Mỹ thuật Khu vực III - Tây Bắc - Việt Bắc: Đậm bản sắc dân tộc

Ngày 31-10-2023, tại tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội thảo “Mỹ thuật Khu vực III - Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ II năm 2023” nhằm nhìn nhận, đánh giá quá trình phát triển của Mỹ thuật Khu vực III - Tây Bắc - Việt Bắc từ đầu TK XX đến nay. Hội thảo do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội thảo có: NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam; ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Lâm Tới, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái; ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái; đại diện Lãnh đạo Hội VHNT địa phương các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ cùng nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà lý luận, phê bình mỹ thuật, Hội viên các Hội Mỹ thuật Việt Nam tại 15 tỉnh Khu vực III - Tây Bắc - Việt Bắc.

Ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái phát biểu 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: Khu vực III - Tây Bắc - Việt Bắc nói chung và các  nghệ sĩ tạo hình của tỉnh Yên Bái nói riêng, luôn xem các hoạt động sáng tác Mỹ thuật như một sân chơi đầy cảm hứng và sáng tạo, không ngừng nỗ lực tìm tòi, bứt phá về phong cách, để các tác phẩm ra đời có những khởi sắc mới. Tỉnh Yên Bái hiện đang có một lực lượng văn nghệ sĩ khá khiêm tốn, với hơn 20 hội viên, trong đó, có 10 hội viên Trung ương. Trong 15 năm gần đây, Yên Bái đã có 800 lượt tác phẩm được chọn trưng bày tại các triển lãm của tỉnh  và tại các Liên hoan khu vực, trong đó, mỗi năm bình quân có từ 15 đến 20 tác phẩm được chọn treo tại các Triển lãm Khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc, nhiều tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam khen thưởng và đề cử tham dự Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNTVN và các Giải thưởng Triển lãm toàn quốc.

Đồng thời, tích cực đổi mới, quảng bá các giá trị văn hóa và nghệ thuật theo đường lối của Đảng và Nhà nước, như tranh Tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm các ngày lễ lớn; sáng tác Logo (biểu trưng), ấn phẩm Du lịch Yên Bái, các tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc… có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Thi cũng cho biết: Mỹ thuật Yên Bái cũng tham gia nhiều hoạt động sáng tác, như: trại sáng tác đồ họa tại Trung tâm nghệ thuật Đương đại tại Hà Nội, trại sáng tác “Vũ điệu mùa xuân Việt Bắc” tại Tuyên Quang, sáng tác “Biển đảo Tổ quốc” tại Thái Bình, giao lưu Nghệ thuật Quốc tế (30-4-2023) tại tỉnh Yên Bái...

Bằng nhiều hoạt động sáng tác, triển lãm hằng năm, Mỹ thuật Tây Bắc, Việt Bắc đã trở thành một sân chơi đẹp, lành mạnh cho các họa sĩ của 15 tỉnh trong khu vực được thỏa sức đam mê sáng tạo và cho đến nay tỉnh Yên Bái là một điểm đến giao lưu với tất cả các anh em họa sĩ trong khu vực và cả nước.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đánh giá cao về nỗ lực của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái và nhấn mạnh: Có thể nói, Mỹ thuật Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và rất sôi động trên khắp cả nước ba miền Bắc - Trung – Nam. Chúng ta chứng kiến thời kỳ đổi mới lần thứ nhất vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã có những tín hiệu của mỹ thuật Việt Nam đổi mới làm nền tảng để tạo nên những hình ảnh đổi mới của mỹ thuật Việt Nam ngày nay. Đó là những tín hiệu tốt lành được kế thừa và xây dựng nên bằng sự cố gắng nỗ lực của các nghệ sĩ của chúng ta, họ đã làm nên sự thay đổi và đa dạng. Đồng thời, điều này cũng nhờ vào sự quan tâm của các tổ chức Trung ương và từng địa phương các tỉnh như Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, tổ chức Hội địa phương, UBND, Sở VHTTDL của các tỉnh. Điều đó, giúp chúng ta thu hẹp dần lại khoảng cách giữa các tỉnh, vùng miền và đã rất tự tin vào khả năng của các thế hệ họa sĩ đang tốt dần lên và trưởng thành hơn.

