Một số nhân tố tác động đến văn hóa pháp luật của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội

Văn hóa pháp luật (VHPL) của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam là tổng thể những giá trị tích cực, nhân đạo và tiến bộ trong ý thức pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Hiện nay, VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều nhân tố: toàn cầu hóa, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và yêu cầu của công tác bảo đảm hậu cần trong tình hình mới...

VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam là tổng thể những giá trị bản chất của người cán bộ trẻ tự nhận thức, tự thể hiện và được xã hội, quân đội thừa nhận về trình độ tri thức pháp luật, tình cảm thượng tôn pháp luật, hành vi pháp luật tự giác tích cực và lối sống theo pháp luật, năng lực tổ chức, quản lý, duy trì và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật của họ đối với quân nhân, đơn vị thuộc quyền ở các cơ quan, đơn vị hậu cần trong quân đội.

VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là nâng cao ý thức pháp luật, tri thức pháp luật nói chung, mà quan trọng hơn chính là biến nó thành hành vi đúng đắn của người sĩ quan trẻ, phù hợp với lợi ích của xã hội và đời sống pháp luật của tập thể cơ quan, đơn vị - nơi họ sinh hoạt, học tập và công tác. VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần không phải là bản thân pháp luật, mà là pháp luật có văn hóa; pháp luật tác động vào sĩ quan trẻ ngành Hậu cần như một sức mạnh có văn hóa, sức mạnh không phải chỉ dựa vào tính bắt buộc của các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, mà phải dựa vào sự cảm hóa, thức tỉnh lương tri, lay động tâm tư, tình cảm, thuyết phục, chinh phục, thu phục người sĩ quan trẻ trong đời sống và thực tiễn hoạt động theo nhiệm vụ, chức trách được giao.

VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam với tư cách là một bộ phận của ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội, chịu sự tác động của các yếu tố:

Tác động của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa là xu thế khách quan, tất yếu đối với mọi quốc gia, dân tộc, tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội, không chỉ trên lĩnh vực sản xuất vật chất, mà còn trên cả lĩnh vực tinh thần. Xu thế toàn cầu hóa làm cho các quốc gia xích lại gần nhau về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, vì lợi ích của nhau. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ ngoại giao, hợp tác toàn diện, sâu rộng với nhiều quốc gia để tranh thủ những thời cơ thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Hoạt động trưng bày sách, tạp chí của Thư viện Học viện Hậu cần

hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9-11

Hợp tác và hội nhập quốc tế toàn diện với các quốc gia, trong đó có lĩnh vực VHPL, tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ quan trẻ ngành Hậu cần có thể tiếp xúc, tiếp nhận, kế thừa những tinh hoa VHPL của các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự áp dụng những thành tựu đó một cách khoa học trong xây dựng quân đội, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao trình độ VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ quan trẻ ngành Hậu cần tự tiếp nhận, hấp thụ nhanh, nhiều, mọi lúc, mọi nơi những giá trị pháp luật để làm giàu vốn VHPL của mình. Song bên cạnh đó, toàn cầu hóa đã, đang và sẽ tạo ra những thách thức, tác động tiêu cực đến VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc mở cửa hội nhập, hợp tác toàn diện, nhưng không có sự kiểm soát sẽ làm cho những phản giá trị xâm nhập, lan truyền trong đời sống xã hội. Đặc biệt, sự lan truyền của những giá trị pháp luật ngoại lai không phù hợp với thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cũng như thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam có nguy cơ sẽ tác động không tốt tới một bộ phận không nhỏ sĩ quan trẻ ngành Hậu cần - những người trực tiếp cung cấp súng đạn, thuốc men và các nhu yếu phẩm cho bộ đội chiến đấu, có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Toàn cầu hóa rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội với nhiều hình thức mới ngày càng tinh vi. Từ đó làm cho sĩ quan trẻ ngành Hậu cần dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (1); sống buông thả, tự do, dân chủ quá trớn, coi thường kỷ cương pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, vi phạm chế độ, tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ.

