Kon Rẫy thực hiện tốt bảo tồn nhà Rông truyền thống

Kon Rẫy là huyện miền núi cao thuộc tỉnh Kon Tum, nằm trên trục Quốc lộ 24, cách thành phố Kon Tum 39km về hướng Đông Bắc. Huyện Kon Rẫy được thành lập lại từ huyện Kon Plông (cũ) theo Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 31/1/2001 của Thủ tướng Chính phủ, đổi tên thị trấn Kon Plông thành thị trấn Đăk Rve. Sau khi chia tách, huyện Kon Rẫy có 7 đơn vị hành chính bao gồm 06 xã và 1 thị trấn là: thị trấn Đăk Rve; các Xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, Đăk Tờ Lung, Đăk Kôi và Đăk Pne. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 911.134,55 ha. Tổng dân số 29.931 người (năm 2020). Kon Rẫy nằm ở phía Nam của Kon Tum, phía Tây giáp huyện Đăk Hà, phía Đông giáp huyện Kon Plông, phía Nam giáp các huyện K'Bang, Đăk Đoa, Chư Păh của tỉnh Gia Lai.

Sửa chữa nhà Rông tại Kon Vi vàng, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
 

Huyện Kon Rẫy có nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đời sống dân tộc Ba Na và Xơ Đăng gắn liền với nhà Rông. Nhà Rông là một trong những nét đặc trưng văn hóa nổi bật của đồng bào dân tộc cư ngụ tại Tây Nguyên. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của buôn làng; nơi thể hiện sự kết nối tâm linh trong cộng đồng và truyền đạt cho thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, nhà Rông còn được biết đến là một sản phẩm kiến trúc phi vật thể truyền thống của dân tộc. Đây là đặc trưng văn hóa tốt đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Thực hiện Kế hoạch số 141/KH-UBND, ngày 15/9/2021 của UBND huyện về bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương và nhân dân trên toàn huyện đã xác định rõ về tầm quan trọng của nhà Rông đối với đời sống sinh hoạt của của mọi người. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn được triển khai kịp thời... Đến nay, tất cả các thôn làng, dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đều có nhà Rông, để sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tổ chức các nghi lễ truyền thống. Qua đó, cho ta thấy ngoài sự hỗ trợ về kinh phí sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, còn có sự đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc bản địa, khẳng định ý thức tự lực tự cường của các dân tộc thiểu số trong việc khôi phục và xây dựng nhà Rông.

Huyện Kon Rẫy đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm việc quan tâm và hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà Rông cho các xã và thị trấn từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng, Tây Nguyên và miền núi. Huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phối hợp với UBND các xã và thị trấn để lựa chọn và tạo điều kiện phát triển nguồn nguyên vật liệu truyền thống (như tre nứa, cỏ tranh, dây mây...) để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững để sửa chữa và làm mới nhà Rông khi cần thiết, liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ và phát triển rừng.

Nhà Rông truyền thống dân tộc Ba Na ở làng Kon Dơ Xing xã Đăk Tờ Re

 

Kết quả, từ đầu năm 2021 đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 3 nhà Rông được xây dựng mới ở xã Đăk Kôi (làng Tu Rơ Băng), xã Đăk Tờ Lung (làng Kon Vi Vàng, làng Kon Rá); Bên cạnh đó, 5 nhà Rông trên địa bàn huyện cũng được sửa chữa (Đăk Pne 2, Đăk Tờ Re 3) và nhiều sân nhà Rông được kiên cố hóa. Kon Rẫy hiện có 36 nhà Rông hoạt động hiệu quả, mang đậm bản sắc của các dân tộc tại địa phương. Ngoài nhà Rông, một số làng trên địa bàn huyện đều có nhà sinh hoạt chung (nhà dài) để làm nơi sinh hoạt của cộng đồng như một số làng của xã Đăk Tờ Re, xã Đăk Ruồng.

Ngoài việc bản tồn nhà Rông trên địa bàn huyện, các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với nhà Rông được triển khai đồng bộ. Qua đó, các hoạt động văn hóa: Hội thi cồng chiêng, xoang, Ngày hội văn hóa, lễ hội: Ét đông; mừng lúa mới… đều được tổ chức thường xuyên; một số nhà Rông đã trưng bày các hiện vật văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của dân tộc mình như: trống, chiêng, gùi… Sinh hoạt văn hóa, truyền dạy cồng chiêng, múa xoang và các hoạt động khác của thôn, làng đều gắn chặt, khăng khít với nhà Rông.

Đạt được kết quả như vậy, trước hết là sự chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn về giá trị và ý nghĩa của việc bảo tồn nhà Rông truyền thống. Có thể nói, đến nay công tác bảo tồn, phục dựng, khôi phục nhà Rông truyền thống của huyện Kon Rẫy đã đạt nhiều kết quả tích cực.

 Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
 

VŨ HƯNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;