Góp phần nâng cao chất lượng của văn học kịch

Ngày 8-9 vừa qua, Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, giảng viên... nhằm góp phần nâng cao chất lượng của kịch bản chuyển thể từ văn học cho sân khấu nói chung và sân khấu kịch TP.HCM nói riêng.

Ths Huỳnh Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS, TS Trần Yến Chi - Chủ nhiệm đề tài, Chủ trì Hội thảo cho biết, Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030 đang được xây dựng như một nhu cầu phát triển tất yếu của đất nước. Điều này đặt ra sự cấp thiết của việc nghiên cứu, tổng kết một chặng đường đã qua để có những định hướng chiến lược cho sự phát triển chung của văn học nghệ thuật, trong đó có thể loại kịch với gốc của nó là kịch bản văn học. Nhìn lại chặng đường phát triển 100 năm sân khấu kịch Việt Nam, đã có những tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn học kịch thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bước sang đổi mới từ 1986 đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu mang tính tổng thể và toàn diện, hệ thống, tổng kết, đánh giá cho xứng đáng với tầm vóc và bề dày sân khấu kịch.Thực hiện nghiên cứu về Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay, nhằm góp phần vào công cuộc tìm kiếm đương thời của sân khấu Việt Nam. Trên cơ sở khoa học là những trao đổi, thảo luận, gợi mở... từ Hội thảo, dựa trên những định hướng của Nhà nước về văn học nghệ thuật, đề xuất những kiến nghị và giải pháp về quản lý, nâng cao chất lượng của văn học kịch để vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn tiếp theo.

Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn được 16 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu, giảng viên sân khấu... gửi về. Các tham luận cho thấy tâm huyết và sự dày công nghiên cứu, quan sát, đúc kết từ lý luận đến thực tiễn... của các tác giả về điểm tựa của văn học kịch Việt Nam; diện mạo của sân kịch TP.HCM từ năm 1996 đến nay; văn học kịch trong phương tiện biểu đạt mới của thời đại số; tác giả, tác phẩm tiêu biểu và những đóng góp của văn học kịch; đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ sáng tác văn học kịch; ươm mầm cho những nhà sáng tác trẻ và phát triển đội ngũ kế thừa; văn học kịch TP.HCM thách thức và triển vọng tương lai...đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn học nghệ thuật đi kèm với phát triển kinh tế.

PGS, TS Trần  Yến Chi – Chủ trì Hội thảo

Thực tế cho thấy, tại TP.HCM đã có nhiều tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Trần Thùy Mai, Trần Kim Trắc, Nguyễn Ngọc Tư,... được chuyển thể thành các vở kịch như: Đời như ý,  Đò tình, Cải ơi, Nửa đời ngơ ngác, Bao giờ sông cạn, Mơ trăng bóng nước, Mút chỉ, mút cà tha, Trả lại lia thia, Sài Gòn có một ngã tư, Bỉ vỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Hãy khóc đi em... Những vở kịch này đã tạo được tiếng vang, thu hút đông khán giả, góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và tạo phong cách riêng cho Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu kịch Phú Nhuận...

Kịch bản sân khấu chuyển thể từ tác phẩm văn học vốn đã có sẵn cốt truyện, tính hấp dẫn, sự bất ngờ từ các tình huống xung đột, các tính cách nhân vật và trên hết là tính nghệ thuật có trong nội dung. Khi đội ngũ sáng tác và làm nghề (đạo diễn, diễn viên...) có sự am hiểu về văn học, sự đồng cảm của họ sẽ khai thác hiệu quả kho tàng văn học, qua đó khán giả sẽ được thụ hưởng những vở diễn hay và có giá trị về nội dung.

Các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ... tham dự Hội thảo

Trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo Văn học kịch Việt Nam từ năm 1986 đến nay, các tác giả, đạo diễn... cho biết, hiện nay rất hiếm kịch bản chuyển thể văn học hay; vẫn còn tình trạng kịch bản có nội dung vô thưởng vô phạt, chỉ là những trò diễn chiều theo thị hiếu khán giả; có tình trạng sửa nát kịch bản, không tuân thủ từ đầu với tác phẩm văn học và diễn viên không thẩm thấu được tác phẩm văn học trong quá trình tập vở... Chính cách làm này khiến cho giá trị của một số vở kịch chuyển thể văn học bị biến tướng, chất lượng non kém.

Hiện Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo Biên kịch Sân khấu. ThS Nguyễn Thị Bích Phượng - cựu Giảng viên,  cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, Trường đã thành lập CLB Đạo diễn trẻ, nơi quảng bá những tác phẩm văn học. Nhưng tiếc rằng vì nhiều lý do đã không thể duy trì”. Nhiều người, trong đó có tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo từng tham gia CLB này khi còn là sinh viên mong muốn Trường xem xét thành lập CLB Văn học kịch, có cơ chế đặc thù để duy trì hoạt động. Quy tụ được đội ngũ tác giả trẻ có năng khiếu sáng tác và cảm thụ văn học, tổ chức tập huấn, giao lưu với các tác giả đã thành công trong sáng tác kịch bản văn học, các nhà văn và chia theo từng lĩnh vực: văn học Việt Nam, văn học thế giới, chuyển thể từ truyện ngắn, tiểu thuyết... sân chơi thiết thực này sẽ góp phần bồi dưỡng đội ngũ, phát triển sáng tác và nâng cao chất lượng kịch văn học cho sân khấu kịch nói chung, sân khấu kịch TP.HCM nói riêng.

XUÂN HƯỚNG

;