Thị trường sách nói - triển vọng trong chuyển đổi số ngành Xuất bản

Hoạt động xuất bản điện tử, trong đó có sách nói đang là xu thế phát triển mạnh tại hầu hết các nước trên thế giới với tốc độ tăng trưởng đáng kể trong những năm qua. Ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Thị trường sách nói Việt Nam còn rất nhiều "dư địa" để phát triển

Sự phát triển bùng nổ của thị trường sách nói đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi toàn thế giới. Những người trẻ cũng đã và đang thay đổi phương pháp tiếp cận tri thức từ việc đọc sách truyền thống sang sử dụng sách điện tử, quen dần với việc nghe sách nói như một nhu cầu thường xuyên.

Theo phân tích của một số chuyên gia, việc thay đổi thói quen từ đọc sách giấy truyền thống sang sách điện tử, đặc biệt là sách nói xuất phát từ 2 lý do: (1) Tính tiện ích do người nghe có thể vừa làm việc vừa đi đường, tập thể thao, nghe đọc sách. (2) Công nghệ đọc tự động (Voice AI) làm cho việc số hóa định dạng âm thanh nhanh chóng, với giá thành giảm, giúp độc giả dễ tiếp cận hơn.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2022, số lượng nhà xuất bản (Nxb) có xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục tăng mạnh với 19 Nxb được xác nhận đủ điều kiện xuất bản điện tử, chiếm 33,3%. Số doanh nghiệp phát hành xuất bản điện tử cũng tăng mạnh với 12 đơn vị, tăng 21%. Trong đó, có cả những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Viettel, FPT, VTC đang hoàn thiện thủ tục để triển khai phát hành sách điện tử cung cấp các định dạng sách hiện đại đến bạn đọc. Số lượng xuất bản phẩm điện tử tiếp tục tăng đáng kể. Năm 2021, đã có 2003 đầu sách được xuất bản dưới dạng sách điện tử và đến hết năm 2022, có trên 3.000 đầu sách và 1.500 đầu sách tóm tắt (dạng podcast).

Hiện nay, sách nói tại Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết xuất bản và phát hành trên thị trường. Một số doanh nghiệp đang dần khẳng định thương hiệu, xác lập vị thế trên thị trường như:

Công ty Cổ phần Waka chính thức thành lập từ năm 2019, dựa trên cơ sở nền tảng Xuất bản điện tử Waka ra đời từ tháng 10/2014. Sau hơn 5 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, nền tảng Xuất bản điện tử Waka nói riêng và Công ty Cổ phần Waka nói chung là đơn vị dẫn đầu thị trường cung cấp các ứng dụng đọc sách điện tử (ebook), nghe sách nói (audiobooks) trả phí tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong triển khai và cung cấp Ebooks trả phí ở Việt Nam, đảm bảo xây dựng nền tảng xuất bản tiên tiến, đáp ứng mọi nhu cầu đọc của người dùng từ tìm kiếm nội dung đến trải nghiệm đọc sách, truyện tranh hay sách nói trên bất cứ thiết bị di động thông minh nào, ngay cả khi không có kết nối internet. Cùng với đó, Công ty Cổ phần Waka đang là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực bản quyền nội dung số với hơn 13.000 nội dung sách điện tử, truyện tranh, sách nói trong và ngoài nước với đầy đủ bản quyền. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Waka cũng là một trong các đối tác cung cấp các dịch vụ đọc sách điện tử, truyện tranh trả phí trên các nhà mạng trong và ngoài nước (Viettel, Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile, Metfone, Natcom, Unitel,…). Thư viện ebook của Waka có 3,5 triệu độc giả và hơn 5 triệu người dùng theo dõi thường xuyên trên mạng xã hội. Riêng đối với sách nói, hiện công ty đã số hóa khoảng 5 triệu phút ghi âm đọc sách. Bạn đọc của Waka có thể trải nghiệm theo hình thức mua theo gói tháng hoặc mua lẻ từng cuốn sách.

Điểm đặc biệt của Công ty Waka là họ vừa thực hiện việc liên kết, tổ chức xuất bản sách, vừa là đơn vị ứng dụng công nghệ để số hóa sách theo các định dạng, bao gồm cả sách nói. Tổng doanh thu trước kênh thanh toán (thanh toán qua nhà cung cấp viễn thông) của Waka lên 48 tỷ đồng, sau chi trả cho kênh thanh toán là 22 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí marketing là 9 tỷ đồng.

Bên cạnh Waka, Công ty Cổ phần Công nghệ WeWe là đơn vị chủ quản Voiz FM - nền tảng âm thanh chất lượng cao, 100% bản quyền hàng đầu Việt Nam. Với định hướng sách nói và có bản quyền, chỉ sau 6 tháng ra mắt, Voiz FM đã ký hợp đồng độc quyền gần 2.000 cuốn sách nổi tiếng từ các đối tác uy tín: Nxb Kim Đồng, Nxb Tổng hợp, Nxb Trẻ, First News, Saigonbooks, Quảng Văn,… và các podcaster nổi tiếng như Quốc Khánh, Hana”s Lexis,…

Đồng thời, WeWe cũng đầu tư phát triển AI Voices để tối ưu chi phí sản xuất, tạo thế mạnh về công nghệ. Hiện tại, Voiz FM có gần 2.000 nội dung âm thanh, trong đó có những tên sách nổi tiếng như: Đắc nhân tâm; Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Người mẹ tốt hơn người thầy tốt; Tôi, tương lai và thế giới,… Ứng dụng Voiz FM được đánh giá tiện lợi với các tính năng như đánh dấu trang - quay lại vị trí đang nghe bất cứ lúc nào; tải sẵn nội dung về máy và nghe offline khi không có kết nối mạng; cá nhân hóa nội dung, cho phép người dùng trải nghiệm tối ưu hơn; tích hợp tính năng xem đánh giá nội dung từ các chuyên gia.

Công ty Cổ phần Fonos cũng đã triển khai ứng dụng sách nói có bản quyền của các tác giả Việt Nam và nước ngoài. Ứng dụng di động của Fonos có nhiều lựa chọn với nội dung âm thanh độc quyền, bao gồm cả sách nói tiếng Việt có bản quyền từ những tác giả có sách bán chạy trên thị trường quốc tế và Việt Nam. Hiện, Fonos đã số hóa được trên 100 đầu sách chia thành một số mảng gồm: Kinh điển; Tôn giáo, tinh thần; Dạy con; Kinh tế; Văn hóa thế giới; Bán hàng, marketing và PR; Tư duy và kỹ năng; Sức khỏe, nghệ thuật sống,... Những đơn vị liên kết với Fonos chủ yếu là các Nxb ở TP. Hồ Chí Minh và một số công ty sách có thương hiệu mạnh như Alphabooks, Nhã Nam, Trí Việt Firstnews, Saigonbook, Thaihabook,... Số lượng người dùng sách nói trên nền tảng Fonox là hơn 600.000 người dùng thường xuyên hằng tháng. Fonos hiện cung cấp hơn 2000 sách nói, hơn 500 podcast và hơn 300 sách tóm tắt. Ngoài các công ty trên, hiện đang xuất hiện một số website cung cấp sách nói miễn phí như sachnoi.com.vn, sachnoi.me. Các kênh YouTube cũng cung cấp sách nói miễn phí với việc đầu tư chuyên nghiệp về thiết bị âm thanh, thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi, giúp độc giả tiếp cận kho tàng sách với nhiều thể loại như văn học, kinh doanh, kỹ năng sống, sách thiếu nhi,… Có những tác phẩm nổi tiếng, thu hút vài trăm nghìn lượt nghe.

 

Báo cáo tổng quan kỹ thuật số toàn cầu năm 2022 cho thấy chi tiêu truyền thông kỹ thuật số toàn cầu theo định dạng DataReportal tháng 1 năm 2022 đối với sách điện tử của nhân loại đã đạt mức 27,59 tỷ USD với tốc độ tăng trung bình năm ở mức trên 12% (12%/năm), sự gia tăng nhu cầu và mức phát triển của lĩnh vực sách nói cũng luôn ở mức hai con số.
Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh Mỹ (Audio Publishers Association) công bố năm 2021 là năm thứ mười tăng trưởng hai con số đối với sách nói tại thị trường Mỹ với mức tăng 25% trong năm vừa qua với doanh số đạt mức 1,6 tỷ USD. Các thị trường Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản đều có sự tăng trưởng rất nhanh. Theo báo cáo của Hiệp hội Xuất bản Anh, số lượt sách nói được tải về năm 2021 tăng 14%, đạt 197 triệu USD; trong khi tại Tây Ban Nha tốc độ tăng trưởng của loại hình sách điện tử này đạt mức 30%. Các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng bình quân của sách nói sẽ tiếp tục ở mức 25% từ nay đến năm 2027.