“Xét về tương quan chung cả nước, thì Mỹ thuật Tây Bắc - Việt Bắc đã có những dấu ấn rất riêng biệt và càng đậm nét bao nhiêu thì nền mỹ thuật lại càng phong phú và đa dạng hơn”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định. 

Bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu

Bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nêu rõ: “Chúng ta  nhìn nhận lại các bước phát triển của Mỹ thuật Khu vực III - Tây Bắc - Việt Bắc thông qua 17 tham luận được lựa chọn với nội dung các bài viết, nghiên cứu tình hình các hoạt động mỹ thuật trong nhiều năm qua; là những thành tựu,  bài học kinh nghiệm và những đề xuất cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, để trả lời ý kiến của các đại biểu nêu ra trong hội thảo về những đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động sáng tác của các họa sĩ, bà Mai Thị Ngọc Oanh cũng nêu rõ: “Những quy định đầu tư hỗ trợ sáng tác cũng như các giải thưởng phải được phân bổ cân đối theo số hội viên cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, không chỉ riêng ở một khu vực nào. Tuy nhiên, sắp tới Trung ương Hội cũng sẽ xem xét để tạo điều kiện tốt hơn cho các hoạt động sáng tác địa phương”. 

Các đại biểu tham quan trưng bày các tác phẩm ảnh trong Không gian hoạt động Mỹ thuật tại tỉnh Yên Bái

Với các tham luận được trình bày tại hội thảo, đã khẳng định một số vấn đề sau:

Thứ nhất, việc tổ chức Hội thảo tại Yên Bái khẳng định đây là một vị trí rất trung tâm và quan trọng đối với tình hình hoạt động sáng tác mỹ thuật ở khu vực Tây Bắc - Việt Bắc, cũng như đối với quốc gia.

Thứ hai, khẳng định sáng tác của các họa sĩ vùng Tây Bắc - Việt Bắc đã mang lại những dấu ấn rất đặc biệt với những kết quả tích cực, như đã thu hút được nhiều họa sĩ chuyên và không chuyên, tạo nên được môi trường sáng tác góp phần xây dựng nền mỹ thuật khu vực đậm bản sắc dân tộc, có được nhiều tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật cao, đạt giải thưởng lớn trong khu vực và toàn quốc. Các tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng với khá nhiều thể loại chất liệu như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh..., nhiều tác phẩm đã được bán với giá cao, từ đó cũng tạo được nhiều động lực thúc đẩy các họa sĩ vẽ và sáng tạo nhiều hơn.

Thứ ba, bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã nêu ra một số hạn chế tồn tại như: một số các  hoạt động chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí hạn hẹp, phụ thuộc vào cơ sở vật chất và sự lãnh đạo của địa phương, dẫn đến sự hạn chế về không gian, không đảm bảo ánh sáng về không gian trưng bày  tác phẩm,  chưa chú trọng đến công tác truyền thông, các buổi khai mạc thường thiếu vắng người xem…

Thứ tư, các ý kiến đã nêu lên những kiến nghị về sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa từ Hội Mỹ thuật Việt Nam;  Hội cần tư vấn cho Lãnh đạo địa phương như UBND các tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan cần chú ý quan tâm đến tính đặc thù của Mỹ thuật và đặc trưng của các tộc người trong Khu vực. Bên cạnh đó, việc tổ chức các trại sáng tác cũng cần được thường xuyên  và xây dựng  cơ chế giải thưởng phù hợp, để động viên kịp thời  các họa sĩ sáng tạo có tinh thần, động lực sáng tạo.

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

;