Dấu ấn ngành VHTTDL nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Bài 1: Quyết liệt hành động, tham mưu đúng và trúng

Với tinh thần “quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành VHTTDL đã đạt được những dấu ấn đậm nét. Đây cũng là giai đoạn Bộ VHTTDL được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao trong công tác tham mưu, đề xuất các chính sách cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, từ đó thúc đẩy ngành VHTTDL phát triển theo hướng bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - Ảnh: Trần Huấn

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với việc quán triệt sâu sắc, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị và đồng phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Chính phủ tham gia tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24-11-2021. Đây được đánh giá là “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với toàn ngành Văn hóa. Bởi, tính đến thời điểm năm 2021, đây là lần thứ 3 Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Đảng, Nhà nước tổ chức sau 75 năm kể từ hội nghị lần thứ nhất (24-11-1946) và 73 năm kể từ hội nghị lần thứ hai (1948).

Hội nghị đã thành công trên nhiều phương diện, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, được dư luận và đông đảo nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Bài phát biểu kết luận hội nghị quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp đã thôi thúc và đặt ra cho toàn hệ thống chính trị yêu cầu nỗ lực cao hơn để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Sau hội nghị, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa và sự quan tâm đối với văn hóa của cả hệ thống chính trị, và xã hội được nâng cao rõ nét. Nhiều tỉnh, thành đã tổ chức hội nghị về văn hóa. Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025) với các đề án, chương trình cần xây dựng, thực hiện như: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển văn học nghệ thuật góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030; Đề án đầu tư quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của Việt Nam và thế giới; Chương trình Xây dựng dữ liệu lớn (big data) về văn hóa, nghệ thuật và di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng Nhà hát nghệ thuật quốc gia…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (nay là Chủ tịch nước); Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan Triển lãm “Bản sắc văn hóa Bắc Ninh” chào mừng Hội thảo Văn hóa 2022 - Ảnh: Trần Huấn

Thời gian qua, nhiều địa phương đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa, với tổng mức đầu tư của các địa phương đạt và vượt 2% trong chi ngân sách; có những địa phương khó khăn cũng đã dành 17% đầu tư cho lĩnh vực này.  Thủ đô Hà Nội, đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: y tế, giáo dục và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong hai năm 2021-2022, Hà Nội đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố. Mới đây, ngày 9-7-2023, Bộ Công an và UBND TP Hà Nội đã khánh thành Nhà hát Hồ Gươm hiện đại, giữa trung tâm Thủ đô, bổ sung thêm một thiết chế văn hóa mang tầm vóc quốc tế gồm 6 tầng nổi, 3 tầng hầm, khán phòng chính 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật, cùng các công trình phụ trợ khác.

Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nghị quyết nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, gấp đôi so với mức chung của cả nước là 2%. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích trên địa bàn, trong đó ban hành Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 về Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, với mức hỗ trợ đầu từ ngân sách tỉnh là 90,9 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai đầu tư cho phát triển VHTTDL tăng đáng kể, chỉ tính riêng năm 2022, nguồn lực từ ngân sách nhà nước là hơn 293 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021 (trên 257 tỷ đồng)...

“Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để từ đó có được nhiều đề xuất chính sách giải pháp trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch”

(Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL ngày 31-3-2023)

“Phát hiện ra nhiều điểm nghẽn, nhiều vấn đề phải kiến nghị và quan trọng nhất là đã tham mưu đúng, trúng và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, cho phép tổ chức Hội thảo về Thể chế, chính sách và nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa mà Bộ VHTTDL là cơ quan tham mưu và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì, định hướng cho Bộ những công việc phải làm, những điều trong bộ luật cần thay đổi, khơi thông được nguồn lực trong phát triển. Đặc biệt, Bộ VHTTDL đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ trong việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây là bước đi quan trọng, có tính chất then chốt cho phát triển văn hóa trong những năm tiếp theo”

(Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2023 của ngành VHTTDL ngày 22-12-2022)

Hội thảo  khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” - Ảnh: Tuấn Minh

Thực hiện chỉ đạo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Kế hoạch 81/KH-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ VHTTDL tiếp tục đề xuất, tham mưu, phối hợp với các ban, ngành triển khai nhiều hoạt động văn hóa quan trọng mang tầm quốc gia. Đó là, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; phối hợp với Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách và tạo nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Đầu năm 2023, Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) do Bộ VHTTDL tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ và chủ trì triển khai được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực hưởng ứng, tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sức lan toả sâu rộng. Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023): Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam với chủ đề: “Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”; Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”; Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Thông qua các sự kiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức trường tồn, lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua. Với hoạt động trọng tâm và cũng là điểm nhấn của chuỗi sự kiện là Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”, do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thông qua hai nội dung chính: “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam”; “Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, Hội thảo đã khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi: dân tộc - khoa học - đại chúng của Đề cương về văn hóa Việt Nam; nghiên cứu làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương, đồng thời nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của đề cương, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiết mục trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam - Ảnh: Tuấn Minh

Cụ thể hóa các chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, Bộ VHTTDL đã đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; tham mưu, đề xuất và Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023- 2025. Theo đó, Bộ VHTTDL được giao chủ trì thực hiện, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023- 2025. Chương trình gồm 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung vào các lĩnh vực: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa... 

Không chỉ chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, Bộ VHTTDL còn tăng cường phối hợp công tác, hỗ trợ các địa phương triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về VHTTDL. Nhiều hoạt động về văn hóa đã diễn ra sôi nổi tại các địa phương như: Hội nghị văn hóa toàn tỉnh Hà Tĩnh; Hội nghị văn hóa toàn tỉnh Bắc Ninh; Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa” tại các địa phương tiếp tục được triển khai theo hướng thực chất. Phong trào ngày càng được lan tỏa trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị, cơ quan công sở, doanh nghiệp...; các mô hình văn hóa điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng được nhân rộng...

Khách du lịch nước ngoài đến với vịnh Lan Hạ, Hải Phòng - Ảnh: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu trong nhiều hoạt động như: kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, cho phép các hoạt động du lịch hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới từ 15-3-2022; tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”… qua đó, tìm ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. 

Lĩnh vực thể thao cũng được Bộ VHTTDL quan tâm tới phát triển thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, qua đó chú trọng tới phát triển các loại hình rèn luyện sức khỏe đơn giản, dễ tập...; phát triển thành tích cao theo hướng tập trung tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các VĐV có thành tích thi đấu xuất sắc (2 VĐV Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Oanh đã đoạt 3 HCV tại SEA Games 31, 8 HCV tại các kỳ SEA Games) - Ảnh: Trần Huấn

Nhờ vậy, thời gian qua, Thể thao Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ như: SEA Games 31 (2022) được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế; tổ chức thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX- năm 2022. Lần đầu tiên Thể thao Việt Nam thi đấu trên sân khách, đứng thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 (2023) với 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng; Đội tuyển bóng đá Nữ Việt Nam lần đầu tiên giành quyền tham dự vòng Chung kết Bóng đá Nữ 2023 (FIFA World Cup Woman 2023), đã đặt dấu mốc có ý nghĩa lịch sử của bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá nữ nói riêng...

NGỌC BÍCH

;