Tóm tắt: Nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Dao Đỏ tại Lũng Slàng, Tràng Định, Lạng Sơn, bị suy giảm khi ít nghệ nhân còn thực hành trọn vẹn kỹ thuật thêu. Sự thay đổi cơ cấu lao động khiến phụ nữ trẻ ít gắn bó với nghề, trong khi vải công nghiệp giá rẻ thu hẹp thị trường sản phẩm thủ công. Trước thực trạng này, nghiên cứu đề xuất ứng dụng thêu thổ cẩm vào xây dựng thương hiệu du lịch Lũng Slàng. Việc tích hợp họa tiết truyền thống vào nhận diện thương hiệu, phát triển du lịch và tổ chức trải nghiệm văn hóa không chỉ bảo tồn di sản mà còn tạo nền tảng kinh tế bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu du lịch cộng đồng, biến Lũng Slàng thành điểm đến gắn liền với bản sắc văn hóa Dao Đỏ.
Từ khóa: thêu thổ cẩm, người Dao Đỏ, Lũng Slàng, bản sắc văn hóa, thương hiệu du lịch.
Abstract: The traditional brocade embroidery of the Red Dao people in Lung Slang, Trang Dinh, Lang Son, is declining due to a dwindling number of artisans who fully practice the embroidery techniques. Changes in the labor structure have led to fewer young women engaging in the craft, while inexpensive industrial fabrics have shrunk the market for handmade products. Faced with this situation, the research proposes applying brocade embroidery to build the tourism brand of Lung Slang. Integrating traditional motifs into brand identity, developing tourism, and organizing cultural experiences will not only preserve the heritage but also create a sustainable economic foundation, enhance the brand value of community-based tourism, and transform Lung Slang into a destination closely associated with the Red Dao cultural identity.
Keywords: brocade embroidery, Red Dao people, Lung Slang, cultural identity, tourism brand.
Phụ nữ Dao đỏ ở Lũng Slàng thêu thùa thổ cẩm truyền thống - Ảnh: baodantoc.vn
1. Đặc điểm nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Dao Đỏ
Nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Dao Đỏ là một di sản văn hóa lâu đời, phản ánh đời sống tinh thần, tín ngưỡng và bản sắc dân tộc. Xuất hiện từ quá trình di cư vào Việt Nam từ TK XIII, nghề thêu được truyền qua nhiều thế hệ mà không cần mẫu vẽ sẵn, đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn và tư duy không gian chính xác. Thêu thổ cẩm không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn gắn liền với các nghi lễ truyền thống như cấp sắc, cưới hỏi, nhảy lửa…
Nghệ thuật thêu thổ cẩm Dao Đỏ mang những đặc trưng riêng biệt, thể hiện qua cách phối hợp màu sắc, chất liệu và phương pháp thực hiện. Trên nền vải chàm, 5 gam màu chủ đạo gồm đỏ, xanh, vàng, trắng và chàm tạo nên sự hài hòa và biểu tượng. Màu đỏ giữ vai trò trung tâm, tượng trưng cho may mắn và bảo hộ tâm linh, trong khi các màu còn lại giúp cân bằng tổng thể, thể hiện tư duy về vũ trụ và nhân sinh quan. Nhận xét về cách thể hiện hoa văn của người Dao Đỏ, tác giả Phan Thị Phượng cho rằng: “Với cách thể hiện hoa văn trên trang phục theo hình kỷ hà thể hiện cách cảm thụ tự nhiên và mọi vật trong cuộc sống của người Dao Đỏ một cách cụ thể, mạch lạc, rõ ràng. Các yếu tố mềm mại của sự vật hiện tượng qua tư duy và cách thể hiện của người Dao Đỏ đã giản lược đi rất nhiều. Người ta đã bỏ đi những yếu tố không cơ bản, khó làm và chỉ giữ lại những yếu tố đặc trưng nhất của hình ảnh. Tuy nhiên, chỉ giữ lại những đường nét đặc trưng nó vẫn mang lại cho ta cảm giác về hình ảnh một cách sinh động và khỏe, chắc nhưng không cứng nhắc” (1). Theo tác giả Việt Anh thì hoa văn trên trang phục Dao Đỏ gồm 2 nhóm chính: hoa văn hình học (tròn, vuông, tam giác, chữ nhật…) mang tính biểu tượng cao và hoa văn tả thực (hoa lá, cỏ cây, chim thú, mặt trời…) phản ánh thế giới quan và quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Sự cách điệu tinh tế trong các họa tiết tạo nên sự cân đối, hài hòa trong tổng thể bố cục, giúp trang phục vừa mang tính truyền thống vừa có tính sáng tạo riêng của từng nghệ nhân (2).
