Các nhân tố tác động đến đời sống văn hóa sinh viên hiện nay

Sinh viên là thế hệ kế cận tương lai đóng góp một phần hết sức quan trọng cho lực lượng lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, là nhân tố quyết định tới sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì thế, đội ngũ này cần sự quan tâm đặc biệt của tất cả các bên liên quan trong cộng đồng, xã hội về nhiều mặt và đời sống văn hóa sinh viên có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của sinh viên, hướng họ tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Hơn thế nữa, việc quan tâm xây dựng đời sống văn hóa sinh viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng đội ngũ trí thức trẻ với những năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về mặt nhân sự nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bài viết phân tích các nhân tố tác động đến đời sống văn hóa của sinh viên hiện nay.

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong ngày hội thao của trường - Ảnh: Phạm Lê Trung

1. Đặt vấn đề

Nhiệm vụ phát triển kinh tế luôn phải song hành cùng với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, hơn thế nữa đời sống văn hóa còn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một quốc gia, nhiệm vụ phát triển đời sống văn hóa đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, chúng ta không thể không nhắc tới việc xây dựng đời sống văn hóa cho sinh viên các trường đại học. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, bậc đại học là bậc học rất quan trọng nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho xã hội. Sinh viên đại học là lứa tuổi đặc thù, có sự chuyển biến, phát triển, thay đổi mạnh mẽ cả về thể chất, tâm sinh lý lẫn nhận thức, trí tuệ, tâm hồn, tình cảm... Đời sống văn hóa của sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân sau này.

2. Các nhân tố tác động đến đời sống văn hóa sinh viên

Các nhân tố ảnh hưởng đến đời sống văn hóa sinh viên sẽ được phân chia làm 2 loại là nhân tố khách quan - những nhân tố ảnh hưởng, tác động đến từ bên ngoài và nhân tố chủ quan từ phía sinh viên. Trước khi phân tích, chúng ta cần làm rõ cách tiếp cận để không bị nhầm lẫn, chồng chéo và trùng lặp các nhân tố.

Những nhân tố chủ quan

Thứ nhất, về đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi

Đứng trên phương diện là sinh viên, góc nhìn và quan điểm của thế hệ thanh niên, tuổi trẻ, có thể thấy rất rõ đời sống văn hóa của các sinh viên bị tác động, chi phối bởi đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.

Một trong những đặc điểm về nhân khẩu học, cũng như tâm sinh lý của sinh viên đó là sức trẻ, là trí lực và thể lực rất tốt, có sự nhiệt huyết, sôi nổi, năng động và chính nhờ những đặc điểm thế mạnh này mà các hoạt động văn hóa trong môi trường học đường của sinh viên rất mạnh mẽ, bùng nổ thậm chí là tiêu biểu. Có thể kể đến các hoạt động đoàn, công tác thanh niên, công tác thiện nguyện, các cuộc thi năng động sáng tạo rồi các chương trình nghệ thuật. Ví dụ: Trường Đại học Kinh tế quốc dân thống kê 1 năm, Đoàn Thanh niên từ cấp trường tới cấp Liên chi Đoàn khoa và chi Đoàn trực thuộc tổ chức khoảng hơn 500 chương trình lớn nhỏ mỗi năm, nhiều chương trình thu hút cả ngàn sinh viên tham gia, Trường Đại học Ngoại thương hay Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tương tự… Đời sống văn hóa của sinh viên luôn được quan tâm rất sát sao, không chỉ vì chính sách hay do chỉ đạo định hướng từ cấp trên mà do chính các sinh viên. Chính những người vừa là chủ thể, vừa là khách thể, vừa là người tổ chức cũng là đối tượng thụ hưởng thực hiện. Theo một số nghiên cứu về khát vọng, mong muốn của sinh viên trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, kết quả cho thấy rằng phần lớn sinh viên mong muốn học tập để có công việc phù hợp, thu nhập tốt, có thể hỗ trợ, giúp đỡ gia đình. Ngoài ra trong quá trình học tại trường, sinh viên mong muốn được trải nghiệm nhiều nhất có thể, được học tập dưới nhiều hình thức, học nhiều kiến thức đa dạng, không chỉ bó gọn trong sách vở hàn lâm mà còn muốn trau dồi thêm các kỹ năng, tham gia vào các hoạt động mang tính chất đoàn thể, xã hội. Tuy nhiên, có một thực trạng mà tất cả mọi người trong xã hội đều rất cần lưu ý, đó là sự phân hóa. Một bộ phận không nhỏ sinh viên vẫn chưa thực sự hòa nhập được với tập thể, với các hoạt động tại trường, vẫn còn thụ động, chưa tích cực, không chủ động tham gia vào các hoạt động đoàn thể mà chỉ khi nào bắt buộc mới tham gia. Việc này có sự ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của các hoạt động đoàn thể và công tác thanh niên, suy rộng ra còn ảnh hưởng nhiều tới đời sống văn hóa của sinh viên. Mặt khác, rất nhiều các sinh viên luôn tích cực, tinh thần dám nghĩ dám làm, tình nguyện dấn thân và xung kích, thậm chí không ngại khó khăn, dành thời gian, công sức tham gia tích cực vào nhiều hoạt động đoàn thể, xã hội. Công tác thanh niên, đóng góp tích cực cho tập thể, nhà trường, xã hội, thậm chí trong số các sinh viên này hình thành một lớp thanh niên ưu tú, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, vững vàng bản lĩnh chính trị, xuất chúng trong các lĩnh vực chuyên môn, tiêu biểu cho thế hệ thanh niên trẻ trong thời đại.

