Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023: Đa dạng chất liệu và ngôn ngữ thể hiện

Một trong những sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới mỹ thuật Việt Nam - Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2023 diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội (Từ 6/12 đến 20/12/2023). 292 tác phẩm được lựa chọn để trưng bày, đã cất lên tiếng nói của những người làm tạo hình cả nước trong suốt 3 năm qua.

Đại biểu thưởng thức các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm

Cuộc tranh tài của các nhà điêu khắc, họa sĩ Việt Nam 

Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tựu nghệ thuật, khuyến khích các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà điêu khắc sáng tạo nhiều tác phẩm mới có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần thúc đẩy thị trường mỹ thuật Việt Nam, phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Triển lãm do Bộ VHTTDL chỉ đạo, giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức. 

Sau hơn 4 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 3.825 tác phẩm của 1.513 tác giả từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi về tham dự. Hội đồng Nghệ thuật đã chọn được 292 tác phẩm (74 tác phẩm Điêu khắc, 218 tác phẩm Hội họa, Đồ họa và các hình thức khác) để trưng bày tại triển lãm. 27 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao giải thưởng, gồm 2 giải Nhất, 6 giải Nhì, 10 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác phẩm Dáng hồng thơm hương của Lê Nguyên Chính (TP HCM), Cây phong ba của Vũ Quang Sáng (Hà Nội).

Vũ Quang Sáng (Hà Nội), Cây phong ba -Giải Nhất

6 giải Nhì gồm: Phố của Lê Công Vương (Cần Thơ), Nước mắt Sài Gòn - Covid 2021 của Vũ Văn Quyền (Hà Nội), Sống mòn của Hà Phước Duy (Long An), Không có bầu trời của Nguyễn Khắc Hân (Bắc Ninh), Phố nghiêng của Trần Đình Thắng (Bình Dương), Vườn ươm của Lê Ngọc Thái (Thừa Thiên - Huế).

Ban Tổ chức khẳng định, các tác phẩm trưng bày có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, mang hơi thở của cuộc sống đương đại, thể hiện những suy nghĩ, trăn trở của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống, phong phú về ý tưởng sáng tạo, đa dạng trong hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách.

Nguyễn Văn Túc (Ninh Bình), Hành trình - Giải Ba

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Hội họa của Cuộc thi năm nay nhận xét: “Triển lãm lần này, tôi cho rằng rất đa dạng về ngôn ngữ thể hiện và chất liệu. Chúng ta đang chứng kiến khả năng nghề nghiệp của các nhà điêu khắc, họa sĩ. Các nghệ sĩ đang khẳng định một thời kỳ mới của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam qua từng tác phẩm được lựa chọn trưng bày. Truyền thống vẫn là nền cốt, nhưng tiếng nói của ngôn ngữ mới trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam đang khẳng định sự tự tin mới của những người rất trẻ. Và qua tác phẩm, BGK đã lựa chọn để có các giải thưởng xứng đáng, để ghi nhận sự đóng góp của các nghệ sĩ”. 

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Chủ tịch Hội đồng Đồ họa đánh giá: lực lượng các họa sĩ tham gia ở lĩnh vực đồ họa rất đông. Trong đồ họa có 2 hình thức: tranh vẽ trực tiếp và tranh in, thì thể loại tranh in vẫn chiếm số đông tại triển lãm lần này. Đặc biệt, năm nay, cách tiếp cận về kỹ thuật và phương pháp thể hiện ở lĩnh vực đồ họa phong phú hơn, thể hiện sự phát triển đồ họa trong những năm gần đây.

Lê Nguyên Chính (TPHCM), Dáng hồng thơm hương - Giải Nhất

Trong khi đó, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội đồng Điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt lại cho biết, vừa qua, chúng ta đã tổ chức triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc, lần này là triển lãm mỹ thuật toàn quốc trong năm 2023 nên số lượng tác phẩm tham gia ít hơn nhưng chất lượng tốt hơn, đồng đều, khá tốt. Chính vì vậy, tại triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2023, BGK đã tìm thấy giải Nhất ở chuyên ngành điêu khắc, khác với triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc đã không tìm thấy giải thưởng cao nhất cuộc thi. Cũng theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023, lĩnh vực điêu khắc có nhiều chất liệu khác nhau. Lực lượng tham gia là điêu khắc trẻ, tạo ra đà phát triển mới cho điêu khắc Việt Nam. 