(Nguồn số liệu Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT)

 

 

Những vấn đề đặt ra đối với thị trường sách nói

Với sự bùng nổ về công nghệ, sự dịch chuyển mạnh mẽ về phương thức tiếp cận sách của bạn đọc, sự gia tăng nguồn cung sách điện tử của các Nxb đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước, hướng tới hình thành một thị trường tiềm năng ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh "dư địa" còn rất lớn để phát triển, thị trường sách nói ở Việt Nam hiện nay vẫn còn một số khó khăn như: tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển thị trường và niềm tin của các doanh nghiệp cung cấp sách số hóa; chi phí sản xuất sách nói ở Việt Nam khá cao (việc thu hồi vốn khó khăn do nạn xâm phạm bản quyền khiến không ít đơn vị e ngại); chưa có các chính sách ưu đãi đặc thù để đẩy mạnh xuất bản điện tử phát triển; nhân lực cho phát triển xuất bản điện tử, đặc biệt sách nói còn nhiều hạn chế. Hiện chưa có chuyên ngành đào tạo về loại hình sách nói ở các cơ sở đào tạo; nội dung, chương trình đào tạo xuất bản điện tử chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao của sách nói hiện nay…

Để chuyển đổi số ngành Xuất bản thành công, thiết tưởng cần triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm phát triển thị trường sách nói ở Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh hành lang pháp lý phù hợp theo hướng cắt giảm các điều kiện, thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử phát triển. Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường sách nói, trong đó ưu tiên các chính sách về thuế, về nguồn vốn đầu tư tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tài chính đẩy mạnh đầu tư vào ngành xuất bản sách nói.

Thứ hai, tích cực triển khai các giải pháp đấu tranh vi phạm bản quyền: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo vệ bản quyền xuất bản phẩm, trong đó có sách điện tử và sách nói; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền triển khai ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền, gỡ bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook trên mạng, YouTube, mạng xã hội,… bằng các biện pháp kỹ thuật, pháp lý. Phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử mà chưa được cấp phép, vi phạm quyền tác giả.

Thứ ba, nâng cao năng lực xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử của một số Nxb, cơ sở phát hành: Xây dựng chiến lược xuất bản điện tử, phát triển đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên có năng lực và trình độ; huy động nguồn lực tài chính, đầu tư hạ tầng công nghệ; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhân lực bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản, nhất là xuất bản điện tử. Khuyến khích các Nxb, đơn vị phát hành đầu tư xuất bản sách nói cho người khiếm thị. Khuyến khích các công ty startup trong lĩnh vực podcast và audio nhằm phát triển thị trường sách mới.

Thứ tư, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia vào lĩnh vực xuất bản điện tử, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, mở rộng thị trường phát hành xuất phẩm.

Thứ năm, hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước cải thiện dịch vụ, chất lượng sản phẩm sách nói, đa dạng hóa các thể loại sách, tạo ra những không gian nơi người dùng có thể tương tác với nhau hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất để phát triển thị trường; chú ý phát triển loại sách tóm lược sách hay, giá trị với thời gian phù hợp để độc giả thuận lợi tiếp cận; phát triển các dịch vụ gia tăng để tăng thêm doanh thu.

Thứ sáu, các cơ sở đào tạo chuyên ngành về xuất bản cần xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm hướng đến phát triển đội ngũ nhân lực đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng có thể đáp ứng nhu cầu của xuất bản điện tử và công nghiệp sản xuất sách nói cả ở hiện tại cũng như tương lai bằng những chương trình kế hoạch cụ thể.

Nhiều người trẻ đang lựa chọn nghe sách nói để cập nhật, trau dồi kiến thức

 

NGÔ XUÂN LỘC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;