Quán triệt đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta, trong thời gian qua, công tác giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Dao đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều di sản văn hóa của người Dao với các nhóm khác nhau đã kịp thời được sưu tầm, kiểm kê, lưu giữ và phát huy vào cuộc sống. Trong đó, phương thức phát huy hiệu quả nhất là gắn với các hoạt động du lịch tại địa phương.
1. Giá trị di sản văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ bản Tả Phìn gắn với phát triển du lịch
Bản Tả Phìn cách thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) khoảng 12km về hướng Đông Bắc. Nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch thị xã Sa Pa, bản Cát Cát, bản Tả Van, bản Tả Phìn mang nét đẹp riêng, độc đáo, mới lạ và hấp dẫn của núi rừng Tây Bắc. Tại Đề án Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011-2015, Tả Phìn là một trong hai xã được quy hoạch làng văn hóa truyền thống dân tộc, trở thành điểm du lịch kiểu mẫu. Tả Phìn mở ra tiềm năng du lịch mới trong quần thể du lịch Sa Pa. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, thế mạnh của vùng đất này là văn hóa truyền thống lâu đời của các tộc người sinh sống trên địa bàn, đặc biệt là người Dao đỏ.
Có nguồn gốc từ Vân Nam, Trung Quốc, người Dao đỏ là một bộ phận nhỏ của tộc người Dao di cư vào Việt Nam từ TK XIII đến những năm 40 của thế kỷ trước. Người Dao đỏ còn gọi là Dao Cóc Ngáng, Dao Sừng, Dao Dụ Lạy, Dao Đại Bản. Tại Sa Pa, người Dao đỏ chiếm 23,04% cộng đồng các dân tộc khác trên địa bàn. Họ sống ven các cánh rừng, nơi có nhiều cây thuốc quý như ở các xã: Trung Chải, Nậm Cang, Thanh Kim, Suối Thầu, Bản Khoang… và tập trung phần lớn ở Tả Phìn.
Thời gian đến sinh sống tại vùng đất Tả Phìn lâu đời cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, môi trường, địa hình, khí hậu đã tạo dựng cho người Dao đỏ một hệ thống tri thức bản địa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa dân gian khá phong phú, đa dạng. Đó chính là những di sản quý báu được người Dao đỏ giữ gìn, bảo vệ và khai thác, phát huy vào cuộc sống, nhằm phát triển sinh kế, đặc biệt là du lịch, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống. Một số di sản văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ đã và đang được phát huy gắn với phát triển du lịch tại bản Tả Phìn:
Nhà ở truyền thống: Nhà ở của người Dao chủ yếu có ba loại chính là nhà đất, nhà sàn và nhà nửa sàn nửa đất. Tại bản Tả Phìn, phần lớn người Dao đỏ xây dựng nhà đất có kết cấu ba hoặc năm gian đứng. Đồng bào nơi đây quan niệm rằng, nhà nền đất mới có chỗ cúng Bàn Vương. Trong ngôi nhà thường có 2 nhà bếp: 1 bếp để nấu ăn và 1 bếp phụ được bố trí gần cửa có chức năng sưởi ấm cho mọi thành viên trong gia đình khi đến mùa đông. Ở một số góc gian giữa, người dân có dự trữ một số loại rau củ để dùng dần, còn trên gác nhà là rất nhiều ngô để gia đình dùng trong năm. Nhà ở truyền thống của người Dao đỏ mang đậm nét văn hóa cổ truyền, phản ánh quá trình lịch sử cư trú của họ. Sự thích ứng tự nhiên của người Dao được thể hiện trong kiến trúc và không gian sinh hoạt của ngôi nhà. Trong mỗi ngôi nhà của người Dao đỏ thường có 2-3 thế hệ cùng sinh sống.
Ngoài nhà ở, tại bản Tả Phìn còn có ngôi nhà cộng đồng Tả Phìn được xây dựng gần đây, theo lối kiến trúc độc đáo lấy cảm hứng từ chiếc khăn truyền thống của phụ nữ Dao với màu sơn đỏ nổi bật giữa núi rừng, trở thành nơi sinh hoạt chung của dân bản. Công trình được Hội Kiến trúc sư châu Á trao giải Nhì ở hạng mục Kiến trúc trách nhiệm xã hội tại lễ trao giải Arcasia vừa qua. Đây là một phần của quá trình khám phá, trải nghiệm của du khách khi đến Tả Phìn.
Trang phục truyền thống: Dân tộc Dao nói chung và nhóm Dao đỏ nói riêng là một trong những tộc người có trang phục đặc sắc và còn lưu giữ được khá nguyên vẹn, bao gồm trang phục ngày thường, trang phục lễ, Tết và trang phục tang ma.
