Hậu Giang: Tập trung bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

CLB ĐCTT Nguyễn Tình do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tình (thứ hai từ trái qua làm Chủ nhiệm) hoạt động rất hiệu quả, góp phần lưu giữ Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ - loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
 

Hậu Giang là một trong 21 địa phương lưu giữ Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ - loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, thời gian qua, Hậu Giang đã tổ chức thực hiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015 - 2020, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư bảo tồn và phát huy Nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh chưa như kỳ vọng; các nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi và việc truyền dạy cho thế hệ trẻ chưa được như ý muốn do phần đông thanh thiếu niên ít quan tâm, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật ĐCTT v.v…

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để di sản được bảo vệ và thực hành tốt hơn, tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật của ĐCTT, Hậu Giang đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như sau: Có ít nhất 195 Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT được xây dựng và củng cố trên địa bàn toàn tỉnh, làm nền tảng bảo vệ và phát huy nghệ thuật ĐCTT. Tổ chức 2 cuộc hội thảo về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT, 2 cuộc triển lãm nghệ thuật ĐCTT quy mô toàn tỉnh, các tụ điểm biểu diễn ĐCTT thường xuyên trong cộng đồng và tăng cường sinh hoạt giao lưu giữa các CLB trong cũng như ngoài tỉnh, nhằm quảng bá nghệ thuật ĐCTT đến với cộng đồng. Tổ chức 10 lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT; in ấn, phát hành trọn bộ tài liệu gồm bản in giấy và bản ghi âm (gồm 3 tập) về nghệ thuật ĐCTT đến 100% CLB ĐCTT trong tỉnh làm tư liệu học tập và truyền dạy các thế hệ kế thừa. Tổ chức Liên hoan ĐCTT 1 năm/lần ở cấp xã, cấp huyện và 2 năm/lần ở cấp tỉnh. Duy trì việc tham gia Liên hoan ĐCTT khu vực và toàn quốc. Xây dựng 19 CLB ĐCTT phục vụ tại các tuyến điểm du lịch trong tỉnh…

Hội thi Nghệ thuật quần chúng được tổ chức định kỳ hằng năm, nhằm bảo tồn nghệ thuật ĐCTT; tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật ĐCTT đến với cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phong trào ĐCTT

 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Hậu Giang tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, cụ thể là: công tác bảo tồn nghệ thuật ĐCTT; công tác tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật ĐCTT đến với cộng đồng; công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng phong trào ĐCTT. Theo đó, Hậu Giang tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân và trong các trường học về giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ; nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức và cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về ĐCTT cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các CLB và cộng tác viên, người dân nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nghệ thuật ĐCTT trong đời sống tinh thần của nhân dân. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy ĐCTT; thường xuyên duy trì mối liên kết giữa các CLB trong và ngoài tỉnh để thống nhất phương pháp truyền dạy và có kế hoạch tập huấn cho các nghệ nhân nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích lực lượng Nghệ nhân ưu tú đã được nhà nước phong tặng tích cực đóng góp xây dựng phong trào ĐCTT trong tỉnh và vận động xây dựng mô hình “gia đình tài tử”. Xây dựng kế hoạch mở lớp dạy ca tài tử cho đối tượng thanh thiếu niên, tạo điều kiện cho học sinh từ cấp Trung học cơ sở có dịp tiếp cận với nghệ thuật ĐCTT thông qua các làn điệu, bài bản nhẹ nhàng, vui tươi để các em có dịp làm quen với làn điệu cổ truyền. Đầu tư có trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhạc cụ cho các CLB tiêu biểu, phục vụ tại các điểm tham quan du lịch trong tỉnh, các tụ điểm biểu diễn ĐCTT phục vụ cộng đồng. Tạo điều kiện để các nghệ nhân ĐCTT có cơ hội giao lưu với các tỉnh, thành phố trong khu vực và toàn quốc. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, nhóm ĐCTT và đưa hoạt động ĐCTT vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa thể thao xã, Nhà văn hóa ấp; đồng thời thực hiện công tác xã hội hóa trong việc vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nghệ thuật ĐCTT nhằm tạo điều kiện bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Định kỳ tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục ý thức tiếp cận và mức độ cảm thụ đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Phối hợp hoạt động biểu diễn nghệ thuật ĐCTT với hoạt động du lịch, đưa các CLB ĐCTT phục vụ thường xuyên tại tất cả các điểm đến tham quan, du lịch trong tỉnh. Thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu trình diễn ĐCTT tại địa phương…

Với những nhóm nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, tin chắc rằng, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát huy hơn nữa, nhằm tiếp tục khẳng định một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không bị lãng quên hay mất đi theo thời gian; đồng thời gắn kết hoạt động ĐCTT vào các hoạt động du lịch, xem ĐCTT là một phần quan trọng của hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh khi đến thăm Hậu Giang.

 

QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

;