Hấp dẫn món bánh khoái cá Kình

“Ai ra xứ Huế thưởng thức – Bánh khoái cá Kình thơm phức hương đồng” - đó là câu nói “cửa miệng” của nhiều du khách đã có dịp đặt chân đến đây và thưởng thức món bánh khoái cá Kình. Trước khi chế biến, cá được rửa sạch, để nguyên con, đặc biệt là ruột cá cũng được giữ lại, giúp du khách thưởng thức vị béo, bùi bùi, đậm đà khó quên…Các cụ cao tuổi ở làng Chuồn cho biết: ruột cá Kình chứa nhiều thành phần, ăn vào có tác dụng bồi bổ sức khỏe, giúp an thần, ngủ ngon. Đến chợ làng Chuồn để thưởng thức món bánh khoái cá Kình. Du khách có thể tự tay đi mua cá, chọn cá rồi nhờ các “đầu bếp” khéo tay ở chợ chế biến và ngồi thưởng thức tại chỗ giữa không gian bốn bề là khói bếp, than hồng – một cảm giác thật ấm áp, thân thiện giữa người bán, kẻ mua. Trước tiên, người chế biến chiên vàng con cá Kình trên chảo dầu nóng. Loại chảo có kích thước nhỏ, đường kính khoảng 15 cm. Khi cá đã chín vàng, thoảng mùi thơm đặc trưng thì đổ bột bánh đã khuấy đều, thêm ít giá đỗ, rau xanh, ngò thơm, hành lá. Bột bánh được làm bằng bột gạo trắng, có độ dẻo, chất lượng cao. Bột bánh phải đổ đều tay, tràn đều khắp chảo để bánh có độ mềm, mỏng, cho lửa đỏ liu riu, canh tầm 2-3 phút là bánh chính. Những ngư dân ở đầm Chuồn (còn gọi là đầm Cầu Hai) cho biết, mùa cá Kình kéo dài từ tháng 4 – 7 âm lịch, tuy nhiên, do sự thay đổi của dòng chảy và sự đổi thay của thời tiết vào đầu mùa Xuân (tức tháng Giêng âm lịch), người ta cũng đánh bắt được những mẻ cá tươi ngon, giàu dinh dưỡng, đủ chất lượng để chế biến món bánh khoái cá Kình. Vì thế, du khách gần xa ghé thăm cố đô Huế trong những ngày đầu Xuân sẽ thưởng thức những mẻ cá tươi rói, chất lượng với hương vị ngọt lịm, rất đặc trưng của loại cá Kình ở vùng sông nước nơi đây.

Thưởng thức bánh khoái cá Kình ngon nhất, đúng chuẩn nhất là khi đĩa bánh còn nóng hổi. Ăn bánh khoái cá Kình, người sành điệu thường ăn bằng tay để thuận tiện cho việc gỡ xương cá. Bánh khoái cá Kình ăn kèm với rau sống (thường là cây cải con hoặc xà lách non) chấm nước mắm kèm ớt trái tươi cắt khúc và tỏi được trồng ở đảo Lý Sơn thái mỏng. Bánh khoái cá Kình khi ăn có vị giòn, hơi dai, vị bùi ngậy của bột gạo, thịt cá Kình mềm,  thơm phức, đậm đà hương vị khó quên.

 

NGUYỄN QUANG BÌNH - ĐẶNG VĂN HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;