Cơ sở của văn hóa trầm hương Việt Nam

Cây dó bầu hay còn gọi là cây trầm hương có pháp danh khoa học là Aquilaria Crassna Pierre ex Lecomte, là loài sinh vật của nước ta, sinh trưởng tự nhiên chủ yếu men theo dãy Trường Sơn, trải dài từ Bắc tới Nam. Từ cây dó bầu sản sinh ra sản vật rất nổi tiếng, được ca ngợi là “quà tặng của trời đất” cho người Việt là trầm hương và kỳ nam (loại trầm hương tốt nhất được sinh ra trong điều kiện đặc biệt và lý thú). Trầm hương từ Việt Nam đã vang danh khắp thế giới hàng nghìn năm nay, là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong tương lai.

Tháp Trầm Hương (đường Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - điểm đến du lịch văn hóa, tôn vinh các sản phẩm đặc trưng của "xứ trầm biển yến". Nguồn: bvhttdl.gov.vn

Qua các nghiên cứu dựa trên văn hóa học, lịch sử học, xã hội học, dân tộc học… trong dòng chảy của văn hóa dân tộc đã và đang tồn tại văn hóa trầm hương Việt Nam mà không nhiều người biết tới. GS, TSKH Trần Ngọc Thêm đưa ra hai bộ chìa khóa cho phép nhận diện văn hóa và định vị các nền văn hóa. Trước hết, là nhận diện văn hóa thông qua hệ tọa độ ba chiều gồm: con người - chủ thể văn hóa, không gian văn hóa và thời gian văn hóa. Từ đó cho chúng ta thấy được những nền văn hóa, tiểu văn hóa, thành tố văn hóa… Bộ chìa khóa thứ hai dựa trên bốn đặc trưng của văn hóa gồm: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử. Từ đó cũng mang tới bốn chức năng của văn hóa. Trong bốn đặc trưng của văn hóa thì tính nhân sinh - tính người là quan trọng nhất để hình thành nên văn hóa, khu biệt văn hóa với tự nhiên.

1. Cơ sở của văn hóa trầm hương Việt Nam qua các đặc trưng chủ yếu của văn hóa

Tính nhân sinh

Tính nhân sinh cho phép phân biệt văn hóa như một hiện tượng xã hội (do con người sáng tạo, mang tính người) với các giá trị tự nhiên (thiên tạo) (1). Bởi vậy, nếu cây trầm hương chỉ là một loài cây mọc trong rừng, không ai biết tới, không chịu sự tác động của con người, không có tên… thì không thể có văn hóa trầm hương được. Nhưng cây trầm hương của Việt Nam chúng ta được loài người biết tới, khai thác, chế tác, sản xuất, sử dụng và là sinh kế của con người hàng nghìn năm nay. Xung quanh cây trầm hương còn là cả một hệ thống tri thức sâu sắc và rộng lớn về nghệ thuật, tôn giáo, lịch sử… mà chỉ con người mới sáng tạo ra. Vì thế văn hóa trầm hương có tính nhân sinh rất rõ nét.

Tính hệ thống

Đặc trưng này cần để phân biệt hệ thống với tập hợp, nó giúp phát hiện những mối liên hệ mật thiết giữa các hiện tượng, sự kiện thuộc một nền văn hóa; phát hiện các đặc trưng, những quy luật hình thành và phát triển của nó (2). Trầm hương có những nét đặc trưng độc đáo trong nền văn hóa Việt Nam, có những mối liên hệ mật thiết đến các hiện tượng, sự kiện trong nền văn hóa Việt, gắn với những tập tục tôn giáo, chính trị, thịnh suy của các triều đại, giai đoạn; có tính hệ thống cao trong khai thác, sử dụng, tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Tính giá trị