Tác giả Phan Thị Phượng cũng nhận định kỹ thuật thêu của người Dao Đỏ có nét đặc trưng riêng so với các dân tộc khác. Người Dao Đỏ thêu từ mặt trái để hoa văn hiện lên mặt phải, không vẽ mẫu trước mà thêu theo trí nhớ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tay nghề cao. Ngoài kỹ thuật thêu truyền thống, họ còn kết hợp nhiều phương pháp như thêu chữ thập, thêu đường thẳng, ghép vải, ghép tơ, giúp người thêu chủ động và linh hoạt hơn trong sáng tạo hoa văn. Phim tài liệu khoa học Chuyện người Dao kể (phần 2) của Đài Truyền hình Việt Nam đã mô tả chi tiết sự tỉ mỉ trong từng công đoạn chuẩn bị chỉ và kỹ thuật thêu của người Dao Đỏ. Trước khi thêu, nghệ nhân xe chập ba sợi chỉ đơn để tạo độ dày và chắc, sau đó giữ một đầu chỉ bằng miệng, một đầu bằng tay trái, đồng thời dùng tay phải cầm kim chà xát liên tục để làm đều, đảm bảo mũi thêu đồng nhất, không bị chỗ thưa, chỗ dày.
Phương pháp thêu của người Dao Đỏ tại Lũng Slàng (Lạng Sơn) có những khác biệt rõ nét so với các nhóm Dao Đỏ khác, thể hiện qua cách lựa chọn nền vải, kỹ thuật thực hiện và bố cục họa tiết, phản ánh sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện sản xuất hiện đại. Thay vì thêu trực tiếp lên vải lanh đen như truyền thống, họ sử dụng vải trắng có ô ly làm nền, giúp căn chỉnh họa tiết chính xác hơn, giảm sai sót và nâng cao hiệu suất lao động. Sau khi hoàn thành, mảnh vải thêu được ghép lên vải lanh thay vì thêu trực tiếp, tạo tính linh hoạt trong bố cục và hạn chế hao phí nguyên liệu.
Sau khi hoàn thành các họa tiết, thay vì thêu trực tiếp lên nền vải chính như cách làm truyền thống, nghệ nhân tại Lũng Slàng sử dụng phương pháp ghép vải, tức là mảnh vải thêu sẽ được may đính lên vải lanh. Kỹ thuật này mang lại tính linh hoạt cao hơn trong bố cục hoa văn, cho phép điều chỉnh vị trí họa tiết theo yêu cầu của thiết kế mà không cần thực hiện lại toàn bộ quá trình thêu. Hơn nữa, phương pháp này giúp giảm thiểu hao phí nguyên liệu, đảm bảo tính đồng nhất của sản phẩm trong trường hợp cần sản xuất với số lượng lớn.
Điểm khác biệt đáng chú ý khác là kỹ thuật thêu không phủ kín bề mặt vải như một số nhóm Dao Đỏ khác, mà kết hợp giữa các mảng thêu và vải màu. Cách tiếp cận này tạo ra sự đối lập về sắc độ giữa họa tiết thêu và phần vải trơn, làm nổi bật hoa văn mà vẫn đảm bảo tính hài hòa tổng thể. Đây là sự điều chỉnh mang tính ứng dụng cao, không chỉ giúp tiết kiệm nguyên liệu và thời gian sản xuất mà còn tạo ra một ngôn ngữ thiết kế phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay, đặc biệt trong các ngành thời trang và thủ công mỹ nghệ. Sự kết hợp này cho thấy người Dao Đỏ tại Lũng Slàng không chỉ tiếp tục bảo tồn giá trị thẩm mỹ truyền thống mà còn chủ động điều chỉnh kỹ thuật để thích nghi với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện đại.
