Di sản và thời trang: Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, show trình diễn thời trang có tên gọi “Hanoi Fashion Journey” (Hành trình thời trang Hà Nội) đã diễn ra tại Nhà Máy xe lửa Gia Lâm Hà Nội, tối 19-11-2023. Chương trình ra mắt 150 bộ sưu tập của sinh viên thời trang của các trường Hà Nội: Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Hòa Bình, Đại học Kiến Trúc Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Cao đẳng Công nghiệp - Dệt may Thời trang Hà Nội; Khoa các Khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bộ sưu tập Vàng son một thuở của Nguyễn Hoài Thu

Ý tưởng chủ đạo của show diễn là “Dòng chảy” từ những chuyến tàu gắn liền với dòng thời gian của đất nước, nhằm tôn vinh những giá trị của những di sản trong cuộc sống đương đại, được thừa kế và kết nối sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ cần được đánh thức thông qua ngôn ngữ của thời trang. Với những ý tưởng sáng tạo của các nhà thiết kế rất trẻ là cựu sinh viên và những sinh viên đang theo học tại 6 trường đại học có đào tạo về ngành thời trang ở Hà Nội đã mang đến cho khán giả một đêm diễn mãn nhãn với nhiều sắc thẩm mỹ và ứng dụng khác nhau. Hơn 150 bộ sưu tập rất đa dạng và phong phú được khai thác tinh tế từ giá trị của di sản văn hóa dân tộc, vùng miền trên cả nước.

Nhà thiết kế Nguyễn Hoài Thu, sinh viên Trường Đại học Hòa Bình, với ý tưởng khai thác vẻ đẹp của phục trang ca kịch cải lương Nam Bộ đã tạo nên bộ sưu tập Vàng son một thuở. Hình ảnh thăng trầm của “đào kép” được khắc họa rõ nét thông qua góc nhìn thời trang đương đại. Họa tiết rồng, phượng được tác giả khai thác triệt để bằng kỹ thuật thêu, đính kim sa, đá pha lê,… khiến bộ sưu tập trở nên rất lộng lẫy, rực rỡ…

Bộ sưu tập Vàng son một thuở của Nguyễn Hoài Thu

Mỗi bộ sưu tập thời trang trong đêm diễn là sản phẩm thiết kế đầy sáng tạo của các bạn trẻ. Sự sáng tạo ấy được thể hiện rất đa dạng, ở nhiều góc độ của văn hóa và thẩm mỹ dân tộc. Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Thị Thuận sinh viên ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã khai thác vể đẹp tinh tế về màu sắc và những họa tiết của nghệ thuật múa rối nước truyền thống làm nên bộ sưu tập Sắc nước Việt đầy ấn tượng, hấp dẫn và rất đương đại, nhưng không mất đi hồn cốt dân tộc.

 Bộ sưu tập Lạc của Nhà thiết kế Nguyễn Trà My sinh viên Trường Đại học Hòa Bình lấy cảm hứng từ góc nhìn một người nước ngoài khi tới Việt Nam. Kết hợp độc đáo truyền thống với hiện đại trên chất liệu vải Jean tái chế mang đến một giá trị thẩm mỹ độc đáo, mang thông điệp bảo vệ môi trường. Những tấm vải vụn ấy đã được kết lại và tạo thành những hình ảnh di tích, di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, điều này lại càng làm tăng thêm giá trị văn hóa và thẩm mỹ cho các bộ sưu tập.   

Bộ sưu tập Lạc của Nguyễn Trà My

 Qua sự sáng tạo của sinh viên của 6 trường đại học những giá trị của di sản như được tái sinh, mang đến những giá trị thẩm mỹ mới thông qua ngôn ngữ thiết kế sáng tạo thời trang của sinh viên. Những giá trị mới ấy đã tạo nên một đêm diễn ấn tượng, hấp dẫn, mang tới trải nghiệm có một không hai, đầy cảm xúc và mãn nhãn. 

Bộ sưu tập Sắc nước Việt của Nguyễn Thị Thuận

Thông qua chuỗi các hoạt động của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, hơn 200 các nghệ sĩ, kiến trúc sư đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của nhiều sinh viên 6 trường đại học tại địa bàn Hà Nội. Họ đã khai thác chắt lọc, những giá trị ở nhiều góc độ khác nhau về lịch sử, di sản văn hóa của dân tộc vào từng bộ sưu tập thời trang của mình, tạo điểm nhấn đặc biệt cho Lễ hội. Đây là hoạt động tạo giao lưu, kết nối, tạo ra sân chơi cho các bạn trẻ trong ngành thiết kế thời trang nói riêng và lĩnh vực thiết kế sáng tạo nói chung. Đồng thời, sự kiện “Hanoi Fashion Journey” nhằm kích thích, tìm kiếm những tài năng cho ngành thiết kế thời trang Thủ đô trong tương lai.

LÊ THÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;