Tính giá trị cần để phân biệt giá trị và phi giá trị, là thước đo mức độ nhân bản của xã hội và con người. Các giá trị văn hóa, theo mục đích có thể chia thành giá trị vật chất (phục vụ cho nhu cầu vật chất) và giá trị tinh thần (phục vụ cho nhu cầu tinh thần); theo ý nghĩa có thể chia thành giá trị sử dụng, giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ; theo thời gian có thể phân biệt các giá trị vĩnh cửu và giá trị nhất thời (3). Những sự phân biệt về các loại giá trị này, thì văn hóa trầm hương thực sự đều sở hữu đầy đủ. Về giá trị vật chất, trầm hương là mặt hàng có giá trị rất cao, được cả thế giới săn đón và mang lại nhiều lợi ích vật chất cho đất nước… Về giá trị tinh thần, trầm hương xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật lớn, được sử dụng trong nhiều tôn giáo, trong trầm hương có chứa những hoạt chất giúp sảng khoái tinh thần, nghệ thuật thưởng trầm có giá trị tinh thần đặc sắc… Về giá trị sử dụng, giá trị đạo đức, khi con người sử dụng trầm hương, đa phần đều phục vụ những mục đích cao đẹp, hướng thiện gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật… Về những giá trị phân biệt theo thời gian, cũng cần phải dựa trên quan hệ biện chứng với tính nhân sinh - tính người, loài người với tính giá trị của văn hóa.

Tính lịch sử

Đây là đặc trưng cho phép phân biệt văn hóa như sản phẩm của một quá trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ với văn minh như sản phẩm cuối cùng, chỉ ra trình độ phát triển của từng giai đoạn… Tính lịch sử được duy trì bằng truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa là những giá trị tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian, được đúc kết thành những khuôn mẫu xã hội và cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận... (4). Tính lịch sử của trầm hương trong văn hóa Việt Nam tới nay cũng đã hàng nghìn năm, thể hiện rõ nét trong tập tục đốt hương (nhang) của người Việt.

Đây là cách xác định các đặc trưng của văn hóa do GS, TSKH Trần Ngọc Thêm đưa ra, trong cách phân chia này cần phải làm rõ hơn nữa mối liên hệ giữa tính nhân sinh và tính lịch sử. Bởi vì trong “lịch sử” cũng đã bao hàm tính “nhân sinh”. Ở một góc độ khác cũng có thể thấy rằng, văn hóa là tìm ra tính chất “nhân sinh” có giá trị (không nêu mặt phản giá trị) từ lịch sử một cách có hệ thống. Vì tính nhân sinh của văn hóa rất sâu sắc, bao phủ lên văn hóa, cho nên con người - loài người cũng được đặc quyền nhìn nhận và đánh giá văn hóa không chỉ bằng “định lượng” thông qua các công cụ đo lường mà còn phải dựa trên “định tính”, những đặc điểm chỉ thuộc về con người như tâm tư, tình cảm... tức là văn hóa phải được nhiều người công nhận. Sự công nhận này có thể đã có từ lịch sử hoặc sau này thông qua những nghiên cứu mới, chứng minh mới được công nhận. Ví dụ như quá trình phát triển và khẳng định giá trị từ lúc mới ra đời cho đến ngày nay của các thuyết như: thuyết tiến hóa, thuyết tương đối, lý thuyết về quyền lực mềm… Với các cơ sở lý luận đã nêu trên, có thể thấy, đứng ở bất cứ góc độ nào, văn hóa trầm hương Việt Nam đã và đang tồn tại trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc ta.

2. Cơ sở của văn hóa trầm hương Việt Nam qua hệ trục tọa độ không gian, thời gian và chủ thể

 Ngoài cách đánh giá dựa trên các đặc trưng của văn hóa, GS, TSKH Trần Ngọc Thêm còn đưa ra “bộ chìa khóa” thứ hai đó là dựa trên hệ trục tọa độ không gian, thời gian và chủ thể văn hóa.

