Hà Giang quyết tâm xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh

Là một tỉnh miền núi, có 19 dân tộc cùng sinh sống, Hà Giang đã và đang lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp đã trở thành giá trị di sản văn hóa của nhân loại và cấp quốc gia. Theo kết quả kiểm kê di sản năm 2021, hiện Hà Giang còn lưu giữ 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, 62 di tích, danh thắng, 27 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng và đưa vào danh mục Di sản văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những giá trị di sản đó đã và đang trở thành tiềm năng vô giá để Hà Giang bứt phá, dựa vào văn hóa để phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bảo vệ vững chắc vùng lãnh thổ quốc gia nơi địa đầu Tổ quốc.

Một buổi tuyên truyền lưu động xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại huyện Mèo Vạc 
    (Ảnh TL)

 

Bên cạnh những giá trị đó, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hà Giang nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Điển hình như tập tục tang ma vẫn còn việc người chết chưa đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; trong việc cưới tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra; một số lễ nghi trong cúng bái còn rườm rà và gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân; một số phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số có nơi bị lợi dụng, biến tướng (như tục kéo vợ của dân tộc Mông) đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều giá trị văn hóa có kết quả nghiên cứu nhưng chưa được đưa vào sử dụng; tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một. Mối quan hệ giữa xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh với công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc chưa được giải quyết hài hòa. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh chưa được quan tâm thường xuyên, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ, xác định lộ trình cụ thể và các nội dung, phương thức triển khai hiệu quả trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở từng địa bàn cơ sở. Vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Hội Nghệ nhân Dân gian trong công tác tuyên truyền, vận động chưa được phát huy hiệu quả.

Với quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; ngày 1-5-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU về xóa bỏ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hà Giang xác định thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững, trên nguyên tắc tuân thủ thực hiện đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh để nêu gương cho quần chúng làm theo. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm. Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc trong các dân tộc. Việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao thể trạng, tầm vóc, sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong độ tuổi gắn với triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; phát triển du lịch và giảm nghèo bền vững.

Thực hiện quan điểm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Hà Giang quyết tâm đến hết năm 2022, đảm bảo 100% cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đến hết năm 2025, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 75% các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ. Đến năm 2030, các địa phương cơ bản thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đang còn tồn tại trong đồng bào các dân tộc thiểu số và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc và phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, thực hành tiết kiệm, chống thương mại hóa, vụ lợi; không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng; không gây ô nhiễm môi trường. Triển khai các chính sách an sinh xã hội gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, phát huy các tiềm năng, giá trị di sản văn hóa, hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác cải tạo, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Lồng ghép tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong trường học đang phát huy tính hiệu quả - Ảnh: baodantoc.vn

 

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Giang xác định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nội dung các văn bản của Đảng, Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong việc cụ thể hóa các chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc đảm bảo đạt kết quả. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nội dung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân loại bỏ những hủ tục, nghi lễ rườm rà trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hai là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh theo hướng đa dạng, sinh động, sáng tạo với các giải pháp khoa học, bài bản và kiên trì phù hợp với đặc điểm, đặc thù của từng địa phương, dân tộc. Lấy mô hình tốt, mô hình thực hiện hiệu quả để tuyên truyền theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; phát huy vai trò làm chủ, ý thức tự giác của người dân trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp xã hội ủng hộ cái mới, cái tiến bộ phù hợp với xu thế phát triển; đồng thời lên án, phê phán mạnh mẽ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước, quy ước, hương ước cộng đồng.

Ba là, đưa các nội dung thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể ở các cấp, là yêu cầu nhiệm vụ bắt buộc đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Coi đây là một trong những tiêu chi để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên và chiến sĩ hằng năm; xếp loại thi đua của chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong thực hiện các văn bản của Đảng, Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về cách làm hay, phát huy hiệu quả, chú ý xây dựng các nhân tố mới, các mô hình điển hình tiên tiến làm nòng cốt tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt... của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về  xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh là một trong những hành động quan trọng của tỉnh để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về Văn hóa ngày 24/11/2021 “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”. Tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự đồng tình ủng hộ của đồng bào các dân tộc, Hà Giang sẽ sớm đạt được mục tiêu xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn

 

NGUYỄN HOÀI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

 

;