Phụ nữ xã Cao Ngọc (Thanh Hóa) góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ; giữ gìn, phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm; truyền dạy cho lớp trẻ điệu múa, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ của dân tộc... Với những việc làm thiết thực đó, phụ nữ xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Nhận thức rằng bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng về tiếng nói, trang phục, các phong tục, tập quán… Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững. Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cao Ngọc đã tích cực tuyên truyền cho chị em phụ nữ cùng nhau vun đắp, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1.134 hội viên với 10 chi hội, trong đó có 11 đội văn nghệ quần chúng nữ; 1 nữ Nghệ nhân Nhân dân.

Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, đâu đó khắp các bản, làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Mỗi người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số đều trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ðối với người phụ nữ dân tộc Mường, ngay từ lúc còn nhỏ đã được các mẹ, các bà của mình dạy cách biết trồng bông để lấy sợi dệt nên những tấm thổ cẩm với các loại hoa văn, họa tiết khác nhau như hoa lê, hoa mận, hoa đào và các loại hoa lạ trong rừng, chỉ có ở miền núi để làm mặt địu, chăn, vỏ gối, làm thảm… cho mình, cho chồng con và cả những người thân yêu trong gia đình. Cứ thế, dệt vải, thêu thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng, tốt đẹp được duy trì qua nhiều thế hệ. Đây được xem là tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Trên địa bàn xã Cao Ngọc hiện có 2 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm với 53 chị em phụ nữ tham gia. Trong khi, nhiều nơi nghề dệt thổ cẩm đã và đang dần mai một, thất truyền thì ở Cao Ngọc, nghề dệt thổ cẩm đang ngày càng phát triển. Không hiếm những hộ gia đình trên địa bàn xã có 3, 4 khung dệt. Tiêu biểu như Cơ sở sản xuất thêu dệt đồ thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng (làng Nhỏi). Sản phẩm dệt thổ cẩm ở Cao Ngọc tập trung chủ yếu vào trang phục như váy, khăn, chăn, ga… không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ mà còn đưa ra các địa phương khác trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Bên khung dệt, người phụ nữ Mường thoăn thoắt đôi tay, liên tục đôi chân không ngơi nghỉ và miệng cười nói rôm rả. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang lại thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào Mường nơi đây. Đến nay, Hội LHPN xã đã thành lập và duy trì được 1 Câu lạc bộ là CLB gia đình 5 không, 3 sạch và có nhiều phụ nữ tham gia sinh hoạt và làm chủ nhiệm các CLB như: CLB Văn nghệ dân gian Mường; CLB hát Xường giao duyên;… Các CLB đã vận động các thành viên là người dân tộc thiểu số, những người cao tuổi trong gia đình làm gương trong việc giữ gìn trang phục, tiếng nói và những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Vận động chị em phụ nữ dân tộc tự may trang phục truyền thống để mặc trong các ngày kỷ niệm, ngày lễ của đất nước, của Hội và địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các thành viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia, hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả trong các phong trào thi đua, tích cực Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia xây dựng Nông thôn mới. Hội LHPN xã còn lồng ghép việc giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc về tiếng nói, trang phục gắn với hoạt động câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc. Hằng năm có trên 95% gia đình thành viên CLB đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, tỷ lệ thu hút hội viên là 75,6%.

Người Mường đến Cao Ngọc sinh sống từ rất sớm, đời nối đời trên vùng đất được ông cha khai phá, dựng nên bản làng, các thế hệ người Mường tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống và không quên gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Dễ hiểu vì sao, mỗi khi nhắc đến không gian văn hóa Mường, nhiều người lại nhắc đến Cao Ngọc. Nhắc đến văn hóa Mường, không thể không nhắc đến 3 di sản văn hóa của người Mường huyện Ngọc Lặc đã vinh dự được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Trò diễn Pôồn Pôông, Hát Xường giao duyên, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sắc bùa. Điều thú vị, ở Cao Ngọc, cả 3 loại hình di sản kể trên đều đang được lưu giữ và phát huy tốt giá trị. Những người phụ nữ Mường cũng tích cực tham gia giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, có việc truyền dạy các điệu múa, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mường như: Múa trồng bông dệt vải; giảng dạy về văn hóa, trang phục truyền thống dân tộc Mường; truyền dạy các điệu nhảy trong lễ hội Pôồn Pôông, nhạc cụ dân tộc Mường cho thế hệ trẻ. Tiêu biểu phải kể đến Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng vừa là người chủ trò vừa là người lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội Pôồn Pôông. Dù tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng vẫn tích cực truyền dạy những điệu múa, điệu hát cho thanh niên trong và ngoài xã để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Mường. Quả thực, không có những người như Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng thì những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại sẽ có nguy cơ bị thất truyền. Xác định được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc, Hội LHPN trên địa bàn xã Cao Ngọc cũng đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc.

Bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ xã Cao Ngọc đã và đang trở thành nhân tố tích cực giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa của dân tộc. Qua đó, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

 

;