Về không gian

Ngày nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế tác trầm hương diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Trong lịch sử, khu vực Trung Bộ gắn với Vương quốc cổ Champa là trung tâm nổi bật hơn cả về trầm hương và ngày nay cũng là nơi sở hữu trầm hương có chất lượng tốt nhất và nhiều nhất trên thế giới. Trầm hương đã được người Việt sử dụng rộng rãi trên khắp 63 tỉnh, thành, trong tất cả cơ sở tôn giáo như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo… và ngay tại từng gia đình. Các trung tâm của trầm hương tại Việt Nam hiện nay là ở Khánh Hòa và Quảng Nam, trong đó trầm hương tại vùng Khánh Hòa, Việt Nam là loại trầm có giá trị cao nhất và chất lượng tốt nhất thế giới. Trong năm 2023, vị thế của Khánh Hòa là xứ trầm hương đã được khẳng định trong bài diễn văn khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp 370 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa (5). Đề cập tới từ “xứ” có nghĩa là nhắc tới vấn đề về “không gian văn hóa” (6). Có thể nói, Khánh Hòa là không gian văn hóa riêng của trầm hương, có sự khác biệt lớn với văn hóa xứ Quảng Nam.

Về thời gian

Trầm hương đã được con người khai thác và sử dụng từ hàng nghìn năm nay. Chúng ta đã biết tới những nền văn minh cổ đại lớn trên thế giới như: văn minh Lưỡng Hà cổ đại (3.500 năm TCN), văn minh Ai Cập cổ đại (3.200 năm TCN), văn minh Ấn Độ cổ đại (3.000 năm TCN), văn minh Trung Quốc cổ đại (2.200 năm TCN), văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại (1.200 năm TCN)… đều có những dấu ấn của việc khai thác, sử dụng và buôn bán trầm hương.

Ai Cập sinh tử kỳ thư là một trong những cuốn sách cổ nhất mà ngày nay con người tìm thấy được. Những tín ngưỡng, những vị thần, quan niệm về sự sống và cái chết, những nghi thức tế lễ… của người Ai Cập cổ đại, được ghi chép lại trong thời kỳ Tân Vương quốc khoảng năm 1.550 TCN tại các Kim tự tháp và giấy papirus. Ai Cập sinh tử kỳ thư được ghi chép lại bằng những bức tranh, trong đó có “dấu vết” của sự xuất hiện ở của trầm hương trong bức ảnh sau: khi một tư tế dâng trầm cho thần linh… (7).

Các văn bản tôn giáo cổ xưa ở Ấn Độ, Hindu giáo và Phật giáo đã từng đề cập tới trầm hương, cho thấy lịch sử tồn tại và sử dụng lâu dài của loại hương liệu xa xỉ này: trong Sử thi vĩ đại Mahabharata (Dòng giống vĩ đại Bharata, truyền lại lịch sử của Ấn Độ thời kỳ 1493-1443 TCN) (8) ra đời trong khoảng những thế kỷ tiếp giáp công nguyên, người ta cũng thấy trầm hương được nhắc đến như một biểu hiện của sự giàu có, sang trọng và hạnh phúc của con người. Nó chứa đựng những miêu tả về việc sử dụng hương liệu trong khoái lạc tình dục, xa xỉ phẩm và sức khỏe (9). Một số tài liệu ghi chép rằng, trong lễ hỏa táng của đức Phật, trầm hương được đốt nghi ngút trong bình đựng bằng vỏ ốc (Shanka) (10). Việc sử dụng và buôn bán trầm hương đã có một lịch sử phong phú ở Ấn Độ, được mô tả trong thơ ca, tư liệu buôn bán, giáo dục và y học. Trong đó, việc sử dụng trầm hương như một loại hương liệu trong đời sống, tôn giáo ở Ấn Độ nổi bật hơn cả.

Trung Quốc là quê hương của các con đường tơ lụa. Con đường tơ lụa trên bộ ra đời khoảng thời kỳ nhà Hán (202 TCN-220 SCN) với mặt hàng nổi tiếng nhất là tơ, lụa. Ngoài ra, còn có một con đường tơ lụa trên biển không kém phần nổi tiếng, ở đó trầm hương luôn là một mặt hàng buôn bán quan trọng. Trầm hương xuất hiện nhiều trong đời sống và trong các loại hình nghệ thuật của Trung Quốc, đặc biệt là trong thờ tự…

Vậy còn người Việt và cả người Việt gốc Chăm đã biết đến trầm hương từ khi nào? Để truy đến tận cùng thời điểm người Việt và người Việt gốc Chăm nhận thức được trầm hương là hương liệu quý từ khi nào chắc chắn rất khó, vì cây cỏ, thực vật đã xuất hiện trên trái đất từ khoảng 1,1 tỷ năm trước. Nhiều khối kỳ nam được tìm thấy ở Khánh Hòa có tuổi thọ lên đến hàng triệu năm, nhiều hơn cả thời gian loài người xuất hiện trên trái đất. Tuy nhiên, vẫn phải có mốc thời gian đặc biệt nào đó để khởi đầu văn hóa trầm hương của người Việt.

