Liên hoan Văn nghệ quần chúng các dân tộc miền Trung 2023 thành công rực rỡ

Trong khuôn khổ các hoạt động tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định năm 2023, người dân và du khách được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc của 11 đoàn đến từ 11 tỉnh khu vực miền Trung với 44 tiết mục độc đáo, được đầu tư công phu cả nội dung lẫn hình thức.

Các tiết mục tham gia biểu diễn đều chứa đựng nét đặc trưng văn hóa của dân tộc

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDT) đánh giá: "Có thể nói, chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của các đoàn đã khẳng định vai trò chủ thể của các nghệ nhân và ghi nhận thông qua sự đón nhận của công chúng, công tác thẩm định, đánh giá của hội đồng nghệ thuật. Sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương, sự đóng góp quý báu của các cá nhân về các giá trị văn hóa trong kho tàng văn hóa các dân tộc để từ đó lựa chọn những nét đẹp đặc trưng văn hóa lẻ từng địa phương, từng địa bàn nhằm làm nổi bật các giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình với tinh thần hội tụ, tỏa sáng trong Ngày hội”.

Đến với liên hoan lần này, mỗi tỉnh mang đến những sắc màu riêng, thể hiện bản sắc độc đáo của dân tộc mình như: tỉnh Thanh Hóa với 4 tiết mục mang chủ đề Hương sắc vùng cao quê Thanh; tỉnh Quảng Bình với chủ đề Sắc màu giữa đại ngàn Trường Sơn; tỉnh Bình Thuận với chủ đề Lung linh sắc màu Chăm Bình Thuận...

Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm: Âm vang ngày hội đoạt giải A

Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống các dân tộc. Mỗi dân tộc lại sáng tạo nhiều loại nhạc cụ độc đáo, mang tính đặc trưng bản địa. Mỗi nhạc cụ có đặc điểm riêng, gắn với phong tục, tập quán và những hoạt động sinh hoạt văn hóa của mỗi đồng bào. Mỗi khi tổ chức các hoạt động đó, các nhạc cụ truyền thống được các nghệ nhân dân gian, các chàng trai, cô gái sử dụng như những công cụ quan trọng, góp phần làm nên âm điệu đậm bản sắc dân tộc.

Tỉnh Bình Định mở màn với tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc: Tiếng trống Pơnưng vào hội, do tập thể các nghệ nhân, diễn viên dân tộc Bana Kriêm Bình Định biểu diễn. Tiết mục thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, từ đó góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tỉnh Thanh Hóa mang đến 4 tiết mục: hòa tấu nhạc cụ dân tộc Thái; hát ru con; độc tấu Khèn Bè; múa Cá Sa. Trong âm vang của núi rừng, tiếng trống, tiếng chiêng hòa quyện với tiếng Khèn bè đã làm nên bản hòa tấu độc đáo, mang đậm bản sắc của núi rừng Thanh Hóa.

Tiết mục Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Thái của đoàn Thanh Hóa đoạt giải A

Đồng bào Ba Na huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên mang đến nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Múa trống đôi còn có một ngữ điệu rất riêng, đó là thông qua tiếng trống, điệu múa của hai nghệ nhân biểu diễn, họ có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm như một cuộc giao tiếp chuyện trò. Diễn viên trẻ Lan Hoàng Yến, dân tộc Ba Na, tỉnh Phú Yên chia sẻ: "Đây là cơ hội để các bạn trẻ dân tộc thể hiện được tài năng của mình và là dịp để giao lưu, học hỏi với các đội bạn".

Đến với ngày hội lần này, đoàn Bình Thuận giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, nét đẹp văn hóa dân tộc Chăm, K’hoi, Rai, đại diện cho 35 dân tộc anh em đang cùng chung sống tại Bình Thuận. Trong những ngày lễ hội hoặc những đêm trăng sáng, các Plây Chăm luôn vang vọng tiếng trống Ghi năng, tiếng kèn Saranai rộn ràng hòa quyện với tiếng đàn Kanchi da diết. Đoàn nghệ thuật tỉnh Bình Thuận mang đến tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm: Âm vang ngày hội.

Đặc biệt, ngày 4-4-2022, Bộ VHTTDL đã có quyết định đưa lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận. Hòa vào không khí ngày hội Katê tưng bừng trên tháp cổ qua tiết mục hát múa Tiếng trống hội Katê.

Tiết mục hát múa Tiếng trống hội Ka Tê của tỉnh Bình Thuận đoạt giải A

Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi mang đến tiết mục độc vũ và tốp phụ họa tiết mục Giữ rẫy, đơn ca Người Hrê học theo lời Bác, hòa tấu các nhạc cụ truyền thống dân tộc Hrê: Đêm nhà sàn. Bên cạnh đó, là tiết mục độc đáo cồng chiêng: Ngày hội mừng lúa mới… Trong ngày hội này, những ngọn đuốc được thắp lên, soi sáng khắp buôn làng, báo hiệu hội mùa đã đến. Tiếng trống và tiếng chiêng hòa quyện như thúc giục các chàng trai, cô gái nhảy múa vui đùa, hăng say lao động sản xuất và cùng nhau đem thóc về với mọi nhà.

Các tiết mục biểu diễn đều chứa đựng đặc trưng văn hóa các dân tộc miền Trung, được các nghệ nhân sáng tạo và biểu diễn chứa đựng tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu thiên nhiên đất nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng gia đình, tình làng, nghĩa xóm, niềm tin vào cuộc sống sẽ ngày càng trở nên ấm no, hạnh phúc.

Đoàn nghệ thuật Quảng Bình mang đến các tiết mục nghệ thuật với chủ đề Người Vân Kiều ơn Bác. Nơi đại ngàn Trường Sơn, ở gian trang trọng nhất mỗi nếp nhà sàn của đồng bào Bru-Vân Kiều là bức ảnh của Bác. Trong trái tim người Bru-Vân Kiều, niềm tin với Đảng, tình yêu dành cho Bác là bất diệt. Người Vân Kiều luôn nghe theo Đảng, tin theo Đảng và làm theo những lời Đảng dạy, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tiếp thu khoa học kỹ thuật, từng bước xây dựng quê hương, bản làng văn minh, giàu đẹp.

Một số tiết mục biểu diễn của các đoàn tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng

Tiết mục liên khúc trường ca Hmon, dân ca Bana đã thể hiện xuất sắc tinh thần chung của Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung với thông điệp: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”:

Hỡi các dân tộc anh em!

Hãy về đây hội tụ

Nắm chặt tay nhau, thắm tình đoàn kết

...Hỡi các dân tộc anh em

Ta đoàn kết, viết mãi bản hùng ca lịch sử Việt

...Các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước

Hội tụ về đây mừng ngày hội

Chia tay rồi ta lại hẹn gặp nhau

Hẹn gặp lại giữa rừng hoa đầy màu sắc dân tộc.

Có thể thấy, đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, các đơn vị đã đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện để mang đến nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc cho Liên hoan. Kết thúc Liên hoan Văn nghệ quần chúng, BTC đã trao 15 giải A, 15 giải B và 14 giải C cho các tiết mục tham gia.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: TUẤN MINH

;