Hiểu một cách cơ bản, xã hội loài người tồn tại và phát triển được là do có sự học hỏi kế thừa tri thức, ký ức đã tích lũy được từ thuở “khai thiên lập địa”. Sự truyền dạy - hay “đào tạo” nói theo ngôn ngữ hiện đại-là một hoạt động vô cùng cơ bản của con người bên cạnh các hoạt động bản năng. Nhờ tư duy nên việc truyền dạy của con người phần nhiều có ý thức, có chủ đích, có tính toán nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Trình diễn nghệ thuật dân tộc Thái (Yên Bái) - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Trong tham luận này, thuật ngữ “truyền dạy” xuất hiện song song với “đào tạo”, với ý nghĩa là một hình thức hay một kênh đào tạo truyền thống, bên cạnh mô hình nhà trường chính quy, nhưng lại vô cùng quan trọng vì nó được thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc và diễn xướng truyền thống. Đồng thời, tham luận trình bày chủ yếu những nhận xét của cá nhân tác giả khi tham gia quá trình đó một thời gian khá dài, nhất là trong quãng thời gian gần 10 năm vận hành Quỹ Đan Mạch - Việt Nam Phát triển Văn hóa Vùng và Dân tộc ít người, hoạt động dưới sự bảo trợ của Chính phủ Đan Mạch và Bộ Văn hóa -Thông tin Việt Nam (nay là Bộ VHTTDL).
Truyền dạy và đào tạo thực chất liên quan tới một tuyến hoạt động gồm 2 chủ thể chính: Thầy dạy (chủ thể truyền trao tri thức, kỹ năng, bí quyết hay tay nghề) và Học viên (chủ thể tiếp nhận những gì Thầy truyền cho) thông qua một kênh hay một hình thức tương tác nào đó. Như vậy, trợ giúp thiết lập được kênh tương tác vững bền, hiệu quả trong quá trình truyền thông giữa 2 chủ thể này chính là mục đích nhằm tới của Quỹ chúng tôi với các khoản tài trợ đa dạng. Do vậy, để hoạt động truyền dạy tài năng trẻ có hiệu quả, chúng ta cần khảo sát và tìm hiểu từng chủ thể một.
A. Học viên
Trong thực tế, học viên có thể là bất kỳ ai, không phụ thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh xuất thân, nghề nghiệp. Có những nơi, nhu cầu học ca-vũ truyền thống lại là nhũng người lớn tuổi; họ có nhiều thời gian rỗi và muốn sống một đời sống lạc quan, mạnh khỏe để tránh tật bệnh và quên tuổi già. Nhưng vì nghệ thuật đòi hỏi người ta phải tiếp cận càng sớm càng tốt nên nhóm học viên này sẽ có hạn chế và mức độ truyền dạy chỉ cốt sao để họ nắm được điểu cơ bản và thực hiện được để “giải trí” cho chính mình và cho phong trào quần chúng. Do đó, yêu cầu nghệ thuật đối với nhóm đối tượng này không cần khắt khe và chất lượng không cần quá cao. Nếu có những trường hợp tài năng tự nhiên phát lộ (như cụ bà họa sĩ Lê Thi trước đây mà báo chí đã từng đưa tin) thì rất nên khuyến khích họ và họ sẽ có khả năng hay tiềm năng tham gia nhóm chủ thể “Thày dạy” phi chính quy để bổ sung vào đội ngũ nghệ nhân sẽ hao hụt dần do quy luật sinh học.
Họ không có nhu cầu kiếm sống nên nhiều người yên tâm rèn luyện tay nghề để đạt mức ‘nghệ nhân”. Chúng tôi đã chứng kiến, sau một vài khóa huấn luyện, bồi dưỡng, có những học viên học ca-vũ hiện đại đã có thể quay về địa phương hay cộng đồng mình để truyền dạy học viên mới. Lý tưởng là họ vẫn giữ mối quan hệ với thầy học để tiếp tục hoàn thiện trình độ nghệ thuật của bản thân.
Song chủ đề của thảo luận là hướng tới tài năng trẻ, nên chúng tôi dẫn chứng nhóm học viên “không còn trẻ” bên trên chỉ để làm nhóm đối chứng, để so sánh sơ lược, với mục đích làm nổi bật đối tượng ta cần hướng tới - đó là tài năng trẻ.