Từ những dữ liệu lịch sử cho thấy, người Ấn Độ đã biết khai thác và sử dụng trầm hương rất sớm, đặc biệt là trong tôn giáo, tín ngưỡng. Đi sâu hơn thì bán đảo Đông Dương ngày nay gồm ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia được thế giới gọi là Indo - China, tức là vùng đất nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chịu ảnh hưởng lớn từ hai nền văn minh vĩ đại này.

Vương quốc cổ Champa tại khu vực Trung Bộ của Việt Nam ngày nay được nhiều nhà sử học đánh giá là một trong những quốc gia “Ấn Độ hóa” ở Đông Nam Á (Sodes), tức là không thể phủ nhận ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với vương quốc này. Quá trình “Ấn Độ hóa” ở một số quốc gia cổ ở Đông Nam Á như Phù Nam, Champa… diễn ra vào khoảng những thế kỷ tiếp giáp công nguyên với “nguồn gốc từ thương mại” (11) và di dân. Sự thâm nhập của văn hóa Ấn Độ có tính thẩm thấu và “hình như bao giờ cũng mang tính chất hòa bình và không hề đi kèm theo những sự phá hoại”, khác với người Trung Hoa thường dùng những phương thức “chinh phục và thôn tính”. Văn hóa Sa Huỳnh mang đậm yếu tố biển được coi là nguồn gốc của văn hóa Champa nên nhiều khả năng người Chăm khi định cư tại vùng Trung Bộ Việt Nam đã bước đầu chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Dù thời gian cụ thể thế nào đi chăng nữa thì người Chăm cũng bị “Ấn Độ hóa” sâu sắc vào khoảng đầu công nguyên theo như Sodes đánh giá (12). Những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến Champa là tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, điêu khắc, chữ viết, thủ công mỹ nghệ… Như vậy, Ấn Độ giáo được tiếp biến ở Champa đầu tiên, từ đó mà người Chăm xây dựng nên những thánh địa để thờ phụng các vị thần theo Ấn Độ giáo (sau này có bản địa hóa), mà tại những nơi thánh địa này, không thể thiếu vắng trầm hương. Có thể phỏng đoán rằng, người Champa trước kia và người Việt gốc Chăm ngày nay từ những thế kỷ đầu tiếp giáp công nguyên đã biết khai thác, buôn bán và sử dụng trầm hương. Đây là một dấu mốc quan trọng của văn hóa trầm hương Việt Nam.

Đối với người Việt (người Kinh), ban đầu sinh sống ở Bắc Bộ mà theo nhiều nghiên cứu thì khu vực này không phải địa bàn sinh trưởng tự nhiên của cây trầm hương. Ở những thế kỷ đầu công nguyên, người Việt đang bị các vương triều phong kiến Trung Quốc đô hộ (từ năm 179 TCN) và chưa giành được độc lập (năm 938). Tuy nhiên, nhiều dẫn chứng cho biết người Việt cũng đã biết sử dụng trầm hương. Các thế lực phong kiến phương Bắc ngoài việc xâm lược, đồng hóa, bắt người Việt làm nô dịch, cai trị người Việt hà khắc… họ cũng mang tới Việt Nam những giá trị tích cực như: kỹ thuật canh tác, học thuật, tôn giáo (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo), kiến trúc, hội họa, điêu khắc, văn học… (13). Phật giáo được truyền bá với người Việt qua hai con đường chính, một là trực tiếp từ Ấn Độ và hai là Phật giáo truyền sang Trung Quốc rồi từ Trung Quốc truyền bá sang Việt Nam. Nhưng về cơ bản, người Việt tiếp nhận Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ trước. Thành Nê Lê là tên địa danh cổ, được một số học giả xác định ở vùng Đồ Sơn thuộc Việt Nam ngày nay. Địa danh này được ghi nhận là nơi đầu tiên truyền bá đạo Phật vào nước ta vào khoảng TK III TCN, thời kỳ Vua Asoka ở Ấn Độ. Trong truyền thuyết về Chử Đồng Tử từ thời kỳ Hùng Vương thứ 13 đã ghi lại rằng: “Chử Đồng Tử gặp dị nhân là Phật Quang truyền cho đạo pháp” (14). Nếu truyền thuyết này đúng thì Phật giáo có ảnh hưởng đến người Việt từ trước năm 179 TCN và đến nay Chử Đồng Tử được suy tôn là Tứ bất tử, Chử Đạo Tổ, vừa là ông tổ Phật giáo, vừa là ông tổ Đạo giáo của người Việt.

