Giá trị văn hóa chợ phiên trong phát triển sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc Việt Nam vừa nằm trong sự thống nhất, vừa mang những giá trị riêng biệt của mỗi tộc người, thể hiện ở phong tục tập quán, các nghi lễ, lễ hội, trang phục truyền thống, kho tàng văn học nghệ thuật, hội họa, kiến trúc... Trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua việc gắn văn hóa với thúc đẩy sự phát triển của du lịch.

Giá trị văn hóa chợ phiên vùng cao

Nhiều di sản văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia, tiêu biểu như: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan Phú Thọ... Hằng năm, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó nhiều lễ hội dân gian mang tính cộng đồng, là chất liệu giá trị để phát triển du lịch văn hóa.

Du lịch văn hóa lịch sử gắn với việc chiêm ngưỡng, khám phá không gian văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng, ở Đắk Lắk - di sản văn hóa phi vật thể, di sản nghệ thuật xòe Thái (người Thái ở vùng Tây Bắc)... Du lịch lễ hội gắn với các lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc, cũng như trải nghiệm văn hóa phi vật thể, chiêm ngưỡng, thưởng thức các món ăn truyền thống, các làn điệu dân ca, những điệu múa đặc trưng của đồng bào DTTS, tiêu biểu như lễ hội Gầu Tào (Hà Giang, Lào Cai), Mo Mường (Hòa Bình), nghệ thuật khèn của người Mông (huyện Mộc Châu, Sơn La), lễ hội Kate của đồng bào Chăm (Ninh Thuận), nhã nhạc cung đình Huế...

Du lịch trải nghiệm đời sống của đồng bào DTTS giúp du khách sẽ có được những khám phá mới mẻ, trực tiếp hòa mình vào đời sống địa phương, cùng dân bản địa làm những công việc hằng ngày và nấu những bữa ăn mang đậm bản sắc vùng miền. Đặc biệt, chợ phiên là một nét văn hóa đặc sắc của các DTTS Việt Nam. Khai thác chợ phiên trong sản phẩm du lịch văn hóa đem đến cho du lịch góc tham chiếu nhiều chiều. Đến với chợ phiên, du khách như những chứng nhân cho quá trình giao thương buôn bán và cũng chính là người chủ động trong các giao dịch buôn bán tại đây. Đến với chợ phiên cũng là việc được trải nghiệm những giao lưu tình cảm trong đời sống xã hội của bà con DTTS. Đồng bào DTTS đi chợ phiên không hẳn là để mua sắm các đồ dùng thiết yếu, mà đây còn là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc, nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS như truyền nhau những câu hát, điệu múa, mời nhau chén rượu…

Chợ phiên cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục, âm nhạc… vô cùng thú vị của người dân bản địa. Người đến chợ đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, đặc biệt là nam nữ thanh niên. Những bà mẹ, chị em phụ nữ mua bán nông sản, sắm sửa váy áo. Các ông chồng gặp gỡ bạn bè, thổi khèn, uống chén rượu ngô thơm nồng. Trẻ em theo bố mẹ đi chợ ăn bát phở nóng hổi, mua thêm vài chiếc bánh rán mang về, còn nam thanh, nữ tú thì hò hẹn, giao lưu tạo nên một khung cảnh sinh động, vui tươi.

Đến chợ phiên, hàng ăn uống luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn dân dã nghi ngút khói xua đi gió rét trời sương. Cả người dân bản địa lẫn du khách đều không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn của đặc sản mang đậm phong vị núi rừng. Ngoài ra, đến với chợ phiên du khách sẽ được tiếp cận với các nghề thủ công truyền thống đặc sắc của đồng bào các DTTS, được mua sắm các đồ thủ công truyền thống như thổ cẩm, giấy bản, hương, vải chàm, sản phẩm nghề rèn, đan lát… Theo nhiều chuyên gia du lịch, những nét khác biệt về cảnh quan, văn hóa dân tộc, sản phẩm đặc trưng khiến chợ phiên có sức hút rất lớn đối với du khách thập phương. Nếu chợ phiên được tổ chức tốt, gắn kết với hoạt động văn hóa, lễ hội không chỉ góp phần tạo đầu ra cho sản vật địa phương mà hoàn toàn có thể hình thành sản phẩm du lịch mới.

Sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào DTTS

Sản phẩm du lịch văn hóa là một gói các dịch vụ, hàng hóa được xây dựng trên cơ sở tài nguyên văn hóa và nhu cầu du khách. Ở những vùng tài nguyên du lịch di sản văn hóa dân gian phong phú, độc đáo, có nhiều giá trị sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đặc điểm phong phú tài nguyên và tính đặc thù cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm văn hóa đa dạng, hấp dẫn có khả năng thu hút du khách cao. Các cơ sở du lịch vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi cung ứng dịch vụ nên du khách muốn tiêu dùng phải đến cơ sở du lịch, đến các điểm, khu du lịch thưởng thức. Chính vì vậy, do đặc điểm này đòi hỏi phải quảng bá mạnh mới thu hút được du khách.