Bên cạnh những mặt tích cực đó, tâm lý lứa tuổi sinh viên cũng có những tác động tiêu cực nhất định đến đời sống văn hóa sinh viên. Do đặc điểm ưa thích cái mới và là lứa tuổi chưa ổn định về tư tưởng, bản lĩnh chính trị nên sinh viên dễ dàng tiếp nhận cả những cái mới phản văn hóa, từ đó có những hành vi phản văn hóa. Vẫn còn một bộ phận sinh viên không có hoài bão, lý tưởng, thiếu ý chí phấn đấu, thờ ơ với các hoạt động chính trị - xã hội; số ít còn bị sự tác động của phản tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch. Một bộ phận sinh viên có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, lười lao động, ngại khó khăn, sùng ngoại, xem nhẹ các giá trị văn hóa dân tộc.

 Thứ hai, về điều kiện và hoàn cảnh kinh tế cá nhân

Một trong những đặc thù của sinh viên các trường cao đẳng, đại học đó là tính đa dạng về quê quán. Số lượng sinh viên không phải đến từ các thành phố lớn trong cả nước chiếm đa số tại Hà Nội, TP.HCM và các trường đại học trọng điểm vùng. Trong số đó, đa phần các sinh viên vẫn phải dựa vào các khoản tài chính từ gia đình để đóng học phí, tiền sinh hoạt, một số các khoản chi phí khác, có rất ít sinh viên đến Hà Nội hay TP.HCM đã có thể độc lập về tài chính ngay được. Bên cạnh đó vẫn có một bộ phận nhỏ các sinh viên với nền tảng gia đình có điều kiện kinh tế dư dả phục vụ tốt cho việc học tập, sinh hoạt, chính vì vậy, nhóm sinh viên này sẽ thoải mái hơn và có thể tham gia vào các hoạt động văn, thể, mỹ, các hoạt động đoàn thể, công tác thanh niên hơn là các sinh viên với điều kiện khó khăn. Nhiều sinh viên ngoại tỉnh ngoài thời gian học tập trên lớp vẫn phải đi làm thêm, để trang trải học phí và sinh hoạt phí, thậm chí có những trường hợp “dính” vào những hoạt động tiêu cực do thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức, thậm chí bị dụ dỗ vào con đường tội lỗi, có những trường hợp được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể nói, điều kiện tài chính cá nhân là một trong những nhân tố nội tại có ảnh hưởng và tác động rất lớn tới mức độ tham gia và chất lượng tham gia của sinh viên vào các hoạt động đoàn thể, xã hội và chất lượng đời sống văn hóa sinh viên.

Những nhân tố khách quan

Thứ nhất, xu thế toàn cầu hóa và sự giao thoa văn hóa, du nhập văn hóa từ nước ngoài

Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu khách quan, không một quốc gia hay cá nhân nào có thể đi ngược lại, và xu thế này đã, đang và sẽ tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội và đương nhiên đời sống văn hóa sinh viên cũng không ngoại lệ.

Dưới góc nhìn tích cực, sinh viên Việt Nam nói chung và đời sống văn hóa của sinh viên được cải thiện rất nhiều thông qua quá trình hội nhập quốc tế. Các chương trình liên kết, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như trên trường quốc tế tạo ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên, gia tăng hiểu biết, tăng cường trao đổi về học thuật, văn hóa, tiếp thu tinh hoa thế giới, làm giàu thêm tri thức.

Thêm vào đó, phong cách thanh niên, sinh viên cũng năng động và cởi mở hơn nhờ quá trình toàn cầu hóa. Thanh niên, sinh viên ngày càng có ý thức học tập, cầu tiến, mở rộng giao lưu, tiếp cận những giá trị mới, nhờ thế tính sáng tạo và nhân văn trong văn hóa của sinh viên cũng tăng lên.

Bên cạnh những mặt tích, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tạo ra những hệ quả không đáng có, thậm chí là tiêu cực. Các sinh viên với tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm sống, trải nghiệm chưa nhiều nên bản lĩnh chính trị chưa được trang bị đầy đủ, thậm chí là còn non nớt, chưa hình thành được ý thức cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, đưa vào những tư tưởng lệch lạc, thậm chí những luận điệu, quan điểm sai trái, những luồng văn hóa phản nhân văn, những lối sống không lành mạnh, hưởng thụ, đề cao dục vọng cá nhân, thỏa mãn cá nhân... đang len lỏi vào đời sống sinh viên, thanh niên hiện nay. Thêm nữa, những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa có thể làm biến đổi các giá trị văn hóa dân tộc, làm mờ nhạt giá trị văn hóa dân tộc trong thanh niên, sinh viên. Một số hiện tượng giả danh tôn giáo thậm chí chà đạp nên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thêm vào đó một số thành phần trên không gian mạng đề cao hưởng thụ, lối sống gấp, thậm chí làm lệch lạc giá trị xã hội của thanh niên.

