Tái hiện nghi lễ Cúng sức khỏe (Nga yang asei mlei) của dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk

Lễ cúng sức khỏe là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bảo dân tộc Ê Đê. Tổ chức lễ cúng sức khỏe thể hiện sự tôn kính, hiểu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, là dịp để các thành viên trong dòng tộc được quây quần bên nhau. Đến nay, nghi lễ này vẫn được cộng đồng người Ê Đê ở Đắk Lắk tổ chức và xem đó như một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc sống.

Lễ tổ chức lớn hay nhỏ, thời gian làm lễ ở độ tuổi 60 trở lên hay sớm hơn với những người có điều kiện. Lễ vật dâng lên là gà, heo, hay trâu, bò, một ché rượu hay nhiều ché rượu còn tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình. Đặc biệt, trong nghỉ lễ không thể thiếu cây Nêu là biểu tượng của tâm linh, người Ê Đê gọi là Gơng drai. Cây Nêu như sợi dây kết nối với các vị thần linh để cầu xin phù hộ mọi người có nhiều sức khỏe, cuộc sống an lành, sung túc. Tham gia Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023, đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk đã giới thiệu đến công chúng Nghi lễ Nga yang asei miei, có nghĩa là Lễ cúng mừng sức khỏe của dân tộc Ê Đê. Lễ cúng gồm hai phần: phần thứ nhất cúng báo với ông bà tổ tiên; phần thứ hai Lễ cúng sức khỏe.

Chủ lễ chuẩn bị mâm lễ cúng báo với Tổ tiên

Trong không gian của Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Ê Đê đã tái hiện Lễ cúng sức khỏe của bà H’năm Niê rất chân thực, thu hút đông đảo người dân và du khách đến khám phá, tìm hiểu. Trước hết, để chuẩn bị mâm lễ cúng báo với Tổ tiên, từ những ngày trước, gia đình đã mời họ hàng, bà con trong buôn đến dự Lễ cúng sức khỏe của bà H'năm Niê. Khi những ché rượu cần được buộc vào cây cột lễ giữa gian chính ngôi nhà dài và được châm đầy nước, các món ăn vừa chín tới còn nóng hổi. Con vật hiến sinh đã làm thịt xong, mâm lễ vật đã được bày biện đầy đủ. Tiếng chiêng vang lên rộn rã thay cho lời mời gọi mọi người nhanh chân bước tới gian khách ngôi nhà dài để dự lễ. Lễ cúng bắt đầu với nghi thức Phat tau vah Giang (cúng báo với ông bà Tổ tiên). Chủ lễ mời bà H'năm Niê - người được cúng sức khỏe ngồi vào chiếc chiếu hoa trải sẵn bên mâm lễ cúng ông bà tổ tiên. Thầy cúng  thay mặt gia đình khấn báo và mời ông bà tổ tiên về dự lễ cúng sức khỏe bà H'năm. Cầu xin những người đã khuất phù hộ cho bà và những người trong gia đình luôn khỏe mạnh, bình an. Sau bài khấn, thầy cúng đưa bát rượu, một ít lễ vật trong mâm cúng cho H'năm Niê... ăn uống, tiếp đến là mời mọi người trong nhà.

 Sau bài khấn, thầy cúng đưa bát rượu, một ít lễ vật trong mâm cúng cho H'năm Niê... ăn uống, tiếp đến là mời mọi người trong nhà