Mặt khác, các sản phẩm du lịch có tính thời vụ nghiêm ngặt. Không thể xem lễ hội, xem chợ phiên ở ngày thường. Không thể mua đặc sản trong mùa trái vụ... Tính thời vụ còn dẫn đến sự “quá tải” của du lịch (lễ hội, sự kiện...). Đặc điểm này cũng đòi hỏi nhà thiết kế sản phẩm du lịch văn hóa luôn coi trọng nghiên cứu thực tiễn đời sống văn hóa dân gian.

Qua đánh giá một số chợ phiên và sản phẩm truyền thống đang được khai thác đưa khách du lịch đến trải nghiệm, vì vậy đây cũng là những điểm đến được nhiều người biết đến như chợ phiên Cán Cấu; chợ phiên Bắc Hà; nghề đan địu, nghề thêu thổ cẩm và vẽ sáp ong tại Thải Giàng Phố; nghề nấu rượu Bản Phố. Tuy nhiên, một số chợ phiên đang bị mai một về bản sắc văn hóa; các chợ phiên đều tương đồng nhau, chưa có sự khác biệt; hình thức tổ chức sản xuất của nghề thủ công truyền thống chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, chưa trở thành làng nghề. Các hộ dân tham gia sản xuất chưa có kỹ năng phục vụ khách hàng; sản phẩm chưa đa dạng, chưa nhiều giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật nên sức bán chưa cao.

Phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị văn hóa của chợ phiên vùng cao

Để thúc đẩy du lịch gắn với chợ phiên cần phải tạo nên sản phẩm riêng dựa trên giá trị văn hóa đặc thù của mỗi vùng. Mỗi chợ phiên nên chỉ khai thác một thế mạnh, một sản phẩm đặc thù. Như chợ phiên Bắc Hà là nơi tập trung những tinh túy, đặc sắc của bà con dân tộc Tày, Nùng và Mông. Chợ tụ tập nhiều thương lái đến từ các dân tộc xa gần về trao đổi, buôn bán từ cuốc, xẻng tới vải vóc hay thậm chí là trâu, ngựa, lợn, gà. Không chỉ vậy, chợ phiên Bắc Hà còn có bán giống chó quý chỉ miền Bắc Hà mới có. Ở đây, người ta bán những chú chó từ nhỏ đến lớn, đều rất tinh khôn với nhiều màu sắc, giống loài như lông xù, lông dài, cộc đuôi. Ngoài ra, chợ còn bày bán các loại sản vật, bài thuốc đặc trưng của miền Tây Bắc. Còn với chợ phiên Lai Châu thì lại nổi tiếng những sản vật của núi rừng như gà rừng, lợn bản, mật ong rừng, gà rừng hay những sản phẩm thủ công truyền thống như khăn, áo, mây tre đan, vải thổ cẩm… Chợ phiên San Thàng (Lai Châu) bán từ cái kim, sợi chỉ cho đến rau xanh, củ quả và cả những sản phẩm thiết yếu cho gia đình.

Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang là nơi gần 300.000 người dân sinh sống. Người dân nơi đây thuộc 17 DTTS khác nhau như Mông, Tày, Dao, Nùng, Lô Lô, Pà Thẻn… với những tập tục sinh hoạt và sản vật riêng. Chợ phiên tại Hà Giang họp mỗi tuần một lần. Chợ phiên Má Lé vào ngày thứ bảy và chợ phiên Mèo Vạc vào chủ nhật. Người dân tới chợ với hàng hóa cực đơn giản với vài cân gạo, mớ rau, củ măng rừng, gà, lợn… Họ cũng thường mang theo vải thổ cẩm, vải dệt hoặc nông cụ tự sản xuất như dao, liềm, lưỡi cày… Đặc biệt khu ẩm thực tại đây có nhiều đặc sản như bánh ngô, bánh tam giác mạch, thắng cố, mèn mén, cháo ấu tẩu… vì vậy điểm nhấn ở đây không phải là sản vật núi rừng, cũng không phải là sản phẩm thủ công, mà là tập tục, tập quán, món ăn truyền thống của người bản địa. Khai thác một thế mạnh tại chợ phiên mỗi vùng sẽ giúp du lịch ở đây trở nên độc đáo, tránh dàn trải, giống nhau.