Chắc không cần phải bàn cãi tại sao chỉ chú ý vào giới trẻ. Một điều hiển nhiên là, giới trẻ sẽ có nhiều thời gian, sức lực và trí lực để hoạt động và cống hiến cho xã hội hay cộng đồng vì họ là chủ nhân tương lai của đất nước. Và nghệ thuật, nhất là các bộ môn như âm nhạc, ca vũ, kịch nghệ lại càng đòi hỏi người ta phải bắt đầu từ khi còn sớm, thậm chí từ niên thiếu. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, ngay từ đầu ta đã phải xác định rõ ràng động cơ của nhóm học viên này để thiết kế chương trình đào tạo hay truyền dạy cho phù hợp. Ví dụ, có không ít học viên xin tham gia khóa học nhạc dân tộc hay nhạc cụ dân tộc chỉ để thỏa mãn đam mê, sở thích riêng vì họ đang/ sẽ kiếm sống bằng nghề nghiệp khác. Sở thích cũng như chủ đích của họ khi học nghệ thuật có ranh giới cận kề với nhóm “trung niên trở nên” nói trên và vì thế, thầy dạy cũng không nên thất vọng nếu như họ học mà bỏ lửng giữa chừng, hay học không tới, không “chín”. Nghệ sĩ Ca Huế Thanh Tâm có lần chia sẻ với chúng tôi rằng, một số người đến xin học bà một, hai bài ca Huế chỉ để vui, hay “làm màu” hay thậm chí xuống hát ở đò trên sông Hương cho đỡ mang tiếng, nếu chỉ hát các bài hát mới mang âm hưởng nhạc Huế và gọi đó là “Ca Huế” (?!). Bản thân chúng tôi cũng từng hướng dẫn một (1) bài đàn tranh duy nhất cho một số em trước khi đi du học để các em làm đẹp hồ sơ du học hay sau này tham gia hoạt động văn nghệ ở trường đại học.
Nhưng cũng có học viên lại có động cơ học nghệ thuật truyền thống như là học nghề - một động cơ hoàn toàn chính đáng và nên động viên. Khi Trung tâm Âm nhạc Cổ truyền của cố nghệ sĩ Thao Giang thành lập cách đây hơn chục năm, có những phụ huynh “cơm đùm cơm nắm” dắt con đến học để hy vọng sau này có nghề nghiệp trong tay. Và quả thật, một số em nay đã thành danh, hoạt động trong các trung tâm âm nhạc của Hà Nội hay một vài tỉnh khác khá sôi nổi. Ngược lại, khi chưa hiểu rõ thì học viên sẽ nản chí, thậm chí là thất vọng. Khi khóa Đàn và Hát Dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam mở ra khoảng năm 1996- 1997 nhằm cổ động phong trào quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa truyền thống, có học viên đặt vấn đề luôn là, học xong khóa đào tạo này thì liệu họ có được tuyển vào làm ở Đài không? Dĩ nhiên là không vì chất lượng đào tạo ở đó sẽ dừng lại ở mức quần chúng, đúng với mục đích của Khóa học.
Trong một cuộc phỏng vấn, có sinh viên khoa Kịch hát Dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: “Em không yêu thích môn kịch hát dân tộc nhưng em cứ thi vào đây vì chỉ muốn có tấm bằng đại học, còn ra làm gì thì không biết”. Quả thật là nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành nghệ thuật ra rồi chuyển làm nghề nghiệp khác, phí mấy năm học trong trường và trong chừng mực nào đó, lãng phí đầu tư của xã hội.
Do vậy, xác định mục đích, động cơ học nghệ thuật ngay từ đầu sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phân loại học viên và phân loại quy mô đầu tư, tránh sự thất vọng hay căng thẳng từ cả hai phía chủ thể.
