Cánh cửa khép hờ - Dấu ấn thử nghiệm mới của Cải lương Việt Nam

Sau khi đồng ý việc sinh một đứa con khác thường, doanh nhân Thắng cũng phải nhờ đến một robot làm vợ

Nghệ thuật Cải lương từ xưa đến nay vẫn được coi là phù hợp với những đề tài dân gian, lịch sử. Người trong nghề thường nói Cải lương là “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương chuyển tuồng tích sánh văn minh”, ý nói Cải lương là loại hình dễ tiếp cận với cái mới nhất. Thế nhưng, trong thực tế, bộ môn này vẫn hợp với những gì có tính truyền thống, đề tài hiện đại vẫn còn là khó khăn, thử thách. 

Biết vậy, song các nghệ sĩ Ðoàn thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn quyết tâm dàn dựng một tác phẩm giả tưởng về đề tài công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo mang tên Cánh cửa khép hờ. Vở diễn do soạn giả Hoàng Song Việt và đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên chắp bút. Có vẻ như cặp bài trùng Song Việt - Trung Kiên bị ám ảnh bởi những ẩn giấu về con người và kiếp nhân sinh trên trái đất. “Con người khi sinh ra đã mang theo mật mã cuộc sống của riêng mình. Tất cả được “mã hóa” hay nói cách khác là ghi chép trong ADN của họ. Ai đó đã tính toán, thống kê đầy đủ các ân oán, nợ nần từ trước, bàn giao cho hiện tại và hoạch định sẵn những gì phải xảy ra trong tương lai mỗi cá thể. Một thuật toán vĩ đại nào đó đã làm nên tất cả những thứ đó và vạn vật cứ răm rắp tuân theo những quy luật đã được xác lập sẵn ấy để tịnh tiến về tương lai” - đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên bày tỏ. Và đó chính là lý do anh cùng đồng nghiệp dồn tâm sức cho một câu chuyện rất đỗi mới mẻ đối với sân khấu Cải lương.

Diễn viên Như Quỳnh (vai Huyền) và Minh Hải (vai Thắng)

Cánh cửa khép hờ kể về đôi vợ chồng Thắng (diễn viên Minh Hải đảm nhân) và Huyền (diễn viên Như Quỳnh thủ vai) là doanh nhân giàu có. Họ yêu nhau, cố gắng nỗ lực để có con, nhưng rồi những đứa con của họ đều phải chết yểu. Họ đành tìm đến giáo sư Ái (diễn viên Ðức Hảo) nhờ giúp đỡ. Vị giáo sư nhiều năm kinh nghiệm muốn thực hiện ý tưởng táo bạo là giúp vợ chồng doanh nhân sinh ra một đứa trẻ biến đổi gen. Giáo sư nói: “Một nghìn năm sau con người tiến hóa thế nào, thì ngay bây giờ đó là hình mẫu của đứa trẻ ... Con người tiến hóa thay vì cả nghìn năm, thì giờ chỉ cần chín tháng mười ngày”.

Sau một hồi suy nghĩ, vợ chồng doanh nhân đã đồng ý. Một thời gian sau, đứa trẻ ra đời được đặt tên là Phạm Tân Kỷ Nguyên (diễn viên Hoàng Tuấn Thịnh đóng). Tuy nhiên có được đứa con thì người mẹ cũng không thể sống được như người bình thường nữa. Lúc này vị doanh nhân phải dùng một robot khác có hình dáng y hệt vợ mình để cùng chung vai sát cánh. 

Ðứa trẻ ra đời nhờ sự can thiệp của khoa học đã chứng tỏ sự khác người của mình. Ngay từ lúc còn nằm nôi, đứa bé đã có những hành động khiến người giúp việc ngạc nhiên và công việc chăm sóc đứa trẻ chẳng khác gì một cuộc chiến.

Nhân vật Phạm Tân Kỷ Nguyên do diễn viên Hoàng Tuấn Thịnh thủ vai

Phạm Tân Kỷ Nguyên lớn lên với những khả năng siêu việt, vốn không thể thấy ở người bình thường và trở thành người thừa kế tập đoàn của bố. Anh đã cấy ghép máy thay thế .não bộ cho bà Dịu (diễn viên Ngân Hà), biến một bà lão 80 tuổi bị mất trí, bại liệt từ lâu trở lại thành một cô gái trẻ. Không những thế, bà còn có những khả năng phi phàm, nếu nhìn nhận từ giác độ khác, bà đã là một á thần. Và cũng từ đây, nảy sinh mâu thuẫn giữa chàng thanh niên Phạm Tân Kỷ Nguyên với khát vọng thực hiện dự án “Dịch chuyển liên hành tinh” nhằm đưa con người đến một hành tinh xa xôi cách trái đất hàng trăm năm ánh sáng và bà Dịu - một người lai cơ khí song vẫn giữ được những cảm xúc, suy nghĩ truyền thống của con người. Chính bà Dịu đã nhận ra, dự án của đứa cháu nội tuy mang những khả năng phi phàm, có thể thay đổi thế giới, song cũng có thể hủy diệt cuộc sống truyền thống của con người. Cuộc chiến giữa hai bà cháu cũng chính là cơ hội để các nhân vật thể hiện bản chất của mình. Bà Dịu - một nhân vật nửa người, nửa máy đã cố gắng đẩy yếu tố “không phải con người” ra khỏi đứa cháu siêu nhân, đưa cậu trở về cuộc sống với những rung động tình cảm thực sự của con người.

Lần đầu tiên, khán giả thưởng thức một vở Cải lương mà như đi lạc vào thế giới của những nhân vật tưởng tượng với trang phục vô cùng khác biệt những vở diễn truyền thống. Bên cạnh đó, âm thanh, ánh sáng và những kỹ xảo chỉ có ở thời công nghệ 4.0 đã khiến Cánh cửa khép hờ thực sự mới lạ, hấp dẫn. Câu chuyện độc đáo được thể hiện bởi dàn diễn viên trẻ ca hay, diễn giỏi đã chứng tỏ nghệ thuật Cải lương không chỉ có thể tiếp cận được những đề tài hiện đại mà cả những đề tài giả tưởng, siêu tưởng. Ðiều đáng tiếc ở Cánh cửa khép hờ là phần ca hơi ít, vì thế vở diễn có vẻ hơi “khô cứng” như chính đề tài, mà ít mượt mà, mềm mại theo chất của nghệ thuật Cải lương.

Cánh cửa khép hờ là tác phẩm thứ hai của Nhà hát Cải lương Việt Nam nằm trong kế hoạch dàn dựng năm 2024 phục vụ khán giả yêu nghệ thuật kịch hát truyền thống.

THU HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

;