Ấn tượng tục cúng cơm tân hôn của đồng bào Bru Vân Kiều, tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị là mảnh đất miền Trung được ví như đòn gánh của hai đầu đất nước. Nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công hiển hách của cha ông thời dựng nước và giữ nước. Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ phía Tây tỉnh Quảng Trị là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc người Bru Vân Kiều, Pa Cô. Họ chính là chủ nhân của nền văn hóa bản địa lâu đời của cư dân nơi đây.

Từ lâu đời, đồng bào Bru Vân Kiều đã biết phát nương làm rẫy, trỉa lúa, trồng ngô. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa rẫy có tính chất tự cung, tự cấp. Họ lập làng dưới chân các ngọn núi, men theo các con sông, khe suối. Trong chính đời sống lao động sản xuất, họ đã sáng tạo ra những nét văn hóa vật chất, tinh thần mang đặc điểm riêng của dân tộc mình. Đó là ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật, các nghề truyền thống của dân tộc. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người Bru Vân Kiều ngày nay đã có nhiều thay đổi. Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Bru Vân Kiều ngày càng được chú trọng. Nhiều hoạt động có ý nghĩa tôn vinh, truyền dạy các nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ đã được tổ chức, phục dựng.

Tục cúng cơm tân hôn của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều là một phong tục quan trọng và bắt buộc cho đến ngày nay

Theo ông Dương Trường Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, trong xu hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, mảng gia đình là một mảng vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Trị đã đem đến những nét đẹp văn hóa đặc trưng trong đời sống vật chất, tinh thần của tộc người Vân Kiều, cụ thể là tái hiện trích đoạn phong tục cúng cơm tân hôn.

Hôn nhân của người Bru Vân Kiều quy định người con gái về ở và nhập họ nhà trai, đây là hôn nhân ngoài dòng họ thuận một chiều qua ba dòng họ, tuyệt đối không được lấy ngược trở lại (chỉ được lấy con gái cậu chứ không được lấy con gái cô). Hôn lễ được tiến hành hai lần cưới: cưới xuống được tổ chức tại nhà trai và cưới lên tổ chức tại nhà gái.

Mở màn là cảnh nhà trai đón tiếp nhà gái, đưa cô dâu, diễn ra tại nhà trai. Tất cả đồ lễ vật cùng với đầu heo, đồ sính lễ được đặt sẵn trên chiếu. Hai vợ chồng chú rể cùng ông Thau-ke ngồi quanh đồ lễ, một số anh em họ hàng ngồi vòng ngoài và nhạc công ngồi ngoài cùng. Khi nhà gái cùng với cô dâu đến, thì chú rể lên trước báo với bố mẹ. Ngay lập tức, mẹ cùng chú rể và anh em đều bước xuống đón cô dâu tại chân cầu thang. Chú rể cầm tay cô dâu, cô dâu dẫm lên hòn đá, mẹ chồng cầm bầu nước rưới nhẹ vào chân và hát: “Hỡi... không lay động trước khó khăn/ Bên nhau sống lâu dài/ Hãy tránh những ác độc xấu xa/ Cho vững chắc, cứng như đá”.

Khi về nhà chồng, cô dâu dẫm chân lên hòn đá, mẹ chồng cầm bầu nước rưới nhẹ vào chân cô dâu

Cùng lúc đó, hai vợ chồng chắp tay cúi chào mẹ, tỏ ý xin phúc từ người mẹ. Ông Thau-ke nhà trai giao mâm lễ có đầu heo cho nhà gái. Nhà gái giao cô dâu cho nhà trai cùng với đồ lễ vật mang theo. Nhà gái hát: “Đây, gạo nghĩa lá trầu tình/ Giao hẳn cho nhà Khơi/ Tiền bạc cũng có, công sức rất cần”. Nhà trai đáp: “Nhờ tiếng nói lời huấn chỉ bảo/ Xin đón nhận tất cả mọi thứ/ Tinh thần vật chất xin dâng trao”. Tất cả màn đối đáp giữa hai bên được thực hiện trên nền nhạc, được tạo nên từ các nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Bru Vân Kiều như: sáo, đàn Ta-lư, khèn Amam, khèn bè, đàn pơ-lựa...

Tiếp đó là các nghi thức cúng cơm tân hôn của gia đình họ nhà trai. Giữa hai nghi lễ cưới xuống và cưới lên là tục cúng cơm của riêng gia đình họ nhà trai. Khi mọi nghi thức trong buổi lễ cưới xuống đã hoàn tất, bên nhà trai tiến hành làm lễ cúng cơm tân hôn cho cô dâu, chú rể mới cưới. Đây là phần quan trọng nhất trong hôn nhân của đồng bào Bru Vân Kiều từ xưa tới nay, mang ý nghĩa là sự chào đón cô dâu - thành viên mới vào họ nhà trai. Đồng thời công nhận đôi trai gái này chính thức là vợ chồng. Ông trưởng họ hay chủ hộ nhà trai làm lễ cúng cơm tân hôn để công nhận họ trở thành vợ chồng trước dòng họ và dân làng. Ông trưởng họ làm lễ, trường hợp không có trưởng họ thì chủ hộ nhà trai làm lễ. Chủ lễ bưng mâm lễ, chia thành bốn phần và cho gọi hai vợ chồng mới cưới ngồi vào mâm lễ và bắt đầu cúng.

Vợ chồng đút cho nhau ăn thể hiện tình cảm bền vững

Theo anh Hồ Văn Hội, diễn viên tham gia trích đoạn lễ hội này cho biết: “Đến bây giờ phong tục này vẫn được duy trì và là một phong tục quan trọng. Nếu vợ chồng mà chưa cúng cơm tân hôn thì vẫn chưa kết hôn”.

Mâm lễ cơm tân hôn được chia thành 4 phần: phần cơm thứ nhất: chồng đút cho vợ ăn với ý nghĩa nhận chính thức làm vợ của mình; phần cơm thứ hai: vợ đút cho chồng ăn, chính thức nhận làm chồng của mình; phần cơm thứ ba: vợ chồng đút cho nhau ăn, tình thông gia, họ hàng hai bên gia đình; phần cơm thứ tư: vợ chồng đút cho nhau ăn, chính thức vợ chồng và dành cho con. Sau đó, hai vợ chồng ôm hôn, bắt tay nhau cùng lúc đứng dậy và tất cả đứng dậy hát đồng ca điệu hát Răm: Dù có sai sót xin đừng giận hờn/ Dù lỗi lầm xin đừng oán trách/ Vì cùng hòa theo vui ngày hội/ Tay nắm tay từ vùng miền khắp nơi/ Từ Kinh Thượng vui nhộn khắp ba miền/ Từ PaKôh, Vân kiều tình nghĩa chan hòa.

Tái hiện trích đoạn tục cúng cơm tân hôn của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều diễn ra tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, Bình Định tối ngày 9-9-2023 đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của hàng trăm người dân tỉnh Bình Định, khách du lịch nội địa và quốc tế. Đây là một trích đoạn độc đáo và đặc sắc nhân Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV. Việc tái hiện những phong tục cổ truyền, độc đáo của các dân tộc sẽ giúp cùng nhau tôn vinh, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: TUẤN MINH

;