Một điều không thể bàn cãi là, muốn đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, nhất là âm nhạc hay ca múa nhạc truyền thống, đòi hỏi phải có phần nào tố chất bẩm sinh kết hợp với lòng kiên trì, với sự rèn giũa và có thầy giỏi. Nhưng phát hiện ra tài năng lại là một việc không dễ thực hiện. Có trường hợp tài năng không đợi tuổi, như Moza biết chơi nhạc khi mới lên 4; nhưng cũng có khi tài năng chỉ phát tiết khi nghệ sĩ đã hành nghề một số năm, qua sự trui rèn của sân khấu. Ngày nay, nhờ công nghệ thông tin phát triển, người ta có thể xây dựng các bài test để góp phần kiểm tra năng khiếu thí sinh ghi danh vào học môn nghệ thuật nào đó, bên cạnh hình thức vẫn là test trực tiếp, cho ấn tượng và cảm giác thực sự hơn và chính xác hơn. Trước đây nhiều năm, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phải cất công đi về các địa phương tìm kiếm các em nhỏ có năng khiếu để về đạo tạo tại Đoàn và phải nói rằng, các nỗ lực như vậy cho kết quả rất tốt. Nhiều học viên thiếu niên trong số đó nay đã trở thành Nghệ sĩ Nhân dân có tên tuổi và tay nghề cao. Bên cạnh đó, cũng có những người đành chia tay với nghề.
Dưới tác động của công nghệ và toàn cầu hóa, giới trẻ ngày nay có xu hướng thích sống trong thế giới “phẳng” và “ảo”; trào lưu trở thành “công dân toàn cầu” đang ngày càng hiện hữu rõ nét. Các luồng văn hóa gần gũi hay khác lạ, văn hóa hiện đại xâm nhập vào xã hội Việt Nam ngày càng sâu rộng khiến giới trẻ - và kể cả cộng đồng - có nhiều cơ hội tiếp cận tinh hoa của nhân loại, nhưng cũng thay đổi cảm quan thẩm mỹ hay mỹ cảm, xúc tác việc thiết lập các hệ giá trị mới. Có vẻ như, có một lực vận động, chuyển dịch đang diễn ra trong giới trẻ một cách tự nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để hình thành nên một hệ giá trị phổ quát, chung cho nhân loại và song song là một nền văn hóa toàn cầu. Đây là vấn đề nóng bỏng mà cần phải có các giải pháp để điều hòa mối cân bằng giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và tiếp biến văn hóa.
Giới trẻ ngày nay rất nhạy bén với tính hiện đại, luôn cập nhật với thế giới bên ngoài nhờ tiến bộ khoa học, công nghệ trong xây dựng các nền tảng tương tác qua mạng xã hội; họ thích tốc độ, năng động, và khao khát thể hiện bản sắc Cá nhân của mình ở các hoàn cảnh khi có thể. Vì thế, quan điểm thẩm mỹ thay đổi là một quá trình diễn ra rất tự nhiên. Chính nhận thức và cách tiếp cận của giới trẻ với văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc thể hiện khá rõ nét sự biến đổi vô thức đó. Ví dụ: giới trẻ không thích tốc độ chậm rãi, khoan thai, đôi khi gây cảm giác rề rà trong tiết tấu âm nhạc cổ truyền và diễn tiến của vở Chèo hay Tuồng, hay Cải lương. Thêm vào đó, các từ ngữ trong lời bài hát hay hội thoại của sân khấu truyền thống có nhiều ngữ nghĩa cổ, cách diễn đạt cổ, gây khó hiểu với khán giả hiện đại, gây cản trở việc tiếp nhận cái đẹp từ đó. Thêm vào nữa, thời lượng phát các chương trình âm nhạc hay ca kịch truyền thống trên phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu hay truyền cảm hứng thì lại quá ít so với chương trình có nội dung hiện đại hay của nước ngoài.
Thị trường cho nhân lực trong ngành Văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng trải qua biến đổi lớn. Các đoàn nghệ thuật truyền thống đang tiếp tục cho thấy sự sút giảm quy mô hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích cho hiện tượng bộ môn Chèo và Cải lương của Khoa Kịch hát Dân tộc Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh tạm đóng cửa trong thời gian vừa rồi vì không có thí sinh ghi danh vào học. Trong khi đó, các bộ môn như điện ảnh hay truyền hình thì vẫn ghi nhận số học viên gia tăng.