Phân tích dưới góc độ thực hành thủ công và sản xuất, phương pháp thêu tại Lũng Slàng không chỉ phản ánh đặc trưng văn hóa địa phương mà còn cho thấy sự phát triển của kỹ thuật thêu theo hướng linh hoạt hơn. Những điều chỉnh trong kỹ thuật thêu không làm mất đi giá trị nghệ thuật vốn có, mà ngược lại, còn giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tạo điều kiện cho nghề thêu có thể tiếp tục tồn tại trong điều kiện kinh tế hiện nay. Do đó, có thể thấy rằng sự khác biệt trong phương pháp thêu tại Lũng Slàng không chỉ là một sự biến đổi mang tính cá nhân mà còn là kết quả của quá trình thích nghi với những yếu tố kỹ thuật và kinh tế, đảm bảo rằng nghề thêu thổ cẩm không chỉ dừng lại ở bảo tồn mà còn có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững.
Hiện nay, khi vải công nghiệp du nhập và cơ cấu lao động thay đổi khiến nghề thêu suy giảm. Theo ông Triệu Xuân Phú, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lũng Slàng, hiện nay thôn chỉ còn 5 nghệ nhân duy trì nghề thêu thổ cẩm. Tuy nhiên, họ chủ yếu thực hiện việc thêu để đáp ứng nhu cầu cá nhân hơn là phục vụ mục đích kinh tế. Còn theo bà Nông Hải Lý, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tràng Định (Lạng Sơn) cho biết nghề thêu tại Lũng Slàng đã không còn giữ được vai trò như trước: Không thể coi là một nghề nữa rồi. Chỉ còn một số ít người nắm giữ và cũng không thông thạo. Ở các nơi khác trong huyện cũng vậy. Chưa có đề xuất giải pháp bảo tồn cụ thể. Nhận định này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về sự suy giảm của nghề thêu thổ cẩm không chỉ tại Lũng Slàng, mà còn ở nhiều cộng đồng người Dao Đỏ khác trong khu vực. Sự mai một của nghề thêu không chỉ là vấn đề của riêng một nhóm thợ hay một làng nghề, mà còn là dấu hiệu của sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế, xã hội, khi các hoạt động sản xuất truyền thống ngày càng bị lấn át bởi những mô hình kinh tế hiện đại. Nếu không có các giải pháp bảo tồn hiệu quả, nguy cơ đứt gãy trong việc truyền dạy kỹ thuật thêu là rất cao, dẫn đến sự suy giảm bản sắc văn hóa và mất đi một tiềm năng quan trọng trong phát triển du lịch gắn với di sản. Thay vì chỉ nhìn nhận nghề thêu như một truyền thống đang dần biến mất, cần xem đây là một nguồn lực văn hóa có thể được tái tạo và phát huy nếu có chiến lược phát triển phù hợp, kết hợp giữa bảo tồn tri thức dân gian và ứng dụng sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế đương đại.
2. Giá trị văn hóa của nghệ thuật thêu thổ cẩm Dao đỏ
Giá trị thẩm mỹ
Nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Dao Đỏ nổi bật bởi sự tinh tế trong cách bố trí hoa văn, phối hợp màu sắc và tính cân đối trong từng chi tiết. Khác với các dân tộc khác, người Dao Đỏ không vẽ mẫu sẵn mà thêu hoàn toàn dựa trên trí nhớ, điều này đòi hỏi người thợ phải có tư duy không gian tốt để đảm bảo bố cục hài hòa. Các họa tiết thường được sắp xếp đối xứng, tạo nên tổng thể cân bằng và nhịp điệu thẩm mỹ nhất định. Sự kết hợp giữa các gam màu mạnh như đỏ, vàng, trắng trên nền vải chàm giúp các họa tiết trở nên nổi bật, tạo ra sự thu hút thị giác mạnh mẽ. Hệ thống hoa văn trên thổ cẩm của người Dao Đỏ rất phong phú, thể hiện sự kết nối giữa con người với vũ trụ. Các họa tiết không chỉ mang tính trang trí mà còn thể hiện những biểu tượng gắn liền với tín ngưỡng và đời sống của người Dao Đỏ.
