Tóm tắt: Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình du lịch, trong đó có loại hình du lịch về nguồn. Khi tham gia loại hình du lịch về nguồn, khách du lịch không chỉ được tham quan điểm đến mà còn được trải nghiệm về lịch sử, văn hóa của địa phương, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Cao Bằng là vùng đất linh thiêng, ngoài cảnh quan thiên nhiên hữu tình còn là vùng đất với hệ thống di tích lịch sử mang đậm dấu ấn quan trọng, với các địa chỉ đỏ và các lễ hội độc đáo. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch về nguồn.
Từ khóa: du lịch về nguồn, lễ hội truyền thống, khu di tích quốc gia, du lịch Cao Bằng.
Abstract: Vietnam’s tourism sector has witnessed remarkable growth in recent years, encompassing diverse travel modalities, with pilgrimate tourism as a prominent segment. Engaging in pilgrimate tourism offers visitors not only the opportunity to explore destinations but also to immerse themselves in the profound historical and cultural narratives of local communities, fostering a deeper sense of patriotism and national pride. Furthermore, Cao Bang, a revered region, is distinguished by both its breathtaking natural landscapes and an extensive network of historically significant monuments. It also boasts iconic heritage sites and vibrant traditional festival. These inherent advantages, along with its rich cultural tapestry and unique local customs, position Cao Bang as a pivotal destination for pilgrimage tourism.
Keyword: travel to the source, traditional festival, national relic site, Cao Bang tourism.
Thác Bản Giốc - Ảnh: Hoàng Quảng Uyên
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với đa dạng các loại hình du lịch khác nhau như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng… trong đó có loại hình du lịch về nguồn. Du lịch về nguồn là loại hình du lịch chứa đựng ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Du khách khi tham gia loại hình du lịch này không chỉ được tham quan, giải trí mà còn được trải nghiệm, hiểu thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung. Trên thực tế, các chuyến du lịch về nguồn đã và đang góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, bồi đắp niềm tự hào về các giá trị tốt đẹp của cha ông, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nơi đây được mệnh danh là vùng “địa linh nhân kiệt”, “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc. Ngoài hệ thống danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, kỳ vĩ thì mảnh đất Cao Bằng còn có hệ thống di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ, có kho tàng văn hóa phi vật thể, các lễ hội đa dạng… Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 200 di tích, trong đó 102 di tích đã được xếp hạng (gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia. Cao Bằng hiện đang lưu giữ trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể (gồm 200 di sản lễ hội truyền thống, 112 di sản nghề thủ công truyền thống, 487 tri thức dân gian, 300 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… (1).
Đây có thể coi là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch Cao Bằng, đặc biệt là loại hình du lịch về nguồn. Việc khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch về nguồn gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những hướng đi hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Cao Bằng.
2. Tiềm năng phát triển loại hình du lịch về nguồn ở Cao Bằng
Cao Bằng là quê hương cội nguồn cách mạng, là mảnh đất có nhiều “địa chỉ đỏ” đã đi vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Một số khu di tích tiêu biểu như sau:
Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng)
Đây là khu di tích gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giai đoạn 1941-1945. Khu di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Theo “Quy hoạch tổng thể di tích” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, di tích Pác Bó bao gồm: Cụm di tích khu vực đầu nguồn; Các điểm lưu niệm tại khu trung tâm; Cụm di tích Kim Đồng; Cụm di tích Bó Bẩm; Cụm di tích Khuổi Nặm.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó là điểm đến hấp dẫn và ý nghĩa bởi nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng từ năm 1941-1945 (2) .
Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình)
Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía Tây Nam. Đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và đến nay đã trở thành địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn Cao Bằng. Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Đội VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích gồm 5 điểm quan trọng: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, đỉnh Slam Cao); hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) - từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) - nơi diễn ra trận đầu ra quân của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (25-12-1944); đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (26-12-1944); di tích Vạ Phá (xã Tam Kim) (3).
Đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, du khách không chỉ được tìm hiểu truyền thống lịch sử vẻ vang với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Với diện tích rộng trên 201,7 ha, rừng Trần Hưng Đạo còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với bầu không khí trong lành và là điểm đến của hàng ngàn du khách trong nước cũng như quốc tế.