Như vậy, chúng ta thấy, để đào tạo tài năng, ngoài việc phân loại học viên dựa trên động cơ học, dựa vào năng khiếu rồi thì cần phải duy trì động cơ của người học thì mới mong năng khiếu bẩm sinh được rèn rũa để phát huy. Nói một cách hình tượng, hạt sen đã có tố chất để trở thành cây sen cho ra hoa đẹp; nhưng chỉ trong điều kiện có nước có bùn đất, thời tiết ôn hòa, không nóng không lạnh thì nó mới nảy mầm được. Đó là các điều kiện bắt buộc phải có, không thể bỏ qua để hạt sen có khả năng nảy mầm.
Nhà nước ta trong những năm qua đã có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ươm mầm tài năng trẻ trong nghệ thuật truyền thống như: phát động các cuộc thi trên truyền hình và ở ngoài đời cho cộng đồng để phát hiện tài năng, tuyển chọn học viên từ độ tuổi thấp, hình thành trường chuyên lớp chọn, miễn học phí cho học viên, phân công giáo viên giỏi truyền dạy, mở các cuộc thi chuyên môn, trao tặng danh hiệu, huy chương v.v... Song, trở ngại lớn nhất lại là thị trường lao động trong điều kiện kinh tế thị trường mở như hiện nay. Quy luật cung - cầu, một mặt bắt người ta phải luôn luôn cập nhật trình độ, kiến thức, rèn rũa tài năng của bản thân để không bị loại bỏ khỏi thị trường, mặt khác, nó khiến cho một số ngành nghệ thuật truyền thống không ‘hot’- như đã nói ở phần trước - trở thành thiếu hấp lực. Vấn đề đặt ra là sự hấp dẫn đối với “đầu ra” trong sự nghiệp truyền dạy nghệ thuật kể cả khi nó có “đầu vào” khá tốt.
Theo chúng tôi, muốn xử lý được thực trạng này thì cần giải pháp rất đồng bộ từ thể chế, tới chính sách và việc thực hiện. Nhật Bản dám duy trì cả một dàn Nhã nhạc, nơi tuyển chọn nghệ sĩ và yêu cầu tập luyện rất khắt khe nhưng lương bổng rất cao. Tại sao nghệ sĩ ở đó lại yên tâm làm việc? Ở ta, bài báo mới đây trên Dân Trí nói về hiện trạng các nghệ sĩ Chèo và Cải lương cho thấy mức sống của họ không đảm bảo để họ cuộc sống khả dĩ gọi là tươm tất, song bài báo cũng cho biết, dù lương thấp, dù ở chật chội trong khu tập thể, hay phải ở nhà thuê, các nghệ sĩ, khi lên sân khấu, vẫn cứ sống hết mình với vai diễn, với nghệ thuật. Nhìn lại, họ là lứa nghệ sĩ đã qua/hay sắp bước vào tuổi trung niên khi khó tìm được cơ hội làm thêm việc khác để trợ giúp gia đình.
Còn đối với lớp trẻ thì sao? Khi họ còn trẻ thì có thể vì yêu nghệ thuật mà họ chịu sống kham khổ; họ có tài trong nghệ thuật nhưng chưa chắc đã có tài làm kinh tế để bảo đảm cuộc sống. Nếu muốn họ toàn tâm toàn ý phát triển tài năng thì cần có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước và các khu vực phi Nhà nước như đầu tư của tư nhân qua các loại Quỹ hỗ trợ văn hóa, nghệ thuật, dựa trên quan điểm là tài năng là yếu tố then chốt làm nên tinh hoa, đỉnh cao của bộ môn nghệ thuật nào đó
Nói tóm lại, đào tạo tài năng là một quá trình đi từ: động cơ - năng khiếu - truyền dạy - tới thành nghề. Và khi học viên đã ra nghề thì nhân tố quyết định là các điều kiện khuyến khích tài năng, nảy nở và phát huy một cách bền vững.
B. Người truyền dạy
Dĩ nhiên, trong điều kiện trường lớp chính quy thì nguồn giáo viên vẫn là nhũng người được đào tạo đúng chuyên ngành và có năng lực sư phạm. Việc bổ sung thường xuyên nguồn giáo viên vẫn được tiến hành bằng cách giữ lại sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có nguyện vọng ở lại trường làm giáo viên. Hoặc là, trường sẽ mời nhũng diễn viên hay nhạc công đã từng công tác thực tế, có kinh nghiệm ít nhiều về để giảng dạy.