Trên trang phục của người Dao đỏ được trang trí hầu hết ở các bộ phận như áo, quần, thắt lưng, xà cạp. Áo được thêu ở các vị trí: nẹp áo, cổ áo, tay áo, lưng áo, tà áo sau, hai đầu thắt lưng, hai tà áo trước. Quần của nữ giới được thêu ở phần gấu và ống quần. Trên trang phục nam giới trang trí ở áo, khăn quấn đầu. Áo được thêu ở các vị trí nẹp áo, hai tay áo, lưng áo. Khăn quấn đầu thêu ở hai đầu khăn. Trang phục truyền thống của người Dao được làm cầu kỳ, kỹ thuật tinh xảo và có nhiều phụ kiện kèm theo.
Nghi lễ, tín ngưỡng dân gian: Với người Dao đỏ ở Tả Phìn, hệ giá trị, niềm tin vào Bàn Hồ/ Bàn Vương - ông tổ người Dao, vào ông bà tổ tiên và các vị thần linh cai quản vùng đất ở, các tài nguyên như thần linh Thổ địa, Thần rừng, Thần núi, Thần nước, linh hồn cây cỏ, muông thú, các loại ma dường như vẫn còn nguyên giá trị. Tương ứng với đó là các nghi lễ: cúng Bàn Vương, cúng tổ tiên, cúng bản, cúng nguồn nước, cúng rừng, cúng Thần cây, cúng các linh hồn lang thang, Tết nhảy, lễ cưới, lễ cấp sắc… Người Dao đỏ rất coi trọng đời sống tín ngưỡng, văn hóa, các lễ nghi và thực hiện theo đúng phong tục truyền thống.
Nghề thủ công truyền thống: Người Dao đỏ đã sớm phát triển nhiều nghề truyền thống, trong đó một số nghề tiêu biểu hiện vẫn còn được bảo tồn và phát huy khá tốt như: nghề dệt thổ cẩm, nghề chạm khắc bạc và nghề làm trống. Sản phẩm của nghề và làng nghề truyền thống không những có giá trị sử dụng cao mà còn trở thành sản phẩm lưu niệm đặc sắc, được người dân và du khách ưa chuộng như đồ thêu, dệt thổ cẩm, đồ trang sức từ bạc…
Văn học nghệ thuật dân gian: Người Dao đỏ có một kho tàng văn học nghệ thuật dân gian phong phú với các loại hình: thần thoại, truyện cổ tích, tục ngữ, câu đố và dân ca. Đặc biệt, người Dao đỏ lưu giữ được các làn điệu dân ca đặc sắc như: dân ca giao duyên, dân ca than than, dân ca nghi lễ phong tục tập quán gia đình… Hằng năm, vào đầu tháng Giêng, người Dao đỏ còn tổ chức lễ hội hát giao duyên thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Tri thức dân gian: Gắn bó lâu đời với vùng đất Tả Phìn, người Dao đỏ đã sáng tạo ra một hệ thống tri thức dân gian phong phú, mang dấu ấn đặc trưng tộc người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa và quá trình sản xuất kinh tế. Họ đã khéo léo ứng dụng các tri thức dân gian vào phát triển kinh tế hàng hóa tạo ra các sản phẩm vừa sử dụng nâng cao chất lượng cuộc sống vừa phục vụ phát triển du lịch. Tiêu biểu, có các tri thức dân gian trong khai thác rừng, tri thức dân gian trong khai thác nguồn nước, trồng trọt, chăm sóc sức khỏe… Trong hệ thống tri thức dân gian của người Dao thì tri thức về chăm sóc sức khỏe giữ một vị trí quan trọng. Đặc biệt phải kể đến bài thuốc lá tắm của người Dao đỏ ở Tả Phìn nổi tiếng trong và ngoài nước.
Có thể thấy, văn hóa của người Dao đỏ bản Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai khá giàu bản sắc trên cả bình diện văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần quan trọng vào nguồn lực, vốn tài sản vô giá của cộng đồng, địa phương và quốc gia. Bài toán đặt ra là nhận diện, bảo tồn, khai thác và phát huy như thế nào cho hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch bền vững.
2. Phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao đỏ trong phát triển du lịch bền vững tại Tả Phìn
Nhận thấy tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch nhằm gia tăng sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân và cộng đồng, các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đã quan tâm vào cuộc. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao đỏ gắn với du lịch được chú trọng và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Về chủ trương, cơ chế, chính sách
Các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn và quản lý người dân ở địa phương trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa vùng miền được tỉnh Lào Cai cụ thể hóa bằng nhiều nhiệm vụ, đề án, hoạt động thiết thực. Từ năm 1997, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở VHTTDL Lào Cai kết hợp với các địa phương trong tỉnh đã tiến hành kiểm kê, sưu tầm và lưu giữ các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Đây chính là cơ sở để tiến hành nghiên cứu, phục hồi, phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người. Từ năm 2012-2019, tỉnh Lào Cai đã có 27 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (giai đoạn 2012-2015 có 16 di sản, giai đoạn 2016-2019 có 11 di sản). Năm 2020, tỉnh Lào Cai đã trình Bộ VHTTDL thêm 9 hồ sơ khoa học di sản tiêu biểu đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó ở Sa Pa có: Nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ, Chữ Nôm của người Dao, Lễ Khoi kìm (cúng rừng) của người Dao đỏ, Lễ Pút tồng của người Dao đỏ, Nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ, Nghề làm trống của người Dao đỏ, Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ…
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng đã triển khai thực hiện nhiều đề án (1), chú trọng đầu tư bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng Dao đỏ ở Tả Phìn gắn với phát triển du lịch bền vững nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm, gia tăng sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào và người dân địa phương.
Điểm sáng ở Tả Phìn là hoạt động của các Ban quản lý, hỗ trợ trong công tác quản lý cũng như tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tồn và phát huy di sản gắn với phát triển du lịch. Năm 2022, UBND xã Tả Phìn thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng Tả Phìn. Năm 2023, Ban Quản lý phát triển du lịch và di tích thị xã Sa Pa (2) cũng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý di tích thị xã Sa Pa và Nhà khách Sa Pa. Sự phối, kết hợp của các Ban quản lý và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, các hộ gia đình trực tiếp hoặc gián tiếp kinh doanh du lịch vừa bảo tồn vốn di sản của đồng bào vừa phát huy gắn với du lịch, tạo chuỗi giá trị trong phát triển bền vững tại địa phương.
Tính đến hết tháng 7-2022, Sa Pa có 362 cơ sở kinh doanh homestay, 126 cơ sở dịch vụ ăn uống tại các điểm du lịch cộng đồng, 157 cơ sở quà tặng lưu niệm, 39 dịch vụ tắm thuốc và 222 dịch vụ khác. Các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa luôn thu hút từ 800.000-1.400.000 lượt khách/ năm, riêng năm 2022 tăng mạnh, ước đón khoảng 2.500.000 lượt khách; trong đó, đông nhất là điểm du lịch làng nghề Cát Cát, thung lũng Mường Hoa và bản Tả Phìn (3). Con số các hộ làm du lịch ở Tả Phìn tăng dần theo thời gian. Nếu năm 2005 chỉ có 2 hộ gia đình làm homestay đón khách, năm 2008 là 11 hộ gia đình làm dịch vụ này, thì đến năm 2022 có hơn 40 hộ kinh doanh du lịch (4). Tại đây, luôn đề cao vai trò của người Dao bản địa. Trao cho họ quyền tham gia các hoạt động du lịch và được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch
Phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch
Bên cạnh bảo tồn giá trị di sản của cha ông, người Dao đỏ ở Tả Phìn đã biết phát huy di sản văn hóa truyền thống tạo thành nhiều sản phẩm du lịch. Họ đã biết khai thác các nghi lễ, lễ hội phục vụ du lịch như lễ cưới, hội hát giao duyên… tổ chức các hoạt động trải nghiệm về văn hóa, truyền dạy tiếng nói, chữ viết; các câu lạc bộ nghề truyền thống thêu hoa văn, vẽ sáp ong, gói bánh tro; trải nghiệm nấu ăn, thưởng thức món ăn của người Dao, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tắm lá thuốc.
Nhờ khai thác các chất liệu dân gian truyền thống nên các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách rất giàu bản sắc và hấp dẫn. Đội văn nghệ xã Tả Phìn đã khai thác trích đoạn Đón dâu trong đám cưới, hay các các điệu múa chuông, múa kiếm, múa đèn, các điệu nhảy trong lễ “pút tồng” để xây dựng các chương trình văn nghệ phục vụ du khách. Đặc biệt nhất phải kể đến sản phẩm du lịch có nguồn gốc từ các bài thuốc dân tộc Dao. Du khách đến với Tả Phìn không chỉ có cơ hội tìm hiểu về cây thuốc, thưởng thức món ăn liên quan tới cây thuốc và còn có thể mua các loại thuốc cổ truyền của đồng bào Dao mang về, hoặc trải nghiệm dịch vụ tắm thuốc. Bài thuốc tắm của người Dao đỏ là sự kết hợp giữa tinh hoa của núi rừng với kiến thức y thuật và tri thức bản địa của cộng đồng người Dao. Sau bao năm chỉ trao truyền và phát huy giá trị trong cộng đồng mình, giờ đây, với sự tham gia vào khâu sản xuất và kết nối thị trường của các doanh nghiệp, bài thuốc tắm nổi danh này đang trở thành một sản phẩm du lịch chủ lực của người Dao đỏ Tả Phìn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp người dân địa phương bảo tồn được sản phẩm dược liệu đặc hữu của mình.
