Bảo vệ quyền tác phẩm nhiếp ảnh trên không gian mạng

Mùa Xuân trên nương - Ảnh: Phạm Huy Trung

Trong thời đại cộng nghệ số hiện nay, việc chia sẻ và truy cập thông tin trên mạng đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi của việc truy cập và chia sẻ thông tin trên mạng, cũng xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề bản quyền. Trong đó, nhiếp ảnh là một trong những ngành phát triển nhanh và đa dạng; bất cứ ai cũng có thể tải lên, tải xuống và chia sẻ tác phẩm nhiếp ảnh một cách dễ dàng mà không cần được sự đồng ý của người sở hữu tác phẩm. 

Vi phạm có thể ở những trường hợp: 

Sử dụng ảnh của người khác mà không có sự cho phép;

Sử dụng ảnh không đúng mục đích;

Tái sử dụng ảnh đã mua một lần mà không có sự cho phép của tác giả; 

Sử dụng ảnh được phép nhưng không trích nguồn. 

Những hạn chế hiện nay 

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh trong giai đoạn hiện nay khá phổ biến và được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để chỉnh sửa, bóp méo, thay đổi nội dung tác phẩm nhiếp ảnh khác biệt so với tác phẩm gốc, tạo ra nhiều tác phẩm nhiếp ảnh khác nhau khiến công chúng khó có thể phân biệt đâu là tác phẩm gốc. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ cao đã tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm nhiếp ảnh trên môi trường mạng được dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và khó kiểm soát. Hiện tượng này đã gây ra tâm trạng chán nản cho các tác giả, làm mất đi sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết với nghề, khi mà phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức để tạo ra được các tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị gửi đến công chúng nhưng giờ đây đã bị nhái hoặc giả mạo.

Chiến sĩ đảo An Bang tiễn khách ra tàu - Ảnh: Hoàng Linh

Mỗi ngày, hàng nghìn nghệ sĩ có thể cho ra đời hàng triệu bức ảnh. Tuy nhiên việc bảo đảm bản quyền cho các tác phẩm ảnh dường như lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức và đi chậm hơn nhiều so với những vi phạm đang lấn lướt.

Trên thực tế, tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh nói riêng còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý khiến hiệu lực thực thì bị phân tán, phức tạp. 

Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm nhiếp ảnh chưa thật sự quan tâm đúng mức để bảo vệ quyền của mình. Khi phát hiện có sự xâm phạm đến tài sản này thì tác giả và các chủ sở hữu thường ngại thu thập chứng cử và cung cấp chứng cứ đó cho các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, thay vào đó là giải quyết trong yên lặng hoặc ngậm ngùi cho qua vì sợ thủ tục khởi kiện phức tạp và tốn kém. Thêm vào đó, trong môi trường phát triển của công nghệ cao, tác giả tác phẩm nhiếp ảnh chưa có thói quen tìm hiểu và cập nhật các cách thức để bảo vệ tác phẩm ảnh của mình khi đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng như đặt mã khóa, cái phần mềm phát hiện hành vi sao chép hoặc đăng, tải tác phẩm nhiếp ảnh khi chưa có sự cho phép của tác giả.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dùng về bản quyền tác phẩm còn chưa đầy đủ và có nhiều hành vi vi phạm như sao chép, phát tán tác phẩm trái phép trên mạng. 

Việc đăng, tải nhiều tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng mà không được sự cho phép của tác giả: Việc này không chỉ xâm phạm đến quyền lợi của tác giả, mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của ngành nghề nhiếp ảnh. Hành động này càng trở nên phức tạp khi người đăng tải không rõ nguồn gốc và thông tin về tác phẩm, dẫn đến việc khó xác định người chịu trách nhiệm.

Nhận thức của người sử dụng mạng chưa đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người dùng về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng vẫn xảy ra. Nhiều người sử dụng mạng vẫn cho rằng tải lên, sao chép, sử dụng hay chia sẻ những tác phẩm trên mạng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là hợp lệ hoặc không có gì sai. Họ còn cho rằng những tác phẩm trên mạng đều thuộc về công chúng và được sử dụng tự do. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Thực tế, các tác phẩm trên mạng đều thuộc quyền sở hữu trí tuệ của người sáng tác hoặc chủ sở hữu. Việc sử dụng hay chia sẻ các tác phẩm này mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, và có thể dẫn đến các hình phạt dân sự hoặc hình sự tùy theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cộng đồng mạng cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh trên không gian mạng. Việc chia sẻ các tác phẩm trên mạng phải được thực hiện đúng quy định bản quyền và có sự đồng ý của người sở hữu tác phẩm. Các cộng đồng trực tuyến cần có ý thức và nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng.