Ở môi trường phi chính quy, nguồn giáo viên chính là nghệ nhân có tay nghề. Lý tưởng là nghệ nhân có tay nghề cao, được công nhận, ghi nhận trong giới hay tong cộng đồng. Phần đông trong số họ khao khát có cơ hội để truyền nghề lại. Cố nhạc sư Vĩnh Bảo ở TP Hồ Chí Minh đã từng ngao ngán nói đại ý: Nghề làm âm nhạc truyền thống giờ trở thành món hàng ế để trên giá hàng trưng bày; giá thì đặt cao mà khó có người mua, nên có người quan tâm đến là tốt lắm rồi. Vả lại, làm nghệ nhân bậc thầy mà không tìm ra học trò để truyền dạy thì cũng giống như cây cổ thụ chết khô, mục ruỗng, vô ích. Sứ mệnh cao cả của một ông thầy là phải truyền lại tinh hoa truyền thống của ông cha cho giới trẻ; chỉ khi nào ông thầy làm được việc đó thì cuộc sống mới có ý nghĩa.
Thật đúng như vậy, Quỹ văn hóa chúng tôi đã từng tài trợ cho các thầy Then, thầy dạy sáo, khèn ở vùng núi phía Bắc tiến hành công việc truyền dạy. Các nghệ nhân đó rất tâm huyết, luôn động viên giới trẻ trong gia đình hay làng bản đến lớp học thầy mở. Có nghệ nhân chị khó lẽo đẽo đi bộ đường núi hàng cây số để ra Nhà văn hóa dạy học. Tuy nhiên, công việc này cũng bị hạn chế do không phải nghệ nhân nào cũng có phương pháp sư phạm và học viên thường là các em học sinh đang bận đi học. Nhưng cũng có em, sau khi học khai tâm như vậy, đã quyết định thi vào Trường Văn hóa Nghệ thuật của vùng miền trên đó. Các lớp học kiểu như vậy, ngoài việc gây dựng phong trào thì ít nhiều đã giúp phát hiện tài năng trẻ, chí ít là giúp giới trẻ nhận thức lại bản thân để xem mình có thật sự có năng khiếu không, có ham thích, say mê cao độ hay không.
Truyền dạy âm nhạc và nghệ thuật diễn xướng truyền thống là loại hình đào tạo theo lối “Cầm tay chỉ việc”; tức là mức độ thị phạm hay thực hành rất lớn. Học viên phải theo sát thầy và học dần dần, luyện dần dần trên thực tế. Vì thế, việc sở hữu nhạc cụ hay đạo cụ có ý nghĩa rất quan trọng để học viên có thể luyện tập ở nhà. Nhưng thực tế, nhiều em không có điều kiện để mua nhạc cụ học tập, trừ khi gia đình quyết tâm đầu tư cho con cái. Quỹ Văn hóa chúng tôi đã tài trợ nhạc cụ cho một số câu lạc bộ Đàn ca tài tử ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nghệ nhân bậc thầy thường có bí quyết nghề nghiệp do học được từ thế hệ trước hay tự sáng tạo ra. Nhưng cũng có ông thầy chỉ lựa chọn truyền lại cho con cháu họ hàng nhà mình, hay học trò chân truyền, theo tập tục xưa. Như vậy, các nghệ nhân “kiểu cũ” này rất cần duy trì mối quan hệ “thày-trò” dựa trên chuẩn mực đạo đức truyền thống, khi trò phải luôn luôn tôn trọng thầy, tôn trọng nghề, quan tâm giúp đỡ và trung thành với thầy. Bản thân chúng tôi chứng kiến rắc rối đã xảy ra khi học trò giỏi tự ý đi tham gia diễn xướng mà chưa xin phép thầy, vì ông thầy đó cho rằng chưa phải thời điểm để trò ra nghề khi tay nghề chưa chín.
Hiện tại, dường như việc tìm ra nghệ nhân kiểu cũ có tay nghề cao để truyền nghề trong âm nhạc và diễn xướng truyền thống là khá khó khăn vì nhiều người đã ra đi theo quy luật tự nhiên. Việc kiểm kê lại các “báu vật sống” và cũng vì thế, tư liệu hóa diễn xướng của họ, trở nên là một nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.