Đến nghi Lễ cúng sức khỏe, sau khi bài chiêng đón khách tạm dừng, mọi người đã đến đồng đủ, lễ cúng sức khỏe bắt đầu. Lễ vật dâng thần linh gồm: ba ché rượu cần, đầu, vai, đuôi heo, ba chén cơm, ba món thịt để mời các vị thần về chứng giám. Thầy cúng đọc bài cúng đã được chuẩn bị trước: “Ơ Yàng phía Đông, Yàng phía Tây! Là các thần cai quản buôn làng, tôi gọi mời từ nơi xa, nơi gần về chứng giảm cho dân làng. Hôm nay là lễ cùng cho chủ nhà H'năm Niê được khỏe mạnh, cuộc sống no đủ, con cháu không ốm đau, bệnh tật. Tôi mời gọi các thần về phù hộ cho chủ nhà, cùng ăn lễ vật, uống rượu cúng. Tôi gọi thần núi, thần sông canh giữ bến nước, canh giữ buôn làng, giữ sông, suối, cây rừng. Tất cả các thần cai quản cái nhà, cải chòi, kể cả cái bếp, cả hiên sàn trước, sàn sau, các thần về trú ngụ trong căn nhà này”.

Lễ vật dâng thần linh gồm: ba ché rượu cần, đầu, vai, đuôi heo, ba chén cơm, ba món thịt để mời các vị thần về chứng giám

Nghi thức cúng đeo vòng và dây chuỗi hạt được người Ê Đê quan tâm hầu hết trong các nghi lễ cúng vòng đời người. Chiếc vòng được trao tay làm kỷ vật thay cho lời cam kết gắn bỏ thủy chung, chiếc vòng này là vật hộ mệnh và sẽ được lưu giữ bên mình suốt đời. Thầy cúng sẽ đeo vòng và khấn: “Đây là cần rượu tôi đặt phía trên, tay cầm cần đỡ phía dưới. Cái vòng này không phải cái vòng xấu, cái vòng để tôi gọi thần núi, thần sông để giữ gìn cho cả nhà đi ra bến nước, xuống sông, lên núi, giữ cho cả con trai, con gái, cho lũ trẻ trong nhà khỏe mạnh, bình an. Tôi gọi các thần đến chứng giám nhà có của, con cháu đông vui, lúa, bắp đầy nhà, heo gà đầy chuồng. Đeo cái vòng này thần linh sẽ phù hộ lúc lên rẫy, lên núi hay xuống sông, xuống suối không gặp điều xấu, luôn có thần linh giúp đỡ”. Để tỏ lòng quý mền, yêu thương, những người trong dòng họ đeo vòng cho chủ nhà, họ gửi gắm vào chiếc vòng đồng, quà tặng, cùng với lời chúc sức khỏe, cầu mong điều tốt lành đến với bà và gia đình.

Để khấn báo các thần đã làm xong Lễ cúng sức khỏe, thầy cúng đem ít lễ vật ra cửa sổ khẩn báo và bưng bát rượu pha huyết heo đi quết vào các vật dụng như chiêng, trống và đặc biệt quết lên cây Nêu buộc ché như một sự đánh dấu lễ vật dâng báo các thần linh biết... đến bên bếp lửa ông đổ ít rượu vào 3 góc bếp và khẩn báo đã xong lễ cũng sức khỏe.

Sau khi nghi lễ đã xong, chủ nhà mời rượu, mời cơm thứ tự những người có vai vế trong dòng tộc, phụ nữ được mời trước, tiếp đến những người đàn ông... Nghi thức này không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống của dân tộc Ê Đê, là nét văn hóa đặc trưng để thể hiện sự tiếp đón nồng nhiệt và tấm lòng mến khách của gia đình. Khi tiếng chiêng đã ngân, cây cột Nêu đã dựng, ché rượu đã đầy nước, chủ nhà sẽ mời rượu các khách có mặt theo nghi thức mời rượu trang trọng của người Ê Đê có tên: “M'năm k'pie m'bo drai", có nghĩa là uống rượu châm nước như dòng thác đổ. Ở các buồn làng, cuộc vui mừng lễ cúng sức khỏe còn kéo dài với các làn điệu dân ca, dân vũ, nhịp chiêng dồn dập, vòng xoang ngất ngây... Cuộc vui chỉ tàn khi rượu đã nhạt, ông mặt trời ngả bóng về chiều.

 

Cuộc vui mừng lễ cúng sức khỏe còn kéo dài với các làn điệu dân ca, dân vũ, nhịp chiêng dồn dập, vòng xoang ngất ngây

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

;