Tác động của tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (2). Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; cơ cấu kinh tế đất nước chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức ổn định. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho quân đội ngày càng tăng. Theo đó, công tác hậu cần quân đội cũng có nhiều thời cơ và thuận lợi mới; ngân sách bảo đảm hậu cần năm sau tăng hơn năm trước, nhiều chương trình trọng điểm của ngành Hậu cần được thực hiện; cơ sở vật chất, trang bị hậu cần từng bước được cải tiến, đổi mới; điều kiện ăn, mặc, ở, sinh hoạt và làm việc của bộ đội được cải thiện rõ rệt. Những điều kiện thuận lợi trên làm cho mọi quân nhân, trong đó có sĩ quan trẻ ngành Hậu cần, trở nên năng động, tích cực, tự chủ và sáng tạo hơn trong mọi hoạt động trên từng cương vị công tác. Đất nước đổi mới và hội nhập, xã hội ổn định và phát triển, những giá trị pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng trở thành mực thước chung nhất để quản lý xã hội, định hướng, hướng dẫn hành động cho mọi thành viên của xã hội. Đồng thời, những giá trị đó được xã hội hóa sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để sĩ quan trẻ ngành Hậu cần chủ động, tích cực, tự giác tiếp nhận, hình thành và phát triển tri thức, tình cảm và hành vi VHPL của họ.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã tạo ra hệ giá trị pháp luật tiến bộ, nhân văn, tác động tích cực đến VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Các thiết chế pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, phát triển đã tác động tích cực đến việc lĩnh hội tri thức, hình thành niềm tin, tình cảm sâu sắc cho mọi công dân nước nhà, trong đó có sĩ quan trẻ ngành Hậu cần. Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bên tình cạnh những thành tựu to lớn, còn một số hạn chế đã tác động tiêu cực đến phát triển VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Tệ quan liêu, tham nhũng, tư tưởng bè phái, cục bộ, phai nhạt về lý lưởng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đã ảnh hưởng gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, hoạt động của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần trong “môi trường mở”, mở rộng các quan hệ vật chất với các thành phần kinh tế trong xã hội để tạo nguồn vật chất hậu cần cung cấp cho các đơn vị theo phương thức bảo đảm mới - tiền tệ hóa một phần gắn với thị trường, vì vậy, họ dễ bị tác động bởi những mặt trái của cơ chế thị trường. Đó là lối sống xa hoa, ngoại lai, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, luân thường, đạo lý, văn hóa và pháp luật Việt Nam.

Tác động của sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và yêu cầu của công tác bảo đảm hậu cần trong tình hình mới

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X chỉ rõ: “Đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật và Cảnh sát biển hiện đại” (3). Đó là phương hướng cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, tác động trực tiếp tới nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành vi pháp luật của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, việc nâng cao trình độ VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần trong quá trình bảo dưỡng, cải tiến và sử dụng có hiệu quả các trang bị kỹ thuật hiện có; quá trình nghiên cứu, tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật quân sự tiên tiến để tăng sự hiện đại về trang bị kỹ thuật ngành cho đồng bộ với vũ khí, trang bị chiến đấu của quân đội. Do vậy, đòi hỏi từ ý thức đến hành vi chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội của từng sĩ quan trẻ ngành Hậu cần phải tự giác, thành nhu cầu bức thiết. Hơn nữa, trong chiến đấu, công tác bảo đảm hậu cần, nhất là bảo đảm hậu cần ở những vùng khó khăn như biên giới, hải đảo..., mọi hành vi coi thường pháp luật, bất tuân kỷ luật, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tóm lại, trước sự tác động của các nhân tố này, VHPL của sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đang có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng xác lập những giá trị tích cực, nhân đạo, tiến bộ; đồng thời trở thành những công cụ quan trọng giúp các chủ thể có thể chọn lọc và tiếp nhận nhiều giá trị tinh hoa của nhân loại phục vụ cho công tác giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng VHPL cho mọi quân nhân, trong đó có sĩ quan trẻ ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

_______________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

3. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 837-NQ/ĐH, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Hà Nội, ngày 29- 9-2015.

Tác giả: Nguyễn Văn Ký

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;