Nghề thủ công truyền thống của người Dao khá đa dạng và phát triển như: nghề rèn, làm đồ bạc, làm trống, đan lát, may thêu… nổi tiếng nhất là thêu thổ cẩm. Trước đây, người Dao thêu thổ cẩm chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, rất ít khi đem ra trao đổi. Nhưng từ khi du lịch phát triển, thêu thổ cẩm trở thành mặt hàng được du khách yêu thích, hình thành nên một nghề sản xuất hàng hóa.
Trên thực tế, công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa của người Dao đỏ trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn khá khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng. Người dân đã biết tận dụng khai thác lợi thế của địa phương mình để làm du lịch, nhưng thiếu tính tổ chức, thiếu sự chuẩn bị, thiếu kỹ năng, lại nóng vội thu lợi nhuận dẫn đến tình trạng “nhà nhà đua nhau làm du lịch”, “người người đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch”, thậm chí tạo nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thu hút khách bằng mọi giá... Chưa kể, vì lợi nhuận trước mắt đã xuất hiện tình trạng người dân bỏ nghề truyền thống, vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa, để chạy theo du lịch, khiến cho sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề bị thu hẹp, đơn điệu, mai một, làm giảm tính hấp dẫn của chính địa phương.
Các mô hình câu lạc bộ làng nghề hoạt động chưa thường xuyên, mang tính thời vụ. Sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, nghèo nàn, mẫu mã, kiểu dáng thiết kế thiếu tính mới lạ, đột phá. Các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay còn thiếu chuyên nghiệp, chưa thực sự hiệu quả.
Tốc độ đô thị hóa nhanh làm cho nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một, trong khi đó, cộng đồng còn chưa nhận thức đầy đủ về việc quan tâm giữ gìn bản sắc riêng. Một bộ phận người dân làm du lịch chạy theo xu hướng thương mại hóa, quá coi trọng lợi nhuận trước mắt mà bất chấp hậu quả, các sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, tự đánh mất cơ hội để phát triển du lịch của chính mình. “Tả Phìn xây dựng nhiều quá, không có điểm nhấn. không có tắm thuốc thì không có gì thu hút khách. Ngày xưa em có dẫn 1 đoàn khách, giới thiệu đây là trung tâm bản, khách bảo tưởng đây là thị trấn, thành phố chứ. Họ muốn tham quan cảnh thiên nhiên mà bê tông hóa quá. Em đã tham gia nhiều cuộc họp trên thị xã, ở xã. Em luôn phản đối cách xây dựng như bây giờ. Mình trực tiếp đi với khách, mình trực tiếp biết phải làm cái gì. Bản giờ xây dựng lộn xộn” (5). Đó là trăn trở không chỉ riêng người trực tiếp làm du lịch mà còn của tất cả mọi người với mong muốn bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của cộng đồng.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng Dao đỏ trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao nói chung và cộng đồng Dao đỏ ở Tả Phìn nói riêng trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững là một yêu cầu văn hóa, kinh tế, xã hội, yêu cầu phát triển tất yếu đặt ra đối với các cấp, các ngành và toàn xã hội hiện nay. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của di sản và quản lý di sản văn hóa dân tộc cho đội ngũ cán bộ trực tiếp công tác trên địa bàn. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng liên quan đến di sản và quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản gắn với du lịch bền vững; Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong mối quan hệ với phát triển du lịch để mưu sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ, bảo tồn, phát triển văn hóa tộc người. Tăng cường vai trò của cộng đồng Dao đỏ tham gia quản lý và tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc. Vinh danh những nghệ nhân người Dao đỏ có nhiều đóng góp; nâng cao nhận thức của du khách, thay đổi hành vi, tôn trọng di sản, hạn chế các tác động của du khách làm tổn thương đến di sản trong quá trình tham quan du lịch, qua đó góp phần tích cực vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản người Dao đỏ; nâng cao nhận thức về vai trò công tác bảo vệ và khai thác di sản văn hóa người Dao đỏ cho các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã làm du lịch, tạo dựng mối quan hệ tương hỗ giữa di sản với phát triển du lịch bền vững ở Tả Phìn.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách
Đẩy mạnh rà soát, kiểm kê, đánh giá tài nguyên du lịch làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng. Đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình kinh doanh du lịch trong quy hoạch, cơ cấu dịch vụ, giảm thuế; hướng dẫn, tư vấn về chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại chỗ.