Khu di tích quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An)
Khu di tích này nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 40 km (theo hướng quốc lộ 4A từ Cao Bằng đi Lạng Sơn) có 19 điểm di tích được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 3 xã và 1 thị trấn của huyện Thạch An bao gồm: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 (xã Đức Long); Cụm di tích cứ điểm Đông Khê (thị trấn Đông Khê); Cụm di tích Khau Luông (xã Đức Xuân); Cụm di tích Cốc Xả - điểm cao 477 (xã Trọng Con). Trong đó, các điểm liên quan đến Chiến dịch Biên giới năm 1950 được phân bố chủ yếu trong Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 và Cụm di tích cứ điểm Đông Khê. Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 có giá trị đặc biệt quan trọng gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quân và dân Cao Bằng cũng như quân dân cả nước trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích, ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 (4).
Bên cạnh các khu di tích quốc gia đặc biệt thì Du lịch Cao Bằng còn nổi tiếng với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như: đền Kỳ Sầm, chùa Đống Lân, chùa Phố Cũ (thành phố), đền Vua Lê, đền Hoàng Lục (Trùng Khánh), chùa Sùng Phúc (Hạ Lang), chùa Vân An (Bảo Lạc) cũng là những điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách.
Ngoài các khu di tích đặc biệt, hệ thống di tích lịch sử đa dạng thì Cao Bằng còn thu hút khách du lịch bởi sự đa dạng của các lễ hội truyền thống. Các lễ hội tại Cao Bằng rất phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Những lễ hội văn hóa cổ truyền thể hiện niềm tin về tín ngưỡng, tôn giáo, sự tri ân với thế hệ đi trước; góp phần động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân thực hiện nghĩa cử cao đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài lễ hội đền, chùa mỗi dịp đầu xuân năm mới, còn có lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng; Lễ hội Tranh Đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) và thị trấn Đông Khê (Thạch An); Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành (Quảng Hòa) và xã Kim Đồng (Thạch An); Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa)… Trong đó nổi bật một số các lễ hội hằng năm diễn ra.
Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng còn gọi là lễ hội xuống đồng, đây là lễ hội của người Tày - Nùng (Cao Bằng) thường được tổ chức vào đầu năm mới. Thời gian diễn ra lễ hội là từ ngày mồng 2-1 đến ngày 30-1 (tháng Giêng) hằng năm.
Lễ hội được tổ chức với mong ước cầu mong Thần Nông (một vị thần chuyên cai quản ruộng đồng) phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt quanh năm. Lễ hội thường được chia thành phần lễ và phần hội. Trong phần Lễ, các bô lão cùng tráng đinh sẽ rước Thần Nông và Thành hoàng từ Đình ra ruộng. Các gia đình sẽ bày biện các mâm cỗ thịnh soạn bao gồm những món như xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng, chè lam, bánh dày, bánh khảo... dâng lên cúng thần. Sau khi cúng xong, mọi người cùng nhau phá cỗ.
Sau phần lễ sẽ diễn ra phần hội, là phần mà mọi người tham gia đều mong chờ nhất. Nó không chỉ thu hút dân làng mà khách du lịch cũng mong được tham gia trải nghiệm không khí lễ hội với rất nhiều các trò chơi dân gian thú vị như: cướp còn, ném còn, kéo co, đánh quay, đánh đu và bịt mắt bắt dê... Bên cạnh đó, khi đến với lễ hội Lồng Tồng, du khách còn hòa vào không khí của các hoạt động như múa lân, múa sư tử, múa giáo, múa võ và những điệu múa chỉ có của dân tộc Tày - Nùng, đó là múa xòe chiêng, múa then hay hát Sli, hát Lượn (hình thức đối ca giao duyên giữa nam và nữ) .
Lễ hội Tranh Đầu pháo
Lễ hội Tranh Đầu pháo (thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) là lễ hội dân gian truyền thống có từ lâu đời, gắn với các yếu tố tâm linh của ngôi miếu cổ linh thiêng Bách Linh, một công trình kiến trúc gắn với lễ hội Tranh Đầu pháo từ xa xưa và đi sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Lễ hội Tranh Đầu pháo gồm phần lễ diễn ra ngày 30 tháng Giêng, còn phần hội diễn ra từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Trong lễ hội Tranh Đầu pháo có nhiều nghi thức độc đáo như: khai quang mở mắt rồng, lễ khao quân, lễ tế thần, lễ rước thần… với ý nghĩa mở đầu cho mọi hoạt động của một năm mới, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội cũng là dịp để người dân tưởng nhớ các vị thần linh, anh hùng có công với đất nước. Trong lễ hội Tranh Đầu pháo thường có các hoạt động như các điệu múa rồng, múa lân. Đầu pháo là một vòng sắt có quấn các tua ngũ sắc đặt lên chòi cao, sau khi đốt pháo, đầu pháo rơi xuống, các đội cướp pháo ở các làng bản đã đăng ký vào tranh pháo, ai cướp được đến tế thần và nhận phần thưởng. Ngày nay, lễ hội đã bỏ tục đốt pháo. Người dân địa phương quan niệm trong ngày hội, ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc.
