Tục nướng cá tế thần làng Đình Tổ

 

Theo phong tục địa phương, từ bao đời nay, cứ vào ngày 12 tháng 8 âm lịch hằng năm, nhân dân khắp nơi không hẹn mà về, nô nức cùng nhau tham dự lễ hội làng Đình Tổ để được xem các nghi lễ rước "cá lễ vật", tế lễ công đồng và đặc biệt là được cùng nhân dân làng Đình Tổ chung tay thực hiện lễ thức "nướng cá tế thần" - một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc mang tính cộng đồng và đã được bao thế hệ dân làng Đình Tổ trao truyền, gìn giữ.

Cũng theo các bậc cao niên trong làng kể lại, huyền tích "nướng cá tế thần" ở làng Đình Tổ (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh): có từ lâu đời, gắn liền với câu chuyện mang tính huyền thoại về Lê Văn Thịnh - vị Trạng nguyên khai khoa (người làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Đương thời, Lê Văn Thịnh vốn là người học rộng tài cao, năm 25 tuổi, ông dự khoa thi Minh Kinh bác học (1075) - khoa thi đầu tiên được triều đình nhà Lý tổ chức, mở đầu cho nền học vấn khoa bảng phong kiến Việt Nam, đỗ đầu. Mặc dù khi ấy chưa có danh vị Trạng nguyên nhưng Lê Văn Thịnh vẫn được coi là vị Trạng nguyên khai khoa và được triều đình đương thời bổ nhiệm ngay chức quan Tả thị lang, trực tiếp là thầy dạy vua Lý Nhân Tông trong suốt mười năm. Đặc biệt, ông có nhiều công lao to lớn trong việc bang giao đòi lại đất do Trung Quốc chiếm, chấp nhận trả lại nước ta. Về sau, do những biến cố thị phi chốn quan trường, ông gặp nạn và mang trọng tội mưu phản giết vua trong vụ án hồ Dâm Đàm huyền bí (Hồ Tây - Hà Nội ngày nay). Nhờ công lao của ông với Vua Lý Nhân Tông và triều đình nhà Lý, tuy đã thoát án tử nhưng ông vẫn bị đi đày ở miền rừng núi đầu nguồn Thao Giang (Sông Thao - Phú Thọ ngày nay), một nơi mà dân gian đã từng nhắc đến: “ Sông Thao nước đục bờ nông/ Ai lên tới đó thì không đường về ". Khoảng ba năm sau, Lê Văn Thịnh được ân xá, trên đường về cách quê nhà chừng mươi cây số, do sức khoẻ suy kiệt ông đã dừng chân tại bến sông, gần chợ Điềng (nay là xóm sông, làng Đình Tổ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Vào khoảng gần trưa, trời tháng Tám nắng rát, một người dân thuyền chài đi qua trông thấy một cụ già gầy yếu đang gục ngã bên đường vào chợ, liền đến hỏi han, cho húp một bát cháo và còn hỏi thêm: "Cụ là người ở đâu, muốn ăn gì nữa không?” Cụ trả lời là thèm ăn một con cá nướng, sau đó cụ già cảm ơn sự giúp đỡ của người dân và lại tiếp tục lên đường trở về quê. Khoảng quá chiều, dân làng thấy ông già ấy nằm chết trên bờ đầm sen cách chợ một quãng xa. Khi ấy vào dịp cuối mùa sen, những cọng lá sen già nua gẫy gục xuống nước nhìn cảnh tượng càng thêm tiêu điều, tàn lụi. Người chết không có tài sản, chỉ duy nhất đeo bên thân một ống quyển, dân địa phương lấy cái thuyền nan cũ của chủ đầm sen úp lên xác ông lão rồi báo quan trên. Hôm sau, quan về kiểm tra, dân làng đưa ra xem xét thực hư, nhưng đến nơi mối đã đùn đất đắp kín cả thuyền cùng xác chết, họ đều ngạc nhiên, kinh sợ cho đây là điềm lạ. Ông quan đọc mấy tờ giấy trong ống quyển, giật mình biết người chết chính là vị Thái sư Lê Văn Thịnh, liền lệnh cho dân địa phương không di chuyển mộ ra chỗ khác mà để nguyên hiện trạng, cho đắp thêm đất to lên, quanh năm hương khói và phụng thờ là thành hoàng làng. Cũng từ đó ngôi đình của cư dân vạn chài chợ làng Điềng - xóm Sông đổi thành đình làng Đình Tổ, tức là ngôi đình thờ vị tổ của nền khoa bảng nước Nam và làng Điềng cũng đổi tên thành làng Đình Tổ từ đấy.