Thứ hai, tác động của công nghệ truyền thông, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng, nhất là internet phát triển rất mạnh, nó đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối internet, chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, YouTube, Twitter… trong đó, phổ biến nhất là Facebook. Mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là xem nó như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.

Internet và các trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng… nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống văn hóa cho thanh niên, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Đặc điểm nổi trội của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng bị trộn lẫn giữa những thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng thông tin, tư tưởng, không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng.

Điều đáng quan tâm lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Điều này, rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ.

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nhất là tuổi trẻ hiện nay, mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội.

Bên cạnh việc giáo dục cho thanh niên nâng cao hiểu biết về các trang mạng xã hội, cần hướng dẫn, tư vấn cho họ những kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội. Điều hết sức quan trọng là phải chỉ cho họ thấy được tính hai mặt của mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá. Chỉ dẫn cho họ biết cách ứng xử và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc, mời gọi, khiêu khích, lôi kéo, phản động… đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cho thanh niên, làm cho họ biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Các thông tin đưa lên mạng phải đúng với quy định của pháp luật, của đơn vị, địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội; phải hết sức thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân và các hoạt động của đơn vị, nhất là đơn vị quân đội, công an lên các trang mạng xã hội.

Thứ ba, tác động từ phía gia đình, nhà trường và xã hội

Chúng ta vẫn biết nền tảng giáo dục của bất kỳ ai đều phải xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đầu tiên gia đình nắm vị trí đặc biệt quan trọng, là điểm tựa, gốc rễ và là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Môi trường giáo dục gia đình ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của thế hệ trẻ. Ví dụ, trong ca dao văn học cổ của Việt Nam cũng đã thể hiện rất rõ vai trò của gia đình trong việc kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần như: “Ai về tôi gửi đôi giày, phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi” hoặc “Dù đi khắp bốn phương trời/ Công cha nghĩa mẹ không ai sánh bằng” hay những câu tục ngữ rất đơn giản như “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” hay “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”…

Một gia đình yêu thương gắn bó, hòa thuận, mọi người sống tình cảm khăng khít và sẻ chia chắc chắn sẽ là một “mảnh đất” tốt để ươm mầm, nuôi dưỡng những hạt giống trưởng thành. Tình yêu thương gia đình cũng là một trong những nhân tố tác động rất lớn, ảnh hưởng tới đời sống sinh viên của thế hệ trẻ và ngược lại, sự giáo dục gia đình lệch lạc, không có văn hóa, nhiều mâu thuẫn phức tạp, thậm chí vi phạm pháp luật, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách và đời sống văn hóa cho sinh viên. Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường cũng như xã hội cũng không thể phủ nhận, đời sống văn hóa sinh viên cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nhà trường là cơ sở đào tạo, là thiết chế trang bị cho sinh viên, cho người học tri thức cơ bản về các chuyên ngành, chuyên môn, cũng là nơi hình thành cho sinh viên những năng lực cần thiết, chuẩn bị cho sinh viên những hành trang để bước vào thế giới nghề nghiệp. Và có lẽ đời sống văn hóa sinh viên phong phú hay tẻ nhạt, thăng hoa hay buồn bã, có nhiều trải nghiệm hay ít trải nghiệm đều ở thời gian ngồi trên ghế nhà trường… Hơn thế nữa, đây cũng là nơi các sinh viên sinh hoạt cùng nhau, hình thành những mạng lưới quan hệ, ảnh hưởng tương trợ, tương hỗ lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong nhiều mặt của đời sống. Từ đó cũng một phần hình thành nhân cách cho sinh viên sau này.

Kết luận

Quá trình xây dựng đời sống văn hóa sinh viên chịu sự tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, yêu cầu cần thiết là khai thác, phát huy những tác động tích cực và khắc phục những tác động tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa sinh viên hiện nay. Để khai thác, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố tác động đến đời sống văn hóa sinh viên có thể đề xuất một số giải pháp sau: Một là, cần nâng cao nhận thức về xây dựng đời sống văn hóa sinh viên. Hai là, tăng cường hoàn thiện và bổ sung các văn bản về xây dựng đời sống văn hóa sinh viên. Ba là, tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ chuyên trách quản lý hoạt động xây dựng đời sống văn hóa sinh viên. Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa trong nhà trường. Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, đẩy mạnh các phong trào văn hóa trong nhà trường. Sáu là, xã hội hóa hoạt động xây dựng đời sống văn hóa sinh viên. Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng đời sống văn hóa sinh viên.

NGUYỄN THỊ MỸ LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;