Giá trị lịch sử và văn hóa
Nghề thêu thổ cẩm không chỉ là một kỹ thuật thủ công mà còn là một phần trong hệ thống tri thức dân gian được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thêu thổ cẩm không chỉ đơn thuần là một nghề mà còn là một hình thức giáo dục văn hóa trong cộng đồng Dao Đỏ. Từ khi còn nhỏ, các bé gái của tộc người Dao Đỏ đã được học cách cầm kim, xe chỉ và tập thêu những họa tiết đơn giản. Khi trưởng thành, họ phải thành thạo kỹ thuật thêu để có thể tự làm trang phục truyền thống cho mình. Thổ cẩm của người Dao Đỏ gắn liền với các nghi lễ truyền thống như lễ cưới, lễ cấp sắc và lễ tang. Trong lễ cưới, cô dâu phải mặc bộ trang phục truyền thống được thêu tay công phu, thể hiện sự khéo léo và phẩm hạnh của người phụ nữ. Trong lễ cấp sắc, một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông Dao Đỏ, trang phục thêu tay cũng là một yếu tố bắt buộc, thể hiện vị thế và vai trò của người đàn ông trong cộng đồng.
Ngoài ra, hoa văn thêu còn phản ánh thế giới quan và tín ngưỡng của người Dao Đỏ. Họa tiết hình ngôi sao tám cánh được cho là biểu tượng của Bàn Vương, thủy tổ của người Dao, mang ý nghĩa bảo hộ và kết nối tâm linh giữa con người với tổ tiên. Những họa tiết mô phỏng thiên nhiên như hoa, lá, chim chóc thể hiện quan niệm về sự hòa hợp giữa con người với môi trường xung quanh. Chính vì vậy, nghệ thuật thêu thổ cẩm không chỉ là một sản phẩm thủ công mà còn là một hình thức lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa của người Dao Đỏ.
Giá trị kinh tế và xã hội
Trong những năm gần đây, nhu cầu về các sản phẩm thủ công truyền thống đang gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, nội thất và quà lưu niệm. Các sản phẩm thổ cẩm như túi xách, khăn quàng, áo khoác thêu tay đang được nhiều thương hiệu thời trang quan tâm và đưa vào thiết kế hiện đại, giúp nâng cao giá trị của nghề thêu.
Đối với cộng đồng người Dao Đỏ tại Lũng Slàng, việc phát triển nghề thêu có thể góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ. Nếu được đầu tư bài bản, nghề thêu có thể trở thành một ngành nghề chủ lực, giúp cải thiện đời sống kinh tế cho cộng đồng. Một số mô hình du lịch cộng đồng thành công tại các vùng khác như Sa Pa, Mộc Châu đã kết hợp sản xuất thổ cẩm với trải nghiệm du lịch, giúp du khách không chỉ mua sản phẩm mà còn có cơ hội tham gia vào quá trình sản xuất, từ đó nâng cao giá trị trải nghiệm và gia tăng sức hút của sản phẩm thổ cẩm.
Tuy nhiên, để nghề thêu thổ cẩm trở thành một sản phẩm kinh tế bền vững, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan trong việc đào tạo, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong thiết kế, sản xuất sẽ giúp cải thiện năng suất mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống của sản phẩm.
3. Ứng dụng thêu thổ cẩm trong phát triển thương hiệu du lịch ở Lũng Slàng
Thôn Lũng Slàng, nơi sinh sống của 37 hộ gia đình người Dao Đỏ, vẫn bảo tồn lối sống truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật thêu thổ cẩm. Người dân nơi đây vẫn duy trì các sinh hoạt như nấu rượu ngô, đan lát, thêu trang phục và tổ chức các lễ hội đặc sắc như lễ cấp sắc, nhảy lửa… cùng nền ẩm thực phong phú với bánh chưng đen, xôi ngũ sắc, phở vịt quay. Tuy nhiên, du lịch tại Lũng Slàng vẫn mang tính tự phát, hạ tầng hạn chế, giao thông khó khăn, dịch vụ lưu trú và trải nghiệm văn hóa chưa phát triển. Nếu đầu tư hợp lý vào hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và gắn thương hiệu du lịch với thêu thổ cẩm, Lũng Slàng có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế bền vững.
