Những ngày đợi nắng (1) là một triển lãm ảnh đặc biệt bởi ở đây, có hai câu chuyện được kể cùng lúc: câu chuyện về cuốn sách của một bạn trẻ, trình bày khảo cứu ban đầu với rất nhiều suy nghĩ, liên tưởng về lịch sử của Lai Xá (Đan Phượng, Hà Nội) - làng nghề nhiếp ảnh hình thành từ cuối TK XIX ở vùng nông thôn miền Bắc; và câu chuyện về một hiệu ảnh đặc biệt, của làng nghề này. Hai câu chuyện ấy chứa đựng nhiều gợi mở về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam và những dấu vết của đời sống văn hóa Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao từ xã hội truyền thống phong kiến sang hiện đại tư bản.
Luminor Photo là một cửa hiệu nhiếp ảnh xa xỉ của người làng Lai Xá, một chuỗi gồm bốn cửa hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn và Sapa, với nhân viên lên đến hơn 100 người. Chủ tiệm là cụ Nguyễn Văn Chành, học nghề chụp ảnh từ tiệm ảnh của người họ hàng khi mới 13 tuổi (năm 1924). Luminor Photo đặc biệt bởi chất lượng ảnh và giá cả đều rất cao (2). Khách hàng chủ yếu của Luminor Photo là công chức, viên chức người Pháp làm việc ở Việt Nam hoặc một số gia đình người Việt giàu có. Ông chủ tiệm sử dụng tiếng Pháp như tiếng Việt, biết cách làm khách hàng hài lòng thông qua những cung cách kinh doanh văn minh và khả năng in tráng ảnh có một không hai thời đó: lập hợp đồng kinh tế với sự chứng kiến của luật sư sau khi làm thử một số ảnh và khách hàng hài lòng; dập dấu nổi của từng cửa hiệu Luminor để xác nhận uy tín và trách nhiệm; có thể in tráng ảnh tới cỡ 1mx2m; giấy in ảnh và mọi nguyên vật liệu khác đều nhập khẩu từ Pháp (3).
Với chuỗi 4 cửa hiệu và giá cả ở hàng xa xỉ như vậy, ông chủ Luminor Photo rất giàu có. Một trong những thú chơi của cụ Chành là đưa gia đình, họ hàng, bạn bè đi du ngoạn và chụp ảnh kỷ niệm. Khác hẳn với những bức ảnh trong phòng chụp, nơi mọi người được sắp xếp vị trí, dáng vẻ, ảnh chụp ở ngoài tự nhiên còn được con cháu trong gia đình cụ giữ lại cho thấy một đời sống vật chất dư dả nhưng nổi bật hơn cả là một sự tôn trọng dành cho nữ giới. Những người phụ nữ, thanh nữ vận áo dài, khăn vấn, nhuộm răng đen ngồi tạo dáng bên phông màn trong phòng chụp, hoặc tận hưởng các khoảnh khắc bên người thân trong những bữa tiệc sinh nhật, tiệc trà, bữa ăn sáng gia đình theo phong cách Pháp, ghé quán ven đường nghỉ chân và ăn vặt nhân một chuyến du ngoạn nào đó… Một không khí sống khá dân chủ được toát ra từ vị trí đứng và nét mặt của những nhân vật nữ, cho thấy phần nào sự thay đổi về nhận thức giới trong xã hội Việt Nam đương thời. Cụ Chành là một người yêu cái đẹp và cũng rất bén nhạy trong kinh doanh. Nhờ có quan hệ thân thiết với một vài viên quan trong chính phủ, cụ đã thực hiện được một chuyến đi xuyên Việt, từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sang tận Campuchia, để chụp ảnh các phong cảnh đẹp và từ đó sản xuất các tập bưu ảnh, bán cho người nước ngoài. Chuyến đi dài ba tháng và cụ chụp hết hai va li đầy các cuộn phim. Tiếc là đến nay, gia đình không còn lưu giữ được bất kỳ một bộ album nào thuộc chuyến đi có một không hai này (4).