Lễ hội Tranh Đầu pháo được Bộ VHTTDL phê duyệt theo Quyết định số 2745/QĐ-BVHTTDL ngày 30-9-2020 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (5).
Lễ hội thác Bản Giốc
Lễ hội thác Bản Giốc thu hút rất nhiều khách tham quan mỗi năm bởi lẽ thác Bản Giốc là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Cao Bằng. Lễ hội được diễn ra vào các ngày mồng 5 đến mồng 7 tháng 10 hằng năm tại chính chân thác Bản Giốc.
Lễ hội thác Bản Giốc giúp du khách vừa có thể trải nghiệm không khí nhộn nhịp mùa lễ hội, vừa có thể ngắm nhìn dòng thác chảy cuồn cuộn, hùng vĩ. Lễ hội được chia ra làm hai phần chính. Du khách có thể tham gia phần lễ tại chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc cùng các hoạt động nghi lễ như: rước nước thiêng, cầu lễ quốc thái dân an. Phần hội với nhiều chương trình hấp dẫn như lễ hội ánh sáng, lễ hội rước nước, liên hoan dân ca và đặc biệt là các trò chơi giân dan, các hoạt động thể thao hấp dẫn như kéo co, bóc hạt dẻ, nhảy bao bố, chèo thuyền… Ngoài các hoạt động vui chơi, lễ hội còn trưng bày các sản vật của địa phương để du khách có cơ hội được thưởng thức và mua về làm quà. Lễ hội thác Bản Giốc là lễ hội được rất nhiều khách du lịch quan tâm và tham dự.
Lễ hội đền Kỳ Sầm
Đền Kỳ Sầm ở Cao Bằng thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao, ông là một nhân vật lịch sử anh hùng người dân tộc Tày. Ông là người từng có công lao rất lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Ông là người có tài thao lược, dùng binh giỏi, tự xưng mình là Nhân Huệ Hoàng đế một thời đánh tan quân Tống xâm lược, Nùng Trí Cao được nhân dân tôn sùng, kính trọng và được triều đình phong tước hàm.
Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm, tại Cao Bằng. Lễ hội diễn ra với sự tham gia của người dân địa phương và khách thập phương với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như tung còn, đấu vật, múa sư tử, đá bóng… Lễ hội cũng là dịp để người dân đến thắp hương tưởng nhớ tới vị anh hùng có công với nước, đồng thời vãn cảnh đền và xin lộc đầu năm, ước mong một năm no đủ, hạnh phúc.
Lễ hội Nàng Hai (Lễ hội Mời Mẹ Trăng)
Đây là một tín ngưỡng của người dân tộc Tày. Lễ hội Nàng Hai được tổ chức để rước Mẹ Trăng với mong ước Mẹ ban phước lành cho dân chúng. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 30 tháng Giêng cho đến ngày 22-3 âm lịch hằng năm. Theo quan niệm của người dân tộc Tày, trên mặt trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên là những người trông coi mùa màng và giúp đỡ người dân trồng trọt cấy hái. Lễ hội có 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai. Khi diễn ra Lễ hội, người được lựa chọn làm Mẹ Trăng phải là người phụ nữ trung niên, có cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Ngoài ra, những cô gái xinh xắn trong làng sẽ được chọn để làm những nàng tiên (khoảng 12-18 cô gái).
Lễ hội được diễn ra dưới lều trăng do dân làng dựng lên. Trong lễ rước mẹ Trăng, hai thanh niên trai tráng trong bản được lựa chọn sẽ đi đầu để mở đường cho mẹ Trăng và các nàng tiên đi lên trời. Sau lễ đón mẹ Trăng xuống, những đêm tiếp theo sẽ làm lễ cúng mẹ Trăng. Cuối cùng là người dân làm lễ đưa mẹ Trăng về Trời. Phần Lễ này diễn ra trong một ngày duy nhất tại lều trăng thứ hai đặt ngay tại cổng. Mẹ Trăng cùng các nàng tiên phải làm lễ chia tay và hát những điệu hát lượn chia tay quen thuộc, cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho mẹ Trăng và các nàng trăng được bay về trời. Lễ hội Nàng Hai là lễ hội dân gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tín ngưỡng “thờ Mẫu” của người Việt, có giá trị về văn hóa, lịch sử sâu sắc. Du khách nếu đến tham gia lễ hội Nàng Hai sẽ được lắng nghe những lời hát thiết tha cất lên từ chính những người dân với hy vọng mùa màng được bội thu. Ngoài ra còn được thưởng thức nhiều món đặc sản thơm ngon của Cao Bằng như thịt gác bếp, lạp xưởng, xôi trám...
Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20-6-2017 (6).
3. Giải pháp phát triển loại hình du lịch về nguồn ở Cao Bằng
Du lịch về nguồn không chỉ là sản phẩm du lịch đơn thuần mà còn mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, giá trị di sản. Để loại hình du lịch về nguồn phát triển đúng hướng, thực sự là loại hình du lịch thế mạnh của du lịch Cao Bằng thì các nhà quản lý, doanh nghiệp cần có những giải pháp cụ thể.
Một là, cần có sự chỉ đạo sát sao từ cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh là Sở VHTTDL lịch tỉnh Cao Bằng. Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Cao Bằng. Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh chính là nguồn tài nguyên quý tạo nên sức hút của du lịch về nguồn, du lịch Cao Bằng. Chính vì vậy, tỉnh cần quan tâm và có các kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các điểm di tích nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn những giá trị về cảnh quan, kiến trúc, lịch sử; chú trọng nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, công nhận di tích, di sản; khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống và xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội.
Hai là, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Cao Bằng. Đó là chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Cao Bằng có thể thiết lập các khóa đào tạo chuyên môn sâu về hướng dẫn du lịch, đặc biệt là các khóa học cho hướng dẫn viên loại hình du lịch về nguồn. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân địa phương tích cực tham gia vào hoạt động du lịch về nguồn. Nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cho tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc; bổ sung chương trình đào tạo du lịch vào cơ sở đào tạo của tỉnh. Thu hút nguồn nhân lực du lịch trình độ cao về tỉnh làm việc, đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong hoạt động du lịch, đặc biệt loại hình du lịch về nguồn.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên báo chí và các trang mạng xã hội như trang web; Facebook, TikTok… Việc sử dụng các hashtag và nội dung viral có thể giúp Cao Bằng tiếp cận số lượng khách dùng mạng xã hội và tạo ra xu hướng khách quan tâm đến loại hình du lịch về nguồn này. Tăng cường hoạt động xúc tiến, liên kết du lịch, phối hợp xây dựng khai thác các tour, tuyến, các sản phẩm du lịch địa phương và liên vùng. Việc hợp tác với các đối tác du lịch và các Công ty du lịch cũng là chiến lược quan trọng giúp tỉnh Cao Bằng quảng bá và bán các tour du lịch đặc thù, giúp du lịch Cao Bằng có vị thế quan trọng đối với các đối tác chiến lược... Bên cạnh đó, tỉnh nên xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là chính sách thu hút đầu tư du lịch về nguồn. Bằng cách xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và hợp tác với các đối tác du lịch, Cao Bằng có thể thu hút được một lượng khách lớn và phát triển ngành Du lịch một cách bền vững.
4. Kết luận
Cao Bằng là miền đất địa đầu Tổ quốc có bề dày về lịch sử văn hóa, là vùng đất có nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú, nhiều di tích lịch sử văn hóa và lễ hội đặc sắc. Sở hữu điều kiện thuận lợi, nhiều tiềm năng, lợi thế, Cao Bằng đã trở thành nơi hội tụ của những yếu tố đặc trưng, thế mạnh để phát triển du lịch về nguồn cho Việt Nam. Việc phát triển loại hình du lịch về nguồn giúp ở tỉnh Cao Bằng không những phát huy được giá trị trong việc gìn giữ nét đẹp truyền thống, mà còn góp phần vào sự phát triển chung du lịch của du lịch Cao Bằng, đem lại nguồn thu lớn góp phần phát triển kinh tế địa phương và đất nước.
_____________________
1. Báo Cao Bằng, Cao Bằng: Phát triển du lịch tâm linh - về nguồn, bvhttdl.gov.vn, 22-1-2024.
2. Hồng Diễm, Tham quan Pác Pó - Khu di tích quốc gia đặc biệt nổi tiếng Cao Bằng, caobangtourism.vn, 14-6-2023.
3. Bế Thanh Tịnh, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, baocaobang.vn, 13-12-2024.
4. Minh Hòa, Khám phá 3 khu tích quốc gia đặc biệt ở miền non nước Cao Bằng, baocaobang.vn, 22-3-2023.
5. Quốc Đạt, Cao Bằng - miền đất của những lễ hội truyền thống độc đáo, dantocmiennui.baotintuc.vn, 16-3-2024.
6. Dương Liễu, Một số lễ hội truyền thống ở Cao Bằng, caobang.gov.vn, 3-3-2015.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 10-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-4-2025; Ngày duyệt đăng: 29-4-2025.
PHAN THỊ BÍCH THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025