Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV: Lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định, năm 2023 đã khép lại sau ba ngày diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm sắc màu văn hóa của các đồng bào dân tộc đến từ 11 tỉnh vào tối 10-9. Tại Lễ bế mạc Ngày hội do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, Ban Tổ chức đã công bố giải thưởng các nội dung thi, đồng thời thực hiện nghi thức trao cờ đăng cai Ngày hội lần thứ V, năm 2026.

Các đại biểu tham dự lễ Bế mạc Ngày hội

Tham dự Lễ bế mạc có: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Phong Vũ; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định Trần Văn Thọ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Lâm Hải Giang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu; Giám đốc Sở VHTT Bình Định, Phó Trưởng ban Tổ chức Ngày hội Tạ Xuân Chánh;

Cùng dự có: Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Nguyễn Thị Hải Nhung; Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Bộ VHTTDL Trần Thị Bích Huyền; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ VHTTDL Nông Quốc Thành; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội; Hội đồng thẩm định; trọng tài; và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; cùng đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL; Sở VHTT, Sở DL các tỉnh tham gia Ngày hội; các Trưởng đoàn, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên 11 tỉnh về tham dự Ngày hội.

Từ ngày 8 đến 10-9-2023, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và 10 tỉnh (Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Bình) tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Phó Trưởng ban Tổ chức Ngày hội Nguyễn Thị Hải Nhung phát biểu đánh giá, tổng kết Ngày hội

Phát biểu tổng kết Ngày hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL, Phó Trưởng ban Tổ chức Ngày hội Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết những kết quả Ngày hội đã đạt được. Về thuận lợi: Được sự chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo tỉnh Bình Định và sự phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành địa phương liên quan; Ngày hội đáp ứng nguyện vọng chung của đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền Trung trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam.

Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Ngày hội đã xây dựng, ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày hội; Bộ VHTTDL đã chỉ đạo và trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ thực hiện tổ chức tốt Ngày hội; Tỉnh đăng cai Bình Định đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức các nội dung hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội đảm bảo theo mục đích, yêu cầu đề ra.

Về những khó khăn: Các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, hướng dẫn viên đồng bào dân tộc miền Trung với tư cách là chủ thể văn hóa đã không quản ngại đường sá xa xôi về tham dự Ngày hội; Quy mô của Ngày hội là toàn quốc với 11 đoàn đến từ 11 tỉnh tham gia nhiều nội dung trong 3 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc miền Trung, tuy chỉ tổ chức trong 3 ngày, các hoạt động có đổi mới so với Ngày hội trước đây nhưng vẫn đảm bảo kết quả tốt theo Kế hoạch đề ra.

Kết quả cụ thể của Ngày hội: Ngày hội diễn ra theo đúng kế hoạch, thực hiện đầy đủ các nội dung, đảm bảo an toàn về mọi phương diện, tạo được không khí phấn khởi đoàn kết, lòng tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống để đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc miền Trung nói riêng nâng cao được nhận thức, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình; Chương trình khai mạc Ngày hội đảm bảo được nội dung văn hóa truyền thống của các dân tộc miền Trung, trang trọng, hoành tráng có ý nghĩa chính trị văn hóa đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đông đảo du khách, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và hướng dẫn viên của dân tộc thiểu số các tỉnh và đồng bào dân tộc tỉnh Bình Định. Đặc biệt Ngày hội được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đến tham dự chỉ đạo, động viên khích lệ các nghệ nhân, diễn viên và đánh giá cao các hoạt động của Ngày hội.

Chương trình nghệ thuật do các nghệ nhân, diễn viên trình diễn tại Lễ bế mạc Ngày hội

Về Phần hội: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng được tổ chức tại không gian Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, các đại biểu, người dân và du khách được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc của 11 đoàn đến từ 11 tỉnh khu vực miền Trung với 44 tiết mục, qua biểu diễn của các nghệ nhân vừa đa dạng vừa phong phú cả nội dung và hình thức.

Trình diễn trang phục truyền thống: Qua sự thể hiện của các nghệ nhân, diễn viên trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc: Chăm, Ba Na, Cơ Tu, Hrê, Raglai, Thái, Khơ mú… như một bức tranh đa sắc màu đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người dân và du khách.

