Một thoáng Tây Nguyên

Khu du lịch Biển Hồ

Từ sân bay Pleiku chúng tôi đến Biển Hồ. 

Biển hồ dìu dịu vẫn còn bảng lảng trong sương mờ khi chúng tôi bước tới. Con đường mềm mại giữa hai vạt rừng thông xanh đậm dẫn vào dải đất hẹp nối giữa hai hồ, nơi có tượng Quan Thế Âm Bồ tát - cũng là nơi có thể quan sát trọn vẹn mặt hồ xa rộng và làn nước trong xanh. Hình như có ai đó đã ví Biển Hồ như đôi mắt của Pleiku. Vẻ mộng mơ, quyến rũ, đằm lặng của biển hồ khiến người ta có cảm giác thơ thới, thoát khỏi sự ồn ả thị thành và để lại nỗi nhớ nhung dịu nhẹ khi rời đi. 

Tác giả và nữ nhà thơ Ngô Thanh Vân

Pleiku giờ đã là một thành phố cao nguyên có phần sầm uất với những con đường ngang dọc. Những dãy nhà san sát với kiến trúc đa dạng. Trên những con đường trung tâm, người xe tấp nập vào giờ cao điểm. Có chút phồn hoa, nhưng vẫn mộc mạc, bình dị. Đứng ở đây tôi có cảm giác như được gặp lại cái gương mặt thị thành của các thành phố miền xuôi vào cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước. Nó gợi cho tôi về một thuở không quá xa, giờ đã ảo mờ trong tâm tưởng. Ngày đó, Hà Nội cũng còn thưa thớt ô tô, chỉ xe đạp, xe máy là nhiều và còn ít đèn xanh đỏ. Thuở đó, khí hậu trong lành và lòng người bình thản trước phồn hoa, không mưu cầu, vọng tưởng quá nhiều, sống với nhau nghĩa tình đằm thắm. Người Pleiku bây giờ cũng vậy, bình dị, nhiệt thành, hiếu khách biết bao! Đi đến đâu cũng gặp những ánh mắt thân thiện, những nụ cười và những cái vẫy tay chào thân thiện. 

Từ Pleiku, qua những cung đường mềm mại thoai thoải các triền đồi và rực vàng màu hoa dã quỳ, chúng tôi men ra ngoại ô và tiến về Kon Tum. Hai bên đường, những rừng cà phê trải dài, những mái nhà rông cao lớn thoáng hiện rồi lùi lại phía sau, tiếp nối là những vòm xanh mút mắt…

Trình diễn nghi lễ cúng mùa của đồng bào Mơ Nông tỉnh Đắk Nông

Kon Tum, những ngày cuối tháng mười một, đầu tháng mười hai này là nơi diễn ra Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất. Những dòng người từ Hà Nội vào, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra, từ các khu vực khác của Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đổ đến. Thành phố như khoác áo mới, nhộn nhịp hơn, mang cái dáng vẻ của một vùng đất đã có phần năng động, mà vẫn thanh bình hồn hậu. 

 Tỉnh Kon Tum nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, trên địa bàn chiến lược gần với ngã ba Đông Dương. Nơi đây có 7 dân tộc thiểu số sinh sống như: Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm. Nếu tính cả năm tỉnh Tây Nguyên thì có đến 12 dân tộc bản địa và nhiều dân tộc từ nơi khác đến. Trên một địa bàn rộng lớn, các quần thể dân cư ở đây đã kiến tạo nên một nền văn hóa đa dạng và đặc sắc.

Thành phố Kon Tum (thuộc tỉnh Kon Tum) thanh bình có dòng sông Đắk Bla huyền thoại bao quanh. Những buổi sáng, đứng bên bờ sông chiêm ngưỡng cả thành phố bừng lên trong ánh mặt trời với niềm vui phơi phới. Con đường vào thành phố rực trong những sắc hoa tím, hoa vàng quyến rũ. Không sầm uất như Pleiku, những cung đường nội đô vẫn còn thưa vắng. Những sớm mai trong lành, không khói bụi và bầu trời xanh hơn, sâu thẳm. Thành phố về đêm bình lặng. Càng về khuya, trong mênh mông thinh lặng của bầu trời có thể chiêm ngưỡng cả một trời sao nhấp nháy. Càng tiến về phía ngoại ô, trên những con đường đêm tĩnh lặng, có thể cảm nhận được hơi thở của đại ngàn và vẻ hoang sơ của thiên nhiên xa thẳm. 

 Chương trình nghệ thuật tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I

Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất (từ 29/11 đến 1/12/2023) như tiếp thêm cho thành phố Kon Tum một nguồn năng lượng mới. Từ ngày 29/11, trên các nẻo đường vào thành phố, những chuyến xe, những dòng người từ các huyện và tỉnh lân cận đổ về. Quảng trường 16 tháng 3 tấp nập người. Đại diện các dân tộc Tây Nguyên từ khắp làng bản đã đến. Họ bận những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc và mang theo sản vật bày biện trong những gian dành riêng cho địa phương mình. Ghé qua các gian hàng, các phòng trưng bày, quý khách có thể chiêm ngưỡng cả những vật dụng có ý nghĩa tinh thần như đàn Tơ rưng, đàn đá, cồng, chiêng. Chúng ta thấy những người phụ nữ miệt mài dệt thổ cẩm. Và cách đó không xa là nơi bày bán các sản vật quý từ trang trại, nương rãy của đất rừng Tây Nguyên. Đó hầu hết là các đặc sản như: Mật ong rừng, Sâm Ngọc Linh, Sâm Giây, Sâm Cau, tổ Yến, các loại trà, cà phê… khiến cho du khách thập phương đã ghé vào thì không thể nào không mua một vài thứ làm quà. Các cô bán hàng duyên dáng, chào mời, gói ghém cho khách gọn gàng, chu đáo. 