Xây dựng Khung tiêu chuẩn và Bộ tiêu chí đánh giá năng lực, kỹ năng của nguồn nhân lực như: các hướng dẫn viên, các hộ gia đình, các tổ chức đang trực tiếp tham gia phục vụ khách du lịch. Lựa chọn, đưa nguồn nhân lực, lao động trong ngành Du lịch đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Tổ chức các tọa đàm về vai trò của di sản văn hóa người Dao đỏ đối với phát triển du lịch địa phương có sự tham gia của các bên liên quan để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quy hoạch, đầu tư bảo tồn, khai thác giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững ở Tả Phìn. Từ đó tạo sự thích ứng, hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ và khai thác các giá trị di sản văn hóa tộc người cho phát triển du lịch. Đồng thời, chia sẻ lợi ích một cách hợp lý.
Xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa chuyên nghiệp, bền vững.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Số hóa hệ thống di sản, mở rộng quảng bá di sản trên các nền tảng số, không gian mạng, gia tăng các thông tin, chỉ dẫn về di sản, tích hợp các điểm du lịch, tuyến du lịch, các chính sách, quy định giúp du khách thuận tiện trong khai thác, cập nhật thông tin về di sản văn hóa người Dao đỏ gắn với du lịch tại Tả Phìn. Chuyển đổi số còn có thể hỗ trợ trong quản lý, điều phối lượng khách phù hợp với lượng cung, cầu. Đồng thời, giúp lan tỏa các giá trị di sản và xúc tiến quảng bá phát triển du lịch nhanh và bền vững.
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng
Tổ chức Du lịch Thế giới đã xác định: Phát triển du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu về hiện tại của du khách và người dân bản địa, trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai. Chính vì thế, mục tiêu của phát triển du lịch bền vững là đem lại lợi ích cho cộng đồng và phát triển du lịch bền vững chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng. Để đạt được những mục tiêu của phát triển du lịch bền vững thì vấn đề đầu tiên phải làm là nâng cao nhận thức của cộng đồng người Dao đỏ ở Tả Phìn về vị trí, vai trò của họ trong tổng thể nguồn lực phát triển du lịch. Đảm bảo sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong quá trình phát triển, từ xây dựng quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý và khai thác, phát huy giá trị di sản, cũng như được hưởng lợi từ di sản của chính họ. Từ đó, tránh những xung đột không đáng có nhằm phát triển du lịch bền vững ngay chính trên quê hương Tả Phìn của họ.
______________
1. Đề án số 9: Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2011-2015; Đề án số 13: Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015; Đề án số 3: Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 25-10-2021 của UBND thị xã Sa Pa về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.
2. Quyết định số 1587/QĐ-UBND, ngày 1-8-2023 thành lập Ban Quản lý phát triển du lịch và di tích thị xã Sa Pa trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý di tích thị xã Sa Pa và Nhà khách Sa Pa.
3. Số liệu thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa.
4. Số liệu điều tra, khảo sát của nhóm nghiên cứu.
5. Phỏng vấn bà Lý Mẩy Pham, Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Dao đỏ.
Tài liệu tham khảo
1. Biên bản phỏng vấn sâu đề tài Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững, tài liệu lưu hành nội bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt .
2. Bàn Thị Quỳnh Giao, Tri thức ứng xử với nguồn nước của người Dao đỏ ở Sa Pa - Lào Cai, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 (160), 2015.
3. Trần Hồng Hạnh, Tri thức địa phương trong sử dụng thuốc nam của người Dao đỏ (Nghiên cứu ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Tạp chí Dân tộc học, số 5 (119), 2002, tr.23-30.
4. Phạm Công Hoan, Ứng xử của người Dao đỏ ở Sapa trong việc cư trú, khai thác và bảo vệ rừng, nguồn nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.
5. UBND tỉnh Lào Cai, Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lưu tại Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai.
6. Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai: Một tầm nhìn, đa giá trị, bvhttdl.gov.vn, 17-8-2002.
7. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững, Hà Nội, 1-2023.
8. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Báo cáo kết quả khảo sát của đề tài Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững, 4-2023.
TS HOÀNG THỊ BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023