Dấu ấn từ một năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và chủ đề công tác năm 2022 của Bộ VHTTDL về “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ”, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa cơ sở đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ, các hoạt động sự nghiệp được quan tâm tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhấn nút phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL - Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

 

Nhiều hoạt động văn hóa nổi bật

Sau lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL về “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” tại Khu Di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đã được Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL tổ chức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tiêu biểu như: Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III, Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử trong khuôn khổ Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III, Hội thi Bánh dân gian trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX, Hội thi Múa không chuyên toàn quốc; Tổng kết trao giải và phát hành tuyển tập kịch bản sân khấu và tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII, Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022” …

Đồng hành với những hoạt động của Bộ, bám sát kế hoạch công tác trong năm 2022 và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Văn hóa cơ sở, Trung tâm Văn hoá các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu Sở VHTTDL dàn dựng nhiều chương trình tuyên truyền lưu động, văn hóa nghệ thuật với sự tham gia của các nhạc sĩ, đạo diễn, nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, tuyên truyền viên nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và địa phương.

Với phương châm hướng về cơ sở, Đội tuyên truyền lưu động các tỉnh, thành phố đã về phục vụ nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các buổi biểu diễn luôn được đầu tư về nội dung, chất lượng nghệ thuật, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đồng Nai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An... Đặc biệt, Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai đã đổi mới phương thức hoạt động thông qua việc kết hợp triển khai tại các điểm biểu diễn mô hình “gian hàng 0 đồng” nhằm lan tỏa thông điệp tương thân, tương ái, “hạnh phúc là sẻ chia - cho đi là còn mãi”, hành động thiết thực này đã góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, thu hút đông đảo bà con nhân dân tới xem cổ vũ, đồng tình hưởng ứng.

Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức các chương trình hoạt động, sự kiện nổi bật như: Chương trình trải nghiệm du lịch xanh năm 2022 với chủ đề: Nông thôn mới 4.0 cho trẻ em vùng nông thôn mới; Liên hoan Tiếng hát từ trái tim dành cho người khuyết tật; Liên hoan Tiếng hát Người cao tuổi nhân dịp chào mừng kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 và hưởng ứng tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022... Qua đó, thúc đẩy phong trào văn hoá văn nghệ cơ sở ngày càng phát triển.

Nhìn lại năm qua, công tác tuyên truyền cổ động trực quan tại các địa phương cũng được triển khai tổ chức với hình thức trực quan sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm như: treo cờ Tổ quốc, kẻ vẽ, xây dựng, nâng cấp, làm mới các cụm pa nô, khẩu hiệu, áp phích, xe tuyên truyền, tuyên truyền lưu động, triển lãm..., thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần thúc đẩy nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Công tác quản lý được triển khai hiệu quả

Điểm qua một vài kết quả về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cơ sở để thấy được sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ văn hóa sau một năm thực hiện chủ đề của ngành đã đề ra. Điều đáng mừng đó là sau khi dịch bệnh COVID -19 đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các địa phương đã triển khai thực hiện công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội phù hợp với tình hình thực tế. Tại các địa phương lễ hội diễn ra an toàn, tốt đẹp, nhân dân tham gia lễ hội vui tươi lành mạnh, đúng với phong tục truyền thống (Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ 2022, Lễ hội Nghinh Ông - Phan Thiết, Bình Thuận, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng…). Các lễ hội tổ chức đều có kế hoạch, xây dựng chương trình cụ thể gắn với văn hóa địa phương như: Tổ chức các trò chơi dân gian, hội thao, múa lân, triển lãm giới thiệu về hình ảnh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Qua theo dõi và kiểm tra, hầu hết các lễ hội được địa phương quản lý, tổ chức nghiêm túc, đúng quy định.

Bám sát chủ đề công tác năm 2022, các địa phương đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã được xác định trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Qua đó, nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết về xây dựng con người văn hóa. Điển hình như: tỉnh Đắk Lắk ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh, thân thiện, mến khách”; tỉnh Đồng Tháp “Xây dựng con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”; thành phố Hà Nội “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và các bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; thành phố Cần Thơ “Xây dựng người Cần Thơ Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”; TP.HCM xây dựng tiêu chí, phẩm chất đặc trưng công dân văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình; Đà Nẵng “Xây dựng con người Đà Nẵng lịch sự, văn minh”; Yên Bái xây dựng con người “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” và xây dựng Yên Bái phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn hóa cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức về quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Nguồn kinh phí chi cho tổ chức các hoạt động văn hóa của một số địa phương còn hạn hẹp nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng phong trào và điều kiện tham gia của các địa phương. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan tại các tỉnh, thành phố trong cả nước chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các khu vực trọng điểm, đông dân cư. Các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình đi lại khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt bị hạn chế đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền cổ động trực quan. Một số lễ hội còn tồn tại hiện tượng đốt đồ mã nhiều, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cảnh quan; cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào. Sự phối hợp của các cấp, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phong trào có nơi còn chưa tốt, có lúc còn chưa thường xuyên; chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội nên chất lượng và hiệu quả của phong trào chưa thực sự được như mong muốn…

Hướng tới đổi mới các phương thức tổ chức

Với mục tiêu đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa tại cơ sở, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở và đội ngũ người làm văn hóa cơ sở hoạt động có hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Trung ương Đảng và của Nhà nước, trong năm 2023, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Trước hết, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở. thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động dịch vụ văn hóa; phối hợp với các ngành chức năng, các lực lượng kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm văn hóa du nhập từ bên ngoài vào dưới mọi hình thức. Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cho cán bộ ở cơ sở để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò của người làm công tác văn hóa cơ sở trong việc tham gia tổ chức, quản lý xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho nhân dân, khắc phục sự thiếu thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Quản lý và sử dụng có hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, tăng cường xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Huy động sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, tập hợp và phát huy sức mạnh của mỗi người dân, của từng gia đình, của mỗi cộng đồng dân cư và toàn xã hội, góp phần xây dựng một môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh theo phương châm: “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, với mục tiêu đưa văn hóa thực sự thấm sâu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân trên khắp cả nước.

 

MAI TUYẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

;