Đôi điều về văn hóa họp

Minh họa về hội họp - nguồn: luatvietnam.vn

 

Qua theo dõi hoạt động thực tiễn cho thấy, hình như đang xuất hiện các biểu hiện khá phổ biến trong các sinh hoạt tập thể như: hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, họp thường kỳ hoặc họp chuyên đề… (sau đây gọi chung là cuộc họp) tại các địa phương, cơ quan, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan), nhất là ở cấp cơ sở, mới nghe qua tưởng chừng vô hại, nhưng có rất nhiều điều đáng để cùng suy ngẫm:

Thứ nhất, khi cuộc họp bắt đầu là lúc chỗ này hoặc chỗ kia trong hội trường có người mang báo ra để “nghiên cứu”, trước thì một người xem rồi tiếp sau là 2 - 3 người xem ké, tự nhiên hình thành “tổ đọc báo”, mặc chủ trì cuộc họp có nhắc nhở cũng bằng không. Có người trực tính bộc bạch trong lúc giải lao rằng: Hình như những người trong “tổ đọc báo” đến nhận thù lao chứ họp hành nỗi gì! Rõ ràng đó là hành vi thiếu tôn trọng sự kiện và người chủ trì, không thể chấp nhận!

Thứ hai, trong khi diễn giả đang tập trung dồn hết tâm lực để truyền đạt nội dung cần chuyển tải đến người nghe thì trong nghị trường thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện chỗ này có vài ba vị xúm lại nói chuyện riêng khá xôm tụ, chỗ kia dăm ba đại biểu say sưa bàn luận về một đề tài mà họ quan tâm, mặc cho rất nhiều người nhìn họ với thái độ khó chịu. Có người ví không khí nghị trường như ở ngoài chợ, quả không ngoa!

Thứ ba, tùy tiện sử dụng điện thoại di động. Dù đã có quy định trong nội quy cuộc họp và sự nhắc nhở của chủ tọa nhưng không ít người vẫn phớt lờ và họ cứ nói chuyện qua điện thoại oang oang như chỗ không người. Thậm chí có người nói to át cả tiếng của người đang phát biểu tại cuộc họp.  Rõ ràng, đây là hành vi thiếu văn hóa ứng xử không thể không phản đối, phê bình.

Thứ tư, chuyện chấp hành giờ giấc cũng khá nhiêu khê. Những người có lòng tự trọng thì đến dự họp đúng giờ, còn khá nhiều người khác có thái độ chấp hành giờ giấc tùy tiện lại lý sự theo kiểu “quan cần dân trễ”. Đây là hành vi thiếu tôn trọng người khác. Do đó, nếu chủ tọa cuộc họp không kiên quyết chấn chỉnh thì vô hình trung làm cho những người chấp hành nghiêm giờ họp phải chờ dài cổ. Khá nhiều cuộc họp đang diễn ra thì không ít đại biểu đã len lén âm thầm “cáo lui” vì việc riêng (?!). Tóm lại, chuyện đại biểu đi trễ, về sớm trong các cuộc họp đã và đang trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, mọi người cần có thái độ tẩy chay hành vi không nghiêm túc này.

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ của các cơ quan hành chính, nhằm giảm bớt phiền hà, tạo thuận tiện cho người dân, trong đó có việc cải tiến, nâng cao chất lượng các cuộc họp để giảm bớt lãng phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Báo cáo Chính trị do Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, chỉ rõ: “…Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ  luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế đô, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo… khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu  trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khắn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…”  (*)

Liên hệ quan điểm chỉ đạo rất sâu sát của Đảng ta như vậy với những câu chuyện được “điểm mặt” như ở trên đây rất đáng để mọi người cùng suy ngẫm.

_______________

(*) Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 178 - 179

 

MAI MỘNG TƯỞNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

;