Văn hóa ứng xử đối với người cao tuổi

 

Trong bối cảnh dân số nước ta đang già hóa nhanh, lực lượng người cao tuổi sẽ còn tiếp tục tăng nhanh về số lượng. Vậy nên ứng xử sao cho có văn hóa với người cao tuổi là vấn đề rất cần được quan tâm. Đừng quên “Kính trên, nhường dưới”, “kính lão, đắc thọ”… vốn đã là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay.

Trong quá khứ cũng như hiện tại, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác chăm sóc, phát huy vai trò, vị trí người cao tuổi trong gia đình, ngoài xã hội. Bởi vậy, xây dựng cách ứng xử có văn hóa với người cao tuổi là trách nhiệm cần được sự quan tâm của tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập sâu rộng toàn cầu như hiện nay, những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng internet có tác động trực tiếp đến tư tưởng, chính trị, đạo đức, nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội và lối sống của con người Việt Nam. Trong đó, văn hóa gia đình cũng bị chi phối từ mặt trái của cơ chế thị trường. Cho nên xây dựng nét đẹp văn hóa trong ứng xử đối với người cao tuổi là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống hiện nay. Văn hóa ứng xử đối với người cao tuổi góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Văn hóa ứng xử của người Việt Nam lấy đạo đức làm gốc. Trọng tình, trọng nghĩa, lấy đạo đức, tình cảm làm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp. Sống nhân ái “thương người như thể thương thân”. Trước hết, gia đình là môi trường đầu tiên hình thành nên đạo đức cho con người, đồng thời cũng là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Do đó, trong gia đình, ông bà, ba mẹ phải thật sự là những người mẫu mực, làm gương về đạo đức, tình yêu thương để con cháu noi theo. Ở thời đại nào cũng vậy, văn hóa gia đình là nền tảng cho văn hóa xã hội, bởi văn hóa gia đình là nơi giàu tình thương yêu và tính nhân văn, cụ thể như: bố mẹ lo cho con khi còn nhỏ, con cái có trách nhiệm lo cho bố mẹ khi già yếu, bệnh tật. Con cháu phải luôn biết ơn, tôn kính ông bà, bố mẹ mình với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Bởi dân tộc Việt Nam quan niệm nhân nghĩa là lẽ sống ở đời, là báu vật của cuộc đời, phải giữ gìn, không bao giờ thay đổi. Vậy nên văn hóa ứng xử đối với người cao tuổi, phải hội tụ đủ các yêu tố sau: Kính trên, nhường dưới, kính trọng, lễ phép, hiếu thảo, quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng, chăm lo đời sống vật chật và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần đối với ông bà, cha mẹ. Văn hóa ứng xử với người cao tuổi trong gia đình trong bối cảnh hiện nay cần phải kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, biết loại bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu, giữ lấy những gì là tinh hoa, bản sắc, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa, để tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, phù hợp trong xã hội phát triển, hiện đại. Có như vậy, mới khắc phục được những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tác động chi phối làm biến đổi văn hóa gia đình nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

Để thực hiện hài hòa tiêu chí văn hóa ứng xử với người cao tuổi trong gia đình và xã hội, người cao tuổi phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành quy tắc cộng đồng, phong tục, tập quán, văn hóa, nội quy, quy chế và gương mẫu tham gia các phong trào ở nơi cư trú; động viên con cháu trong gia đình gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua của địa phương và trong sinh hoạt cộng đồng; luôn gần gũi, chia sẻ, đoàn kết, giúp đỡ hàng xóm, láng giềng trong cuộc sống.

 

VÕ HOÀNG NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022

 

 

;