C. Nhận xét và khuyến nghị
1. Thế giới đang đổi thay nhanh chóng và với tốc độ mãnh liệt. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đòi hỏi phải tư duy lại cách tiếp cận văn hóa- nghệ thuật và vao trò của giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa nghệ thuật dân tộc. Trong tương lại không xa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tiến trình Số hóa toàn diện mọi mặt của đời sống và quá trình Già hóa dân số. Giới trẻ hôm nay và một vài thế hệ nữa sẽ tham gia vào tiến trình hình thành nên loại “Công dân toàn cầu” sống trong thế giới phẳng. Cần phải đặt nỗ lực tìm kiếm và phát triển tài năng trẻ trong một viễn kiến như vậy thì chúng ta sẽ có hướng đào tạo, truyền dạy thích hợp.
2.Trong tiến trình không thể đảo ngược này, tài năng trẻ phải đóng vai trò cốt lõi trong lực lượng tiếp nhận tri thức, truyền thống, di sản văn hóa, nghệ thuật của cha ông và chuẩn bị tâm thế và điều kiện vật chất để bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa và số hóa thực sự. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần nghĩ tới tác động của trí tuệ nhân tạo AI khi nó có khả năng trở thành một tài năng vượt trội trong việc sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc, viết ra vở kịch và thậm chí tạo dựng ra sân khấu ảo để tham gia diễn xướng cùng với con người. Đây không còn là chuyện viễn tưởng mà đang là sự thật. Một vài bạn trẻ trong CLB Đình làng Việt đã thử nghiệm sáng tác các bản nhạc với sự trợ giúp của phần mềm công nghệ. Kết quả khá khả quan.
3.Từ đó, thị hiếu rồi thẩm mỹ sẽ thay đổi theo diễn tiến của quá trình Số hóa mọi mặt đời sống xã hội. Hơn nữa, khi dân số già hóa, nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng khác đi thì khả năng đáp ứng của xã hội cũng khác. Vấn đề đặt ra là, giới trẻ sẽ khai thác tài năng của mình và khai thác ưu thế của số hóa như thế nào để phục vụ chính mình và cho cộng đồng?
4.Theo quy luật, khi toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ thì nhu cầu định vị lại chỗ đứng của mình trong như một thực thể khác biệt trong cộng đồng nhân loại lại càng cấp thiết. Như một biện pháp để lưu giữ di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, chúng ta cần định kỳ (có thể từng thập kỷ), kiểm kê lại di sản đã hình thành và lưu giữ, bổ sung thêm hay sáng tạo thêm theo thời gian và Tư liệu hóa chúng lại để phục vụ cho việc truyền dạy hay đào tạo tài năng trẻ - những nhân tố sẽ trở thành bậc thầy để giữ mạng mạch việc “truyền thừa”. Tạo ra động cơ, duy trì nó và tạo điều kiện để tài năng trẻ cống hiến hết mình cho nghề nghiệp là yêu cầu sống còn cho chính thân phận của mỗi tài năng trẻ và số phận của nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc. Như đã nói ở trên, giới trẻ rất nhạy cảm với cái mới, hấp dẫn bởi cái mới để làm nguồn cho sáng tạo cá nhân. Đối với nghệ thuật truyền thống, cái mới “sẽ là” và “nên là”:
a. Hình thức cũ với nội dung cũ, (di sản của truyền thống nhưng được giới trẻ tái khám phá nên trở thành “mới” với họ. Trước đây có tác giả gọi là “Bình cũ rượu cũ” nhưng người uống mới);
b. Hình thức cũ với nội dung mới (sử dụng chất liệu mới bằng hình thức truyền thống “Bình cũ rượu mới”);
c. Hình thức mới với nội dung cũ (thể hiện nội dung cũ bằng hình thức cách tân, cải biến “Bình mới rượu cũ”. Những năm gần đây, giới trẻ đã thử nghiệm kiểu này, ví dụ bài hát Chèo có nội dung cũ nhưng hát với kiểu hát có cách tân, với cách phối khí mới, và có sự tham gia của nhạc cụ hiện đại).
d. Hình thức mới và nội dung mới hay “Bình mới rượu mới”; Đây là một sáng tạo độc lập, dựa trên chất liệu truyền thống nhưng với quan điểm thẩm mỹ mới. Nếu nó đi quá xa truyền thống thì sẽ biến thành tác phẩm hiện đại.