Một truyền thuyết khác cũng thường được nhắc tới về việc Phật giáo truyền bá vào Việt Nam và còn có cả những chi tiết có liên quan đến trầm hương, đó là truyền thuyết về tục thờ Pháp Vũ hay Phật mẫu Man Nương được viết trong Lĩnh Nam chích quái. Truyền thuyết này tương truyền xuất hiện vào thời Thái thú Sĩ Nhiếp, cai trị Việt Nam (năm 187-226). Bản truyền thuyết của Nguyễn Văn Huyên dịch từ bản của làng Gia Phúc, Thường Tín, mô tả như sau: là cây cổ thụ trong rừng, cây có mùi hương thơm ngát không ngừng tỏa ra, trong thân gỗ có phần đá (gỗ hóa thạch) (15). Rất có thể đây là biểu tượng của gỗ của cây dó bầu đã sinh trầm và hóa thạch thành kỳ nam.

Điều này cũng được làm rõ ràng hơn trong An Nam chí lược của Lê Tắc với nhiều phần mục viết về trầm hương và sử dụng trầm hương thời Lý, Trần. Nhưng niên đại sớm hơn nữa về việc sử dụng trầm hương của người Việt cũng được ghi lại từ thời Sĩ Nhiếp: “Sĩ Nhiếp hùng cứ một phương, khi đi ra đi vào, thì có hiệu lệnh chuông khánh, trống kèn, xe ngựa chật đường, quân lính theo hầu hai bên xe, xông trầm hương, có vài mươi người” (16).

Như vậy, nhiều khả năng người Việt biết tới và sử dụng trầm hương cũng vào thời điểm những thế kỷ đầu công nguyên, khi văn hóa Ấn Độ được truyền bá tới khu vực Bắc Bộ. Sau quá trình tiếp biến văn hóa hàng nghìn năm, hương trầm đã trở thành hồn cốt văn hóa quen thuộc của người Việt, đến nay không thể biết chính xác là được sử dụng từ khi nào.

Từ những nghiên cứu về không gian và thời gian của văn hóa trầm hương Việt Nam, ta cũng có được những kết luận về chủ thể của văn hóa này. Cây trầm hương sinh trưởng tự nhiên ở nhiều nơi trên thế giới, được sử dụng trong tất cả các tôn giáo lớn tại hàng chục quốc gia. Bởi vậy, văn hóa trầm hương có tính nhân sinh và con người hay nhân loại chính là chủ thể. Ở đây, ta đề cập tới văn hóa trầm hương Việt Nam, tức là người Việt Nam là chủ thể của văn hóa này. Người Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào rằng, chúng ta đã và đang sở hữu một trong những sản vật trân quý nhất mà thiên nhiên đã ban tặng, sản vật này của người Việt được cả thế giới công nhận là có chất lượng tốt nhất và đắt giá nhất trên thế giới - trầm hương. Trong các thư tịch cổ, tài liệu lịch sử, người ta thường đề cập tới sự quý giá, số lượng và chất lượng của trầm hương, kỳ nam ở vùng của quốc gia cổ Champa, nằm trọn vẹn trong vùng Trung Bộ của Việt Nam ngày nay. Người Chăm xưa kia (ngày nay là một trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam) cũng nổi tiếng toàn cầu với nghề trầm. Đến nay, qua những sự biến thiên của lịch sử, Vương quốc cổ Champa không còn và hòa nhập vào đất nước Việt Nam; người Chăm đã trở thành người Việt Nam gốc Chăm. Cùng với lịch sử sử dụng và buôn bán trầm hương của người Việt xuất hiện từ sớm và tinh tế, ta có thể khẳng định rằng: người Việt Nam chính là chủ thể của văn hóa trầm hương Việt Nam.