Các bộ trang phục được thể hiện từ kiểu dáng, họa tiết, sắc màu… đã minh chứng sự sáng tạo, sự tinh tế thông qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, từ các bà, các mẹ đã thêu dệt lên những chiếc áo, chiếc váy, chiếc quần, khăn quàng... gắn với đời sống thường ngày, gắn với các lễ hội, khi hát giao duyên, khi làm cô dâu, chú rể, khi tổ chức các nghi lễ.

Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đồng bào dân tộc tham gia trình diễn giới thiệu trang phục của mình, với sự tự tin đã tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, hấp dẫn riêng, tạo nên lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Hy vọng rằng, trang phục truyền thống của các dân tộc sẽ tiếp tục được gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ nối tiếp.

Trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống: Mỗi tỉnh đã lựa chọn và dàn dựng 1 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc ở địa phương mình. Các lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa đã mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, diễn ra trang trọng đúng phong tục nhằm tạ ơn đất trời, tổ tiên, cầu mong an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt,… như một minh chứng về sự phong phú, đa dạng và nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, có sự kế thừa các yếu tố văn hóa truyền thống đậm bản sắc của đồng bào dân tộc.

Nghệ nhân đồng bào các dân tộc trình diễn tại Lễ bế mạc

Về giới thiệu trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng của các dân tộc, các tỉnh trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa cộng đồng, địa phương mình thông qua hiện vật: tranh, ảnh, sách, tờ gấp; mô hình hiện vật, nhạc cụ, trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm, nhằm phản ánh: văn hóa của các dân tộc miền Trung trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương.

Về giới thiệu ẩm thực: mỗi đoàn đều đem đến nét văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú từ phương pháp chế biến tới trưng bày, hay cách thưởng thức và công dụng mang lại sức khỏe của từng món ăn,… mang đậm bản sắc của các dân tộc ở mỗi địa phương và sẽ là sản phẩm đáp ứng du lịch trong thời gian tới.

Triển lãm trưng bày các hiện vật đặc sắc về văn hóa các dân tộc miền Trung do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện. Trong đó trưng bày hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu của các dân tộc miền Trung.

Trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số miền Trung đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” với không gian trưng bày gần 200 bức ảnh của 5 chủ đề gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số; những thành tựu nổi bật qua góc nhìn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số miền Trung; vẻ đẹp vùng miền Trung Việt Nam; cộng đồng 54 dân tộc qua góc nhìn văn hóa.

Về thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc: tham dự các hoạt động thi đấu thể thao có 262 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên quần chúng (37 HLV, 125 VĐV nam, 100 VĐV nữ) thuộc 10 tỉnh gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, các vận động viên tranh tài ở 4 môn thể thao dân tộc và trò chơi vận động dân gian là: Đẩy gậy, Kéo co, Bắn nỏ, Bắn ná. Đây là những môn thể thao dân tộc và trò chơi vận động dân gian được đông đảo đồng bào các dân tộc khu vực duyên hải miền Trung yêu thích, thường xuyên tham gia tập luyện, biểu diễn và thi đấu trong các Ngày hội văn hóa và lễ hội truyền thống của địa phương.

Sau 3 ngày thi đấu sôi nổi, quyết liệt trên tinh thần thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng với sự hò reo, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả đến xem, động viên phong trào, các hoạt động thi đấu thể thao đã kết thúc tốt đẹp. Ban tổ chức đã trao 41 bộ huy chương vàng, bạc, đồng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc các nội dung thi đấu.

Tại lễ Bế mạc Ngày hội, 5 đơn vị đạt thành tích xuất sắc về thành tích thi đấu thể thao sẽ nhận cờ toàn đoàn của Ban tổ chức trao tặng: Cờ Nhất thuộc về đoàn vận động viên tỉnh Quảng Nam (346 điểm); Cờ Nhì thuộc về đoàn vận động viên tỉnh Bình Định (312 điểm); Cờ Ba thuộc về đoàn vận động viên tỉnh Quảng Ngãi (175 điểm); 2 Cờ khuyến khích thuộc về Đoàn vận động viên tỉnh Ninh Thuận (68 điểm) và Đoàn vận động viên tỉnh Thừa Thiên Huế (51 điểm)