Xây dựng thương hiệu du lịch Lũng Slàng
Việc phát triển thương hiệu du lịch Lũng Slàng cần được thực hiện theo một chiến lược tổng thể, gắn liền với những giá trị văn hóa bản địa để tạo dựng bản sắc riêng. Nghệ thuật thêu thổ cẩm không chỉ là sản phẩm thủ công truyền thống mà còn mang ý nghĩa biểu tượng, giúp Lũng Slàng khác biệt so với các điểm du lịch cộng đồng khác. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc tích hợp thêu thổ cẩm vào hệ thống nhận diện thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Logo, bảng hiệu, đồng phục nhân viên và quà lưu niệm đều có thể ứng dụng hoa văn truyền thống của người Dao Đỏ nhằm nâng cao tính thẩm mỹ và sự nhận diện thương hiệu. Không gian du lịch tại địa phương cũng có thể được trang trí bằng các sản phẩm thổ cẩm như rèm, khăn trải bàn, tranh thêu trang trí, nhằm mang lại trải nghiệm chân thực cho du khách, đồng thời khẳng định giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng.
Bên cạnh xây dựng thương hiệu, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm thêu thổ cẩm giúp nâng cao giá trị của nghề thêu trong đời sống kinh tế địa phương. Những trải nghiệm này không chỉ góp phần bảo tồn kỹ thuật thêu truyền thống mà còn tạo sự kết nối giữa du khách và cộng đồng. Du khách có thể tham gia vào quá trình thêu thủ công, học cách tạo ra các sản phẩm thổ cẩm dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân địa phương, từ đó tăng sự thấu hiểu và trân trọng đối với nghề thủ công truyền thống. Đây không chỉ là hoạt động du lịch mang tính giáo dục, mà còn giúp nghề thêu được duy trì và phát triển theo hướng bền vững. Hơn nữa, việc sáng tạo các sản phẩm quà lưu niệm từ thổ cẩm như túi xách, khăn quàng, ví, hay áo khoác theo phong cách hiện đại sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, biến thổ cẩm trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng địa phương.
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn và phát triển nghề thêu thổ cẩm là giải pháp quan trọng để gia tăng tính cạnh tranh. Số hóa hoa văn thêu thổ cẩm giúp lưu trữ dữ liệu về các mẫu hoa văn truyền thống, hỗ trợ bảo tồn và truyền dạy kỹ thuật thêu cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện để ứng dụng vào thiết kế hiện đại. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được sử dụng để phân tích và tái tạo các mẫu hoa văn dựa trên nguyên tắc truyền thống, từ đó tạo ra những thiết kế mới phù hợp với thị hiếu của thị trường hiện đại. Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) có thể giúp du khách trải nghiệm văn hóa Dao Đỏ ngay cả khi chưa đặt chân đến Lũng Slàng, thông qua các ứng dụng di động hoặc không gian trưng bày số hóa. Ngoài ra, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thêu thổ cẩm. Việc đưa các sản phẩm thổ cẩm lên các nền tảng bán hàng trực tuyến không chỉ giúp kết nối với khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước, mà còn tạo cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng giá trị kinh tế của sản phẩm thủ công truyền thống.
Việc xây dựng thương hiệu du lịch Lũng Slàng cần một chiến lược tiếp thị toàn diện, kết hợp giữa truyền thông số và truyền thông truyền thống. Cần xây dựng một trang web chính thức cho du lịch Lũng Slàng, giới thiệu đầy đủ thông tin về điểm đến, sản phẩm thổ cẩm, các trải nghiệm văn hóa và dịch vụ du lịch tại địa phương. Đồng thời, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh thương hiệu thông qua các video ngắn, bài viết giới thiệu văn hóa Dao đỏ và các chương trình khuyến mãi sẽ giúp nâng cao độ nhận diện và thu hút sự quan tâm của du khách. Ngoài ra, có thể hợp tác với các công ty lữ hành để đưa Lũng Slàng vào danh sách các tour văn hóa và trải nghiệm thủ công truyền thống, tạo điều kiện để du khách tiếp cận với sản phẩm du lịch một cách thuận lợi hơn.