Tin tưởng vào những đổi mới sáng tạo tiếp theo

Đoạt giải Nhất tại Cuộc thi, nhà điêu khắc Vũ Quang Sáng với tác phẩm Cây phong ba bày tỏ, anh cảm thấy rất bất ngờ và xúc động khi đoạt được giải thưởng cao trong cuộc thi năm nay. Đây là một tác phẩm Vũ Quang Sáng dành nhiều tâm huyết nhất trong suốt sự nghiệp của mình. Anh đã dành 7 năm để hoàn thiện tác phẩm. Từ hình tượng cây phong ba, Vũ Quang Sáng đã liên tưởng đến người lính đảo đang thầm lặng, kiên cường, ngày đêm giữ vững tay súng bảo vệ biển đảo quê hương, lãnh hải của Tổ quốc để đưa vào trong tác phẩm của mình. Qua tác phẩm, anh mong muốn công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ hãy luôn biết ơn, tự hào về những người lính Việt Nam và luôn cố gắng phấn đấu học tập, phát triển bản thân để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước vững mạnh. 

Hà Phương Duy (Long An), Sống mòn - Giải Nhì

Là thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường chia sẻ: “Những tác phẩm trong cuộc thi lần này đạt được chất lượng cao. Tuy hình thức nghệ thuật trong mỗi tác phẩm không có nhiều điểm mới nhưng các tác phẩm đã mang đến một giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao, phản ánh đời sống thường nhật, có nhiều giá trị nhân văn gửi đến công chúng. Tôi tin rằng, cuộc triển lãm lần này sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả, đặc biệt những người yêu thích nghệ thuật”.

3 năm gặp lại (2020-2023), Triển lãm đã công bố những sáng tạo mới của giới tạo hình Việt Nam. Tuy nhiên cũng bộc lộ không ít những băn khoăn, trăn trở của những người dõi theo lĩnh vực mỹ thuật. Đó là sự bắt chước, ảnh hưởng của các phong cách đã định hình đến mức khiên cưỡng, có sự lặp lại quen thuộc ở những mô típ “ăn điểm”. Bên cạnh đó, lĩnh vực sắp đặt và nghệ thuật khác trở nên mờ nhạt, ít được các nghệ sĩ đầu tư sáng tạo. Một vài tác phẩm xuất hiện tại triển lãm chưa thể làm bật lên được sức hấp dẫn của một thể loại mới, từng gây rất nhiều tò mò, chú ý của công chúng những năm đầu 2000. Tất nhiên, với 292 tác phẩm bày kín ở tầng 4 của Bảo tàng Hà Nội, không thể cầu toàn về chất lượng nhưng vẫn rất mong những đột phá mới, thể hiện năng lực sáng tạo dồi dào của lực lượng tạo hình Việt Nam. 

Lê Công Vương (Cần Thơ), Phố - Giải Nhì

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 đã phản ánh tương đối trung thực đời sống mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Trong đó có những suy tư, trăn trở và chiêm nghiệm của nghệ sĩ về cuộc sống đương đại, những chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, sự tiếp nối giữa các thế hệ nghệ sĩ... Các tác phẩm chọn triển lãm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét, có sự mở rộng, phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách, sự đa dạng trong hình thức biểu đạt, kỹ thuật thể hiện tác phẩm, đa dạng trong chất liệu với những tìm tòi thể nghiệm mới...

Nguyễn Trường Linh (Hà Nội), Đẻ đất đẻ nước IV - Giải Ba 

 “Sự góp sức hùng hậu, sự chuyển tiếp liền mạch giữa các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã tạo nên sự thành công, phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Một thế hệ các nghệ sĩ trẻ đã và đang trưởng thành với những tư duy sáng tạo mới, những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa. Chính những điều này giúp chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển hơn nữa của nền mỹ thuật Việt Nam với nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật chất lượng cao trong những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá.

Nguyễn Bá Thanh (Hà Nội), Hy vọng - Giải Khuyến khích

THU CÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;