Hoạt động du lịch: Đây là lần đầu tiên một nội dung thuyết trình về du lịch được đưa vào nội dung thi của Ngày hội với sự tham gia của các hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc thiểu số đến từ 11 tỉnh. Thông qua cuộc thi này, các hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc thiểu số có cơ hội được giao lưu, học hỏi và nâng cao kỹ năng thuyết trình và nghiệp vụ hướng dẫn khách tham quan, đồng thời đây cũng là cơ hội để các hướng dẫn viên tìm hiểu, nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch, sử, địa lý và phong tục tập quán các địa phương.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh: Thông qua các hoạt động sôi động, giàu bản sắc văn hóa của Ngày hội, những ngày qua chắc rằng quý vị đại biểu, du khách gần xa đã được tham dự, chứng kiến và được thưởng thức những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc 11 tỉnh miền Trung giúp cho chúng ta hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc miền Trung nói riêng. Qua Ngày hội này sẽ là sợi dây kết nối xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đặc biệt là các nghệ nhân (chủ thể văn hóa) đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc miền Trung trong vườn hoa đa sắc của 54 dân tộc anh em. Sau Ngày hội này tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có thêm động lực cùng nhau đoàn kết tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Ban Tổ chức đã công bố giải thưởng cho tập thể, cá nhân tham gia và đạt giải các nội dung văn hóa, nghệ thuật quần chúng, thi đấu thể thao trong Ngày hội. Đối với nội dung văn hóa, nghệ thuật quần chúng tại Ngày hội năm nay, gồm có 5 nội dung: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; Giải toàn đoàn nội dung thể thao tại Ngày hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Lâm Hải Giang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu; Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Phó Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Nguyễn Thị Hải Nhung đã tiến hành nghi thức trao cờ đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ V, năm 2026

Theo định kỳ, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung được tổ chức 3 năm một lần và Ngày hội lần thứ V, năm 2026 sẽ được tỉnh Khánh Hòa đăng cai tổ chức. Tại buổi lễ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Lâm Hải Giang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu; Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Phó Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Nguyễn Thị Hải Nhung đã tiến hành nghi thức trao cờ đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ V, năm 2026.

Phát biểu chào mừng nhận cờ đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ V, năm 2026, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu chúc mừng Ngày hội Văn hóa các dân tộc miên Trung lần thứ IV năm 2023 đã thành công tốt đẹp, Ngày hội đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc miền Trung, cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ông Định Văn Thiệu cho biết: với tên gọi thân thương “xứ Trầm, biển Yến”, Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 380km, với hơn 200 hòn đảo, 3 vịnh đẹp nổi tiếng (Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh). Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa – tiền tiêu trên biển của Tổ quốc. Khánh Hòa không chỉ mang vẻ đẹp biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Khánh Hòa còn là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, hội tụ được cả văn hoa núi rừng, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển đảo với quá trình 370 năm xây dựng và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu phát biểu tại buổi Lễ

Tỉnh Khánh Hòa có hơn 1 triệu 200 nghìn người dân, với 36 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc có trên 72 nghìn người (chiếm 5,84%), chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglay, sống tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đã tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc, sinh động, cùng những giai điệu núi rừng kiêu hãnh, những thanh âm vang vọng của đàn đá Khánh Sơn, đã để lại biết bao ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước khi đến Khánh Hòa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Triệu nêu rõ, “Năm 2026, tỉnh Khánh Hòa được chọn là địa phương đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ V, đây là niềm vinh dự của chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa”.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, “Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ V, năm 2026 tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, nhằm gìn giữ, đẩy mạnh việc quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, hình ảnh, văn hóa của vùng đất và con người miền Trung và Tây Nguyên đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.

Tiết mục Bập bùng đêm hội Rắc Lây do các nghệ nhân, diễn viên của tỉnh Khánh Hòa – địa phương đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ V, năm 2026 trình diễn đã kết thúc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, năm 2023. Ngày hội để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, thắm tình đoàn kết, tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung, góp phần quảng bá du lịch đến với người dân trong nước và quốc tế.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung trao Bằng khen của Bộ VHTTDL cho các cá nhân ó thành tích xuất sắc tham gia tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định, năm 2023

Bộ VHTTDL trao tặng Bằng khen cho 16 tập thể đã có thành tích xuất sắc tham gia tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định, năm 2023.

Tại buổi Lễ, Bộ VHTTDL đã tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định, năm 2023.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;