Mùa thu lịch sử - Ảnh: Trần Thu Hà

Sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân về bảo hộ bản quyền tác giả nói chung và bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh nói riêng và sự thiếu cơ sở, khả năng để đông đảo mọi người xác định tác phẩm nào là tác phẩm được bảo hộ. Đặc biệt, những cá nhân, tổ chức dù đã hiểu biết nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền tác giả là rào cản cho việc thực thi có hiệu quả quyền tác giả trong thực tế. 

Trách nhiệm của tác giả 

Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật dễ bị vi phạm bản quyền nhất và cũng khó tự bảo vệ mình nhất khi có sự vi phạm xảy ra. 

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, nhiếp ảnh là một trong những ngành phát triển nhanh và đa dạng, các nhà nhiếp ảnh hầu hết đã chuyển sang dùng máy ảnh kỹ thuật số, việc lưu trữ ảnh không phải là các cuốn phim mà là các file ảnh. Nhiều nhà nhiếp ảnh có website, blog cá nhân đã đưa các tác phẩm của mình lên mạng. Điều đó gần như đồng nghĩa với việc tác phẩm ảnh của mình trở thành của “công cộng”- khi mà người sử dụng internet tùy tiện khai thác ảnh không cần biết nguồn gốc từ đâu…

Việc vi phạm bản quyền nhiếp ảnh đã rất nghiêm trọng không còn là chuyện dễ dàng cho qua. Các nhà nhiếp ảnh cần phải lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình và bảo vệ cho chính mình, để rồi làm quen với việc đăng ký bản quyền, có như vậy mới mong được pháp luật bảo trợ.

Buổi sáng Đầm Chuồn - Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Có một thực tế là, các tác phẩm nhiếp ảnh mỗi tác giả sở hữu số lượng rất nhiều, nên rất ít tác giả đi đăng ký bản quyền, cũng ít ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm. Việc đăng ký bản quyền là tự nguyện, nên cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có thể tuyên truyền để các tác giả có ý thức tự bảo vệ quyền lợi và tác phẩm của mình.

Vì vậy, việc tranh chấp do tác phẩm ảnh bị vi phạm, sao chép trên tranh, đĩa, và các xuất bản phẩm khác rất nhiều - nhưng lại khó xử lý… Thêm nữa, các tác giả lại có tâm lý ngại đi kiện tụng, đòi quyền lợi chính đáng của mình. Vì vậy, vấn nạn sao chép ngày càng bị lạm dụng, ngang nhiên lấy ảnh trên mạng để sử dụng.

Một số kiến nghị và giải pháp 

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xây dựng hệ thống thể chế pháp luật về quyền tác giả trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật hoàn chỉnh, về căn bản bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, giúp đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp làm tốt vai trò nòng cốt trong việc sáng tạo các giá trị văn học nghệ thuật mới, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. 

Để đạt được một môi trường trực tuyến an toàn cho bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa Chính phủ và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng. Chính phủ có trách nhiệm đưa ra các quy định pháp lý rõ ràng và hiệu quả để bảo vệ bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng, trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng cần đảm bảo việc áp dụng các chính sách bảo mật và kiểm soát việc sử dụng tác phẩm trên nền tảng của họ.

Với các cơ quan chức năng có liên quan:

Tôn trọng và bảo vệ lợi ích của tác giả sở hữu trí tuệ nói chung, của tác giả văn học - nghệ thuật nói riêng, là quan niệm và hành xử có văn hóa trong xã hội văn minh. Lấy tài sản của người khác để kinh doanh một cách bất minh là hành vi trục lợi, phạm pháp, và trực tiếp liên quan tới đạo đức kinh doanh. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự thống nhất trong quan niệm, phối hợp hành động trên cơ sở pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của chủ sở hữu tác phẩm văn học - nghệ thuật. 