Đánh giá tiềm năng và thách thức trong việc xây dựng thương hiệu du lịch dựa trên giá trị văn hóa
Mặc dù sở hữu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhờ vào cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hệ sinh thái rừng trúc độc đáo cùng di sản văn hóa phong phú, việc xây dựng thương hiệu du lịch gắn với nghệ thuật thêu thổ cẩm tại Lũng Slàng vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những thách thức lớn nhất chính là nhận thức hạn chế của cộng đồng về giá trị kinh tế của nghề thêu cũng như tiềm năng của du lịch văn hóa. Theo khảo sát tại địa phương, phần lớn người dân vẫn xem thêu thổ cẩm như một hoạt động thủ công truyền thống, mang tính cá nhân hơn là một ngành có thể đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững. Do đó, cần có các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, khuyến khích sáng tạo trong sản phẩm thổ cẩm, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về mối liên hệ giữa nghề thủ công truyền thống và các mô hình kinh tế du lịch.
Bên cạnh đó, nghề thêu thổ cẩm tại Lũng Slàng hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm công nghiệp với giá thành rẻ hơn và mẫu mã đa dạng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc định vị thương hiệu và phát triển chiến lược tiếp thị hiệu quả. Việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong thiết kế thổ cẩm, ứng dụng vào các sản phẩm du lịch như quà lưu niệm, thời trang hoặc vật phẩm trang trí có thể giúp tạo nên sự khác biệt, gia tăng giá trị thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, các chiến lược tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử, du lịch trải nghiệm và liên kết với các doanh nghiệp lữ hành cũng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Một thách thức khác là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch. Hiện nay, giao thông vào Lũng Slàng còn nhiều khó khăn do địa hình đồi núi, hệ thống đường dẫn vào thôn hẹp và chưa đảm bảo an toàn cho xe du lịch cỡ lớn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút khách và kéo dài thời gian lưu trú tại địa phương. Hơn nữa, các cơ sở lưu trú chủ yếu là homestay tự phát, chưa được đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất lẫn kỹ năng phục vụ. Để khắc phục vấn đề này, cần có sự đầu tư đồng bộ vào hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao và tổ chức đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, đảm bảo rằng cộng đồng địa phương có thể chủ động tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển du lịch.
Ngoài ra, một trong những trở ngại quan trọng khác là việc xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu du lịch của Lũng Slàng. So với các điểm du lịch cộng đồng khác như Sa Pa hay Mai Châu, Lũng Slàng vẫn chưa có chiến lược tiếp thị rõ ràng và hiệu quả. Việc tận dụng các nền tảng truyền thông số, xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp dựa trên nghệ thuật thêu thổ cẩm, đồng thời kết hợp quảng bá với các sự kiện văn hóa, du lịch sẽ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu và thu hút du khách tiềm năng. Việc xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu bài bản, tích hợp yếu tố văn hóa bản địa vào hệ thống nhận diện trực quan như logo, biển hiệu, đồng phục và quà lưu niệm sẽ tạo dấu ấn đặc trưng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu du lịch Lũng Slàng.
Như vậy, để phát huy tiềm năng và khắc phục các thách thức hiện tại, cần có một chiến lược phát triển thương hiệu du lịch gắn với thêu thổ cẩm mang tính tổng thể. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp trong việc quy hoạch du lịch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm thổ cẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ là những yếu tố quyết định đến sự thành công của mô hình du lịch bền vững tại Lũng Slàng.
4. Kết luận
Nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Dao đỏ không chỉ là di sản văn hóa mà còn góp phần xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, nghề thêu đang mai một do sự thay đổi trong lao động, sự cạnh tranh từ sản phẩm công nghiệp và thiếu chiến lược phát triển bền vững. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghề thêu, cần có định hướng dài hạn kết hợp giữ gìn truyền thống và đổi mới sáng tạo. Trong tương lai, việc đào tạo thế hệ trẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển du lịch cộng đồng bền vững sẽ giúp duy trì nghề thêu, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
_________________________
1. Phan Thị Phượng, Trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ ở Lào Cai, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2013, tr.211.
2. Việt Anh, Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, số 16, 2024, tr.28-29.
Tài liệu tham khảo
1. Đài Truyền hình Việt Nam, Phim tài liệu khoa học Chuyện người Dao kể (phần 2), 2022.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 1-4-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 11-4-2025; Ngày duyệt bài: 28-4-2025.
ĐẶNG THÙY TRANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025