Dù chỉ được trích ra từ cuốn album ảnh gia đình của cụ Nguyễn Văn Chành do con cháu cẩn thận gìn giữ nhưng 48 bức ảnh, được trưng bày trong triển lãm Những ngày đợi nắng, đã gợi mở nhiều điều về đời sống và tâm lý của một tầng lớp xã hội trong những năm 1930. Điểm độc đáo của triển lãm này là tuy chia các bức ảnh làm hai phần nội dung: phần ảnh chụp trong studio và ảnh dã ngoại, nhưng nhóm thực hiện triển lãm không hề cung cấp thêm bất cứ một chi tiết thông tin nào ở bên dưới mỗi bức ảnh hoặc ở từng phần trưng bày. Do đó, người xem mặc sức đoán định về mối liên quan giữa các bức ảnh này với cuốn sách Có một làng nghề nhiếp ảnh có thể là gì? Những nhân vật trong ảnh là ai? Tại sao nhân vật nữ kia lại được ngồi ở vị trí hàng đầu như vậy? Những nhân vật nam ăn vận bảnh bao, tóc cắt ngắn, vuốt sáp bóng là ai? Họ còn đi chơi Sapa, Tháp Chàm, uống cognac, tắm biển, đi ô tô riêng… Lại có cả ảnh tô màu, chụp một nhân vật nam ăn vận như người Mông và đang thổi khèn… Rất nhiều dòng chữ tiếng Pháp được ghi bên dưới góc ảnh nữa… Dấu hiệu đầu tiên rõ nhất là những mảnh dấu dập nổi Luminor, kèm địa điểm của cửa hiệu như Sapa, Lạng Sơn,… cho thấy ảnh ít nhất cũng do cửa hiệu này chụp.
Cụ Nguyễn Văn Chành (ngoài cùng bên phải) trước cửa một
tiệm Luminor Photo - Ảnh: Matca cung cấp
Nhóm thực hiện triển lãm dần dần bóc tách các lớp câu chuyện, hồi đáp lại phần nào những câu hỏi, thắc mắc của người xem thông qua một số chương trình tiếp theo dành riêng tại triển lãm như: buổi trò chuyện nghệ thuật, gặp gỡ với con trai của cụ Nguyễn Văn Chành, tận mắt ngắm nhìn cuốn album gia đình cỡ lớn, bìa bọc nhung thêu hình rồng, bên trong là các bức ảnh có viền răng cưa, đa số được in cỡ nhỏ, được sắp xếp có chủ ý và chất lượng ảnh hoàn toàn không thay đổi sau cả gần trăm năm. Đây là một minh chứng rõ ràng cho kỹ thuật buồng tối diệu nghệ của các nhân viên tiệm ảnh Luminor Photo cũng như ý thức làm việc chuyên nghiệp ngay từ buổi đầu của TK XX, của một bộ phận người Việt; họ đã tự cải thiện những thói quen trong bản tính của người nông dân Bắc Bộ như xuề xòa, chín bỏ làm mười, để thực sự trở thành những ông chủ thức thời và nhân viên chuyên nghiệp trong một ngành dịch vụ du nhập từ văn minh phương Tây.
Những câu chuyện cụ thể, chi tiết và rộng mở hơn về cách người gốc gác nông dân ở làng Lai Xá tiếp cận, mưu sinh và gìn giữ nghề nhiếp ảnh của làng mình, của gia đình mình và của chính mình được ghi lại trong cuốn sách của Hà Trang. Cuốn sách được giới thiệu ở ngay phần trưng bày đầu tiên trong triển lãm. Một số trang sách được in khổ lớn, nhưng có vẻ như không nhằm nói về chính cuốn sách mà nhấn mạnh thông điệp của cụ Nguyễn Văn Chành về nghề nhiếp ảnh “[…] là kinh doanh nghệ thuật, không phải làm dịch vụ đơn thuần” (5).
Bên cạnh nhân vật biết nhanh chóng nâng cấp dịch vụ của mình lên như một nghệ thuật xa xỉ là cụ Nguyễn Văn Chành, người Lai Xá đã mang theo nghề và nghiệp này tới Sài Gòn - TPHCM để không chỉ kiếm sống mà còn hơn thế nữa, là tiếp tục được thỏa mãn sự tò mò với những sự tiến bộ mới trong chính nghề nghiệp này, được dò tìm khả năng tiếp ứng với cái mới của bản thân. Có thể nhắc tới câu chuyện dài về tiệm ảnh Mỹ Lai của ông bà Nguyễn Đức Vượng và Nguyễn Thị Mỹ Loan. Họ gìn giữ công việc nhiếp ảnh có truyền thống hơn 80 năm của gia đình gốc Lai Xá nhưng cũng đã nhanh chóng cập thời với công nghệ kỹ thuật số, mạnh dạn đầu tư gần 60 nghìn USD trong những năm đầu thập niên 1990 để nhập dàn máy móc hiện đại, giữ nghề của gia đình theo một cách thức thời nhất có thể. Cho đến hôm nay, tiệm ảnh Mỹ Lai vẫn mở của hằng ngày, đón khách quen với cung cách phục vụ tận tình, khiêm cung, vui vẻ của ông bà.