Để nhận diện được văn hóa trầm hương Việt Nam cần sử dụng hệ định vị thời gian, không gian và chủ thể, tuy nhiên trong không gian có thời gian, trong thời gian có chủ thể… nên cần nhìn nhận một cách toàn diện cả 3 yếu tố này cùng một tổng thể, trong mối quan hệ biện chứng với nhau.

3. Kết luận

Cơ sở của văn hóa trầm hương Việt Nam được đánh giá, phân tích từ điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội. Trong đó, cơ sở tự nhiên là nhờ những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cấu tạo địa chất, sinh học… mà loài cây trầm hương sinh trưởng tự nhiên theo dãy núi Trường Sơn của Việt Nam. Đây cũng là loại trầm hương có chất lượng tốt nhất trên thế giới, được coi là “báu vật” và được trân trọng trên khắp 5 châu. Loại trầm hương này được con người biết tới giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, được người Việt khai thác, chế tác và sử dụng hàng nghìn năm và dần trở thành một văn hóa, gắn với tính nhân sinh, tính hệ thống, tính giá trị và tính lịch sử của văn hóa.

Cơ sở xã hội của văn hóa trầm hương Việt Nam gắn với lịch sử quốc gia, với quá trình Nam tiến của người Việt, trong đó có liên quan nhiều tới Vương quốc cổ Champa. Vì địa bàn sinh trưởng tự nhiên chủ yếu của trầm hương trên đất nước ta trước kia là vùng đất của người Chăm cổ.

Ngày nay, không gian của văn hóa trầm hương Việt Nam đã mở rộng ra toàn bộ lãnh thổ với 63 tỉnh, thành, thậm chí lan tỏa ra nhiều quốc gia trên thế giới. Sự kiện công bố Việt Nam - Quốc gia trầm hương, ngày 17-9-2020 tại Liên minh Lãnh đạo Thế giới - Club de Madrid đã gây được tiếng vang lớn và sự hứng thú trên toàn thế giới, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao (17). Trầm hương - một phần văn hóa thuần Việt, cao quý và độc đáo, rất cần thiết được đầu tư phát triển để trở thành văn hóa đặc sắc Việt Nam lan tỏa ra thế giới và phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng của TK XXI.

_____________

1, 2, 3, 4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.12, 11, 11, 12-13.

5. Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, baochinhphu.vn, 1-4-2023.

6. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2019, tr.18

7. Minh Quang, Ai Cập sinh tử kỳ thư, Nxb Hồng Đức, Thanh Hóa, 2011, tr.1.

8. R.N. Iyengar, Internal consistency of eclipses and planetary positions in Mahabharata (Tính nhất quán bên trong của nhật thực và vị trí các hành tinh trong Mahabharata), Tạp chí Khoa học Lịch sử Ấn Độ, số 38, 2003, tr.77-115.

9. J.P. Rhind, Fragrance and wellbeing: Plant aromatics and their influence on the psyche (Hương thơm và sức khỏe: Chất thơm thực vật và ảnh hưởng của chúng đối với tâm lý), Singing Dragon, 2014.

10. Nguyễn Tường Bách, Mùi hương trầm (Ký sự du hành tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng), Nxb Trẻ, TP.HCM, 2003.

11, 12. G.E. Sodes, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.58, 94.

13. Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2022, tr.53.

14. Thanh Hòa Tử, Quế Hiền Tử, Hội chân biên, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2021, tr.92.

15. Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ Tết của người Việt, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.141.

16. Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, 1961, tr.67.

17. Gửi thông điệp “Việt Nam - Quốc gia Trầm Hương” tới Diễn đàn Liên minh lãnh đạo Thế giới, tienphong.vn, 17-9-2020.

NGUYỄN DUY THÁI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;