Bản sắc văn hóa trong lễ cưới của đồng bào Tày

Trong đời sống của đồng bào Tày vùng đất Bảo Yên (Lào Cai), cưới hỏi là một trong những phong tục gắn liền với nét đẹp văn hóa truyền thống, là sự hội tụ những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Tày.

 

Lễ cưới của đồng bào Tày Bảo Yên từ xưa đến nay tuy ít nhiều có sự thay đổi nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng về các thủ tục, nghi lễ, cách thức tổ chức và giá trị nhân văn bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Yên, vùng nào có dân tộc Tày định cư sinh sống thì vùng đó có ý thức gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa cổ truyền trong lễ cưới. Tuy mỗi bản, mỗi vùng có những nét khác về phong tục trong cưới hỏi song đều có những nét chung, sự giao thoa văn hóa giữa các xã tạo nên sự đặc sắc trong lễ cưới của người Tày ở Bảo Yên.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi (bản Rịa, Nghĩa Đô, Bảo Yên) chia sẻ: “Với quan niệm nhân sinh sâu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của con người nơi đây, lễ cưới luôn được đồng bào Tày coi trọng, là một hoạt động văn hóa được người Tày tổ chức lớn nhất, quy mô nhất và mang đậm bản sắc văn hóa. Cưới hỏi luôn đi liền với khát vọng sinh sôi, nảy nở, sum vầy và phát triển của đồng bào Tày”.

Dựng vợ, gả chồng cho con cái là trách nhiệm của cha mẹ, là việc lớn trong gia đình nên việc cưới luôn được tổ chức chu đáo theo những nghi thức, phong tục đã in sâu trong đời sống của bản làng. Hôn nhân được tổ chức trang trọng, đúng phong tục, tập quán sẽ đem lại cho vợ chồng trẻ một tương lai tốt đẹp, may mắn, sinh con đẻ cái được khỏe mạnh.

Thủ tục hôn nhân của người Tày được tiến hành qua ba bước chính, bao gồm: dạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới. Từ ăn hỏi đến lễ cưới chính, người Tày tổ chức các thủ tục như: lễ hỏi, lễ dọc đường, lễ thách cưới. Lễ vật ăn hỏi thường có 2 gói trầu, 8 con gà, 40 lít rượu và 40 kg gạo nếp hoặc có nơi thì gồm 12 con gà thiến hoặc 1 con lợn trên 50 cân; ăn hỏi theo hình thức 2 lễ dồn một lễ, gồm 12 con gà và 1 con lợn trên 50 cân.

Người đại diện thay mặt nhà trai đến nhà gái ăn hỏi phải là người có uy tín, không góa vợ. Người đại diện sẽ thay mặt nhà trai đặt vấn đề với nhà gái về chuyện hôn nhân của đôi trẻ, trao lễ ăn hỏi cho nhà gái và bàn những thủ tục, nghi lễ tiếp theo để tiến tới hôn nhân. Lễ ăn hỏi được tổ chức vào buổi sáng, ngày đẹp với sự tham gia của nhiều người trong gia đình, dòng họ.

Thiếu nữ Tày biểu diễn hát then trong ngoại khóa về phong tục văn hóa địa phương

 

Lễ cưới chính là lễ được hai bên nhà trai, nhà gái tổ chức lớn nhất sau khi đã tiến hành các thủ tục ăn hỏi, xin cưới và chuẩn bị những điều kiện nhất định. Bà con chọn ngày lành, tháng tốt, mời anh em trong dòng họ, dân bản đến dự đám cưới của con mình.

Dân làng, anh em không chỉ đến dự mà còn tham gia góp sức cùng gia đình tổ chức lễ cưới cho trang trọng và tốt đẹp. Ngoài không gian nhà sàn là nơi diễn ra các nghi thức cổ truyền, người Tày trong các bản còn tận dụng không gian phía dưới sàn để làm nơi kê bàn ghế, trang trí và tổ chức ăn uống.

Thời gian tổ chức lễ cưới của người Tày Bảo Yên thường là hai ngày, gồm ngày dẫn cưới (đưa lễ) và ngày đón dâu. Các lễ vật thường được gánh; lợn, gà cho lên xe cải tiến đẩy đi.

Khi xin dâu, trưởng đoàn nhà trai nâng đĩa gồm 8 chén rượu, phát biểu xin dâu nhà gái, đại diện nhà gái phát biểu đồng ý và cô dâu được chú rể đón về. Khi về nhà chồng, cô dâu thường mang theo một đôi hòm bằng gỗ để dựng quần áo, tư trang, một đôi gối do cô dâu tự thêu, chăn màn, chiếu, đệm...

Trong lễ cưới, cô dâu thường mặc trang phục áo dài, váy đen của dân tộc Tày, đeo vòng cổ, vòng tay bạc, đầu vấn khăn đội nón. Chú rể mặc áo Tày đen, đội nón hoặc mũ dạ. Khi về đến nhà trai, chú rể và cô dâu làm nghi lễ cúng tổ tiên theo hướng dẫn của người chủ gia đình, ra mắt họ hàng.

Tại lễ cưới của người Tày Bảo Yên, các làn điệu hát then, hát khắp Tày về chủ đề tình yêu, hôn nhân được đồng bào diễn xướng trong không gian nhà sàn. Ở nhiều xã trên địa bàn huyện Bảo Yên, các gia đình Tày sau khi đã đón dâu về, tổ chức mời họ hàng, dân bản ăn cỗ thì thường tổ chức giao lưu thanh niên vào buổi tối để các bạn trẻ trong bản cùng nhau chúc hạnh phúc, trao tặng đôi vợ chồng trẻ những món quà và trình diễn các tiết mục văn nghệ. Hôm sau là lễ lại mặt tại nhà gái được tổ chức với sự góp mặt của đại diện hai bên gia đình.

Ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: “Lễ cưới là một trong những hoạt động văn hóa cổ truyền của đồng bào Tày Bảo Yên, đến nay vẫn còn giữ được bản sắc và vẹn nguyên những quan niệm nhân sinh của đồng bào nơi đây”.

Lễ cưới của đồng bào Tày ở Bảo Yên là sự kiện lớn trong cuộc đời mỗi con người, đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai, cô gái trong gia đình, thể hiện sự chăm lo của cha mẹ đối với con cái. Đây là nét đẹp văn hóa hội tụ, giao thoa những phong tục, tập quán, quan hệ ứng xử trong cộng đồng. 

Nhà sàn, nơi lưu giữ phong tục cưới cổ truyền của đồng bào Tày Bảo Yên

 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;