Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023: Tôn vinh di sản văn hóa dân tộc

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba” là câu ca thể hiện khát khao được trở về cội nguồn của đồng bào ta ở khắp mọi miền trong cả nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Đó là một trong những truyền thống quý báu, khẳng định sức mạnh, sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam bao đời nay. Trong năm 2023 này, cùng hướng về ngày trọng đại Giỗ Tổ, đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ.

Trẩy hội Đền Hùng - ảnh tư liệu: Nguyễn Trung Kiên

 

Đậm đà bản sắc dân tộc

Diễn ra từ ngày 21 đến 29 - 4 tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 có 5 sự kiện, hoạt động chính gồm: Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội nghị - Hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch” và Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.

Ban Tổ chức cho biết: mục đích của chuỗi các sự kiện được tổ chức tại Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Sự kiện do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức cùng với các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đây là ngày hội chung của dân tộc. Nhân dân cả nước ngoài việc thắp hương lễ Tổ, còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền cho biết: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh (từ 21-28/4) là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô quốc gia với 15 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh, có sự tham gia của các nghệ nhân, những người thực hành di sản ở các địa phương. Ngoài những hoạt động được tổ chức xuyên suốt Tuần lễ, còn có nội dung đáng chú ý nhân dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Với vai trò quốc gia thành viên có trách nhiệm và tích cực trong việc tăng cường thúc đẩy sự phát triển của Công ước 2023, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết: “Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ để xây dựng kịch bản cho lễ khai mạc. Để phục vụ Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, chúng tôi đã tổ chức hệ thống không gian cho các tỉnh, thành được phô diễn nét đặc sắc của tất cả di sản trong một quần thể chung tại quảng trường Hùng Vương.

Đoàn nghệ nhân của 13 tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk giới thiệu tới công chúng 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Trong đêm khai mạc, du khách được thưởng thức “bữa tiệc” di sản dặm dài đất nước: hát Xoan (Phú Thọ), nghệ thuật Xòe Thái (Yên Bái), dân ca Ví giặm (Hà Tĩnh), Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), nghệ thuật hát Bài chòi Trung Bộ (Quảng Nam)…

Cũng trong dịp này, phần lễ Giỗ Tổ được tỉnh Phú Thọ tổ chức đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng cao, tập trung vào các hoạt động chính: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ (ngày 25/4 tức ngày 6/3 năm Quý Mão); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong” (ngày 29/4 tức 10/3 năm Quý Mão); Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng của các huyện, thành, thị, cộng đồng… trong tỉnh (từ ngày 20/4 - 29/4 tức từ ngày 1 - 10/3 năm Quý Mão).
 

Phong phú các hoạt động văn hóa, du lịch

Có thể nói, các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng năm nay gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành các chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch, thể hiện bản sắc độc đáo vùng đất Tổ. Mở đầu là chương trình Khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023”, Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào 20 giờ ngày 21- 4-2023 tại Quảng trường Hùng Vương. Hội nghị - Hội thảo quốc tế “Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam” ngày 22/4 với sự tham gia của các đại biểu trong nước và quốc tế, hướng đến một không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, học giả và các bên liên quan cùng trao đổi về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững. Đồng thời hướng tới xây dựng chiến lược định vị thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam” từ 21-28/4 thiết thực tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam…

Không những vậy, trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc khác, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và văn hóa hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi như: Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội”; trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; Chương trình hát Xoan làng cổ phục vụ du khách ; đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”…

Bên cạnh đó, du khách còn được hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt với các hoạt động thể thao hấp dẫn như: Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023; Hội chợ triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ năm 2023; Liên hoan Văn hóa Ẩm thực đất Tổ; Hội trại văn hóa và Liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương; Giải Bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang; Giải bóng đá Cúp Hùng Vương; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương; Giải đua xe đạp phong trào các câu lạc bộ Việt Trì mở rộng …

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy khẳng định: Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, dịch bệnh, môi trường... cho lượng khách lớn đổ về lễ hội. Ông cũng cho biết, so với các năm trước, tình hình dịch bệnh đã ổn định cộng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trùng với dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên dự kiến lượng khách sẽ rất đông, dự kiến khoảng 8 triệu lượt người. Về cơ sở lưu trú, Phú Thọ có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng du khách, từ khách sạn đạt tiêu chuẩn 3, 4, 5 sao đến các cơ sở lưu trú bình dân.

Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng Nguyễn Trường Giang khẳng định, các hiện tượng “chặt chém” các dịch vụ diễn ra tại lễ hội cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo du khách đến tham quan, trải nghiệm và thực hành nghi lễ tín ngưỡng được trọn vẹn, văn minh: “Khu di tích cam kết năm nay không nâng giá xe điện, các khu vực cho thuê chiếu đã được quản lý với dịch vụ 30.000đồng/giờ. Với lượng khách đông khi về Đền Hùng, chúng tôi cũng có những khuyến cáo du khách các dịch vụ đã được niêm yết giá và đang tiếp tục mời các hộ kinh doanh ký cam kết làm sao không ảnh hưởng đến hình ảnh của Lễ hội đền Hùng”.

Có thể nói, Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 là một sự kiện văn hóa nổi bật, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách. Sự kiện có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo của Bộ VHTTDL và tỉnh Phú Thọ mang đến cho du khách thập phương những ngày lễ hội thật sự ý nghĩa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tôn vinh, quảng bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

 

NGÔ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;