5. Đối với nghệ thuật truyền thống (và phần nào đó cũng đúng với văn hóa, nghệ thuât dân tộc nói chung), chúng ta cần suy nghĩ, nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện các khía cạnh để có một lộ trình và phương cách phát hiện rồi phát huy tài năng trẻ trong bối cảnh mới. Nhà nước, các khu vực tư nhân và cá nhân cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ về mặt thể chế, thiết chế, tài chính, vật chất, và cả hoạt động cho nỗ lực này. Đây phải là nỗ lực của toàn bộ cộng đồng chung tay xử lý các vấn đề nảy sinh.
Từ đó, chúng tôi khuyến nghị Nhà nước, mà cụ thể là Bộ VHTTDL cần hình thành một loại Quỹ Văn hóa nhằm đầu tư, hỗ trợ tài năng trẻ trong văn hóa, nghệ thuật. Với số vốn ban đầu do Nhà nước đầu tư (gọi là “Tiền gây dựng’ hay “Seed money” như nước ngoài hay gọi), Quỹ có thể có những hình thức vận động nguồn tài chính từ các khu vực khác sau này. Quỹ có thể đứng độc lập hay đặt ở ngay Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật của Bộ, do một hội đồng điều hành gồm đại diện Bộ, một số nhà hoạt động, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật khác quan tâm tới giới trẻ, quản lý và vận hành. Cơ chế vận hành Quỹ phải minh bạch, khoa học và có hiệu quả trong việc góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật nước nhà.
Mục đích của Quỹ là sẽ hỗ trợ những dự án bảo tồn và sáng tạo, thử nghiệm có tính khả thi cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kể cả truyền thống và hiện đại, của/cho giới trẻ, hoặc liên quan tới giới trẻ. Như vậy tài năng trẻ phải nhận thức được vai trò kép của mình khi nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ:
1/ Chuẩn bị tiếp thu các giá trị truyền thống để trở thành người truyền dạy trong tương lai, tiếp bước các bậc thầy;
2/ Thực hành, phát huy, hay sáng tạo ra các giá trị mới để phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp cho nền kinh tế, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, phục vụ hiệu quả nhất đời sống cộng đồng trong hiện tại và để thích ứng với các điều kiện trong tương lai - như đã phân tích ở trên.
Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hay từ bên ngoài, bản thân tài năng trẻ sẽ khó khăn tự phát triển hay, trong trường hợp xấu nhất, xã hội sẽ mất đi một nguồn vốn quý để phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, rất nên khai thác tài năng trẻ để phục vụ Công nghiệp văn hóa vốn đã được các nước có tiềm năng chú ý đẩy mạnh từ lâu rồi. Rất nên thành lập Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tầm quốc gia đặt ở Thủ đô và trung tâm lớn như Huế và TP Hồ Chí Minh, và ở các tình, thành, nơi tập trung các đại diện cho các ngành công nghiệp văn hóa để tạo một sân chơi cho tài năng trẻ thử nghiệm những sáng tạo của mình, thậm chí khẳng định mình trước khi quyết định theo nghề hay không, thông qua các hoạt động như festival, triển lãm, workshop, v.v... Hoặc cần đổi mới, bổ sung chức năng và phương hướng hoạt động của các Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa sẵn có hiện nay theo hướng gắn với phát triển công nghiệp văn hóa mà ở đó, tài năng trẻ phải đóng vai trò nòng cốt. Sự liên kết các mảng của công nghiệp văn hóa như thiết kế, sáng tạo, du lịch, thời trang, phim ảnh, trình diễn, biểu diễn, xuất bản v.v… sẽ luôn luôn tạo ra chuỗi giá trị mới và tạo ra hệ sinh thái liên kết văn hóa - nghệ thuật vốn vô cùng cần thiết trong thời đại số hóa hiện nay. Nói một cách ngắn gọn, đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ phải nên nằm trong định hướng phát triển công nghiệp văn hóa nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân - như ta thấy rõ ở một số quốc gia phát triển trong khu vực hay trên thế giới.
TS. TRẦN ĐOÀN LÂM
Nguyên Chủ tịch Quỹ Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam Phát triển Văn hóa Vùng và Dân tộc ít người
Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức ngày 12-11-2024.