“Cúng dâng Dèng” là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số Tà ôi, Pa cô, Cơ tu, Pa hy. Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định năm 2023, đồng bào người Tà ôi vùng cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu đến người xem trích đoạn nghi thức “Cúng dâng Dèng”.
Dệt Dèng – thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Tà ôi, các cô gái người Tà ôi từ tuổi trăng tròn đã biết trồng bông xe tơ dệt vải. Những hoa văn tinh xảo được luồn bằng hạt cườm trắng, thể hiện rõ nét hình cỏ cây hoa lá, phong cảnh thiên nhiên, gần gũi với văn hóa tâm linh người Tà ôi. Trong đời sống tinh thần của người Tà ôi, Dèng không chỉ đơn thuần là trang phục để mặc, Dèng còn là tài sản quý giá thể hiện sự quyền quý, giàu sang, vị thế của người sở hữu nó.
Lễ vật để cúng Dèng gồm có: 1 con gà luộc, 1 vò rượu cần, bánh A quát, bát hương Ci cul
Dèng để làm lễ vật, của hồi môn của nhà gái dành cho nhà trai, cho ông bà thông gia, cho chàng rể quý, Dèng để trang trí phòng khách, nhà Rông nơi linh thiêng của gia đình họ tộc, làng bản khi có lễ cúng giàng, các lễ hội lớn của dân tộc diễn ra. Dèng là của cải để trao đổi buôn bán, đẻ ra của cải vàng bạc, làm giàu cho gia đình, làng bản. Với giá trị to lớn của Dèng nên mỗi dịp lễ hội lớn nhỏ của gia đình, làng bản, đặc biệt là dịp trước khi đi buôn Dèng ở các nơi xa, người Tà ôi thường tổ chức cúng dâng Dèng.
Cúng dâng Dèng của người Tà ôi có 3 bước: Khâu chuẩn bị, chủ gia đình cùng con cháu tập hợp tất cả số lượng Dèng của gia đình và chia ra, phần thì trang trí trong phòng cúng, phần thì xếp lại gọn gàng đặt xung quanh mâm cúng. Lễ vật để cúng Dèng gồm có: 1 con gà luộc, 1 vò rượu cần, bánh A quát, bát hương Ci cul.
Chủ nhà làm chủ lễ, con cháu ngồi xung quanh mâm cỗ để chứng kiến nghi thức cúng dâng Dèng
Sau đó, chủ nhà làm chủ lễ, con cháu ngồi xung quanh mâm cỗ để chứng kiến nghi thức cúng dâng Dèng. Bài cúng Dèng sẽ được chủ lễ xướng lên: “Ơ Dàng, hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình con cháu làm lễ cúng dâng Dèng, mâm cỗ đã dọn sẵn, con gà luộc, bánh A quát thơm ngon, lòng thành xin mời dàng Dèng xuống ăn, rượu cần thơm ngon tinh túy, đậm đà tình nghĩa xin mời Dèng xuống uống. Tạ ơn vị dàng Dèng trước đây đã tạo cho người Tà ôi nghề truyền thống dệt Dèng, có khố, áo, váy bền đẹp để mặc, có của để làm lễ vật hồi môn cho con gái yêu quý, có của để trang trí căn phòng cúng của gia đình, nhà Rông của làng bản trang trọng, đẹp đẽ, để các vị thần linh xuống dự hội được vui lòng mát dạ. Tạ ơn dàng Dèng đã tạo ra của cải vàng bạc, làm giàu cho gia đình, làng bản. Ơ Dàng.
Trong những năm tới cầu mong Dèng tiếp tục phù hộ cho người mẹ, người chị, người em có sức khỏe dồi dào, để dệt ra nhiều tấm dèng đẹp hơn, giá trị hơn. Cầu xin dàng Dèng tiếp tục phù hộ cho người cha, người anh đi đường buôn bán Dèng được suôn sẻ, may mắn, buôn may bán đắt, mang đi bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu, Ơ Dàng”.
Sau khi lễ cúng thành công, dàng Dèng đã ăn uống no say trở về nơi ngự trị của mình, lúc này trong phòng khách, nhà Rông chỉ còn con cháu và chủ nhà quây quần bên nhau. Họ hồ hởi, phấn khởi cùng nhảy múa theo vũ điệu Ri Răm, Ân Zựt truyền thống của người Tà ôi để mừng thành công lễ cúng dâng Dèng.
Con cháu và chủ nhà quây quần bên nhau, cùng nhảy múa theo vũ điệu Ri Răm, Ân Zựt truyền thống của người Tà ôi để mừng thành công lễ cúng dâng Dèng.
Nghề truyền thống dệt dèng vẫn được các thế hệ người Tà ôi lưu truyền gìn giữ cho đến ngày nay, hiện nay huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 4 hợp tác xã dệt dèng hoạt động thường xuyên, cho ra những sản phẩm dèng không chỉ mang giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mà còn khẳng định giá trị về kinh tế, tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình, làng bản.
Là một nghệ nhân dệt Dèng đến với Ngày hội năm nay, Ra Pát Thị Ngài cho biết: Tôi rất thích thú khi được được đến với Ngày hội, ở đây chúng tôi được gặp gỡ các đồng bào dân tộc thiểu số khác và được giao lưu với nhau. Tôi được truyền nghề dệt Dèng từ mẹ, được học từ khi mới 12 tuổi, đến 15 tuổi tôi đã thành thạo với nghề. Dèng của dân tộc Tà ôi có một đặc điểm khác biệt đó là bên cạnh các tấm thổ cẩm thông thường để sử dụng hằng ngày thì còn được dệt cùng với các hạt cườm. Dệt dèng với hạt cườm thường được sử dụng trong các ngày lễ hội, và dèng dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng được dệt kỳ công với nhiều hoa văn có độ dài 6m. Với dân tộc chúng tôi, Dèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày, nên luôn được gìn giữ cẩn thận, được coi là vật phẩm dành riêng cho thần linh ở mỗi gia đình. Chính vì thế nghi thức cúng lễ dâng tấm Zèng được người Tà ôi hết sức coi trọng.
Nghệ nhân Ra Pát Thị Ngài gắn bó, gìn giữ nghề dệt Dèng - văn hóa đặc sắc của dân tộc Tà ôi
Năm 2017, nghề dệt Dèng truyền thống của người Tà ôi được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cho đến nay các sản phẩm dèng đã được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến. Nghề dệt truyền thống mang đậm giá trị tinh hoa văn hóa, đang được đồng bào dân tộc Tà ôi bảo tồn, phát huy, lưu giữ và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH