Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội
1. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật năm 2024
Để công tác xây dựng thể chế thực sự trở thành một nhiệm vụ then chốt trong các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (kèm theo Quyết định số 162/QĐ-BVHTTDL, trong đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) lĩnh vực VHTTDL thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 và các văn bản, đề án trong chương trình công tác năm 2024 đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng phê duyệt, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ; chấm dứt tình trạng chậm trình ban hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Đồng thời, Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-BVHTTDL ngày 23-1-2024 giao nhiệm vụ xây dựng đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024; Quyết định số 90/QĐ-BVHTTDL ngày 15-1-2024 ban hành Chương trình xây dựng thông tư năm 2024 của Bộ trưởng, với tinh thần quyết liệt hành động, quyết định của Bộ trưởng đã phân công trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị tham mưu quản lý nhà nước của Bộ trong việc xây dựng các dự thảo văn bản QPPL trong Chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua việc ban hành Kế hoạch công tác năm 2024 của Bộ và của các cơ quan, đơn vị.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đã có trên 20 văn bản chỉ đạo chuyên sâu về công tác xây dựng văn bản QPPL, hoàn thiện thể chế, kịp thời thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng tinh thần xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác triển khai Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12-5-2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV...
Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL, nắm bắt kịp thời và triển khai ngay những quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng thể chế, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo rà soát quy chế xây dựng, ban hành văn bản QPPL và xây dựng, ban hành mới quy chế xây dựng, ban hành văn bản QPPL của Bộ VHTTDL (kèm theo Quyết định số 1001/QĐ-BVHTTDL ngày 12-4-2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL). Theo đó, quy trình xây dựng văn bản QPPL tại Bộ đã được điều chỉnh bảo đảm quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL.
2. Kết quả thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật lĩnh vực VHTTDL năm 2024
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo, triển khai công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật trong năm 2024 trên tất cả các lĩnh vực: văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, bảo đảm thể chế hóa các quy định của Đảng, Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể:
Lĩnh vực văn hóa
Thứ nhất, ngày 23-11-2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều chính sách mới nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về văn hóa, di sản văn hóa; khắc phục những khó khăn, vướng mắc của Luật Di sản văn hóa hiện hành, giải quyết các vấn đề phát sinh; bảo đảm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16-4-2024 về quản lý bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Thứ hai, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được xây dựng trên cơ sở tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất để phát triển hoạt động quảng cáo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động này trên môi trường internet và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube...; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo. Dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Thứ ba, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung một số văn bản QPPL nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành như: trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2024/NĐ-CP ngày 12-11-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; ban hành Thông tư số 08/2024/TT-BVHTTDL ngày 18-10-2024 quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Hiện nay, Bộ đang xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; lập đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2-10-2013 về hoạt động mỹ thuật...
Thứ tư, Bộ đã tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất ban hành mới các văn bản QPPL nhằm điều chỉnh những vấn đề chưa có QPPL điều chỉnh (như: Lập đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển văn học đã được Chính phủ thông qua); các văn bản QPPL về cơ chế, chính sách, trong đó chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật (như: dự thảo Nghị định về một số chế độ, chính sách đặc thù đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật)...
Lĩnh vực thể thao
Thông tư số 01/2024/TT-BVHTTDL ngày 17-5-2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao (thay thế Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL và Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL) đã được ban hành nhằm bảo đảm văn bản QPPL về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao tại Việt Nam phù hợp với Bộ luật phòng chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cụ thể hóa các quy định về phòng, chống doping phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Lĩnh vực du lịch
Bộ trưởng đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BVHTTDL ngày 26-6-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15-12-2017 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL ngày 25-11-2019 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15-12-2017 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Thông tư được ban hành nhằm bảo đảm quy định về tên cơ quan thực hiện TTHC trong lĩnh vực du lịch phù hợp Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16-1-2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL; đồng thời bảo đảm đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18-8-2017 của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.
Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết được Bộ tập trung thực hiện với mục tiêu hạn chế việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết: năm 2024, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua, Khen thưởng (1); trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ VHTTDL cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm phạm vi quy định đúng với những nội dung được Luật giao và theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo Cục Di sản văn hóa bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Văn phòng Bộ xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật Lưu trữ về thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm chất lượng và tiến độ được giao.
Bên cạnh các nội dung hoàn thiện thể chế nêu trên, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15-3-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP nhằm thực thi Nghị quyết số 78/NQ-CP, đồng thời ban hành 2 Thông tư nhằm hoàn thiện các văn bản QPPL về nguồn nhân lực trong lĩnh vực VHTTDL (2).
3. Hạn chế, bất cập và giải pháp hoàn thiện thể chế lĩnh vực VHTTDL
Nhìn lại những thành quả trong công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể thấy Bộ VHTTDL đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn, chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua 3 Luật (Luật Điện ảnh năm 2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và Luật Di sản văn hóa năm 2024), phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng phần nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 Nghị định, 1 Quyết định, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống Thông tư với 61 Thông tư được Bộ trưởng ban hành. Riêng trong năm 2024, đến ngày 28-11-2024 đã chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban thông qua 1 Luật, 5 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư. Tuy nhiên, với một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, có thể thấy hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập như:
Thứ nhất, một số lĩnh vực chuyên môn chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...).
Thứ hai, đặc thù của đối tượng quản lý rộng, đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, hệ thống văn bản QPPL ngành VHTTDL tương đối phức tạp và nhạy cảm, vừa là những vấn đề hết sức trừu tượng nhưng đồng thời cũng là những nội dung cụ thể, hằng ngày của đời sống xã hội; định hình các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực văn hóa để điều chỉnh bằng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới không phải là vấn đề đơn giản; các chuẩn mực chung trong lĩnh vực văn hóa rất khó định lượng. Do vậy việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản QPPL để điều chỉnh về VHTTDL cũng hết sức khó khăn, dễ thay đổi, dễ lỗi thời, lạc hậu, khó bảo đảm được tính khái quát cao của QPPL.
Thứ ba, lực lượng công chức pháp chế (nguồn lực quan trọng trong công tác xây dựng văn bản QPPL) tại Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ còn hạn chế; việc tuyển dụng và đào tạo khó khăn đã phần nào ảnh hưởng đến công tác xây dựng văn bản QPPL.
Thứ tư, việc phối hợp lấy ý kiến các cấp, các ngành liên quan nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản còn gặp khó khăn. Ý kiến đóng góp đối với các dự thảo văn bản QPPL đôi khi chưa đạt hiệu quả.
Để công tác hoàn thiện thể chế lĩnh vực VHTTDL đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, công tác hoàn thiện thể chế VHTTDL phải bảo đảm bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng.
Thứ hai, tăng cường công tác rà soát văn bản QPPL; xác định rõ những nhiệm vụ, công việc cần tập trung giải quyết theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, có thứ tự ưu tiên phù hợp, cả trước mắt và lâu dài.
Thứ ba, chú trọng và đổi mới cách thức tiến hành công tác sơ kết, tổng kết việc tổ chức thi hành pháp luật; sơ kết, tổng kết theo đối tượng, phạm vi khác nhau, theo từng chuyên đề, kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo việc sơ kết, tổng kết toàn diện, đạt chất lượng. Qua hoạt động sơ kết, tổng kết kịp thời phát huy những mặt tích cực đạt được; xác định những hạn chế và nguyên nhân để từ đó đề ra giải pháp khắc phục nhằm bảm đảm thực hiện có hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phục vụ công tác xây dựng pháp luật giai đoạn tiếp theo.
Thứ tư, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi và hiệu quả, chất lượng của công tác dự báo trong xây dựng pháp luật.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, cách thức xây dựng pháp luật: kịp thời đôn đốc việc hoàn thiện văn bản đúng thời hạn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng; tiếp tục đổi mới hoạt động của Hội đồng thẩm định văn bản QPPL, nâng dần chất lượng của Hội đồng để các ý kiến của Hội đồng mang tính thực tiễn cao hơn.
Thứ sáu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định quy định chi tiết.
Thứ bảy, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, ngân sách và các điều kiện khác cho công tác hoàn thiện thể chế: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng, kỹ thuật lập pháp, kỹ năng rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; tập trung nguồn lực và huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong giai đoạn xây dựng chính sách để chính sách đảm bảo tính khả thi và mang tính dự báo phục vụ công tác soạn thảo văn bản ở giai đoạn tiếp theo; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
1. Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 6-6-2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và “Nghệ sĩ ưu tú” và Nghị định số 36/2024/NĐ-CP ngày 4-4-2024 quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.
2. Thông tư số 02/2024/TT-BVHTTDL ngày 17-6-2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thư viện, Di sản văn hóa, Văn hóa cơ sở, Tuyên truyền viên văn hóa, Mỹ thuật, Nghệ thuật biểu diễn và Điện ảnh và Thông tư số 03/2024/TT-BVHTTDL ngày 17-6-2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục Thể thao.
VỤ PHÁP CHẾ
Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"