Để tưởng nhớ đến bậc tiền nhân - vị Trạng nguyên khai khoa/ Thái sư Lê Văn Thịnh và dựa vào câu chuyện huyền tích xưa về ông, hằng năm, cứ vào dịp lễ hội làng Đình Tổ (ngày 12 tháng 8 âm lịch, cũng là ngày mất của ông) dân làng lại tổ chức đình đám và thực hiện nghi thức "nướng cá tế thần", nấu cháo dâng cúng thành hoàng làng và ông bà tổ tiên cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an... Việc chuẩn bị món cá nướng - lễ vật dâng cúng thành hoàng làng trong ngày hội làng được tiến hành, như sau: Làng Đình Tổ có 4 xóm, gồm: Xóm Nghè, xóm Đình, xóm Chùa và xóm Sông. Mỗi  xóm tiến cử một đội gồm 3 người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, ai tuổi cao sẽ là đội trưởng. Việc đầu tiên là phải lựa chọn đủ 3 con cá mè to, mình dài vừa khít cái lá dong (còn gọi là mè lá dong), thường mỗi con nặng khoảng 3 - 4 cân. Gia đình người nào được đội mình giao nuôi cá thường phải chuẩn bị từ đầu năm và coi đó là phúc lớn, là niềm vinh dự cho cả gia đình, dòng họ. Đến ngày 6 tháng 8 âm lịch, cá được bắt lên, mổ moi và không chặt đuôi, để nguyên vây, vẩy, bụng cá được nhồi đặc lá chuối khô. Trước khi nướng cá, gia chủ cho đào ba hố nhỏ giữa nền nhà, dùng ống tre tươi tách đôi xuyên qua hai mang xuống bụng cá rồi cắm phía đầu xuống hố đất, sau đó dùng cành cây duối khô hoặc loại cây gỗ thơm đốt lấy than cho xuống hố đất (chuẩn bị sẵn giữa nhà) tạo hơi nóng để nướng cá cho đến khi chín bằng than củi nhưng đảm bảo vàng đều, không bị cháy. Sau khi cá nướng xong, dùng chiếc bồ cót mới mua treo ngược lên xà nhà để cất giữ cá. Trong thời gian chờ ngày hội thi, gia chủ mổ 3 con lợn cọc thết đãi gia đình anh em trong đội và đại diện các gia đình trong xóm cùng vui chung. Sáng ngày 11/8 âm lịch, cá được đưa lên kiệu, miệng ngậm một bông hoa dâm bụt, chờ các bậc cao niên cùng trai tráng trong làng mang cờ lệnh vào rước cá ra đình làng dự hội thi "cá lễ vật" và thực hiện nghi thức tế lễ. Đoàn rước cá đi đến đâu, dân làng đi theo đến đấy, cùng hân hoan nghênh đón, đưa kiệu rước đến sân đình. Trưa ngày 12/8 âm lịch, sau khi tổ chức dự thi "cá lễ vật" và dâng lễ tế thánh, ban khánh tiết lễ hội tổ chức đoàn rước cá, gồm 4 kiệu (long đình) đi giữa; ngựa trắng, kiệu bát cống, cờ thần, đồ tế khí, phường bát âm, trống chiêng, tù và đi trước, dân làng đi theo sau, tiếp tục hành trình rước từ đình ra nghè, dừng lại tại bãi đất phía trước nghè để tế "Mộc dục" rồi lại rước về đình trước khi kết thúc. Sáng ngày 13/8 âm lịch, người dân trong làng và khách thập phương lại cờ hoa, náo nức lên dốc đê đầu làng chờ đón đoàn rước kiệu long đình từ Lệ Chi (Gia Lâm - Hà Nội) - một làng kết chạ với Đình Tổ sang cùng thực hiện nghi thức lễ thành hoàng, tế lễ công đồng và chung vui ngày hội.

Tục thi "nướng cá tế thần" và nghi thức dâng "cá lễ vật" trong ngày hội làng - nét đẹp văn hóa dân gian tại lễ hội làng Điềng (Đình Tổ) đã được trao truyền qua nhiều thế hệ và thành lệ tục truyền thống riêng có ở nơi này. Hiện nay, cụm di tích, gồm: Đình, nghè, chùa và lăng mộ Thái sư Lê Văn Thịnh của làng Điềng xưa, Đình Tổ đã được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001. Trong đình làng, vẫn lưu giữ được hai bức hoành phi cổ, có nội dung: "Khai quốc Trạng nguyên" và "Tiền triều lương sứ", nhân dân địa phương đã luôn làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng của di tích. Ba năm trước, với sự đóng góp công sức, tiền của của nhân dân địa phương, sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh Bắc Ninh, BQL di tích làng Đình Tổ đã tiến hành một đợt đại trùng tu gồm: Đình, nghè, chùa và lăng mộ của Thái sư Lê Văn Thịnh. Đến nay, mỗi lần tới thăm quan và làm lễ thành hoàng làng, chúng tôi đều nhận thấy khu di tích ngày một khang trang tố hảo, xứng tầm là nơi thờ cúng và ghi nhớ công đức của vị Trạng nguyên khai khoa, vị Thái sư đầu triều - triều đại nhà Lý, triều đại mở ra kỷ nguyên Đại Việt trong lịch sử dân tộc.

Lăng mộ Thái sư Lê Văn Thịnh tại Đình Tổ-Thuận Thành

 

NHO THUẬN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;