Thành công của vở kịch hát Nợ nước non

Đã lâu mới có sự kiện hai thể loại văn học và sân khấu ra mắt cùng thời điểm, đó là trường hợp tác phẩm văn học Nợ nước non (NXB Văn học, 2022) và vở kịch hát cùng tên. Đây là phần mở đầu bộ ba tác phẩm về thân thế, cuộc đời cách mạng, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà khởi đầu từ ý tưởng của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ. Tác giả đã ấp ủ, thai nghén dự án này một thời gian dài, rồi tìm được những người đồng chí hướng là NSND Triệu Trung Kiên cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ để làm nên sự kiện đặc biệt đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022).

Tạo hình thiết kế sân khấu kết hợp với hình ảnh trên màn hình LED làm sinh động thêm cho cảnh diễn

Tên gọi Nợ nước non xuất phát từ lời bài ca mà bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ vẫn thường hát ru cho các con nghe: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Vở diễn Nợ nước non đã thể hiện chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời thơ ấu gian khổ, khó khăn khi còn ở làng Chùa, làng Sen, rồi mấy lần ra vô Huế, vào Quy Nhơn, Phan Thiết, rồi Sài Gòn, trước khi lên tàu Admiral Latouche Tréville bôn ba hải ngoại, “đi tìm hình của nước”. Quãng thơ ấu của Bác như bao tuổi thơ của những con dân đất Việt, không phải là cuộc đời của một thần nhân với những lời nói hay hành động đặc biệt xuất sắc nào. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung được sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo xứ Nghệ luôn phải liên tục di chuyển theo cha nay đây mai đó mà dấu ấn lớn nhất, cảm động và khiến người xem rơi lệ chính là ở cuộc di chuyển đầu tiên vào Huế theo cha. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã nếm trải đến tận cùng nỗi đau mất mát: mẹ và em trai mới chào đời chết vì ốm và đói, trong khi cha còn đang bận chấm thi ngoài Thanh Hóa. Nỗi đau đớn ấy được mô tả khiến người xem xúc động, đau đớn cùng với tình cảm của một cậu bé mới hơn mười tuổi đời và phải chăng, đó cũng là điều cốt lõi tạo nên trong Bác: chủ nghĩa nhân văn sâu sắc khi đồng cảm, đau nỗi đau chung của nhân dân, của mọi người dân cần lao.

Đã có nhiều tác phẩm về Hồ Chủ tịch, gần đây nhất là vở nhạc kịch Người cầm lái khai thác giai đoạn Người trăn trở về con đường cứu nước, để rồi quyết tâm lênh đênh trên biển nhiều năm, qua nhiều quốc gia, chiêm nghiệm và tìm được lối thoát cho cả dân tộc. Mỗi tác phẩm đều có những thành công nhất định. Vì thế, áp lực với ê kip làm vở chính là trả lời cho được câu hỏi: làm gì để có cách diễn tả khác biệt với những tác phẩm trước đó, lại vẫn đạt tới độ hấp dẫn được người xem, nhất là trong tâm lý trân trọng, yêu kính đối với Bác Hồ của hàng triệu triệu người dân Việt?

Câu trả lời đã có với thành công của vở diễn. Kết hợp cải lương ngọt ngào với những làn điệu dân ca ví dặm quê Bác đã mang đến cho tác phẩm có một sự nhuần nhuyễn, ăn khớp và rất tình cảm. Thông qua việc đưa những sự kiện đã xảy ra ở giai đoạn tuổi thơ khá dữ dội của Bác Hồ, ê kip sáng tạo còn cố gắng để lý giải những yếu tố tư tưởng, văn hóa, chính trị, xã hội đã được Người hấp thụ một cách thông minh để hoàn thành chặng đường đời từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung cho tới chàng trai Nguyễn Tất Thành và rồi là phụ bếp Văn Ba qua hành trình từ quê nhà Nghệ An tới kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến quyết định từ bến cảng Sài Gòn vượt trùng khơi tìm đường cứu nước. 