Đồng thời, cần có quy hoạch hệ thống chợ phiên gắn với kiến trúc và văn hóa truyền thống của vùng miền, của cộng đồng DTTS đặc trưng tại vùng, điều này cũng tạo nên tính khác biệt, đa dạng cho sản phẩm du lịch văn hóa. Cần nghiên cứu đầu tư tổ chức hợp lý, bày biện theo đúng phong cách truyền thống. Vấn đề cần quan tâm là phiên chợ không chỉ mang tính thương mại mà còn kết hợp yếu tố văn hóa du lịch nên cần nghiên cứu kỹ để tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống.

Quy hoạch cố định địa điểm họp chợ đã có từ trước đến giờ. Chính điều này về lâu dài cũng làm cho các khu vực chợ phiên trở thành những điểm đến mang ý nghĩa lịch sử, gắn với lịch sử của vùng, miền. Quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ. Đây cũng là điểm mấu chốt thúc đẩy phát triển du lịch gắn với khai thác chợ phiên trong sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa của đồng bào DTTS cần có sự tham gia trực tiếp của người dân, nên triển khai hỗ trợ, tập huấn để bà con biết cách làm du lịch, phát triển giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây là giải pháp đúng đắn, thiết thực nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân vùng cao, thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển bền vững, nhất là ở các vùng cao.

Phát triển du lịch phải bao gồm mối liên kết giữa địa phương với các công ty lữ hành trong việc đưa di sản văn hóa, đưa chợ phiên vào kinh doanh du lịch, đem khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Cần có sự kết hợp với các điểm đến văn hóa khác trong vùng miền, tạo thành tour, tuyến kết nối. Cần phải quảng bá thông tin sớm và rộng, đây là cơ hội để du khách biết và tìm đến với chợ phiên vùng cao.

Giải pháp nhằm khai thác hiệu quả giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trong phát triển du lịch

Thứ nhất, quan tâm đến việc ban hành văn bản quy định, hoạch định chính sách quản lý, quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trong phát triển du lịch bền vững, định hướng bền vững mới giúp cho phát triển toàn diện; lấy việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với khai thác, giúp phát triển trong hoạt động du lịch làm trọng điểm để định hướng đầu tư, đánh giá được tiềm năng phát triển trước mắt cũng như bảo tồn cho tương lai. Xây dựng, ban hành các quy chế khuyến khích sự tham gia vào công tác bảo tồn của cư dân, cộng đồng, giúp gìn giữ để phát huy khai thác trong hoạt động du lịch, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ các giá trị truyền thống. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những giá trị của truyền thống địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống bản địa. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.

Thứ hai, công tác xây dựng sản phẩm cần được đặc biệt quan tâm để góp phần hình thành và phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng, nhằm định vị sản phẩm vùng miền. Kết nối các tuyến điểm du lịch đặc trưng trong đó khai thác các điểm đến của vùng trong sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của du khách. Đồng thời, cũng phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương với du khách. Cần nghiên cứu các giá trị đặc trưng của từng điểm đến và điều quan trọng trong phát triển sản phẩm là phải tạo ra chuỗi giá trị đặc trưng của vùng, miền, của điểm đến, hoặc trong chuỗi sản phẩm cùng loại để có sự so sánh để lồng ghép vào chương trình du lịch để nhằm tạo sự khác biệt, sáng tạo.

Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là các nhân lực địa phương, có thể người bản địa ở trong tình trạng hoặc là nguyên sơ quá không biết làm du lịch hoặc là thương mại quá mất đi tính thuần khiết của văn hóa vùng.

Thứ tư, cần tập trung vào công tác marketing, quảng bá sản phẩm để du khách biết đến. Nâng cấp và thường xuyên cập nhật tin tức, quảng bá du lịch trên trang thông tin điện tử du lịch. Tăng cường liên kết trang web, ấn phẩm quảng bá xúc tiến giữa các tỉnh có tài nguyên văn hóa đồng bào DTTS trong vai trò là một điểm đến chung.

Nhìn chung, trong những năm qua, việc khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào DTTS trong phát triển du lịch văn hóa đã thu được nhiều kết quả nhất định, giúp định vị văn hóa vùng, tạo chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch địa phương, giúp cho ngành Du lịch nói chung và du lịch địa phương nói riêng ở một số vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh mà văn hóa đem lại. Vấn đề khai thác và đưa các giá trị văn hóa nói chung và văn hóa chợ phiên nói riêng cần phải được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Du lịch, nhưng đồng thời phải chú ý đến phát triển bền vững trong khai thác tài nguyên văn hóa, tránh thương mại hóa di sản văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Quang Hưng, Sản phẩm du lịch độc đáo từ văn hóa và tính sáng tạo, vietnamtourism.gov.vn, 12-9-2014.

2. Nhóm PV, Hà Giang đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dangcongsan.vn, 20-4-2023.

3. Chợ phiên - sản phẩm du lịch độc đáo, dulichcaobang.vn, 27-10-2022.

Ths NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;