Về tình trạng vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh, vấn đề khó khăn nhất vẫn là ý thức chấp hành. Vì vậy, song song với việc tiếp tục nâng cao nhận thức về quyền tác giả và quyền liên quan cho tất cả mọi đối tượng, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành hữu quan, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, có thể đưa ra tòa một số vụ vi phạm nghiêm trọng, truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe. 

Xây dựng quy chế quản lý về bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh rõ ràng, dễ áp dụng, phù hợp với thực trạng phát triển ngành nhiếp ảnh trong thời đại hội nhập quốc tế, để các nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật dễ dàng thực hiện.

Những vấn đề đặt ra với các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ; các nghệ sĩ không những phải am hiểu về luật pháp nói chung, luật bản quyền tác giả nhiếp ảnh nói riêng, mà còn phải trau dồi kiến thức để sử dụng những thiết bị kỹ thuật số hiện đại của ngành ảnh, lưu trữ, quản lý và sử dụng những bức ảnh của mình chụp.

Về biện pháp chế tài 

Việc theo dõi và phát hiện vi phạm bản quyền trên mạng là rất khó khăn, đặc biệt là khi có rất nhiều trang web, mạng xã hội và ứng dụng chia sẻ hình ảnh. Ngoài ra, việc xử lý cũng rất phức tạp vì phải xác định được người đăng tải và đưa ra các biện pháp hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho tác giả.

Về công tác kiểm tra, giám sát, chấp hành, thực hiện các quy định về bản quyền, chưa có quy trình rõ ràng và hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng “lỏng lẻo” trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm.

Chưa có cơ chế chặt chẽ để kiểm soát và quản lý trang web chia sẻ nhiếp ảnh: Việc đăng tải, chia sẻ và phát hiện vi phạm bản quyền nhiếp ảnh trên mạng phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế quản lý và kiểm soát của các trang web, mạng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ chế pháp lý và kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát và quản lý hoạt động của các trang web này, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra liên tục.

Các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh chưa thực sự hiệu quả. Các biện pháp chế tài chủ yếu dừng ở các hình thức xử lý hành chính, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. 

Thiếu nhân lực và kinh phí cho công tác quản lý và xử lý vi phạm: Vì việc theo dõi và phát hiện vi phạm bản quyền nhiếp ảnh trên mạng là rất khó khăn, yêu cầu sự chuyên môn cao và đòi hỏi nhiều nhân lực, kinh phí và trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thiếu nhân lực và kinh phí cho công tác này đang gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho tác giả.

Sự ra đời của Nghị định về hoạt động nhiếp ảnh - văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quản lý cao nhất hiện nay, bước đầu đã tạo được hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhiếp ảnh, đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động nhiếp ảnh thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

Hằng năm, Hội NSNA VN tổ chức và phối hợp tổ chức rất nhiều cuộc thi ảnh. Số lượng ảnh mỗi năm tác giả gửi về tham dự các cuộc thi ít nhất là 40 - 50.000 file ảnh. Đó là chưa kể đến nguồn tư liệu các tác giả giữ trong những ổ cứng của riêng mình. Trong khi đầu ra của nhiếp ảnh còn hạn chế, chỉ một số ít các tác giả bán được ảnh và có thu nhập, sống bằng nghề ảnh. Mặt khác, ở Việt Nam chưa có thị trường cho nhiếp ảnh. Chính vì lẽ đó, Hội NSNA VN tổ chức ký kết hợp tác với Công ty V.images nhằm mục đích tạo đầu ra cho tác phẩm của các tác giả, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt là tìm biện pháp bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm ảnh của các nghệ sĩ.

Để ngành Nhiếp ảnh phát triển, trở thành một ngành công nghiệp văn hóa, Nhà nước cần có các kế hoạch, chính sách theo giai đoạn, lộ trình và cần có các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Một trong những biện pháp hữu hiệu, là nên sớm thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh Việt Nam. Cần hướng dẫn cho các nhà nhiếp ảnh thực hiện đăng ký bản quyền tác giả và có trách nhiệm giám sát, gương mẫu trong việc thi hành luật và những nghị định, quy định dưới luật.

Như vậy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm nhiếp ảnh là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nghệ thuật này. Hy vọng, với sự chung tay của toàn xã hội sẽ có sự cải thiện trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh trên không gian mạng tại Việt Nam và tạo một môi trường trực tuyến an toàn cho các nhiếp ảnh gia và người sử dụng tác phẩm.

NSNA TRẦN THỊ THU ĐÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;