Văn hóa đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Năm 2024, ngành VHTTDL đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với những đổi mới sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, quản lý và phát triển, ngành VHTTDL đã tạo ra những đột phá mới trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành, với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả.
Những chuyển động mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Với ý chí và khát vọng tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tăng tốc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người - nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Sức mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước chính là hào khí dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh: lòng yêu nước nồng nàn; khát vọng, ý chí, nghị lực kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát triển đất nước trên tầm cao mới; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược được đề ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong năm 2024, hòa cùng với nhịp độ phát triển khẩn trương trên phạm vi cả nước, ngành VHTTDL đã có những hoạt động mạnh mẽ, đều khắp trong sự nghiệp xây dựng, xác lập và phát triển hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị quốc gia, quyết tâm xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày
24 -11- 2021.
Chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên và Lễ hội hoa Ban năm 2024 - Ảnh: Tuấn Minh
Khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của Bộ VHTTDL trong phát triển nhanh và bền vững đất nước
Trong năm 2024, lĩnh vực VHTTDL trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bộ VHTTDL đã làm tốt vai trò tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành. Có thể nói, chưa bao giờ ngành VHTTDL đón nhận nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ như hiện nay.
Bộ VHTTDL đã tập trung hoàn thiện, rà soát khoảng trống pháp lý để tiếp tục tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các Luật, Nghị định. Với quan điểm các bộ luật được xây dựng không chỉ góp phần tăng cường quản lý nhà nước mà còn kiến tạo sự phát triển, công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng. Bộ VHTTDL đã xây dựng, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo và 3 Nghị định, hướng tới chấn hưng, xây dựng thành công nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý phát triển VHTTDL trên phạm vi cả nước
Nhằm mục đích đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển VHTTDL một cách hiệu quả, Bộ VHTTDL đã đưa ra phương châm toàn ngành cần chú trọng thực hiện là: “Ba quyết tâm; Bốn chủ động; Năm hiệu quả”. Cụ thể như sau:
Ba quyết tâm: Quyết tâm tăng tốc, hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch công tác năm 2024; Quyết tâm xây dựng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; Quyết tâm tổ chức thành công, hiệu quả, có sức lan tỏa các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn, quy mô toàn quốc.
Bốn chủ động: Chủ động xử lý công việc theo đúng chức trách nhiệm vụ được giao, không thoái thác, không né tránh, không đùn đẩy; Chủ động là “đối tác tin cậy trong mọi nhiệm vụ” khi phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xử lý công việc, tạo sức mạnh tổng hợp; Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các ban, bộ, ngành, địa phương; Chủ động phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân lực chất lượng cao.
Năm hiệu quả: Hiệu quả về sử dụng nguồn lực (phân bổ dự toán, giải ngân vốn đầu tư công, khai thác sử dụng cơ sở vật chất); Hiệu quả trong thực thi hoạt động nghiệp vụ: phải suy nghĩ thực thi nhiệm vụ có chiều sâu, để “xuất sắc là một thói quen”; Hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp; Hiệu quả thực sự về xây dựng Đảng tại các cơ quan, đơn vị; Hiệu quả thi đua, thi đua phải đi vào thực chất.
Tổ chức nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa và hội thảo khoa học quốc gia trang trọng và mang ý nghĩa thời sự sâu sắc
Nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa quan trọng của đất nước như: Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội, Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam… đã được tổ chức trang trọng và mang ý nghĩa thời sự chính trị đặc biệt. Bộ VHTTDL chủ trì tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức thành công Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024; phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì hòa bình năm 2024.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ VHTTDL, nhiều địa phương đã có sáng kiến xây dựng mô hình mới, cách làm hay, nhiều gương điển hình tiên tiến đã xuất hiện như mô hình trưởng thôn thân thiện tại Hà Nội; mô hình liên gia tại các phường, xã trên địa bàn Thủ đô; mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc…
Sau khi Hội thảo khoa học cấp quốc gia nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới được tổ chức thành công tốt đẹp, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề. Hiện nay, 63/63 tỉnh trên phạm vi cả nước đều có các kế hoạch, Nghị quyết chuyên đề, với các giải pháp phát huy giá trị, tiềm năng văn hóa, con người của từng vùng đất với những nét đặc thù riêng.
Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị - Ảnh: Tuấn Minh
Tăng cường hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam
Với vai trò là thành viên Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ
2022-2026, thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 -2027, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa và đã được UNESCO ghi nhận và đánh giá cao.
Trên cả nước, hệ thống di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thế giới ghi danh đã thực sự trở thành nguồn lực hấp dẫn thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế, có tác dụng tích cực tôn vinh, lan tỏa giá trị bản sắc của văn hóa Việt Nam.
Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc và Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga đã được sự đón nhận, quan tâm đặc biệt của nước chủ nhà, qua đó đã nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, và đặc biệt, lan tỏa rộng rãi sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở
Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, mấu chốt là xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành tập trung thực hiện. Theo đó, việc xây dựng các danh hiệu văn hóa đã từng bước đi vào thực chất, chiều sâu; công tác quản lý lễ hội, thực hiện các hương ước, quy ước, phong trào của từng địa phương được triển khai và đạt nhiều hiệu quả tích cực, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, văn hóa truyền thông và văn học nghệ thuật trên những tầm cao mới gắn với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở
Công nghiệp văn hóa đã có những bước tăng tốc phát triển, hướng tới bắt nhịp với xu thế chung của khu vực và quốc tế. Văn hóa truyền thông đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số và công dân số. Hoạt động phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, thông tin, quảng cáo, các mạng xã hội… đã từng bước được đổi mới về hạ tầng cơ sở và chất lượng phát triển, có tác dụng tích cực xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Lĩnh vực điện ảnh có nhiều dấu ấn, đặc biệt trong việc tổ chức và nâng tầm các liên hoan phim như Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội… Nhiều bộ phim truyền hình có chất lượng trong nước phát sóng trên giờ vàng của VTV đã được công chúng đánh giá cao và đón đợi.
Trên phạm vi cả nước, các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng cũng đã được tổ chức trang trọng và hiệu quả, góp phần bảo vệ, giữ gìn, quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một. Hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trong thời gian qua đã có những dấu ấn nổi bật. Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, đã có nhiều chương trình nghệ thuật đến với nhân dân ở các vùng miền, đặc biệt tại các địa bàn hẻo lánh xa xôi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công chúng.
Công tác đối ngoại về văn hóa từng bước đi vào chiều sâu, đóng góp vào thành tựu đối ngoại của đất nước. Các hoạt động xúc tiến, các ngày văn hóa, tuần văn hóa tại nước ngoài đã được triển khai có trọng điểm, gắn với các sự kiện, nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Trình diễn trong “Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024”
Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Tăng tốc trong phát triển thể thao của đất nước
Năm 2024, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với các địa phương tổ chức 14 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia. Thể thao thành tích cao Việt Nam đạt thành tích tốt trong đấu trường khu vực, đạt nhiều giải thưởng quốc tế; đã có 16 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024.
Đẩy mạnh phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Sau đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi góp phần thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ như giải trí, ẩm thực, vận tải… tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước. Với tiềm năng, dư địa dồi dào, phát triển du lịch văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Bộ VHTTDL đã tập trung khai thác, mở rộng thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam trong cả năm đã có dấu hiệu tăng nhanh; trong đó, có những thị trường đã phục hồi và vượt qua các con số thống kê thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Du lịch nội địa được xác định là bệ đỡ của ngành Du lịch. Đáng chú ý là mỗi địa phương đã bắt đầu có những sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời có sự kết nối trong việc phát triển vùng gắn với du lịch trên phạm vi cả nước. Du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, coi đây là “điểm sáng trong bức tranh kinh tế”.
Lời kết
Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang phát huy cao độ nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị quốc gia trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tận dụng tốt mọi cơ hội, vượt qua các thách thức, đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngành VHTTDL đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong các tiến trình phát triển đất nước, cống hiến nhiều thành tựu xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh của Đảng, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thịnh vượng, hùng cường, dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, đem hạnh phúc đến cho nhân dân l
PGS, TS. NGUYỄN TOÀN THẮNG
Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"