản văn hóa truyền thống nói chung và lễ cấp sắc Pụt nói riêng. Đây là điều lo lắng, trăn trở của thày tào Lô Xuân Việt, ông mong muốn trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc này của dân tộc Nùng. Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Nghi lễ này có rất nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng và nhân văn. Hiện nay, nghi lễ này đang được Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn xem xét, nghiên cứu lập hồ sơ trong thời gian tới đề nghị Bộ VHTTDL đưa Lễ cấp sắc Pụt vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, để góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Nùng nói riêng danh mục”.

HÙNG MẠNH - Ảnh: TUẤN MINH

 

 

;