Không đi theo trình tự thời gian, vở diễn dùng những thủ pháp hồi ức, đồng hiện để chuyển tải những sự kiện, lát cắt tiêu biểu trong tư duy của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi mới đặt chân đến Sài Gòn. Quá trình hồi tưởng, khán giả được thưởng thức những phân cảnh rất sân khấu, rất tình cảm và đẹp vẻ đẹp trữ tình như cảnh bên dòng sông Lam một đêm trăng, trên bến dưới thuyền cùng những trai thanh gái lịch, giọng hò câu hát ví… đã khiến chàng trai Nguyễn Sinh Sắc và cô gái Hoàng Thị Loan vượt qua được nỗi e thẹn mà tới với nhau; rồi cảnh bé Nguyễn Sinh Cung chào đời trong vòng tay yêu thương của gia đình giữa mùa sen tháng năm thơm ngát; hay ở bến cảng Sài Gòn, trước khi lên tàu vượt biển ra khơi, anh Văn Ba đã gặp lại người bạn gái thanh mai…

Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ chủ đạo là cải lương với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca, ví giặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ, vở diễn đúng với tuyên ngôn đổi mới của cải lương, chú trọng nhất là đúng thời điểm, đúng lúc để đưa vào những hình thức khác một cách ngọt ngào, nhuần nhị, đo lường tốt sự tiếp nhận của công chúng khán giả. 

Sự sáng tạo của các nghệ sĩ còn thể hiện ở những thành phần khác tham gia vào thành công của công trình tập thể này. Đó là những tạo hình thiết kế sân khấu kết hợp các hình ảnh được thay đổi linh hoạt trên màn hình LED làm sinh động thêm cho cảnh sắc sàn diễn, “đã mắt” người xem, vận dụng những thành tựu của khoa học hiện đại cho vở diễn, đồng thời góp phần đẩy mạch diễn lên cao, đẩy tiết tấu vở cũng như khắc sâu hơn những ý tưởng nghệ thuật cần chuyển tải.

Đây cũng là lần công diễn khá đặc biệt khi hai cha con diễn viên Minh Hải đều được vào vai Bác Hồ. Nghệ sĩ Minh Hải có ngoại hình tốt, giọng ca trời cho, lại rất tâm huyết với nghề được lựa chọn vào vai Bác thời kỳ trưởng thành. Con trai anh, bé Anh Đức được vào vai Nguyễn Sinh Cung - thuở nhỏ của Bác, dù chỉ xuất hiện ở một phân đoạn ngắn, nhưng bé cũng đã khiến người xem yêu thích với khả năng diễn xuất tự nhiên trong những cảnh diễn khá xúc động. Hỗ trợ cha con họ là những vai diễn của dàn diễn viên tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam như: NSƯT Mạnh Hùng (vai Nguyễn Sinh Sắc), Như Quỳnh (vai Hoàng Thị Loan), Ngân Hà (Lê Thị Huệ), Xuân Thông (Nguyễn Quý Anh)… cùng với nghệ sĩ Lê Thanh Phong và các diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ.

Tuy nhiên, vẫn cần có đôi lời nhắn gửi tới ê kip với mong muốn có sự chau chuốt, cân nhắc kỹ lưỡng, logic hơn ở từng đoạn hồi tưởng để không làm xáo trộn, gây khó cho sự tiếp nhận của khán giả khi quay lại một sự kiện đã được đề cập trước đó. Thêm nữa, do các sự kiện ở giai đoạn này đều là những sự kiện lịch sử được công chúng biết đến, nên cần thiết phải có độ cô đọng tốt hơn, tránh cảm giác dàn trải cho tác phẩm.

Theo dự án này thì hai tác phẩm sân khấu tiếp theo gắn với hai tập còn lại của bộ tiểu thuyết mang tên Lênh đênh bốn biểnNgười về được tác giả và ê kíp tiết lộ: sẽ lần lượt ra mắt công chúng vào năm 2023, 2024. Các tác phẩm này sẽ tiếp tục khắc họa, lý giải và tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ với lịch sử và người dân Việt Nam mà còn ở tầm vóc quốc tế.

Dự kiến, sau đợt công diễn lại Hà Nội, Nợ nước non sẽ vào phục vụ khán giả phía Nam vào dịp 19/8, 2/9.

BẢO ĐỖ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;