Tép rong xao bông điên điển

 

Tép rong là loài tép nhỏ (còn gọi tép muỗi, tép riu, tép gạo), con to nhất cũng chỉ bằng đầu đũa, màu xanh nhạt hoặc trắng muốt, vỏ mỏng, sinh sản rất nhiều và tập trung thành đàn. Chúng sống trong ao hồ, ruộng đồng, thường ăn rong rêu nên mới có tên gọi tép rong. Cách mà người ở quê đánh bắt loại tép này rất đơn giản, chỉ cần mang theo cái rổ (hoặc lưới) đến những con mương, con rạch nhiều rong rêu là chỉ trong 1 giờ có ngay vài ký tép rong tươi xanh.

Nhớ ngày còn thơ bé, những lần nhà không có gì ăn là tôi hay mang cái rổ tre to đi xúc tép. Khi đi ngang con đường đê mọc đầy cỏ dại, tôi không quên í ới réo gọi đám bạn đi cùng. Trong xóm, nhà ai cũng khổ, nên nghe hú hí đi bắt cá, bắt tép là tụi nó ù té chạy theo ngay. Chúng tôi chọn những con mương ở ruộng mía, nơi có những chiếc lá mía khô lấp đầy và quần thể rong mọc kín. Rồi thì tôi dùng đôi tay bé nhỏ đặt chiếc rổ sâu xuống nước, lùa mớ rong, lá mục vào cho thật đầy. Một, hai, ba… dùng hết lực giở chiếc rổ tre lên cao. Chao ôi, nhìn lũ tép rong ú nu tươi nhảy xoi xói thấy mà mê. Lội xuyên qua các con mương nhỏ trong vòng một giờ, tôi cũng có được một thau tép rong kha khá, đủ để gia đình ăn mấy ngày. Nhìn lại bọn bạn, chúng cũng không thua gì tôi. Chia tay chúng nó, tôi hớn hở ra về, lòng mừng thầm vì chiều nay không phải ăn cơm với rau luộc. Xúc tép thì dễ nhưng sơ chế rất cực. Mẹ tỉ mẩn lựa từng cọng rác ra khỏi thau, rửa nhiều nước cho sạch. Rồi mẹ chọn những con tép rong to cắt mõm, đem kho ăn dần. Những con nhỏ cứ để cả râu, được mẹ dùng làm những món khác.

Từ con tép rong đơn giản, mẹ tôi có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon: cháy tỏi, xào lá cách, chiên bột, hấp cuốn bánh tráng, kho khô quéo, đổ bánh xèo... Phía sau nhà tôi, có một đám cây điên điển dại, cứ mỗi lần mùa nước lũ tràn đồng (tháng 9 Âm lịch) là chúng trổ bông. Được dịp có tép rong, mẹ chạy ngay ra đồng hái một rổ điên điển để xào chung với tép. Món này làm rất đơn giản, nhanh gọn. Hai nguyên liệu là tép rong và bông điên điển khi kết hợp, tạo ra một hương vị rất lạ, hao cơm.

Từ nhỏ, tôi đã quen với món ăn này nên công thức mẹ nấu tôi vẫn nhớ như in trong đầu. Mẹ bắc một cái chảo lên bếp củi, khi đỏ lửa, đổ hai muỗng mỡ lợn vào. Phi tỏi đến khi dậy mùi hương thì mẹ thả tép rong vào xào cho săn. Lấy một ít muối và bột nêm rắc lên tép để khi cho bông điên điển vào sẽ có màu vàng xanh ấn tượng. Sau ít phút, mẹ đặt bông điên điển vào trong chảo nằm cùng tép rong. Nêm gia vị tùy thích, sao cho phù hợp với gu ẩm thực của gia đình. Mẹ  dùng sạn đảo hỗn hợp liên tục đến khi gia vị thấm đều món ăn. Các thao tác chỉ diễn ra trong vòng 10 phút để tránh bông điên điển mềm nhũn, xỉn màu. Món này dùng nóng với cơm, bún, cuốn bánh tráng, hoặc làm thức nhắm đều ngon miệng. Tép rong ngọt nhẹ, giòn tan, trong khi bông điên điển hội tụ: chát, ngọt, dẻo, bùi.... Lần nào nhà có món này thì nồi cơm cũng cạn đáy.

Giờ thì tôi xa nhà nhưng thỉnh thoảng vẫn tự tay chế biến món này từ nguyên liệu mà mẹ cất công gửi xe đò lên. Dù không ngon bằng mẹ nấu nhưng ăn để nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ, nhớ hương vị phù sa đồng ruộng. Chỉ là món ăn dân dã nhưng lại làm ta đau đáu cả trong tim.

 

NGUYỄN HOÀNG DUY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;