Đêm khai mạc lễ hội là một sự kiện đặc biệt cực kỳ hoành tráng. Từ chiều, Sở VHTTDL Kon Tum đã cho xe cổ động thông báo đến từng buôn làng, ngõ phố cho người dân biết. Trời sâm sẩm tối, từng đoàn người đã hội tụ về Quảng trường 16-3. Các con phố đi về phía quảng trường đông nghịt. Trẻ em, người già, thanh niên, trung niên… không ai là không háo hức. Hàng ngàn, hàng ngàn người tiếp tục đổ về và chọn chỗ ngồi trên những dãy ghế nhựa xếp hàng tuần tự.

Đấu chiêng đôi trong trích đoạn tái hiện lễ cúng chiêng của đồng bào K’Ho S’rê tỉnh Lâm Đồng

Chương trình văn nghệ “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” hoành tráng, công phu và đầy ấn tượng với sự tham dự của 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc: Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, M’nong, K’ho, Chu Ru, H’Rê, Brâu, Rơ Măm... Ánh đèn màu chuyển động tạo nên một sân khấu lung linh, huyền ảo. Tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng và những bộ trang phục truyền thống, những điệu múa, điệu hát, điệu nhảy của các diễn viên, nghệ sĩ đã tạo nên một bản hòa tấu đặc sắc, làm sống dậy vẻ đẹp tâm hồn của một xứ sở.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, trên khu vực quảng trường 16/3 diễn nhiều cuộc so tài của các đoàn nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Du khách có thể chiêm ngưỡng việc tái dựng lại các phong tục cũ như lễ hội hội truyền thống với sự tham gia của thầy cúng, nghệ nhân, lễ vật, âm nhạc, múa tâm linh như: lễ Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm đến từ tỉnh Kon Tum, Lễ cúng Chiêng của người K’Ho Srê tỉnh Lâm Đồng, Lễ cúng trưởng thành của đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk và thưởng thức các trò chơi dân gian, các món ăn truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên…

Tranh thủ những ngày ở Kon Tum, chúng tôi đi thăm Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Ngục Kon Tum, nhà thờ gỗ, cầu treo trên sông Đắk Bla nối một đầu là thành phố với đầu kia là vùng ngoại ô thôn dã. Mỗi di tích và danh thắng ở đây gợi lên chiều sâu văn hóa và những trang lịch sử bi hùng của các dân tộc Tây Nguyên gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta trong nhiều thế kỷ.

Đoàn công tác của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trao đổi công việc với đại diện Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum

Thiên nhiên khắc lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai mờ khi đến với Măng Đen, một cảnh nguyên sơ thanh tĩnh mà những ai đến với vùng đất bắc Tây Nguyên này không thể bỏ qua. Đấy là những cánh rừng xanh thậm, những triền hoa tím trải dài dọc con đường uốn lượn qua những ngọn đồi. Đấy là hồ Toong Đam, Toong Ly Leng, Đăk Ke trong vắt. Đấy là thác Pa Sỹ, Đăk Pne, Đăk Ke tung những dòng nước bạc khiến cho cả vùng thiên nhiên thanh tĩnh như ngân lên tiếng nhạc hút hồn du khách. Chúng tôi nán lại ăn trưa, thưởng thức những món đặc sản của đất này trong những túp lều thưng vách gỗ rừng giữa cơn mưa bất chợt.

Hôm sau, chúng tôi rời Kon Tum, trở lại Gia Lai và tiếp tục hành trình trở về Hà Nội. Dù chưa thu xếp được thời gian cho chuyến thăm những vùng đất tuyệt đẹp đầy huyền thoại Nam Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng trong lần này, song, chúng tôi thầm hẹn sẽ trở lại trong một ngày không xa. Thực ra, trước đây, trên những hành trình phiêu du của người làm báo, chúng tôi đã từng đến với Nam Tây Nguyên trên những cung đường tuyệt đẹp của Đà Lạt, Ban Mê Thuật và chạy dọc đường 14 trong những buổi chiều nắng đỏ giữa những vùng đồi núi trập trùng hùng vĩ của Tây Nguyên.

Trình diễn lễ mở kho lúa mới của đồng bào Rơ Măm tỉnh Kon Tum

Chuyến công tác của chúng tôi khép lại bằng cuộc gặp gỡ ấm áp với thi sĩ Ngô Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai. Sau mấy năm xa, gặp lại ở Gia Lai là một bất ngờ cảm động. Chị đưa chúng tôi dạo một vòng trên đường phố Pleiku. Chị kể về những ngày xưa đạp xe từ ngôi nhà ngoại ô vào thành phố mỗi buổi đến trường trên những con đường rực hoa dã quỳ vàng, hoa bằng lăng tím. Chị nói về vẻ mơ mộng của Pleiku những buổi sáng sương mờ. Chị nói về vẻ thân thương của thành phố này với những con người bình dị mà đằm thắm. Chị nói về tình hình sáng tác văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ ở Gia Lai…

Máy bay cất cánh trong một buổi sáng nắng vàng và gió nhẹ. 

Tạm biệt Tây Nguyên, tạm biệt vùng đất cao xanh đẫm sắc màu huyền thoại và những con người nồng hậu, nghĩa tình.

Bút ký của THIÊN SƠN 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;