Hà Trang đã chọn lựa một cách tinh tế những nhân vật nhằm đưa lại cái nhìn đa chiều về một làng nghề độc đáo như Lai Xá. Mỗi nhân vật có một lai lịch, một hoàn cảnh gắn bó riêng với truyền thống nghề nhiếp ảnh ở làng nhưng khi họ đã chọn làm thì tất cả đều tận tâm và dường như, do gắn bó lâu với những hình ảnh đẹp, những công việc làm đẹp cho một bức ảnh, một nhân vật trong ảnh, mà tư chất nghệ sĩ trong họ luôn được nuôi dưỡng. Cụ Đặng Tích, tuy là con rể làng Lai Xá nhưng không tiếc thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm thông tìn về làng, rồi nắn nót từng dòng chữ viết tay kể lại, tạo nên cuốn “tạp chí làng” có tiêu đề Đất - Người Lai Xá, phát hành hàng tháng. Cụ Tích viết tay từng trang, đóng quyển rồi đem bản gốc này đi sao in ra khoảng 50 bản, tặng cho người quan tâm. Bên cạnh đó là cụ Phạm Đăng Hưng, có dễ gắn bó với công việc chấm sửa ảnh tới cả nửa thế kỷ. Những sáng kiến trong việc pha màu, những tháng ngày kiên nhẫn, tỉ mẩn với từng li ti điểm màu trên ảnh, để nhìn nghiêng, nhìn thẳng đều mịn như không, đã giúp cụ luôn giữ được danh tiếng và uy tín trong nghề, nhất là từ những năm 1980, dịch vụ chụp ảnh nghệ thuật để in lịch, bìa báo, tạp chí nở rộ trong khi công nghệ kỹ thuật số vẫn chưa xuất hiện.
Nhiếp ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật - dịch vụ gắn liền với sự phát triển công nghệ. Ngày nay, với một chiếc điện thoại thông minh tích hợp nhiều tiện ích, ai cũng có thể trở thành một “nhiếp ảnh gia”. Với đa dạng những phần mềm và app chỉnh sửa ảnh được cập nhật liên tục, việc một ông thợ ngồi tỉ mẩn chế màu và điểm đầu bút lông li ti lên ảnh có thể được xem như hình ảnh quá vãng, không bao giờ lặp lại. Nhưng những điều thuộc về lịch sử lại mang tới đóng góp tích cực và nhân bản hơn bao giờ hết cho tinh thần của mỗi người hiện đại khi họ chiêm nghiệm về dòng chảy thời gian, về ý thức phát triển, ý thức sống mới ngay từ buổi đầu hiện đại của người xưa, để soi xét lại chính cách sống, cách làm nghề của người nay. Những câu hỏi lớn hơn về các kho dữ liệu hình ảnh, dữ liệu nghề nghiệp của nhiếp ảnh Việt Nam cũng rất nên được đặt ra từ một triển lãm tuy xinh xắn, khiêm tốn này, để thấy còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy cho một lịch sử nghề nghiệp song hành cùng vận mệnh dân tộc như nhiếp ảnh ở Việt Nam.
_____________
1. Triển lãm diễn ra tại không gian nhiếp ảnh Matca, số 48, phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, từ ngày 30-8 đến 7-10-2019. Triển lãm do hai curator (giảm tuyển, tạm dịch) Hà Đào và Linh Phạm thực hiện. Trong thời gian triển lãm, Matca tổ chức các chương trình trò chuyện về triển lãm và với tác giả cuốn sách Có một làng nghề nhiếp ảnh (Nxb Lao động, Hà Nội, 2019), vào ngày 1-9-2019, gặp gỡ với đại diện gia đình cụ Nguyễn Văn Chành, ngày 8-9- 2019.
2, 3, 4. Thông tin từ cuộc trò chuyện của ông Nguyễn Trường Vỹ, con trai của cụ Nguyễn Văn Chành, tại Không gian Matca, ngày 8-9-2019. Giá cho một bức ảnh thông thường thời đó là 3 đồng bạc Đông Dương, nhưng ở Luminor Photo, giá đó là 30 đồng.
5. Hà Trang, Có một làng nghề nhiếp ảnh, Nxb Lao động, Hà Nội, 2019, tr.35. Cuốn sách được xem như là tập 1 của chuỗi ấn phẩm tiêu đề Makét, xuất bản định kỳ, do Matca lên ý tưởng
Tác giả: Chi Mai
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019